User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
hat cat
 
Tay mặt cầm tách cà phê đen mới pha, tay trái kéo cánh cửa kính vừa đủ rộng, Vịnh lách mình ra lan can xong khép lại thật nhanh để ngăn không cho ruồi ùa vào trong phòng. Khu chung cư im vắng vì con nít đã đi học. Phần người lớn, nếu làm ca nhất đã vắng nhà từ sáng sớm, còn những ai làm ca nhì hoặc ca ba thời chưa thức dậy. Bãi đậu xe cũng vắng. Rác rưới khắp nơi. Đủ mọi loại rác, từ lon nước ngọt, tàn thuốc lá, giấy báo, đồ chơi hư cũ và nhiều thứ rác khác mà đám con nít xả đầy ra trên thảm cỏ và trên bãi đậu xe tráng nhựa màu đen lâu ngày biến thành màu xám mốc. Đây là khu chung cư cũ kỹ, tồi tàn, dơ dáy, bẩn thỉu dành cho người nghèo. Người nghèo ở đây có ba thành phần chính là dân lao động đi làm với minimum wage, dân ăn welfare và đám sinh viên đang học Đại Học hay đúng hơn là học đại, đa số là dân da vàng mà nhiều nhất là người tị nạn Việt Nam mới định cư ở Mỹ năm 1975.
 
Chuyện Vịnh trôi giạt tới thành phố Kansas City này âu cũng là duyên số. Hồi còn ở trong trại tị nạn Fort Chaffee, anh nằm kế bên ”Thằng Nam Định”. Đó là biệt danh của Thiền, người lính Thiết Giáp mang cấp bậc Thiếu Úy. Ngang tuổi nhau, lại là dân tị nạn thêm ở trong lính nên hai đứa thân nhau một cách dễ dàng. Ba tháng ăn chực nằm chờ trong trại tị nạn mà hai đứa thường gọi đùa là ba tháng nghỉ phép không lương qua thật nhanh. Thằng Nam Định xui xẻo bị xuất trại trước. Nó bị một gia đình người Mỹ ở Pennsylvania bảo trợ. Nửa tháng sau anh cũng được một nhà thờ ở Sacramento đón về nuôi cơm. Hai thằng bạn gặp nhau trên đường tị nạn chỉ viết cho nhau vài lá thư. Có lẽ hai đứa cũng lười và bận bịu với sinh kế của đời sống mới. Còn điện thoại viễn liên thời mắc tiền quá nên cả hai không dám đụng tới. Sáu tháng sau. Đang vừa đi làm vừa đi học tiếng Anh để chuẩn bị học đại, Vịnh bỗng nhận được cú điện thoại viễn liên làm thay đổi cuộc đời mình. Chỉ cần nghe cái giọng rau muống trộn giá sống của người bên kia đầu dây là anh nhận ra ngay Thằng Nam Định.
 
– Mày đang ở đâu dzậy?
 
Vịnh hỏi trước. Thiền trả lời gọn và nhanh. Chắc nó sợ không có tiền trả điện thoại.
 
– Kansas City…
 
– Làm gì?
 
– Đi học…
 
– Học gì?
 
– Đại Học… và học đại…
 
Vịnh nghe tiếng cười hắc hắc của Thằng Nam Định ở bên kia đầu dây.
 
– Còn mày đang làm gì?
 
– Vừa đi làm vừa học tiếng Anh…
 
– Mày dọn qua đây ở với tao đi… Bên này sống khỏe re… Việt Nam của mình đông…
 
Thế là Thằng Nam Định bắt đầu tán hươu tán vượn và ba hoa chích chòe đủ thứ. Bắc cờ mà. Nó mà tán thời kiến dưới hang nghe bùi tai còn phải bò lên huống hồ gì một thằng Nam cờ thật thà và dễ tin như Vịnh. Đúng ra Thằng Nam Định chơi rất tốt và rất điệu với bè bạn, nhất là với thằng bạn thân như anh. Đang ở trong thành phố mà người Việt hiếm và quí còn hơn đô la nên Vịnh nhận lời ngay. Cái ước muốn được nghe, gặp, nhìn ngắm người đồng hương của anh mạnh hơn bất cứ thứ gì. Vả lại anh nghĩ mình là dân tị nạn, độc thân, thì bỏ chỗ ở cũ để làm lại cuộc đời cũng không có gì phải đắn đo và luyến tiếc. Nửa tháng sau Vịnh gõ cửa phòng của Thằng Nam Định. Lúc đó anh mới biết sự thực. Nó đang ở một mình. Buồn, cô đơn với lại cần người chia tiền phòng nên nó ới anh. Cũng như anh, nó đang học tiếng Anh để mùa thu ghi danh vào Đại Học. Sau này anh mới biết hai tiếng Đại Học của nó có một ý nghĩa đặc biệt và tiếu lâm là ”học đại”. Học đại cái gì cũng được miễn là dễ học, dễ đậu và dễ tìm việc làm. Đó là chủ trương ”tam dễ” của Thằng Nam Định. Vịnh còn biết thêm là nó đang sống lất lây nhờ tiền welfare.
 
– Mày đi làm chi cho cực. Để tao dẫn mày đi xin welfare… Mày đi làm lương hai đồng ba, trừ thuế má, bảo hiểm và chi phí này nọ còn ít hơn tao lãnh trợ cấp… Lãnh welfare nhàn nên mình có nhiều thì giờ học hơn…
 
Ngay ngày hôm sau, nó dẫn Vịnh đi xin welfare. Sau này anh mới nhận ra Thằng Nam Định có lý. Không đi làm hai đứa ở lại trường cả ngày, la cà với đám bạn Mỹ nên tiếng Anh mỗi ngày một khá hơn. Nhờ vậy nên có thể nghe và hiểu Giáo Sư giảng bài một cách rõ ràng. Với lại bài học có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi bạn trong lớp. Đám bạn học rất hân hạnh được làm phụ giáo cho anh và chỉ dẫn một cách tận tình. Thực tế nên Thiền học về điện, còn Vịnh mơ mộng và lãng mạn nên chọn văn chương vì hợp với sở thích của mình mặc dù Thằng Nam Định đã cảnh cáo là cái thứ văn chương ba trợn của anh khó tìm việc làm lắm. Sau này khi ra trường và tìm việc làm Vịnh mới biết thằng bạn của mình có lý, vì phải mất thời gian khá lâu anh mới tìm được việc làm với đồng lương rẻ mạt trong khi Thiền lại bắt được cái job thơm mặc dù nó ra trường sau anh nửa năm.
 
– Hi Vịnh…
 
Đang mơ màng nhớ lại thời đã qua, nghe tiếng người chào hỏi Vịnh ngước lên nhìn. Anh nhận ra đó là người hàng xóm ở phòng bên tay mặt của mình. Bà ta chết chồng, sống với đứa con gái đang học Tiểu Học.
 
– Good morning Emily…
 
Vịnh chào trả lại xong đưa gói thuốc sang. Hiểu ý Emily cười thốt trong lúc đưa tay lấy điếu thuốc.
 
– Hút thuốc của ông hoài… Tôi ngại lắm…
 
Vịnh cười nhẹ.
 
– Có gì đâu mà bà quan tâm… Hàng xóm với nhau mà…
 
– Chừng nào ông ra trường?
 
Emily hỏi sau khi hít liên tiếp ba hơi thuốc. Vịnh trả lời một cách lửng lơ.
 
– Chắc phải năm tới… Gì chứ học thời tôi lười nhất…
 
Bật cười hắc hắc Emily hỏi tiếp.
 
– Ra trường chắc ông không ở đây?
 
Vịnh cười gật đầu.
 
– Chắc vậy?
 
– Ông đi đâu?
 
– Không biết. Nơi nào có việc thời đi… Tôi là dân tị nạn mà…
 
Ngừng lại hớp ngụm cà phê, hít hơi thuốc lá hiệu Kent xong Vịnh cười cười tiếp.
 
– Tôi thích lang thang…
 
Gật đầu cười Emily quay nhìn người hàng xóm của mình. Vịnh đọc thấy trong mắt bà ta có chút quan hoài.
 
– Tôi hiểu ý của ông… Ông chồng của tôi đã chết ở Việt Nam… Năm 1970…
 
Quay nhìn Emily rồi lát sau Vịnh mới lên tiếng.
 
– Tôi rất tiếc…
 
– Có gì đâu… Ông ta là lính mà lính thời hy sinh cho tổ quốc là chuyện thường…
 
Trầm ngâm giây lát Emily rụt rè tiếp.
 
– Thú thật với ông là tôi mù mờ về chiến tranh Việt Nam…
 
Vịnh cười nhẹ đưa tách cà phê lên tới miệng song lại không uống.
 
– Không phải riêng bà đâu. Tôi đã nói chuyện với nhiều người khác và đa số đều không hiểu biết về chiến tranh ở Việt Nam… Hoặc có hiểu thì cũng lệch lạc. Họ bị báo chí tuyên truyền nên…
 
– Theo ông cuộc chiến tranh Việt Nam có lý do chính đáng không?
 
Vịnh nhìn người đối thoại của mình và cuối cùng trả lời bằng câu hỏi.
 
– Bà hiểu thế nào là lý do chính đáng?
 
Emily lắc lắc mái tóc vàng óng ánh của mình.
 
– Tôi không biết. Chồng tôi thường nói ông ta chiến đấu ở Việt Nam là vì quyền lợi của nước Mỹ trước nhất và sau đó là vì tự do cho nước Việt Nam…
 
– Nếu chồng bà đã nói như thế thì cuộc chiến ở Việt Nam là một cuộc chiến có lý do chính đáng bởi vì chiến đấu cho quyền lợi của đất nước mình là một hành động chính đáng. Cũng như tôi, chiến đấu cho tự do của dân tộc tôi thời sự chiến đấu của tôi cũng có lý do chính đáng…
 
Emily cười gật gù.
 
– Ông nói có lý… Ông học ban văn chương cũng phải…
 
– Sao bà biết tôi học văn chương?
 
Emily bật lên tiếng cười trong trẻo trước khi trả lời câu hỏi của Vịnh.
 
– Bạn của ông nói… Thằng Nam Định đó mà…
 
Vịnh cười ròn tan khi nghe bà hàng xóm người Mỹ trọ trẹ ba tiếng ”Thằng Nam Định”.
 
– Ông ấy vui vẻ và tử tế lắm…
 
– Nó là dân tị nạn cộng sản thứ thiệt đó…
 
Vịnh thong thả kể cho Emily nghe về chuyện bố mẹ Thiền, năm 1954 đã bỏ hết nhà cửa đi vào nam tị nạn cộng sản và 21 năm sau tới phiên nó tị nạn cộng sản lần nữa. Hớp ngụm cà phê Emily quay đầu nhìn con đường ở bên trái của mình.
 
– Ông thấy ông già điên đó không?
 
Nhìn theo tay chỉ của bà hàng xóm, Vịnh trông thấy một người đang đi bộ. Vì khoảng cách khá xa nên anh không thể nhận ra mặt mũi. Chỉ biết đó là một người đàn ông vóc dáng cao và gầy, đội trên đầu chiếc nón nỉ màu đen.
 
– Ông ta cũng tị nạn cộng sản như ông. Ông ta là dân của nước Poland… Ở đây lâu lắm rồi…
 
Giọng của Emily nghe rời rạc, buồn buồn và mỏi mệt.
 
– Sao bà biết rõ vậy?
 
– Tôi là đồng hương của ổng…
 
– Bà cũng tị nạn cộng sản?
 
Vịnh lên tiếng sau khi đốt điếu thuốc khác. Emily cười nhẹ, không trả lời câu hỏi của người đối thoại mà lại chuyển sang đề tài khác.
 
– Ông hút thuốc lá hơi nhiều…
 
Vịnh cười gật đầu. Anh biết Emily lớn tuổi hơn mình. Vì vậy mà đôi khi bà ta tự xem như chị của anh để có thể rầy rà về chuyện anh hút thuốc nhiều. Ngay cả Thằng Nam Định cũng có nhận xét tương tự như Emily.
 
– Chắc ông không phiền khi tôi nói như vậy?
 
Nghe câu hỏi này Vịnh liếc nhanh bà hàng xóm rồi mới lên tiếng.
 
– Chắc không… Tôi xem bà như chị của tôi…
 
Khẽ gật đầu Emily cất giọng vui vẻ. Bà ta nói chậm và rõ.
 
– Ông già đó là bạn với ba má tôi. Họ rời nước Poland hình như năm 1947. Lúc đó tôi mới có năm tuổi…
 
– A… Bà chỉ lớn hơn tôi có ba tuổi mà tôi lại tưởng bà lớn hơn nhiều…
 
Vịnh reo nho nhỏ. Giọng của anh nhuốm chút ngạc nhiên và thích thú khi khám phá ra bà hàng xóm không lớn tuổi hơn mình bao nhiêu. Emily cười ý nhị.
 
– Vậy à… Tôi lại tưởng ông nhỏ lắm vì thoạt trông ông chừng 20. Này… bây giờ ông đừng có gọi tôi bằng bà nghen. Cứ gọi tên được rồi… Cứ xem tôi như bạn đi…
 
Vịnh cười gật đầu nói một câu khách sáo.
 
– Tôi hân hạnh có được một người bạn như Emily…
 
– Ông già điên đó tên Jack. Ông ta là người có tiếng tăm và giàu sang trong thành phố này. Con gái út của ông ta là Bác Sĩ làm ở bệnh viện. Con trai đầu lòng của ông ta là Cảnh Sát Trưởng của thành phố…
 
– Thế tại sao ông ta điên?
 
Emily quay nhìn Vịnh rồi lát sau câu nói mới bật ra.
 
– Ông nghĩ người giàu không điên à?
 
Hít hơi thuốc, nhả khói ra từ từ, hớp ngụm cà phê rồi nuốt xong, Vịnh chậm chạp lên tiếng.
 
– Tôi có ý nói là một người thành đạt như ông ta…
 
– Tôi nghĩ ông ta không điên mà là người không bình thường. Ông ta còn nhận ra tôi… thỉnh thoảng thôi…
 
Emily giơ tay vẫy khi thấy ông già điên tên Jack tới gần lan can chỗ hai người đang đứng nói chuyện. Vịnh thấy Jack giơ tay vẫy vẫy song không lên tiếng chào.
 
– Mỗi ngày, thường là 7 giờ sáng, Jack bắt đầu đi lang thang trong thành phố cho tới chiều tối mới trở về nhà… Ông ta sống với đứa con gái…
 
Emily hít hơi thuốc rồi nhả khói ra từ từ. Khói thuốc theo gió bay tạt vào mũi Vịnh có mùi hăng hăng. Nắng 10 giờ chiếu xiên xiên qua tàn cây trên đầu dọi xuống bãi đậu xe thành những đốm nắng lung linh.
 
– Ông không đi học hôm nay à?
 
Vịnh lắc đầu nhè nhẹ.
 
– Tôi không có lớp ngày thứ Năm… Học hoài mệt quá…
 
Emily nói trong tiếng cười.
 
– Tôi biết… Bởi vậy tôi chọn ngành chuyên môn hơn là…
 
Vịnh hiểu ý. Thiền có nói cho anh nghe Emily là chuyên viên XRay cho bệnh viên lớn trong thành phố. Điều mà anh không hiểu và cũng không tiện hỏi dù thắc mắc, tại sao người bạn hàng xóm lại ở trong khu chung cư nghèo nàn và chung đụng với đám dân cùng khổ. Với đồng lương của một chuyên viên XRay, Emily có thể mua nhà hoặc mướn một căn phòng đầy đủ tiện nghi và sang trọng hơn. Nhưng thôi đó là chuyện của người khác nên anh không muốn dính vào. Ở Mỹ chưa lâu nhưng anh cũng học được cái tính tôn trọng đời tư của người khác. Đám bạn gái Mỹ trong trường đã chỉ dạy cho anh vài điều lý thú và buồn cười. Đừng bao giờ hỏi đàn bà Mỹ về tuổi tác của họ. Đó là điều tối kỵ, đại kỵ. Họ giấu tuổi của họ kỹ còn hơn CIA bảo mật hồ sơ an ninh quốc gia nữa. Nên khen họ trẻ đẹp dù trên đầu họ có hai thứ tóc và da họ mặt có chục nếp nhăn. Anh đã thuộc lòng những câu nói như thế này. ”Nếu anh không khen người ta trẻ thì cũng đừng chê người ta già… Nếu anh không làm được điều gì tốt cho người khác thì cũng đừng làm điều gì xấu…”
 
– Ông nghĩ ngợi điều gì vậy?
 
Emily hỏi. Vịnh sớm nhận ra giọng của cô ta đầy thân tình.
 
– Chẳng có gì… Tính tôi vốn hay suy nghĩ vẩn vơ…
 
Emily liếc nhanh người bạn hàng xóm rồi cười nói.
 
– Hôm nào mình ”going out” nghen Vịnh?
 
Vịnh quay qua nhìn Emily và bắt gặp cô ta cũng đang nhìn mình. Dĩ nhiên anh không lạ gì câu hỏi của Emily. Anh đã được đám bạn học trong trường hỏi ”going out” hoài. Họ rất tự nhiên trong chuyện mời bạn trai đi ăn tối, uống bia, nhảy nhót và nhiều chuyện khác nữa. Điều khiến cho anh hơi ngạc nhiên là Emily đổi cách cư xử khi biết cả hai sàng sàng tuổi với nhau.
 
– Ông Thiền nói với tôi ở đường Market có quán ăn Việt Nam mới mở ra chừng hơn tháng. Tôi muốn ăn thử…
 
Vịnh cười cười chưa kịp lên tiếng, Emily tiếp nhanh như sợ anh từ chối.
 
– Tôi trả tiền… Tôi muốn thử cà phê sữa đá Việt Nam. Ông Thiền, ổng quảng cáo ngon nhất thế giới…
 
Vịnh bật cười. Cũng như anh, Emily đã bị Thằng Nam Định dụ khị. Cái gì mà nó thích, nó khoái, nó thèm là thứ đó ngon nhất thế giới. Con gái Việt Nam đẹp nhất thế giới vì lâu rồi nó chẳng nhìn thấy đứa con gái Việt nào. Thức ăn Việt Nam ngon nhất thế giới vì cả năm nay nó toàn gặm Sandwiches hoặc Hamburgers. Sở dĩ nó không có nhiều thiện cảm với đàn bà Mỹ vì đã bị đám bạn gái ở trường mời mọc hay săn bắt ráo riết khiến nó có cảm tưởng mình là con chuột trong móng vuốt sắc bén của con mèo.
 
– Thế à… Emily đừng có nghe lời Thằng Nam Định… Sao Emily không bảo nó dẫn đi…
 
– Ông không muốn đi chơi với tôi à?
 
Biết cô bạn hàng xóm hiểu lầm Vịnh ôn tồn giải thích.
 
– Tôi thích đi chơi với Emily chứ. Tôi ít có bạn… Để tôi mời Emily đi ăn phở…
 
Emily im lặng lắng nghe Vịnh giảng giải về phở và các món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Khẽ chép miệng cô ta cười thốt.
 
– Đi… Mình đi bây giờ đi… Nghe ông nói tôi muốn thử liền…
 
Vịnh bật cười hít hơi thuốc.
 
– Đi thì đi…
 
Emily cười bằng mắt. Ánh mắt của cô ta nói lên nhiều ý nghĩa.
 
– Mười lăm phút sau tôi sẽ gõ cửa nhà ông…
 
Nhìn theo sau lưng của Emily, Vịnh thở dài nhè nhẹ. Anh nhớ tới bóng dáng của một cô gái có mái tóc huyền xõa trên vai áo bà ba trắng. Xa quá rồi hình ảnh của quê hương yêu dấu chỉ hiện về trong giấc ngủ chập chờn trăn trở.
 
Vịnh ngồi đối diện với Emily qua chiếc bàn nhỏ đặt cạnh cửa sổ ngó ra con đường mang tên Maples. Không như Việt Nam, đường xá của xứ này mang tên các loài cây cỏ hoặc số nhiều hơn là tên người. Lập quốc mới hơn hai trăm năm do đó xứ Mỹ chưa có nhiều danh nhân và anh hùng để đặt tên cho những con đường. Quán cà phê nhỏ vừa đủ chỗ năm chiếc bàn. Tiếng cười nói lao xao. Đa số khách là đồng hương với bà chủ quán mà nhiều nhất là đám sinh viên như Vịnh. Họ tới uống cà phê nhiều hơn ăn món này món nọ trừ khi mới vừa lãnh tiền trợ cấp của chính phủ.
 
Emily tròn mắt nhìn phin cà phê được đặt trên cái tách. Cô ta gật gù cười vui thích khi nghe Vịnh giảng giải cách uống cà phê mới mẻ. Cô ta tò mò mở nắp phin cà phê rồi nhìn vào và còn cúi xuống hít một hơi thật dài xong lại chăm chú nhìn từng giọt cà phê thay nhau nhễu xuống cái tách.
 
– Thơm quá…
 
Emily gật gù. Vịnh im lặng nhìn ra đường. Nắng trưa của một ngày tháng 9 chiếu xiên xiên trên mái ngói màu nâu. Cây phong già cỗi đầy lá xanh. Con đường này đẹp vào mùa hè và nhất là mùa thu vì lá của cây phong chuyển thành màu đỏ và màu vàng. Chút mây trắng dật dờ. Dường như có tiếng chim cu gù trên mái nhà. Không khí yên bình và lặng trang trừ tiếng xe cộ rì rầm. Thỉnh thoảng mới có tiếng xe gắn máy rú lên từng tràng. Xa xa bóng người đi. Vịnh nhận ra bóng người đang đi bên kia đường và tiến lại gần mình hơn chính là ông già điên tên Jack. Khi ông ta lại gần hơn nữa anh mới chăm chú nhìn. Dáng người cao gầy, mái tóc dài rối, râu ria tua tủa, ông ta mặc chiếc quần Jean cũ mèm, mang Tennis Shoes và đội sùm sụp chiếc nón nỉ bạc màu. Trời nắng nóng 90 độ F mà ông ta vẫn mặc thêm cái áo khoác bằng len dày cộm. Ông ta im lặng, bình thản, tự nhiên đi giữa trời trưa nắng gắt và lưa thưa người qua lại. Điều khiến cho Vịnh chú ý là ông già điên có thái độ khác lạ. Ông ta vừa đi vừa cúi đầu xuống đất như tìm kiếm cái gì trên đường. Nhìn ông già điên người Hungary Vịnh chợt nhớ tới câu hát ”Một người già trong công viên… Một người điên trong thành phố…”
 
– Không lẽ ông ta đi lượm bạc cắc…
 
Vịnh lẩm bẩm khi thấy ông già Hung Gia Lợi khi cúi đầu, khi nhìn quanh quất trên lề đường. Chả có cái gì quí giá rơi rớt trên mặt của lề đường đông người qua lại trừ vài mảnh giấy trắng và tàn thuốc lá.
 
– Ông ta đi tìm gì vậy?
 
Vịnh lên tiếng hỏi bâng quơ song Emily hiểu câu hỏi đó dành cho mình.
 
– Tôi không biết… Mới đầu tôi cũng tò mò như ông… Gặp ông ta tôi hỏi… Chính ông ta cũng không biết mình đi tìm cái gì…
 
Mặc dù Emily trả lời không được rõ ràng song Vịnh cũng hiểu. Từ đó anh tự suy diễn ra ông già người Hungary này phải đi tìm một cái gì hiếm hoi và quý giá lắm. Tuy nhiên có lẽ vì tìm hoài không gặp nên ông ta phẫn chí và điều đó có tác động mạnh mẽ vào tâm trí khiến cho ông ta không được bình thường, khi thì điên loạn lúc thì tỉnh táo.
 
Để mặc cho cô hàng xóm loay hoay pha cà phê, Vịnh chăm chú quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông già điên. Bây giờ ông ta đang đứng đối diện với khung cửa sổ chỗ anh đang ngồi nên anh có thể thấy rõ hơn. Ánh mắt nhìn trời ngác ngơ. Nét mặt buồn bã. Quần áo cũ kỹ, nhầu nát và dơ bẩn. Chiếc nón nỉ đội sùm sụp trên đầu che mất phần nào khuôn mặt gầy gò và hốc hác. Ngần thứ đó khiến cho ông ta đầy vẻ xa lạ, lạc loài và bơ vơ. Nhìn ông già điên đang đứng trên lề đường thản nhiên nhìn mọi người và đời sống đang trôi chảy quanh mình, Vịnh chợt nghĩ ra một điều mà từ lâu anh hằng thao thức. Tự do thật quí giá vì muốn được tự do người ta phải trả một giá quá đắt; đắt tới độ nhiều khi anh nghĩ mình bị lỗ lã. Anh cũng đã từng có những giây phút ngước nhìn khoảng trời xanh rồi ngác ngơ tự hỏi. Mình đang ở đâu? Quê hương mình đâu rồi? Mình tới mảnh đất xa lạ này để làm gì? Có những ngày bơ vơ đi trong khuôn viên trường Đại Học anh bỗng thèm nghe tiếng nói thân quen. Giọng nói miền Tây của cô gái Tây Đô, dù bây giờ đã cách xa mấy chục ngàn cây số, vẫn còn âm hưởng hoài hủy trong tâm tưởng. Nét môi cười. Ánh mắt thẳm sâu. Mái tóc huyền sáng trong ánh trăng Mùng Mười. Bỏ quê hương và tự do lên bàn cân anh cảm thấy hai thứ có chút gì không bằng nhau. Được tự do thời lại mất quê hương. Anh đã chọn tự do, dù thực sự anh đã không có tự do để chọn lựa. Đó là một đau lòng. Cũng như trăm ngàn bạn đồng đội trong quân ngũ bỏ nước ra đi tìm tự do ngày 30-4-1975, anh không có được một chọn lựa nào khác hơn là thái độ buông súng đầu hàng hoặc chạy trốn. Anh đã chọn lựa sự chạy trốn. Lúc bước chân lên chiếc tàu sắt anh hỏi. Mình đi đâu? Đi bao giờ về? Cũng như các đồng đội anh được giải ngũ để đi tới một nơi hoàn toàn xa lạ. Chặng đường lưu lạc dài quá. Singapore. Subic Bay. Guam. Fort Chaffee.
 
Pha xong ly cà phê sữa đá, Emily đưa lên uống ngụm nhỏ rồi mỉm cười gật gù nói.
 
– Ngon quá… Thơm và đậm đà…
 
Cô ta cũng chăm chú nhìn khi thấy ông già người Hungary đang chậm rãi băng qua đường. Mấy chiếc xe đang chạy tới gần vội giảm tốc độ rồi sau đó ngừng lại nhường cho ông khách đi bộ đặc biệt thong thả băng qua con đường rộng. Chắc họ đã quen với hành động qua đường trái phép của ông già điên. Đa số người dân ở xứ này rất lịch sự và tôn trọng luật lệ khi lái xe. Họ vui vẻ ngừng xe lại để cho khách bộ hành băng qua đường dù chỗ đó không là nơi dành riêng cho người đi bộ.
 
Sau khi qua đường ông già điên đứng im nhìn vào quán cà phê. Không biết nghĩ sao, Emily vội đứng lên rồi bước ra cửa. Vịnh thấy cô ta nói chuyện với ông già điên mấy câu đoạn nắm tay ông ta đi vào quán. Thoạt đầu ông ta có vẻ không chịu vì Vịnh thấy ông ta cứ đứng im; nhưng sau đó không biết Emily nói nhỏ vào tai ông ta điều gì mà anh thấy ông ta gật gật đầu xong mới đi vào quán.
 
– Jack… Đây là Vịnh, bạn của tôi…
 
Emily giới thiệu gọn. Vịnh đứng dậy bắt tay Jack. Mỉm cười gượng gạo, Jack, ngần ngừ giây lát mới đưa bàn tay xương xẩu ra cho Vịnh bắt tay. Đợi cho Jack ngồi xuống ghế, Emily lên tiếng trong lúc chỉ vào Vịnh.
 
– Vịnh cũng là dân tị nạn như chúng ta…
 
Nhìn vào mặt Jack, cô ta nhấn mạnh.
 
– Tị nạn cộng sản…
 
Hình như bốn tiếng ”tị nạn cộng sản” tác động vào tâm trí, gợi nhớ điều gì trong quá khứ khiến cho Jack quay nhìn Vịnh đăm đăm. Ánh mắt của ông ta sáng lên vẻ gì kỳ lạ mà Vịnh không hiểu được. Lát sau ánh mắt đó trở lại vẻ ngác ngơ và đờ đẫn cố hữu của một người mắc bệnh tâm trí. Cà phê phin được mang ra. Emily lãnh phần pha cà phê sữa đá cho Jack trong lúc Vịnh ngồi im nhìn ra đường. Bỗng nhiên anh cảm thấy nhớ nhà. Nhớ một cách lạ lùng. Nhớ một cách vô cùng. Nhớ như chưa bao giờ nhớ dù chỉ xa gần ba năm. Khoảng ngàn ngày được anh đếm tới đếm lui thành triệu triệu lần. Nỗi nhớ tựa lưỡi dao cùn cứa đứt thịt da thành niềm đau đòi đoạn. Nhớ con đường đã đi qua. Nhớ ngôi nhà cạnh con rạch Thị Nghè. Nhớ vóc dáng của mẹ già. Nhớ chỗ ngồi thân quen trước sân. Còn nhiều thứ vụn vặt để nhớ và để cảm thấy buồn vì biết còn lâu lắm hoặc có thể không bao giờ thấy lại quê hương. Ngày bước chân xuống tàu đánh cá anh hoàn toàn không biết mình đi đâu. Hai tiếng tị nạn chưa xuất hiện trong đầu óc còn đang bàng hoàng, hốt hoảng vì sự kiện đột ngột đang xảy ra. Hỏi Đơn Vị Trưởng mình đi đâu thì được trả lời. Đi Mỹ. Đi Mỹ để làm gì? Không ai có câu trả lời dứt khoát. Đi chừng bao lâu? Năm ba năm thì về. Bây giờ ngồi đây Vịnh biết ngày trở lại quê hương còn xa lắm. Có thể anh sẽ phải rũ xương nơi đất khách quê người. Điều đó làm anh buồn nhất. Anh muốn được nằm nghỉ ở chỗ nào đó dưới gốc cây dừa lão lả ngọn xuống dòng sông Ba Lai đầy hoa lục bình màu tim tím. Anh muốn được ru ngủ bằng tiếng lá dừa và tiếng kêu của chim bìm bịp chứ không phải tiếng nhạc Blue, Rock xa lạ. Anh muốn được nghe tiếng hò cất lên đồng vọng sông nước của cô gái chèo đò băng qua sông Ba Lai vào buổi chiều sắp tắt nắng.
 
Uống cạn ly cà phê sữa đá một cách chậm chạp xong, không nói với ai lời nào, Jack đứng dậy và bước ra cửa. Emily nhìn Vịnh như xin lỗi vì cử chỉ của người đồng hương. Vịnh cười gật đầu hỏi đùa.
 
– Cà phê sữa đá Việt Nam ngon nhất thế giới hả?
 
Cười hắc hắc Emily trả lời sau khi uống ngụm nhỏ.
 
– Ngon nhất thế giới nhờ có ông ngồi đối diện…
 
Nhìn theo bóng ông già người Hungary đang lủi thủi bước trên lề đường ngập bóng nắng và lá cây xanh, Vịnh từ từ lên tiếng. Anh nói với Emily song như nói với chính mình.
 
– Buổi chiều, mưa bay lất phất, ngồi trong quán, tách cà phê nóng, không khí ẩm ướt đìu hiu. Đối diện mình một đôi mắt trong đen. Mái tóc dài. Bàn tay trắng muột mà đặt trên bàn…
 
Emily lặng thinh. Cô ta biết Vịnh nói cho mình nghe song giọng nói lại mơ màng và buồn buồn như chính anh đang nhắc lại quãng đời đã qua. Nhìn Vịnh, cô ta lại nghĩ tới Jack và chính mình. Tất cả đều có chung một đời sống khắc nghiệt, một tâm trạng lạc loài nơi mình đang sống. Đưa ly cà phê sữa đá lên uống ngụm nhỏ, cô ta mới nhận biết tại sao Thiền lại nói cà phê Việt Nam ngon nhất thế giới. Nó ngon vì cái chát đắng pha buồn bã của một kẻ lưu vong. Điều này chẳng khác gì buồn uống cà phê mới ngon. Kẻ lạc loài xa xứ như cô, như Vịnh hay Thiền mới thưởng thức được vị chát đắng của cà phê bằng tâm trạng hoài hương của kẻ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình chỉ vì lý do tị nạn cộng sản. Quán cà phê mỗi lúc một đông khách hơn vì đã hơn 2 giờ chiều. Vịnh chợt lên tiếng.
 
– Chắc mình phải đi về vì sắp tới giờ con nít tan học. Vả lại nếu mình không đi về thì bà chủ quán cũng xách cổ hai đứa mình quăng ra cửa…
 
Emily bật cười vì câu nói đùa của Vịnh. Cô đưa cho Vịnh tờ giấy 20 đồng thời anh lắc đầu nói nhỏ.
 
– Lần sau sẽ tới phiên của Emily…
 
Mỉm cười cô ta lập lại bằng giọng nghiêm và thành thật.
 
– Cám ơn ông… Như vậy là tôi hân hạnh được ngồi đây uống cà phê với ông lần nữa hả?
 
Vịnh cười nói trong lúc đứng dậy.
 
– Không phải lần nữa mà sẽ có nhiều lần nữa…
 
Hai người lần lượt ra cửa. Đứng nơi lề đường nhìn xe cộ dập dìu, Vịnh không thấy bóng ông già điên người Hungary. Có lẽ ông ta đang lang thang trong thành phố để tìm kiếm cái gì. Ông ta tìm cái gì? Câu hỏi đó lởn vởn trong trí của Vịnh khi ngồi vào ghế lái xe và suốt đoạn đường trở lại nhà.
 
Khoảng nửa tháng nữa mới vào thu song tiết trời đã thay đổi. Vịnh sớm nhận ra lá cây phong bắt đầu đổi màu. Điều cho anh biết là những cơn gió từ miền Bắc lùa về mang theo chút lành lạnh vào buổi sáng sớm. Chỉ chút lành lạnh thôi cũng đủ làm cho một kẻ vốn quen sống ở xứ nóng như anh cảm thấy co ro và bơ vơ. Công viên im vắng người vào buổi sáng Chủ Nhật vì không có trẻ con. Hai tay bỏ vào trong áo khoác mỏng anh thanh thản bước từng bước trên lối đi bằng xi măng. Trừ những ngày mưa dầm hay tuyết đổ, mỗi sáng Chủ Nhật anh thường thức dậy sớm tản bộ trong công viên gần nhà.
 
– Công viên này mà cây phong bằng cây me thì tuyệt…
 
Vịnh lẩm bẩm khi ngước nhìn hàng cây phong cao đầy lá. Lá cây phong về mùa thu đổi màu thật đẹp nhưng anh vẫn thích lá cây me hơn. Em còn nhớ không em… Ta dìu em đi trên đường Nguyễn Du vàng đổ lá me bay… Tay trong tay ta đọc cho em nghe những bài thơ tình tự… Sài Gòn không có nhiều cây cối bởi vậy bông hoa cây cỏ mới hiếm quí. Anh nhớ lại vào giữa tháng 7 năm 1975, ngồi trên xe ra phi trường ở đảo Guam, anh lặng nhìn hoa phượng vĩ đỏ thắm lung linh trong bóng nắng mùa hè. Đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy hoa phượng nở. Ba mươi mấy năm rồi hình ảnh của hoa phượng vẫn hiển hiện dù nhạt mờ và lẩn khuất đâu đó trong lòng anh. Cũng như nét mong manh, buồn bã và lãng mạn của màu vàng lá me bay rơi trên tóc, trên vai áo người con gái năm nào vẫn chói lòa trong tâm hồn của kẻ xa quê xa người.
 
Đang đi Vịnh hơi bước chậm lại vì nhận ra một người ngồi im trên băng đá. Đó là Jack, ông già điên người Hungary. Vẫn bộ quần áo cũ, nón nỉ đội sùm sụp trên đầu, ông già ngồi ủ rũ nhìn xuống đất.
 
– Hi Jack…
 
Vịnh lên tiếng chào. Jack ngước lên. Vịnh đọc được trong ánh mắt của ông ta một khoảng trống không mênh mông không chứa đựng cái gì, điều gì. Không ký ức, không kỷ niệm, không hình ảnh, không ý thức. Không gì hết. Như một tờ giấy trắng tinh chưa có nét chữ hay vết mực.
 
– Ông làm gì ở đây?
 
Vịnh hỏi trong lúc ngồi xuống băng đá cách ông già quãng vừa đủ xa. Jack vẫn lặng im.
 
– Ông tìm cái gì mà tôi thấy ông đi tìm hoài?
 
Vịnh tiếp tục hỏi dù biết không có câu trả lời. Ông già điên quay nhìn anh giây lát rồi lại cúi nhìn xuống đất. Bây giờ Vịnh mới chú ý thấy là bàn tay của ông ta nắm lại như đang cầm giữ vật gì.
 
– Ông là người Việt Nam hả?
 
Vịnh sững người, quay nhìn ông già đăm đăm. Anh hoàn toàn ngạc nhiên vì câu hỏi của ông ta. Một người điên loạn không thể hỏi như thế. Đúng như Emily nói ông ta là một người không bình thường chứ không phải điên. Nghĩa là ông ta vẫn có lúc tỉnh táo để nhận thức được điều gì, cái gì mà ông ta muốn.
 
– Đúng như vậy thưa ông… Tôi là người Việt Nam…
 
– Ông tị nạn cộng sản bao lâu rồi?
 
– Ba năm…
 
Jack cười. Nụ cười buồn, ngu ngơ và bơ vơ.
 
– Ông đi tìm cái gì mà tôi thấy ông đi tìm hoài?
 
Vịnh lập lại câu hỏi của mình lần nữa như cố ý làm cho ông già hiểu. Anh hi vọng trong lúc tỉnh táo bất chợt này ông ta sẽ trả lời. Không nói lời nào Jack mở bàn tay của mình ra. Vịnh thấy trong lòng bàn tay của ông ta không có gì hết ngoại trừ nắm cát màu trắng ngà.
 
– Cát… Tôi đi tìm những hạt cát…
 
Vịnh ngơ ngác. Anh nghĩ ông già điên người Poland này lang thang trong thành phố để tìm kiếm cái gì hiếm hoi và quí giá chứ đâu ngờ ông ta lại đi tìm những hạt cát.
 
– Cát ở đây thiếu gì…
 
Jack chợt nở nụ cười. Mãi sau này dù cố gắng suy nghĩ Vịnh cũng không hiểu được ý nghĩa nụ cười của ông ta.
 
– Cát ở đây không có… Tôi đi tìm… hạt cát…
 
Vịnh lặng thinh vì câu nói rời rạc của Jack. Còn đang suy nghĩ anh thấy ông ta đứng lên.
 
– Ông đi đâu vậy?
 
– Đi tìm… tìm hạt cát… hạt cát… quê hương…
 
Vịnh im lặng nhìn theo bóng ông già điên đang chậm bước trên lối đi. Ông ta bỏ cả quãng đời còn lại để đi tìm hạt cát của quê hương nhưng không bao giờ tìm thấy. Đó là lý do làm cho ông ta thành một người điên. Ông ta có lý do chính đáng để điên bởi vì hạt cát của quê hương hiếm quí vô cùng, ít nhất đối với ông ta.
 
chu sa lan
Kansas City- 1980
  • Hình từ Hoavouu.com
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com