User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Thời thơ ấu của tôi trải dài nhiều năm ở vùng cao nguyên và miền Trung như sinh ra ở Quảng Trị, chưa đến tuổi đi học thì lại ra Huế, mới được vài tháng thì chuyển về lại Quảng Trị học xong lớp Một, dời về Quy Nhơn học đến lớp Ba, rồi ghé Pleiku học xong lớp Bốn, lên Đà Lạt đang học lở dở lớp Năm lại chuyển về Pleiku. Bắt đầu thời Trung Học ở Pleiku cho đến nửa năm lớp Mười thì mùa hè đỏ lửa 1972 khiến chúng tôi về SàiGòn và ở luôn cho đến ngày rời xa quê hương.

Với từng ấy năm niên thiếu, dù không phải có số “thiên di” thì cũng “nhờ” công vụ của ba mà bỗng dưng cả nhà được di chuyển nhiều nơi. Quả thật, cuộc sống trong thời chiến, hiếm gia đình quân nhân nào mà có được một nơi ở ổn định, chữ “rày đây mai đó” thật đúng nghĩa với gia đình tôi!

Nhớ lại những năm còn nhỏ, trí nhớ vẫn còn lẩn quẩn vài chuyện về nơi chốn tạm dung đó đây. Ở nhờ nhà ông bà Nội tại Huế, vì còn quá nhỏ nên chỉ mang máng nhớ là các cô hay dẫn anh em tôi ra chợ Đông Ba chơi hoặc lang thang, đùa giỡn quanh Thành nội, nên không có ấn tượng gì cả. Chỉ lúc khoảng bốn, năm tuổi tôi vẫn còn nhớ là nhà ở Quảng Trị, sát bên cạnh nghĩa trang, mỗi khi có người chết thì tối đó tiếng gõ mõ tụng kinh vang lên, lúc đầu cũng sờ sợ ma dù không biết ma quỷ ra sao cả, nhưng dần dần thì đó lại là lời ru tôi vào giấc ngủ ngon không mộng mị.

Lúc lớn lên, hỏi má sao lại thuê nhà ở gần nghĩa trang như thế, má trả lời lúc đó còn nghèo vì ba má mới lập gia đình làm gì có tiền thuê nhà ở gần thành phố. Lại hỏi tiếp “má không sợ ma sao?” Má bật cười “mới đầu cũng sợ chứ, nhất là những hôm có tụng kinh hay lễ Thanh Minh, tảo mộ… nhưng riết rồi cũng quen thôi!” Mà thật thế, anh em chúng tôi cũng quen với khung cảnh này rất nhanh, không nghĩ đây là nơi chôn người chết mà chỉ đơn giản là nơi chốn để chơi trốn tìm vào ban đêm hoặc lang thang chạy nhảy ngắt hoa dại quanh các ngôi mộ để chơi trò bán hàng vào ban ngày. Có những buổi tối, lũ trẻ quanh xóm rủ nhau chơi trốn tìm, thì anh em tôi lại chui vào trốn quanh những nấm mộ vì biết là chẳng đứa nào dám vào để tìm, thành ra lúc nào cũng cười hể hả vào cuối cuộc chơi.

Kể cũng lạ, ở gần nghĩa địa mà chúng tôi chẳng thấy ma quỷ chi cả dù là lắm tin đồn, hay là thấy người “lì” thì ma quỉ cũng ngán? Có những đêm đi dự hội chợ Tết về ngang qua nghĩa địa, cả đám trẻ thách nhau là có dám đi từ từ qua không thì sẽ thắng được túi kẹo, thì anh em tôi lúc nào cũng thắng, vừa đi vừa cười lũ bạn chết nhát, có việc chi mà chạy trối chết thế! Còn một việc nữa mà tôi nhớ hoài, là… ớt bột! Cứ sáng sớm tôi ách xì liên tục là biết ngay có mấy người bán ớt bột đang ngừng trước cửa nhà để nghỉ chân, hoặc bán cho khách. Những thúng ớt bột đỏ và đầy vun được gánh ra chợ, mùi ớt cay nồng phủ đầy không khí mỗi khi họ gánh qua làm những tiếng nhảy mũi nổi lên như điểm thêm “tiếng nhạc” hòa tấu với bước chân người bán trên đường… Không hiểu sao mà người dân Quảng Trị ăn ớt lắm thế!

Ở Quy Nhơn, gia đình thuê được căn nhà trên đường ra biển (hình như là đường Trần Cao Vân?), cứ chiều chiều, sau khi cơm nước xong, má lại cùng các bà bạn hàng xóm rủ nhau ra biển chơi. Dĩ nhiên là đám nhỏ chúng tôi cùng chạy theo, trong khi các bác ngồi nói chuyện đời, hóng gió biển thì lũ trẻ có đủ trò chơi trên biển như rượt bắt, đá banh, tắm biển, thả diều, bắt còng hay làm những căn nhà trên cát… về nhà hình như đứa nào cũng ngủ thật ngon và mong chờ đến ngày mai! Những trò chơi tuổi nhỏ thì ở Quy Nhơn là nơi đượm đầy kỷ niệm, hồi đó có anh Yến, ở nhà bên cạnh, lớn hơn chúng tôi khoảng bảy, tám tuổi là người học giỏi nổi tiếng của xóm nhưng cũng nghịch phá không kém ai, chuyên tổ chức bày đầu các trò chơi. Hằng đêm, sau khi làm bài học bài xong thì tiếng ơi ới gọi nhau khắp xóm. Chúng tôi háo hức chia nhóm để “bắn” nhau, lũ con trai “ra tiền tuyến”, đám con gái “hậu phương hỗ trợ” quấn những mẩu giấy cho cứng, gấp lại rồi tiếp tế cho đám con trai dùng dây thun (rubber bands) để “chiến đấu”.

Tổ chức bán vé (trả tiền bằng dây thun để có thêm “vũ khí” trang bị cho những cuộc “bắn” nhau sau đó) để trình diễn văn nghệ ở một chòi bỏ trống vào ban đêm. Ca sĩ, nghệ sĩ cũng là chúng tôi, những đứa có thể ca hát hay đóng kịch đều tỉnh bơ tham gia, không ngại ngùng mắc cỡ chi cả. Rồi những trò chơi ô quan, đánh đáo, bắn bi v.v.. đã góp phần rất nhiều cho niềm vui tuổi nhỏ mà thời nay hình như không còn thấy nữa. Thế giới trẻ thơ với những trò chơi cộng đồng, hòa mình với thiên nhiên đã khiến chúng tôi như gần với nhau hơn và trí óc cũng minh mẫn hơn – hình như thế -. Chúng tôi sống thật hồn nhiên và thảnh thơi hơn học sinh bây giờ, không bị nhồi nhét học tập, không khổ sở với việc “chạy sô học kèm”  và cũng không phải lệ thuộc vào những máy móc công nghệ thông tin.  

Thời đó (Đệ Nhất Cộng Hòa) là thời giáo dục lớn mạnh và khuyến khích nâng đỡ cho học sinh rất nhiều. Tôi còn nhớ trường Tiểu Học tôi theo học là trường Mai Xuân Thưởng, mỗi buổi sáng được ăn điểm tâm miễn phí, còn cuối năm phát thưởng cho học sinh đứng từ hạng nhất cho đến hạng 15 (vâng, đúng vậy, đến hạng 15) mà sĩ số học sinh  hình như khoảng 40- 50 một lớp thì đủ biết là nền giáo dục thời đó quan tâm đến học sinh cỡ nào. Với phần thưởng rất nhiều và giá trị (tôi nhớ hai năm liền tôi được hạng năm, vậy mà phần thưởng không khiêng nổi dù chỉ là sách vở, bút viết, ba má tôi phải khiêng giúp về nhà; còn người đứng hạng nhất, nhì thì không cần phải nói nữa, có năm phải thuê xe xích lô chở về - tôi nhớ có người được thưởng cây đàn guitar mới tinh) - nên nếu ai học giỏi thì hầu như cha mẹ giảm hoặc không cần lo mua sắm sách vở cả năm hoặc ngay cả năm sau nữa cho con mình. Ngày đó, lên lãnh phần thưởng đã là niềm hãnh diện, mà khiêng phần thưởng về lại càng thích thú hơn khi hai bên hàng xóm túa vào trầm trồ khen ngợi. Với tinh thần đó, việc học được nâng cao mà không hề bị ép buộc và tình hàng xóm láng giềng vô cùng thân thiết, nâng đỡ hỗ trợ nhau! Năm 1963, nền Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt bằng cuộc đảo chánh với cái chết thê thảm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Cố Vấn Ngô Đình Nhu thì cuộc sống an lành của người dân bắt đầu bớt ổn định, đám trẻ chúng tôi cũng bắt đầu biết chút ưu tư…

Bắt đầu học lớp Năm ở Đà lạt, căn nhà ở được chính phủ cấp cho là một biệt thự rộng mênh mông kín cổng cao tường, kiến trúc theo kiểu Pháp sang và thơ mộng nhưng hơi lạnh lẽo vì nhà ở không sát nhau. Tối đến không có cảnh trẻ con tụ tập chơi đùa hò hét ngoài đường như những nơi ở trước kia, mà  chỉ quanh quẩn  trong nhà. Ngoài giờ đi học, chúng tôi chỉ dạo quanh sân nhà là đủ những chuyện để học hỏi, để “khám phá”, nghĩa là “khám xét để phá phách”. Con nít mà! Mươi ngày vài bữa thì sân nhà đã thành quen thuộc, chúng tôi bắt đầu nhìn qua sân hàng xóm. A, có vài ánh mắt lấp ló bên cửa sổ nhà bên, chúng tôi lộ dạng để làm quen vì cũng cùng lứa tuổi, đó là hai đứa con nít Pháp.

Mới đầu chỉ mình anh tôi có thể nói chuyện với chúng vì tụi nó xổ toàn tiếng Tây. May thay ông anh tôi học sinh ngữ chính là Pháp văn và lại rất có khiếu sinh ngữ nên tiếng Pháp cũng ào ào tuôn ra. Riết rồi chỉ nói với mình ông anh cũng chán, chúng nó bắt đầu học nói vài câu tiếng Việt đơn giản và chúng tôi cũng học vài chữ tiếng Tây cộng với dùng “động từ  quơ, chỉ” nên cũng ổn, thế là lỗ hổng bên hông hàng rào hai nhà là nơi chúng tôi thông thương qua lại, không phải vì hai bên gia đình cấm đoán nhưng nếu đi cổng chính thì hơi xa, lại phiền phức vì phải bấm chuông, mở cổng. Tình bạn của chúng tôi cũng khá là thân thiết vì cùng lứa tuổi, chỉ học khác trường, người trường Pháp người trường Việt. Bên nó cho ăn món Tây, bên nhà tôi đãi món Việt, để huề Việt Pháp, cũng vui!

Nhớ làm sao những ngày chúng tôi rủ nhau luyện cặp chân chạy lên xuống dốc khá nhuần nhuyễn cho việc “chuồn” đến chợ Đà lạt chơi hoặc để mua sách truyện về đọc. Cứ chờ má tôi xách giỏ đi chợ là chúng tôi theo đường mòn bên nhà thi nhau chạy đua để xem ai tới chợ trước nhất, lựa vội vài cuốn truyện, tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Xanh… rồi anh em dắt díu nhau đi “kéo ghế”, à phải nói là “ngồi xổm” thì chính xác hơn để ăn chè, đậu hủ. Mấy “nhải” Tây con nhà bên thỉnh thoảng cũng chạy theo chơi, cũng thích thú “chén” món Việt và liếm mép khen ngon. Đã con mắt và căng cái bụng, chúng tôi lại ù té chạy về cho kịp trước giờ má tôi trở về nhà!

Ở trường Tiểu Học Đà Lạt, tôi có hai cô bạn thân là Phương và Huệ, dù chưa bao giờ đến nhà nhau nhưng trong lớp thân vô cùng vì cùng tần số phá ngầm. Tiếc là năm đó tính nghịch phá của chúng tôi không phát triển mạnh vì là năm chuẩn bị cho kỳ thi đầu đời của đám học trò: kỳ thi tuyển vào lớp Sáu. Nếu rớt thì phải học trường tư, chất lượng giảng dạy dĩ nhiên là không kém lắm nhưng cha mẹ phải trả học phí và học sinh học trường tư thường có mặc cảm là mình học kém nếu không đậu vào được trường công. Cũng chính vì có áp lực như thế nên chúng tôi không dám lơ là việc học để giỡn phá nhiều. Chưa xong năm học thì ba lại đổi về Pleiku.

Trước khi lên Đà lạt, tôi cũng trải qua một năm học Tiểu Học ở Pleiku rồi, vì thế Pleiku không còn xa lạ khi tôi bước chân vào ngưỡng cửa Trung Học nơi này. Đây là những năm phải nói là thật huy hoàng trong đời học sinh của tôi tại trường nữ Trung Học Pleime, và dấu ấn đẹp đẽ đó vẫn còn giữ mãi cho đến bây giờ, không làm sao mà quên được. Pleiku là một tỉnh nhỏ của vùng cao nguyên, thành phố chỉ “đi dăm phút đã về chốn cũ” hay có thể nói không sai là một thành phố lính, và học sinh trường nữ  Trung Học Pleime đa số là con quân nhân, công chức vì công vụ mà chuyển về, thế nên học sinh thường ngoan, giỏi và đẹp. Nói không ngoa, lớp Đệ Thất 1 của tôi năm đó, toàn là những giai nhân (dù mới tuổi 13, 14), chứ chưa nói đến các lớp đàn chị còn xinh xắn đến đâu, nên không có chức hoa hậu dành cho riêng ai bởi ai cũng xứng đáng cả, nhưng xin nói rõ là ngoại trừ tôi và “xóm nhà lá” của tôi.

Thời đó, “xóm nhà lá”  được một cô giáo “ưu ái” đặt tên cho, không phải vì chúng tôi lười hay học dốt (vì chúng tôi cũng là những học sinh được lãnh bảng danh dự hàng tháng và phần thưởng cuối năm mà) nhưng do thích phá thầy chọc bạn dù chỉ nghịch ngầm, nên các thầy cô  nếu không tinh ý thì sẽ tưởng chúng tôi ngoan hiền lắm lắm và cô giáo này đã phát hiện” được màn nghịch ngầm của chúng tôi nên mới tặng cho cái tên dễ thương này. Tuy nghịch phá nhưng tôi tin là các thầy cô thời đó không giận ghét xóm nhà lá đâu vì đó là tính cách “thứ ba học trò”, vả lại dù phá nhưng không hỗn hào và vẫn siêng năng học tập thì cũng đáng được “phát huy” lắm chứ (điển hình là cuối năm lớp 9, chuẩn bị để bước vào năm Trung Học Đệ Nhị Cấp, tôi còn được lãnh phần thưởng hạnh kiểm toàn trường nữa đó) như thế cũng đủ chứng minh là chúng tôi chỉ nghịch phá ở mức cho phép chứ không quá lố. Nhớ lại những năm tháng làm nữ sinh Pleime, mặc áo dài tha thướt thế chứ còn con nít lắm, giờ ra chơi, sẵn sàng cột túm hai vạt áo dài lại với nhau để chơi u mọi, nhảy dây, thậm chí còn lăn tròn trên thảm cỏ ở sườn đồi và cười nắc nẻ rượt bắt nhau.

Trong khoảng thời gian đó, có cô bạn cùng lớp đổi lên Đà lạt học trường Bùi Thị Xuân thì may mắn thay, cô bạn gặp được Phương và Huệ là người bạn thân của tôi đã mất địa chỉ khi dọn nhà. Thế là tình thân được nối lại qua thư từ, thuở đó thầy Hòa - thầy giáo dạy quốc văn - khuyến khích chúng tôi tập viết văn, làm thơ nhưng điểm văn của tôi chỉ ở mức trung bình hoặc kém thì kiếm đâu ra từ mà viết. Thế là tôi có màn “cóp” thơ của các bậc tiền bối để “lòe” Phương nhưng sửa lại chữ “anh” thành “tôi” cho hợp. Chẳng hạn “thư bạn tôi không có chiều nay, người phát thư vừa ra khỏi cửa, người tôi như dại lại như ngây” (Lan Sơn). Trời ạ, có thư hay không thì cũng thế vì biết bao trò chơi lý thú đang chờ, có đâu mà “như dại lại như ngây”. Không hiểu bạn tôi có giả vờ tin theo hay là tin thật vì tài “lòe” của tôi đến mức “thượng thừa” không nữa, mà hai nàng cũng xuýt xoa tiếc nhớ… Liên lạc qua lại thường xuyên cho đến mùa hè năm 1972, vì chiến sự leo thang, gia đình chúng tôi dọn về Sài gòn, thì chúng tôi mất liên lạc luôn cho đến nay.

Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông thời đó, nhưng với tôi thì chẳng biết gì vì chỉ có con đường từ trường về nhà, việc học bận tới tấp vì chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài rồi Đại Học, bởi phải thành thật mà nói học sinh Sàigòn giỏi quá, họ có thầy cô giỏi, tính chuyên nghiệp cao, lại có nhiều trung tâm dạy kèm nên kiếm được bảng danh dự hàng tháng nơi này cũng bở hơi tai. Hơn thế nữa, tôi như cây đã bám rễ nơi đất đỏ Pleiku, bứng lên trồng tại đất khác coi bộ không hợp thổ nên cũng khó hòa nhập ngay. Hằng ngày đi học về thì chỉ quanh quẩn trong nhà, hàng xóm là bà con bên ngoại trong một dãy nhà năm căn nằm kế nhau, qua lại thăm nhau phía sau không có hàng rào. Tuổi cũng đã không còn nhỏ nên sinh hoạt trầm lắng hơn. Thường là chúng tôi tụ tập trên sân thượng, đàn ca hát xướng hoặc trò chuyện về các môn học, cách giao tiếp bạn bè. Chỉ có tết Trung Thu thì chúng tôi tập hợp các em còn nhỏ cùng với con nhà hàng xóm thắp lồng đèn đi dạo khắp xóm rồi cuối cùng tụ tập trước cổng nhà để phát kẹo và… giải tán. Chiến cuộc leo thang, đời sống học sinh cũng chông chênh không kém, giảng đường Đại Học năm đầu tiên tuy vẫn đông nghẹt sinh viên nhưng tiếng thì thầm bàn tán tìm hiểu những từ chính trị lạ tai, truyền đơn rải khắp nơi, thầy cô có người vắng mặt… không khí học tập như ngưng đọng… Rồi thay đổi chính quyền, mở đầu cho nhiều đổi khác về chính trị cũng như xã hội… Tuổi thơ của lứa tuổi chúng tôi đã chấm dứt!

 

Trải dài hơn hai mươi năm trong sự ấp ủ của cha mẹ, được phát triển trí tuệ qua những trò chơi hồn nhiên của tuổi thơ, đã trang bị cho chúng tôi một tinh thần vững vàng, một cách nhìn lạc quan, một hướng đi hướng thiện để bước lần ra xã hội, đương đầu với những khó khăn, thử thách… Dù ”lâu dần rồi đời cũng quen”, qua những va chạm thực tế nhưng ôn lại quá khứ lòng vẫn thầm cảm ơn là đã  may mắn có được một mảnh ký ức thật vui tươi, trong sáng của vùng trời tuổi nhỏ ở quê nhà!

Hồ Diệu Thảo

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com