lki
Có ai về đến Vĩnh Long
Cho tôi nhắn gởi đôi dòng nhớ thương!
Nhớ Long Hồ, nắng hai sương
Nhớ thuyền đủng đỉnh ngược đường Cổ Chiên...
(Thượng Toạ Giác Huệ)
Con đường vạn dặm, quốc lộ 1A đến đây rẽ làm hai - ngã phải về Sa Đéc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Mộc Hoá. Ngã trái rẽ về quê tôi; vùng đất Vãng thênh thang ngày xưa cũ.
Phía sau lưng tôi là con sông Tiền Giang lặng lẽ uốn khúc bên dưới gầm cầu Mỹ Thuận cao vòi vọi. Người dân Vĩnh Long và cả nước đã hãnh diện về công trình kiến trúc đồ sộ này. Đây là một trong các chiếc cầu treo lớn nhất Đông Nam Á, do Úc Đại Lợi và Việt Nam hợp tác xây cất trong hai năm trời.
Xe chạy loang loáng qua các hàng dây cáp to lớn sơn màu da trời nhạt. Tôi thấy có nhiều người đi bộ dọc theo thành cầu. Họ là những khách nhàn du hóng mát, và cả những người bán dạo từ đó nhìn xuống mặt nước thấy ghe xuồng bé nhỏ chạy ngang.
Qua khỏi cầu, có chút gì đó bồi hồi khiến tôi ngoái nhìn lại. Trên mặt nước, lác đác trôi những đám lục bình trông buồn bã. Mặt sông im lắng, đây đó những chiếc thuyền, ghe lặng lẽ xuôi giòng. Tôi nhận ra nỗi bồi hồi vừa thoáng qua - những con phà Mỹ Thuận năm xưa nay đã vắng bóng. Không còn nữa cảnh náo nhiệt của hai bờ sông ngày trước. Đã mất hút vào cõi xa xăm, cảnh hàng đoàn xe đò, xe vận tải, và khách bộ hành lũ lượt lên phà, hay xuống bến. Bến xưa im lìm, những hàng quán bỏ hoang, mái vách tơi tả theo nắng gió thời gian.
Trong ký ức ôi vẫn còn vang rõ những tiếng chào hàng inh ỏi, của đám người bán dạo ào ạt vây quanh những chuyến xe vừa dừng lại, chờ tới phiên qua phà. Trong làn không khí nóng bức buổi trưa quyện lẫn mùi khói nướng thịt nồng nàn, của các quán cơm dọc theo con lộ trên bến. Bắc Mỹ Thuận thuở trước vang danh với các loại chim võ vẽ được ướp sả, muối, ngũ vị hương, rồi nướng trong các chiếc vĩ kẹp trên bếp than đỏ rực, ngay trước hàng ba quán. Khách về từ Sài Gòn, dằn bụng chút nem chua ở ngã ba Trung Lương - đường rẽ vào Mỹ Tho. Đến khi xe dừng lại chờ phà ở Mỹ Thuận thì bụng đã đói mèm, bèn vào quán gọi một dĩa cơm gà rô-ti, hay món chim nướng vàng rượm, còn nóng hổi vừa gỡ ra từ vĩ. Thêm một chai bia 33 nữa là nhất hạng, hay các bà các cô thì một ly nước mía còn vun tràn bọt, gọi từ chiếc xe ép mía ngay trước cửa.
Lúc trước làm việc ở Sài Gòn, tôi thường về thăm nhà hàng tuần. Con bắc Mỹ Thuận đã vô cùng quen thuộc với chàng thanh niên trẻ, cỡi chiếc Honda 67 màu đỏ gấc, mặt quấn khăn tay che bụi, đeo cặp kính râm to bảng. Người ấy là hình ảnh của tôi gần bốn mươi năm về trước...
Ngọn gió lồng lộng thổi tốc vào cửa sổ xe, khiến tôi như sực tỉnh khỏi các hình ảnh về bến phà ngày xưa. Xe đã ra khỏi giao lộ nối với cầu Mỹ Thuận, và đang vùn vụt chạy về hướng Vĩnh Long. Tôi ngỡ ngàng nhận thấy cảnh vật chung quanh thấy vô cùng xa lạ. Đâu còn cảnh ruộng vườn xanh ngát dọc hai bên con lộ. Đâu rồi các thửa mạ mượt non, và các con trâu nằm nhơi cỏ bên dưới các rặng tre. Từ cầu Mỹ Thuận về Vĩnh Long, đoạn đường dài bảy cây số. Ngày xưa nơi đây trống trải, hai bên đường là những cánh đồng kéo dài dến các bìa vườn xa xa. Bây giờ hai bên toàn là nhà cất ra tận đến mé lộ. Nạn nhân mãn đã biến các thửa vườn thênh thang, mát mẻ ngày nào trở thành các xóm nhà thấp cao đủ loại. Có những ngôi biệt thự, tường vôi trắng xoá với mái ngói đỏ au, chen chút kề bên căn nhà lá lụp xụp. Tôi cảm tưởng đó là những bức tranh lập dị, đủ những tảng khối màu, tương phản, nằm chồng chất lên nhau.
Những chiếc xe gắn máy chạy vùn vụt trên đường. Họ uốn lách, vọt lên rẽ xuống khiến tôi thấy chóng mặt. Có những chiếc Honda chạy thản nhiên giữa trung tâm con lộ, mặc cho người tài xế xe hơi nhấn còi inh ỏi. Cái âm thanh hỗn độn của còi xe, máy nổ, khói mù không phút nào ngơi trên suốt con đường chiếc xe chở tôi chạy qua.
Đến một chiếc cầu đúc, mà bảng tên trước dốc cầu đề "Cái Côn" khiến tôi chợt nhận ra đây là ngôi chợ Trường An ngày xưa, nhờ vào hàng chữ kẻ trên mặt tiền nhà lồng chợ. Chợ thật náo nhiệt kẻ bán người mua tấp nập, vì đây là giao điểm của con kinh chạy ra từ những xã Tân Hạnh, Phú Quới hay An Phú Thuận, sâu xa trong thôn quê.
Ngôi chợ này đã được đưa vào thi ca qua vở tuồng cải lương "Ông Cò Quận Chín" do đệ nhất danh ca vọng cổ Út Trà Ôn thủ vai chính khi xưa. Câu chuyện kể người vợ chung thủy bơi xuồng đưa chồng qua sông cái, để lên Sài Gòn làm ăn. Và chinh chiến xảy ra đã chia cách hai kẻ yêu nhau mãi mãi. Cho đến khi gặp lại, thì tóc đã pha sương muối thời gian. Hai người con nhỏ tên là Lê Thị Trường An, và Lê Long Hồ đã gặp lại cha mình trong một hoàn cảnh trái ngang đầy nước mắt...
Xe qua khỏi Trường An, chạy một đoạn nữa thì đến cầu Cái Cam. Tôi nhận ra con kinh này, vì gần cầu vẫn còn ngôi nhà máy xay lúa đồ sộ khi xưa. Tôi nhìn thấy dưới bến sông trước nhà máy, ghe xuồng đậu san sát của những người đi chà gạo. Nơi đây cảnh vật không thay đổi mấy. Vẫn các hàng cây um tùm mọc hai bên bờ, vẫn con lộ đá nhỏ chạy len lỏi theo bờ sông.
Xe vẫn vùn vụt chạy qua khỏi cầu. Tôi tiếc rẻ phải chi được dừng lại để đi xuống thăm lại bến sông cũ. Biết đâu gặp lại cô bạn học nhỏ năm xưa, sống với cha mẹ trong ngôi nhà ngói đỏ nơi khúc quanh của con kinh đổ ra vàm sông cái Tiền Giang. Những đêm trăng sáng ngày xưa, tôi hay đến chơi. Cùng cô bạn gái đi bộ ra bờ sông cái, nhìn trăng rọi bóng rừng rực xuống mặt nước mênh mông. Trong gió sông lồng lộng thổi mát, dưới ánh sáng mơ màng, tóc cô gái bay bay như trong các truyện liêu trai.
Một tượng đài Đức Mẹ đứng dang tay bác ái thật cao, giữa những hàng bạch đàn và dương liễu nằm dọc theo bên trái con lộ. Tôi nhận ra đây là trung tâm Đức Mẹ Fatima. Ngày trước trong những dịp lễ hội, tín đồ Công giáo các nơi về đây hành hương thật đông đúc. Xe chạy ngang phi trường quân sự ngày xưa, giờ chỉ còn dấu vết qua con đường thẳng tắp chạy từ cổng vào nội khu. Đây là căn cứ phi đoàn trực thăng võ trang, yểm trợ của hải quân Hoa Kỳ trước năm bảy mươi lăm trú đóng. Tôi nhớ mỗi buổi chiều đi ngang đây đều thấy cảnh hàng trăm nhân viên dân sự Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, đang xếp hàng dài chờ ra cổng..
Thương cảng Vĩnh Long vẫn còn, chắc đã được kiến thiết thêm vì tôi thấy nhiều cần trục nhô cao. Đoạn đường này ngày xưa rất đẹp. Hai bên là những rặng thùy dương xanh, và một ngôi nhà nguyện Tin Lành nằm sau con đường lát gạch đỏ. Tôi nhìn thấy bờ sông cái rì rào gió thổi. Sóng lăng tăng vỗ vào bờ đá xây dọc thương cảng. Lên một dốc cao của cầu Tân Bình là đã vào nội vi Vĩnh Long.
Lòng tôi bồi hồi khi nhìn thấy lại bùng binh Phan Thanh Giản. Nơi đây xe chạy vòng tròn quanh một bồn trồng cỏ và hoa trước khi xuôi theo hướng về Cần Thơ hay trở lên Sài Gòn. Phố đã vào đêm, những cột đèn dọc theo con đường Lê Thái Tổ bật sáng. Con đường mang đầy kỷ niệm của gia đình tôi.
Vĩnh Long được thành lập từ những năm 1732. Nhóm người đầu tiên đến khai phá vùng đất hoang vu này là các người Việt Nam từ đàng ngoài vào đây khai hoang lập ấp theo chính sách của triều đình nhà Nguyễn. Cộng thêm các nhóm người Minh Hương đã bỏ đi từ bên Trung Hoa, sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ.
Khi ấy vùng đất trù phú nằm giữa châu thổ Cửu Long này còn bị vua Chân Lạp cho là một phần lãnh thổ của mình, nên hay bị thổ dân Miên cướp phá, gây rối. Chúa Nguyễn Phúc Chu phải ra lệnh cho tướng Trương Vĩnh Phúc mang quân triều đình vào trấn áp. Sau những cuộc đánh nhau, vua Cao Miên là Nặc Tha phải thần phục và nạp hai vùng Mỹ Tho (tên Miên là Nặc Tha) và đất Long Hồ (sau này là Vĩnh Long) cho triều đình nhà Nguyễn.
Tôi còn nhớ gần trung tâm thị xã có một gò đất cao như một quả đồi nhỏ. Trên đó mọc những cây gừa, cây đa cổ thụ với rễ nhánh đầy rong rêu. Dưới các cội gừa là một chiếc cổ miếu to. Chắc lâu rồi, di tích này đã bỏ hoang không người chăm sóc. Trên bàn thờ trong miếu, chiếc lư nhang còn đó nhưng không có tượng thờ. Khắp miếu nhện giăng tơ đầy, nhiều mảnh ngói đã rơi rớt mất.. Không biết tại sao dân quanh vùng gọi di tích này là miếu Bảy Bà. Tương truyền ngày xưa, nơi đây là một góc của thành Long Hồ.
Những ngày còn ở trung học, các buổi sáng lạnh lẽo tôi và vài người bạn đạp xe đi học sớm. Ngang gò đất này, chúng tôi dựng xe dưới chân đồi, rồi theo nhau leo lên gò. Ngồi trên các rễ gừa nổi vòng trên mặt đất, có thể nhìn được các ngõ đường chung quanh bên dưới. Chúng tôi tập tành hút thuốc lá như người lớn. Đâu biết rằng chiến tranh đã gần kề, những ngày bút nghiên đến lớp sẽ không còn bao lâu.
Con lộ Lê Thái Tổ hình như hẹp hơn hình ảnh tôi nhớ trong ký ức. Các ngôi nhà lầu đúc hai bên đường hầu như đều mang một màu xám mệt mỏi, và loang lổ với thời gian. Ngã ba Nguyễn Viết Cảnh rẽ trái đi xuống cầu Cái Cá. Nơi đây có nhiều hàng me rắc lá bay bay theo gió. Cầu bắt ngang nhánh kinh trổ vào từ sông Cổ Chiên và chạy dài ngang cầu Lộ, cạnh biệt thự Tổng Giám Mục. Con đường này không dài lắm, chỉ đến ngôi nhà thờ và trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ thì chấm dứt tại bờ sông cái. Đây là một thánh đường đẹp với lối kiến trúc Pháp. Tháp chuông cao, đứng soi bóng cạnh bờ sông Cổ Chiên bát ngát gió lộng.
Những đêm đi trực theo toán Nhân Dân Tự Vệ trong phường, chúng tôi ngủ dưới mái hiên của ngôi trường Trung Học nằm kề bên thánh đường. Đến khuya đói bụng, toán bèn tổ chức câu cá dưới bờ sông. Chúng tôi hay câu được những con cá ngát to, lóng lánh ánh bạc dưới trăng đêm. Thêm vài nhánh bạc hà, chút muối và chùm me hái từ cây trước sân trường. Toán Nhân Dân Tự Vệ đã có một nồi canh chua to tướng bốc khói. Chúng tôi quay quần ngồi húp canh nóng, và cùng thức đêm để canh gác với nhau.
Tôi cũng nhớ một mái tóc dài, đen huyền thả xuôi trên vai áo dài trắng. Mỗi ngày nàng ôm cặp sách trước ngực, đi bộ đến trường học. Tôi khi ấy đã là một quân nhân vừa ra trường, thường chạy xe theo sau một khoảng để ngắm cái dáng thon với những những bước khoan thai. Thỉnh thoảng nàng đưa bàn tay nhỏ nhắn ra gỡ những chiếc lá me vừa theo gió cài lên tóc. Ôi, thuở ấy sao tôi quá nhút nhát, không dám đến nhìn vào mắt nàng, và nói đôi câu làm quen. Dù rằng nhà nàng chỉ cách nhà tôi một con đường, và đi vào một hẻm nhỏ. Bây giờ thì cái dáng khoan thai ấy không biết đã tất bật, hay phải vật vã với đời nghiệt ngã...
Sông Cổ Chiên là một nhánh của Tiền Giang chia hai bởi cù lao An Bình. Dọc theo hai bờ sông là các lò gạch, nhìn xa xa giống như các tháp Chàm với màu gạch nâu đỏ, và lò hầm cao nóc tròn. Sông Cổ Chiên chảy xuôi xuống Trà Vinh rồi đổ ra hai cửa bể Cổ Chiên và Cung Hầu.
Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh và quân Xiêm phải dùng thuyền chạy trốn xuống miền Tây. Khi đoàn thuyền đến giòng sông này bị thủy quân của Tây Sơn đuổi theo gần phía sau, quan quân của Nguyễn Ánh phải quăng bỏ đồ vật, trống và chiêng lệnh xuống sông cho thuyền được nhẹ hơn, dễ bề chèo chống (Cổ là trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nhân dân địa phương gọi sông Cổ Chiên. Còn tên gọi đất Vãng, thi theo người xưa đó là cách kỵ huý. Họ muốn tránh gọi tên tộc “Vĩnh” của dòng họ vua Nguyễn thời ấy.
Một lần về quê, tôi theo các người em đi ghe máy xuống thăm bà mợ ở Vũng Liêm. Lúc buổi sáng đi thì xuống ghe ở bờ Kinh Phú Quới (Bà Lang) cạnh nhà đứa em trai tôi. Ghe theo các giòng sông len lỏi giữa những cánh đồng xanh lúa, hay ngang các ngôi chợ quận, xã. Tôi thích thú ngồi trước mũi ghe, đong đưa chân trần đón giòng nước mát lạnh chạy ngược lại. Thôn xóm hai bên bờ đông đúc. Những hàng dừa cao ngất ngưởng theo gió thổi. Các gốc bần sum sê, đưa tàng ra che khuất một phần sông. Thỉnh thoảng những đám cò trắng dang đôi cánh lặng lờ đáp xuống các ngọn mù u, đang trổ hoa trắng muốt, hương thơm dìu dịu bay thoảng theo bờ.
Xế trưa ghe đến nhà mợ tôi. Một ngôi nhà lá đơn sơ nằm cạnh con kinh nhỏ rẽ vào ruộng đồng xa xa. Chúng tôi vào nhà thăm mợ, và ăn buổi cơm với gà xé phay trộn bắp chuối ngon lành. Những ly rượu đế chuyền tay quanh bàn khiến tôi thấy lâng lâng sau bữa ăn. Tôi lẩn thẩn một mình đi ra nằm lên chiếc võng ai cột sẵn, đong đưa giữa những thân tre già mọc cạnh bến nước. Gió trưa thổi hiu hiu mát, tôi nằm mơ màng nhìn chiếc xuồng chài đang bập bềnh thả trôi theo nước. Một người đàn ông da sạm nắng, đứng trước mũi xuồng đang quăng chài xuống sông. Sau vài phút, ông lại chậm rãi kéo lên; trong mẻ lưới một ít cá nhỏ đang vẫy vùng...
Đến chiều chúng tôi xuống ghe trở về, và lần nay theo ngã sông Cổ Chiên. Mặt trời đang xuống thấp trên các cánh đồng xa xa. Những đàn chim về tổ, chúng bay theo nhau và tạo thành hình chữ "V" trên nền trời chiều. Cùng lúc ấy, trên các ngọn bần, ngọn mù u mọc ven sông, tiếng chim kêu nhau xao xác. Có lẽ chúng đang kể lại những gì đã trải qua, sau một ngày săn mồi mệt mỏi.
Ghe về tới vàm sông Cổ Chiển gần đầu cù lao An Bình. Nơi đây giòng sông rộng ra, bát ngát gió lộng. Tôi ngồi trên mui ghe ngắm mặt nước rừng rực màu tím đỏ của hoàng hôn. Cả giòng sông như trộn lẫn với mây hồng. Sóng lượn lờ xô đẩy màu trời ngả dần sang tím. Tôi ngây người ngắm cảnh đất trời tuyệt vời đó của quê hương...
Vĩnh Long có nhiều cầu quanh thành phố. Ngày mai tôi sẽ xuống nhìn lại cầu Thiềng Đức, bắc qua sông Long Mỹ. Ngày xưa đây là một cây cầu sắt, và mặt cầu lót ván dầu. Mỗi khi có xe chạy ngang, ván kêu lên rầm rập như những lời than van của chiếc cầu cũ kỹ hơn nửa thế kỷ. Cầu rất cao tính từ mặt nước. Thế mà lúc còn học Tiểu Học, có lần tôi và lũ bạn đã thách thức nhau, cởi trần mặc chiếc quần cọc ngắn cùng nhảy từ cầu xuống sông để lội vào bờ. Cái cảm giác ruột gan hụt hẫng trong tình trạng vô trọng lượng, khi rơi từ trên cao xuống khiến bọn trẻ chúng tôi đam mê trò chơi này. Từ cầu Thiềng Đức con đường sẽ chạy xuống Cái Sơn Lớn và Cái Sơn Bé. Những địa danh quen thuộc trong vài tập truyện của Hồ Trường An. Dẫn đến phà Cổ Chiên, chạy qua bên kia cù lao Chợ Lách, Cái Mơn, Bến Tre. Con đường chạy ngang những vườn cây ăn trái xanh rậm, tươi tốt bởi phù sa bồi đấp. Cạnh bên Thiềng Đức lại có cầu Lầu bắc ngang con sông kinh Cụt. Con đường tỉnh lộ chạy ngang cầu Lầu để xuống Long Hồ và xa hơn nữa là Vĩnh Bình, Trà Vinh với biển Ba Động ầm ì sóng gió. Nằm dọc theo bờ sông Long Mỹ là khu Văn Thánh, trang nghiêm và cổ kính. Khu đền nằm yên tịch mịch bên dưới bóng mát của hai hàng cây sao cổ thụ dẫn vào từ cổng. Có những cuối tuần, chúng tôi trong hội Hướng Đạo vào đây tổ chức cắm trại phía sau đền. Chúng tôi căng lều trong thửa vuờn um tùm như một khu rừng nhỏ.
Văn Thánh Miếu được Đề Học Nguyễn Thông xây cất để thờ Đức Khổng Tử và các bậc hiền triết. Khởi công từ năm 1864, Văn Miếu được hoàn tất vào năm 1866. Văn Thánh Miếu được ngăn làm ba điện. Chánh điện thờ Đức Khổng Tử, với hai bên Tả Ban và Hữu Ban thờ Tứ Phối và Thập Triết. Hai điện nhỏ hai bên gọi là Tả Vu và Hữu Vu, thờ thất thập nhị hiền. Điện thứ ba gọi là Văn Xương Các nằm gần cổng. Nơi đây trên lầu thờ Văn Xương Đế Quân, dưới lầu thờ Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản.
Từ bên ngoài có đôi câu liễn khắc trên đá:
“Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão,
Tự hiệu thư sinh tiết liệt thần”
Hai câu liễn này nói về Võ Trường Toản là một cụ già thanh cao, không chịu ra làm quan, ở ẩn dạy học, được vua Gia Long cho là “Sùng Đức Xử Sĩ.” Câu dưới nói về cụ Phan Thanh Giản, một vị quan thanh liêm, khi gần chết dặn người nhà chỉ ghi câu “lão thư sinh” (học trò già) mà thôi. Lús sinh tiền, khi làm Kinh Lược Sứ tỉnh Vĩnh Long, cụ Phan Thanh Giản thường cùng Đề Học Nguyễn Thông tổ chức các văn cuộc tụ hội nhân thi sĩ tại Văn Thánh Miếu. Họ cùng bàn luận chữ nghĩa văn chương, thi phú.
Thượng Thư Bộ Học, có viếng Văn Thánh Miếu, và nhân đó có để lại bốn câu thơ:
“Xuân Thu hà đẳng càn khôn, đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt,
Thù Tứ biệt thành võ trụ, đồ qua lục tỉnh nhất cung tường.”
(trích trong "Vĩnh Long Quê Hương" của GS Nguyễn Thanh Liêm)
Bờ sông bên kia thuộc về hai làng Long Thanh và Long Mỹ. Giòng sông Long Hồ nước trong, chảy lặng lờ giữa bờ cây xanh mát. Có nhiều dừa nước mọc ven bờ, nên khi trước nơi đây có nhiều trại chầm lá để lợp nhà. Tôi thường đạp xe dọc theo con đường lót đá, bên dưới những cành tre ngất ngưởng, vào đây chơi trong những lúc lớp có giờ nghỉ. Gia đình bạn tôi có ngôi nhà ngói đỏ, tường vôi nằm cạnh bờ sông. Chung quanh là các cây vú sữa tím, tàn lá rộng sum sê. Tôi thích không khí êm ả của những buổi trưa gió dịu. Chúng tôi ra ngồi trên ngôi nhà thủy tạ cất trên bến sông. Ăn những trái vú sữa ngọt lịm, hay đói bụng thì vào bếp đem ra tô cơm nguội, kèm theo dĩa mắm cá sặc, và đôi trái ớt. Cơm nguội phải nhón ăn bằng tay, kèm theo miếng mắm sặc xé nhỏ. Cắn vào miếng ớt cay xè, rồi sau đó chiêu một chút rượu nếp. Ôi món ngon đâu cần phải cao lương.
Có những đêm trăng sáng, tôi ở lại chơi với bạn. Gió mát thổi rười rượi theo triền sông. Chúng tôi rủ thêm vài người bạn quanh xóm, tổ chức đờn ca tài tử. Cũng chỉ cây đờn guitar lục huyền cầm, thêm chiếc đàn mandoline đệm thêm, chúng tôi thay phiên nhau hát những bản nhạc thời trang lúc đó. Trăng lung linh bên sàn nhà thủy tạ như góp vui theo bọn thanh niên trẻ. Chúng tôi hát, uống rượu, rồi ngâm thơ. Lệnh động viên đã ban hành. Nếu không vượt qua kỳ thi Tú Tài đôi năm này, sẽ có lắm kẻ phải giã từ bạn bè, bỏ lại cuộc vui, lên đường nhập cuộc chiến chinh. Những tàu dừa cũng gật gù đồng tình trong gió đêm...
Tôi định bụng, ngày mốt sẽ chạy xe xuống thăm lại ngã ba Chiều Tím. Cái tên nghe lãng mạn quá. Sao lại là Chiều Tím? Có phải tại hai con đường giao nhau gần một bờ sông thơ mộng. Mỗi hoàng hôn, nắng chiều tím lịm rọi bóng xuống nước, khiến cảnh vật cũng lan tím theo. Nơi này có nhiều quán cà phê, với bàn ghế đặt ngoài hiên. Khách ngồi nhâm nhi cà phê, ngắm trời chiều thẫm dần sang tối. Rồi sao hôm mọc lung linh, và nếu ngồi nán lại thêm chút, khách sẽ có thể thấy được dãy sông ngâu rừng rực chảy ngang bầu trời. Nếu là tháng Bảy, với chút mưa bụi nhè nhẹ bay, kẻ đa sầu đa cảm lại tưởng đó là những giọt lệ của đôi vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ đang khóc mừng hội ngộ...
Con đường ngày xưa đông đảo nhất tỉnh, xe cộ xuôi ngược không ngớt, giờ biến thành con đường một chiều, buồn hiu trước cảnh ngăn cách hai bờ. Bước chân tôi lãng đãng vô định, mơ hồ trong tiềm thức đã đưa tôi đến trước sân nhà cũ. Cây trứng cá rậm tàn ngày nào không còn. Chỉ trơ lại bức tường rào im lặng. Hàng song sắt sét rỉ vì mưa gió. Khi xưa tôi từng ngồi tẩn mẩn sơn nó hàng giờ màu xanh nhạt biển. Hai chậu mai trắng hai bên cũng không còn vết tích. Khung cửa sắt kéo đóng chặt. Hình như không ai bên trong.
Tôi đi chầm chậm theo con ngõ hẹp bên hông nhà ra sau. Nơi này khi xưa tôi thường dựng xe ở đây. Tôi vẫn nhớ những chiếc xe đạp của các em tôi nơi này. Các cánh cửa sổ lá sách khép hờ. Tôi nghiêng đầu nhìn vào, như nhìn lại quá khứ một thuở nào của gia đình tôi. Tôi tưởng tượng nghe tiếng cười nói của cha tôi. Tôi như thấy nét mặt nghiêm trang của mẹ. Và con chó nhỏ hai màu đen trắng chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ, mỗi khi tôi từ đơn vị đi phép trở về. Trong chập chờn nắng trưa, tôi nghe có tiếng đàn mandoline của em tôi văng vẳng... Nhưng tôi thất vọng. Bên trong ngôi nhà trống rỗng, bàn ghế đồ đạc biến mất. Không một tiếng động nào ngoài tiếng thở dài của chính tôi. Tất cả kỷ niệm giờ chỉ là những bóng hình mờ nhạt trong lòng.
Đâu rồi những đêm xưa khi trăng sáng tỏ, chúng tôi thường quây quần trên sân thượng để hóng mát. Đâu rồi những giọt sương đọng ướt mền chiếu, mỗi khi tôi ngủ quên đến sáng trên ấy. Đâu rồi cái góc nhỏ, cô bạn gái tôi thường ngồi nhìn xuống đường đăm chiêu. Có lần nàng bảo - những lúc tôi vắng nhà, nàng hay đến chơi với các em gái tôi. Cô hay lên ngồi trên một góc khuất của sân lầu, và nhìn xuống ngã ba dẫn vào thành phố. Nàng cho rằng, nếu tôi có về thì nàng sẽ thấy ngay. Tôi đùa - nếu anh không về nữa? Nàng tròn xoe mắt ngơ ngác - Thì em sẽ thành đá phải không? Bây giờ thì cô gái ấy nơi đâu, ở phương trời nào? Hay trái tim cô đã hóa thạch vì những khổ đau của cuộc sống!
Gần nhà tôi là ngôi nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long. Một ngôi thánh đường đồ sộ bắt đầu xây cất từ những năm cuối thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Công trình bỏ dở đến những năm sau này mới hoàn tất. Hàng cây bạch đàn lất phất cành lá trong gió, như vẫy tay chào đón những con chiên đến lễ sáng lễ chiều. Những bậc thang cao dẫn từ sân cỏ lên chiếc sân rộng, với tượng Đức Mẹ từ bi đứng chấp tay trìu mến nhìn xuống đàn con vẫn còn lao đao trong cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ mẹ tôi mỗi Chúa Nhật mặc áo dài nghiêm trang đi lễ với hai cô em gái. Còn đứa em trai của tôi thì đang học những năm đầu Trung Học trong Chủng Viện Thánh Minh. Riêng tôi thì theo "đạo dòng" có nghĩa là khi đến nhà thờ thì... đi lòng vòng ngoài sân khi Cha đang giảng trên bục. Chỉ vào khi rước lễ. Mẹ tôi vẫn thường quở trách tôi chuyện này, nhưng thanh niên mà, làm sao ngồi im hàng giờ một chỗ được.
oOo
Mùi hương trầm phảng phất trong gió. Tôi cúi mình cắm ba nén nhang vào chiếc lư đá trước hai ngôi mộ của cha mẹ. Ông bà nghiêng đầu nhìn tôi mỉm cười bao dung trong hai chiếc ảnh cẩn trên bia. Hàng trúc xòe lá bên bờ rạch lao xao bóng trên mặt nước. Một đời người tranh đấu, lên đông xuống đoài, rồi cuối cùng cũng về yên nghỉ một chỗ trong góc vườn nhà. Tôi tự an ủi lòng, cha mẹ tôi chắc hạnh phúc khi được nằm cạnh bên nhau. Cùng ngắm nhìn hoàng hôn lung linh rọi bóng nắng lên con sông trước mặt. Cùng đón gió mát những đêm trăng thanh, bóng dừa rũ lòa xoà như quét bớt ánh trăng lan tràn trên mặt sân. Và cùng chờ con cháu trở về thăm viếng…
Con sông lượn vòng chảy về xóm xa trên kia. Cây ô môi từ thời thơ ấu của tôi vẫn còn đó, còm cõi nghiêng nhánh bên bờ. Con sông như hẹp lại so với hình ảnh trong ký ức. Từ thuở nào, tôi đã tập lội bằng cách ôm thân cây chuối, bì bõm quanh chiếc cầu dừa. Tôi vẫn nhớ gốc mù u nở hoa trắng muốt ven con đường đất. Và đêm đến cành lá sáng rực, lấp lánh hàng vạn ánh sáng nhấp nhánh từ những con đom đóm, bay lượn nhẩn nha như bao nàng tiên bé nhỏ trong truyện cổ tích thần tiên!
Ngày mai tôi lại đi xa, bỏ lại sau lưng một miền đất Vãng thênh thang trong trí nhớ.
(Trích trong “Bến Xưa Đất Cũ”)
Phong Vũ