Người đàn bà ấy giờ này còn không? Tôi vẫn thường bâng khuâng tự hỏi mà chẳng bao giờ trả lời được, nhất là sau bao nhiêu biến cố đã xảy ra trên mảnh đất Nam Giao bé nhỏ, trên thôn Bình An khô cằn và rất thiếu sự bình an của chúng tôi.
Mỗi lần câu hỏi ấy trở lại trong tôi là hình ảnh chị Bậc với gánh chè tươi, từng bó, từng bó một chất lên gần tới mút đầu của đôi gánh. Những bó chè lá xanh đậm, láng bóng cùng với hình ảnh của người đàn bà lẫn lộn múa nhảy, tiếng quang gánh kĩu kịt trên vai nhịp nhàng theo bước chân, giọng nói chất phác đơn thuần, tất cả đều hiện ra cùng một lúc.
Ngày tôi biết nhìn người, nhìn đời là ngày chị Bậc trạc độ ba mươi tuổi và thằng Đốt, đứa con trai độc nhất vừa lên chín lên mười gì đó.
Tiếng quang gánh kĩu kịt trên vai nhịp nhàng theo mỗi bước chân, đôi chân trần hầu như quen chà đạp lên bao nhiêu đá sỏi, bùn đất của thôn Bình An. Hình ảnh của chị Bậc.
Hẳn chưa bao giờ có ai hỏi rằng người đàn bà ấy có nhan sắc không? Ngay cả chính chị Bậc hay anh Bậc cũng không bao giờ để ý nhìn đến. Tôi ngờ rằng anh Bậc lấy vợ để có vợ, có con vậy thôi, chứ họ không lấy nhau vì tình, vì sắc hay vì gì gì đi nữa. Những thứ phù phiếm bám trét vào con người mà ngày nay là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy cuộc hôn nhân.
Chị Bậc làm nghề bán chè tươi, mỗi ngày từ năm giờ sáng người đàn bà đã thức dậy để thổi nấu, lo cơm bới cơm để. Cơm bới cho mình mang theo ăn trưa ở chợ hoặc ở trại chè, và cơm ủ trấu để lại cho thằng con trai ăn bữa trưa lúc nó đi học về.
Thằng Đốt đi học trường tiểu học ngay đầu thôn cùng với mấy thằng anh họ nên chẳng có gì đáng ngại. Cha nó, anh Bậc, là con nuôi của bố mẹ tôi từ thuở bé, nên bố tôi đổi đi đâu thì anh Bậc phải đi theo đó. Vợ chồng cha con họa hoằn lắm mới có dịp gặp nhau. Bố tôi khó tính, chỉ có anh Bậc là biết tính, từ cách là tấm áo, nấu ấm trà, pha cốc rượu, cả những khi tiếp khách. Nhà có yến tiệc lớn nhỏ, cái gì cũng cần có anh Bậc điều khiển người làm mới vừa ý bố tôi. Sau này anh Bậc có phẩm hàm, lại còn xa cách vợ con hơn nữa.
Thổi nấu ăn uống dọn dẹp xong là trời vừa sáng rỡ, chị Bậc mang quang gánh lên trại chè tận làng Dương Xuân Thượng hái chè mang về chợ Bến Ngự bán lại.
Tôi không bao giờ hỏi xem buôn bán như thế thì lời lãi bao nhiêu, nhưng chắc không thể nào giàu có thừa thãi, đủ sống cho hai mẹ con là may lắm rồi.
Trại chè cách Bình An thôn quãng mười hai cây số, chị Bậc quảy gánh về đến nhà vào lối bốn, năm giờ chiều. Sau khi xếp đôi quang gánh vào một góc bếp, vẩy lên ít nước cho lá giữ sắc tươi đợi đến ngày mai quảy xuống chợ, chị Bậc rửa vội mặt mày cho bớt bụi bặm rồi mang chè đi sang các nhà trong xóm, những nhà nào đã đặt mua giùm. Tội vạ gì trong xóm có mụ Bậc buôn chè mà phải mua chè ở chợ, đã vừa mất công lại vừa đắt, chè mụ Bậc mang về vừa tươi vừa tốt lại vừa rẻ.
Cũng vì thế mà bao giờ chị Bậc cũng lo đi giao chè ngay cho nhà người ta để họ súc nồi, nấu cho kịp uống sau bữa cơm tối. Ăn xong mà được uống một bát chè tươi mới hái, mới nấu thì còn gì ngon lành hơn. Gia đình tôi đông người làm nên hôm nào chị Bậc cũng hái mang thêm vào bó, và lần nào chị Bậc cũng đưa sang nhà tôi sau cùng vì nhà tôi ăn tối muộn hơn những nhà khác. Vào bếp giao chè xong, chị Bậc hay ghé sang phòng tôi ở nhà trên, gian ngoài, đứng từ cửa sổ nói chuyện với chúng tôi.
Người đàn bà ấy không bao giờ than thở, không bao giờ oán trời trách đất, đã thế lại còn có vẻ hài lòng với cái số phận của mình, thấy đó là cả một sự ưu đãi của định mệnh rồi. Giá có ai đổi cho cái địa vị làm vợ thầy thông, thầy ký hoặc bà Cai, bà Đội cũng chưa chắc chị Bậc đã chịu.
Ngày anh Bậc được thăng Cửu phẩm hẳn là ngày đẹp nhất trong đời chị. Từ đấy trong xóm không ai gọi hai chữ mụ Bậc suông mà tất cả mọi người đều gọi “mụ Cửu Bậc”, “chị Cửu Bậc”, và mỗi lần như thế là chị Bậc nghe lâng lâng trong lòng. Chị Bậc có nụ cười rất dễ thương, làn môi được quét trầu viền lên một lớp đỏ, cố ý không chùi, hay có chùi cũng không chùi kỹ, đấy là nét màu sắc duyên dáng độc nhất trên làn da sạm nắng. Mái tóc dài chị quấn gọn lên đầu, lúc nào đủ thì giờ săn sóc thì nó bóng mượt, thoang thoảng mùi dầu dừa, có cái lược để giữ cho khỏi tung. Tôi vẫn cho chị Bậc là người đẹp nhất xóm nên tôi thích khen hay trêu chị Bậc. Thấy chị mặc một chiếc áo mới là tôi có dịp trêu, hỏi có phải anh Bậc sắp được về phép không? Mỗi lần thế chị Bậc chỉ cười bẽn lẽn, trả lời gọn hai tiếng “Mô có!” rồi nói lãng sang chuyện khác ngay.
Chị Bậc biết nhiều, có nhiều kinh nghiệm, nói chuyện với chị ấy có thể học hỏi thêm. Những câu chuyện như “Vườn nhãn nhà bà Tuần Th. sai quả, chắc năm ni được mùa cô Trúc ơi, đi ngang thấy họ đang lồng mà bắt mê, tha hồ mà bán”. Không phải cây nhãn thì sang chuyện những bụi tre vừa trổ măng, mà “mụt mô mụt nấy chúi đầu hết vô bụi, rứa là sắp có bão đó cô Trúc biết không”. Chị Bậc còn dạy cho cả ông Hoa, người làm vườn rằng “trồng cam, quýt và chanh thì kỵ bón phân lợn, chỉ nên bón phân dê trộn với tro mới tốt, hoặc lúc nào bẫy được chuột thì mang chôn dưới gốc cam, gốc quýt cho quả nó ngọt”.
Toàn những kinh nghiệm sống chứ làm gì có sách vở nào dạy cho, nhưng với tôi thì đấy là những bài học vui hơn cả bài học nhà trường. Chị Bậc vẫn ước ao “khi mô về được hai huyện Hương Trà và Phú Lộc mà buôn thứ chè ở đó lên mới là chính cống chè của Huế mình, uống vô sáng mắt liền cô Trúc biết không, mà hai con mắt của Trúc sáng như hai ngọn đèn rồi, cần chi!”
Hết nói chuyện chè, chuyện cây cỏ, chị Bậc lại phàn nàn thằng con trai không chịu học “Cái thằng Đốt tui hư quá cô ơi”. Chị Bậc biết là tôi hay gây mỗi khi chị đánh mắng thằng con trai. Chị gọi chúng tôi bằng cô với chú là gọi theo thằng Đốt, thằng con trai độc nhất, lẽ sống và nguồn vui cao cả của người mẹ ấy.
Tần tảo như thế, chịu đựng như thế chỉ vì một mục đích duy nhất là làm sao nuôi thằng Đốt cho nên người. Không nói ra, cả xóm đều biết là chị Bậc đã đặt rất nhiều hy vọng vào thằng con trai ấy, có lẽ trên cả người chồng, vì anh Bậc cũng như những người đàn ông miền Trung xứ quê khác, xem vợ như cái ghế, cái bàn, lúc nào mất đi mới thấy thiếu, mới quay quắt đi tìm cái khác thế vào, khi còn sống đó thì hầu như không hề để ý đến.
Anh Bậc có cái chứng nghiện rượu, chẳng biết có phải vì gia truyền vì ông già cũng nghiện, hay vì từ thuở bé theo bố tôi đi các tỉnh. Đến nơi nào cũng có bạn bè trong số những người làm, họ hay mời anh Bậc về nhà ăn uống sau buổi xong việc, mà ăn thì phải có rượu, dần dần đâm quen thói. Anh Bậc nhắm rượu cả với ớt tươi cay xé lưỡi, mặc cho mụ vợ năn nỉ ngày đêm hết ngọt đến lạt, bao giờ quá lắm thì được một lời hứa buông xuôi “ừ, để rồi ta chừa”. Một lần nghe vợ cằn nhằn quá, anh Bậc chịu nhượng bộ với điều kiện là “mụ đi mua cho tui con gà về luộc bóp rau răm tiêu muối, tui ăn rồi tui chừa rượu”.
Chị Bậc nghe chồng nói, mừng rỡ vội đi mở hầu bao lấy tiền sang nhà láng giềng chọn mua một con gà mái tơ chưa bao giờ đẻ lần trứng nào, về nhà hùng hục nào bắc nước nhổ lông, nào cắt tiết, nào ra vườn hái rau răm về bóp. Chỉ hơn một giờ sau là anh Bậc thấy vợ mang đến một mâm nào gà, nào nước luộc gà thơm lừng lựng.
Ông chồng ngồi xăn tay áo chờ đợi, sẵn sàng vào cuộc dưới đôi mắt hân hoan của vợ. Ăn được vài miếng, chị Bậc nghe chồng thở dài rồi chép miệng than thầm, chẳng biết ông còn buồn tiếc chuyện chi.
– Răng đó mình, răng mình không ăn mà thở dài, bộ gà không mềm hả?
Giọng chị Bậc lo lắng thắc mắc.
– Không răng cả, gà ngon lắm.
– Ngon răng không ăn nữa mà lại thở dài?
– Ngon mà uổng…
– Uổng chi mình, thì cứ ăn rồi thằng Đốt về hắn ăn sau…
– Không, uổng là gà ngon như ri mà ăn một mình, không có rượu, thiệt uổng!
Ngừng một lúc, ông chồng ngập ngừng nói thêm:
– Thôi mụ chịu khó xách cái chai qua quán bà Cai mua cho ta nửa chai rượu, rồi mai mốt ta chừa.
Chị Bậc không đợi chồng nói đến lần thứ hai, lặng lẽ đứng lên lấy chai đi mua rượu. Nhìn nét mặt chồng hả hê ăn uống ngon lành vui vẻ, chị Bậc cảm thấy cũng hả hê, cũng vui vẻ theo.
Anh Bậc không những chỉ mắc cái chứng nghiện rượu mà còn hay tán gái. Ở xa vợ tha hồ cho anh Bậc tung hoành, gặp cô nào coi được là y như cất giọng ngâm nga hò hát. Tôi hay nghe anh Bậc ca một câu mỗi lần gặp mấy cô tùy theo tuổi tác mà thay đổi vài chữ. Nếu cô tuổi Tý thì anh Bậc ca:
Mưa lâm râm ướt dầm lá bí,
Tui thương một người tuổi Tý hăm ba…
Gặp cô nào mồ côi thì anh Bậc ca:
Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ,
Tui thương một người mất mẹ còn cha…
Tôi thường trêu vì nghe anh Bậc ca đến lần thứ ba là biết anh vừa làm quen với một cô khác, hay là có sự hiện diện của một cô khác đâu đó.
– Mưa chi mà mưa hoài, anh Bậc coi chừng tui viết thư về nói với chị Bậc cho chị xé xác anh ra!
– Thôi mà chị Trúc, bữa mô về Huế đừng mét mụ Bậc.
– Anh Bậc sợ vợ hả? Anh có biết chuyện nước mắm hâm không?
– Sợ chi, tại mấy mụ đàn bà hay cằn nhằn điếc tai chớ tui mà sợ ai?
*
Tiếng quang gánh kĩu kịt nhịp nhàng trên vai theo mỗi bước chân đi. Chị Bậc già hơn một chút, nhưng không vì thế mà kém đẹp, kém dễ thương. Một vài nét nhăn vạch lên trán, hai khóe mép hơn đậm hơn hẳn vì cười nhiều, nụ cười chân thành, hiền hòa của những kẻ không ước mơ, không đòi hỏi. Bảo chị Bậc không ước mơ chưa chắc đã đúng, người đàn bà ấy có hai lời khấn nguyện và đêm đêm hay ra khấn với mấy vì sao trên trời, khấn cho thằng con trai nên người và khấn cho bố tôi đổi về Huế để anh Bậc cũng được gần vợ con.
Khấn vậy thôi, chị Bậc không bao giờ tỏ lời than phiền anh Bậc, người chồng mà từ độ lấy nhau, mỗi năm giỏi lắm là gặp nhau một hai, lần, và mỗi lần không bao giờ quá mười hôm.
Chị Bậc vẫn buôn chè tươi và nghề buôn chè vẫn đủ nuôi hai mẹ con mặc dầu thằng Đốt đã lớn hơn, ăn nhiều hơn và tiền giấy bút cũng gấp mấy lần hơn. Người mẹ không hề từ chối thằng con trai một quyển sách hay một cây bút mới, coi sự học của con là một điều thiêng liêng vô cùng. Hân hoan mỗi khi nhìn thằng Đốt ngồi dưới ngọn đèn gào lên những bài sử ký, địa dư. Mới ngày nào nó còn đánh vần, rồi đến những bài học thuộc lòng “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” chị Bậc cũng đã thuộc theo. Để rồi bây giờ là những gì gì cao siêu mà người đàn bà không hiểu kịp nhưng cũng không dám hỏi. Những bài học khó khăn ấy như báo hiệu một bầu trời xán lạn trong tương lai gần… Lắm khi vui quá mà chẳng có ai để thổ lộ, chị Bậc đã sang tìm tôi, bao giờ cũng đứng từ ngoài cửa sổ nhìn vọng vào.
– Cô Trúc mô rồi hè?
– Chị Bậc qua tìm Trúc có việc chi đó?
– “Dớ” (nhớ), lâu không gặp, “dớ” qua thăm.
– Chị Bậc nhớ anh Bậc mới phải chớ nhớ chi Trúc?
– “Dớ” mỗi người một khác, nói chi lạ…
Tôi thích trêu chị Bậc, biết rằng người đàn bà ấy không bao giờ nói đưa đãi, đầu môi như những kẻ quen cuộc sống thị thành, nhưng thế nào cũng phải trêu một câu mới chịu.
– Cô Trúc đang làm chi, tui qua hỏi thăm rồi có phiền không đây?
– Phiền lắm, Trúc ra Trúc đẩy chị Bậc xuống hồ để chị Bậc ướt hết quần áo chơi…
– Ra hồ ngồi chơi chút cô Trúc hè, ở chi trong “dà” (nhà) cho nóng.
– Chị Bậc chờ em.
Tôi tắt đèn đóng cửa xong cũng nhảy cửa sổ ra bờ hồ ngồi với chị Bậc. Trước sân nhà tôi có xây cái hồ sát mặt đất thật lớn, mẹ tôi gọi là hồ Vọng Nguyệt, tôi đặt tên là hồ Thiềm Thanh hay là “hồ cóc kêu” vì có mấy con cóc, con ễnh ương đã chọn hồ làm nơi trú ngụ, mỗi khi trời sắp mưa là chúng không ngừng hòa tấu.
Chúng tôi ngồi sát bờ hồ để đón hơi nước mát từ hồ đưa lên. Tôi chờ nghe chị Bậc tâm sự, biết chắc phải có gì muốn nói chị Bậc mới sang tìm.
– Nước mát ghê cô Trúc hỉ, tề, cô Trúc có nghe tiếng thằng Đốt tui đang học không, chà, cái giọng chi hắn mà rảng rảng, bên ni cũng nghe rõ, chắc cả xóm điếc tai…
Chị Bậc nói một cách kiêu hãnh vì thằng Đốt sắp thi lên Trung Học. Biết người mẹ chỉ vui khi nói tới thằng con trai, tôi hỏi thăm:
– Đốt sắp thi rồi phải không chị Bậc?
– Còn nửa tháng nữa, cô nghe hắn học dữ rứa đó, tui cứ sợ hắn “dác” (nhát: lười biếng) nên cứ dỗ, ráng thi đậu cho cha mi mừng nghe con!
Ngừng một lúc chị Bậc hỏi thăm:
– Cụ sắp về phải không cô Trúc?
– Em mới nghe mạ nói khi sáng.
– “Dờ”( nhờ) trời ngày mô cụ đổi về đây chắc vui lắm cô Trúc hè.
– Chị Bậc mất công lo hầu anh Bậc, mệt chớ vui chi!
Người đàn bà mỉm cười không nói, ngước mắt lên nhìn mấy vì sao trên trời.
– Sao “diều” (nhiều) quá, rứa là mai ni trời nắng tốt lắm đây!
– Trời nắng chị Bậc gánh chè đi xa có mệt không?
– Quen rồi, tui mà chừ không buôn chè chắc chịu không nổi.
– Chị Bậc nói rứa chớ mai sau già thì răng?
– Mai sau có thằng Đốt cô Trúc nờ. Thằng nớ ngó “dỏ dỏ” (nhỏ nhỏ) rứa mà có hiếu lắm, mấy bữa tui cảm hắn biết đi mua dầu về bóp rồi nấu cháo hành, nấu nước xông, cứ chạy vô chạy ra hỏi “mạ bớt chưa mạ”, thiệt dễ thương! Thương hắn mà bắt lành, hết đau, “dờ” được rồi đó cô Trúc biết không!
Chị Bậc nói đến thằng con trai bằng thứ giọng trìu mến, cảm động, đậm đà.
Mấy con cá dưới hồ quẩy đuôi nhảy lên khỏi mặt nước làm câu chuyện bị ngừng dứt. Tôi biết chị Bậc sang tìm tôi chỉ có thế, để nói đến thằng con trai và hỏi thăm tin bố tôi sắp về có đúng không. Bố tôi về tất sẽ có anh Bậc theo, nếu anh Bậc về đúng vào lúc thằng Đốt thi đỗ nữa là hoàn toàn, là sự cầu xin mỗi đêm khi ngước mặt lên mấy vì sao đã được chấp nhận, đã được chuyển tới Trời Phật.
*
Nhưng có một hôm nào những vì sao lơ đễnh, đã quên đi, không nghe, không chuyển những lời khấn nguyện. Và chị Bậc tuy đã sống trọn cuộc đời ngoan ngoãn, phục tòng, kham khổ như thế nhưng vẫn chưa đủ làm hài lòng định mệnh.
Mùa thu Cách Mạng rồi mùa đông Kháng Chiến, bao nhiêu biến cố xảy ra trên xứ Huế, trong mỗi gia đình, dưới mỗi mái nhà, bất cứ là mái tranh hay mái ngói. Chị Bậc vẫn tiếp tục đi buôn chè nhưng một hôm, vừa đặt gánh chè xuống sân thì có người đến hơ hãi báo tin cho biết là thằng Đốt chết rồi, bị bắn mà không biết ai bắn?
Người đàn bà quẳng hết tất cả những gì trên tay chạy đi tìm xác con, ôm ghì lấy cái xác chết đã bắt đầu lạnh mà gào khóc:
– Đốt ơi, răng con bỏ mạ con đi?
Còn lời than nào hơn, nếu quả thật có Trời, hẳn Trời cũng phải động lòng, phải hối hận, phải muốn làm một hành động, một cử chỉ nào đó để cứu vãn, để an ủi người đàn bà xấu số ấy.
Đêm đêm người trong xóm hay nghe tiếng khóc tỉ tê của chị Bậc “Đốt ơi, mạ chỉ có một mình con, sao con bỏ mạ con đi?”
Sự thực ai cũng biết rằng thằng bé đâu có muốn đi, nhưng người ta bắt đi, mười lăm tuổi, người ta đã lợi dụng tuổi trẻ, lòng tin tưởng để thúc giục nó, bắt nó đi và cố nhiên đi với cái chết nắm chắc trong tay.
*
Định nghĩa của hòa bình là trồng cây nhìn thấy quả, sinh con nhìn thấy ngày nó lớn khôn, có gia đình, có công việc làm ăn. Nhưng chị Bậc cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, trót sinh ra làm dân Việt Nam…
Bên tai tôi mỗi khi mơ về quê hương vẫn như đang nghe tiếng quang gánh kĩu kịt nhịp nhàng trên vai theo những bước chân đi của chị Bậc.
Minh Đức Hoài Trinh
Nguồn: