User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nhagaxeluabenanh
Hình minh họa 
 
Lời tác giả: Truyện hoàn toàn có thật, chỉ thay đổi tên tuổi, địa danh.
 
oOo 
Thảo tỉnh giấc bởi tiếng loa báo tin xe lửa sắp đến gare Chaumont, ngừng lại 3 phút yêu cầu hành khách kiểm điểm cẩn thận hành lý trước khi xuống. Thảo ngồi ngay ngắn lại, nhìn đồng hồ tay 14 giờ 50 phút. Nàng đã ngủ được 1 giờ hơn, bù lại sự mất ngủ đêm qua vì mải lo chuyện trò với Thủy. Thảo tỉnh hẳn ra, nhìn qua khung cửa kính, tuyết vẫn tầm tã rơi phủ trắng những cánh đồng, những mái nhà xa xa. Người đàn ông ngồi cạnh Thảo đứng lên với tay lấy chiếc va ly từ trên kệ cao đặt xuống chân, mặc lại chiếc áo Manteau, nói bâng quơ:
 
- Mùa đông năm nay lạnh hơn năm ngoái...
 
Thảo quay sang mỉm cười như đồng ý thay cho câu trả lời.
 
Nhà gare Chaumont từ từ hiện ra, bánh xe sắt nghiến chạm đường rầy kêu ken két, theo đà thắng tàu từ từ ngừng hẳn lại. Hành khách đứng đợi dưới sân gare đông nghẹt nhưng người xuống lại thưa thớt. Thảo nhìn mọi người đang cố chen chúc được đứng gần cửa toa xe rồi sẽ lên trước để tìm một chỗ ngồi. Trong đám đông Thảo nhận ra một gương mặt Á châu.. Một người đàn bà cao tuổi, ước chừng hơn 70, đứng sau cùng, dáng người thấp bé gần như bị che khuất trong đám đông những người Tây phương to lớn. Đầu bà đội một chiếc mũ len màu xám có chiếc đỉnh nhọn che phủ vầng trán bị giữ lại bởi một cặp kính trắng, người khoác một chiếc Manteau, tay phải kéo một chiếc va ly có bánh xe lăn, trên lưng đeo một chiếc túi khá đầy. Bà ngơ ngác nhìn mọi người, nhìn dọc theo hàng cửa kính trên xe, ánh mắt bà chạm gặp mắt Thảo, bà mỉm cười rồi lắc đầu như muốn nói "tôi không chen được với mấy ông bà Tây này..." Thảo cũng mỉm cười đáp lại qua màn kính. Người đàn ông cạnh Thảo cầm va ly, nhẹ gật đầu chào từ giã nàng. Thảo lịch sự đáp lời:
 
- Chào ông.
 
Một ý nghĩ thoáng nhanh qua đầu nàng, nàng lấy chiếc áo Manteau đang ôm trong tay, đặt vào chiếc ghế trống, đứng dậy xoay người hẳn qua phía cửa kính trong lúc dưới sân gare, bà cụ già bước được thêm vài bước đến gần cửa lên xuống xe, Thảo đưa tay ra dấu chỉ chỉ với bà cụ già. Bà cụ nhìn phải nhìn trái rồi đưa tay lên ngực, Thảo gật đầu rồi lại chỉ vào mình. Bà cụ hình như chưa hiểu ý Thảo và vẫn tiếp tục theo sau những người khách lên xe nhưng vẫn nhìn Thảo... Một thanh niên vừa lên xe trờ tới hỏi Thảo:
 
- Xin lỗi, ghế này có ai ngồi không?
 
Thảo vội vàng trả lời:
 
- Có người rồi...
 
Đôi trai gái trẻ ngồi phía sau đang dán mặt vào nhau thì thầm, Thảo chuyển ghế và ngồi vào chiếc ghế trống. Tiếng loa vang báo tin xe lửa 16 giờ 40 sẽ chuyển bánh để đến gare Troyes và sẽ ngừng lại 5 phút rồi tiếp tục đến gare de l'Est-Paris. Con đường nhỏ giữa hai hàng ghế ngồi, khách lên đang chen chúc tìm chỗ. Thảo đứng hẳn lên, hướng nhìn về phía đám đông từ phía cửa lên xuống... Bà cụ già xuất hiện, cách nàng khoảng hơn 10 hàng ghế... Đôi trai gái nhìn Thảo, Thảo nhờ họ giữ dùm 2 chỗ này để nàng đón bà cụ, hai người gật đầu nhận lời. Thảo rời ghế, xin lỗi luôn miệng, cố len chân để tiến về phía bà cụ... Cặp mắt kính mờ vì hơi lạnh, bà cụ cười như biểu lộ sự vui mừng khi nàng chỉ còn cách bà độ ba người. Thảo đang phân vân vì không hiểu là bà cụ người nước nào, nàng chỉ còn biết đưa tay chỉ chiếc va ly và nói một hơi bằng tiếng Việt Nam:
 
- Bà đưa va ly cho tôi...
 
Bà cụ lách người đẩy chiếc va ly về phía Thảo và lí nhí nói, cũng bằng tiếng Việt:
 
- Cảm ơn bà...
 
Rồi cả hai lại len chân để trở lại hai chiếc ghế mà Thảo đã vừa rời. Sau khi đã cảm ơn đôi trai gái giữ ghế hộ, Thảo nhường bà cụ ngồi chiếc ghế phía trong gần khung kính, nàng đề nghị để chiếc va ly lên kệ, bà cụ lắc đầu:
 
- Nặng lắm bà ạ!
 
Một người đàn ông đã phụ giúp Thảo để chiếc va ly lên được kệ. Bà cụ bây giờ đã gỡ chiếc mũ len, mái tóc trắng lưa thưa được búi củ hành nhỏ rất gọn gàng và lên tiếng với Thảo:
 
- Lỗi tại tôi vô ý, khi đến nhà gare lớn không nhìn bảng loan tin cứ cắm đầu bấm vé, lọc cọc kéo va ly xuống mấy chục bậc thang rồi lại leo lên mấy chục bậc thang, lấy làm lạ sao vắng người đi... Tìm chỗ ngồi trong nhà lồng kính cho ấm... rồi loáng thoáng tiếng loa báo tin xe lửa tôi sẽ đi bị hủy bỏ, phải đợi chuyến sau từ Mulhouse đến. Tôi đã định trở lại nhà gare chính nhưng nghĩ kéo va ly tôi không can đảm...
 
Thảo hỏi bà cụ:
 
- Bà xuống gare nào?
 
- Tôi đi Paris. 
 
Bà ngừng lại một chút:
 
- Tôi đi tái khám bệnh...
 
Thảo nhìn bà cụ:
 
- Lên tận Paris tái khám?
 
- Dạ, với tuổi trên 70 của tôi bệnh viện Chaumont từ chối, họ gởi tôi lên Paris...
 
- Bà bệnh gì vậy?
 
- Bác sĩ gởi tôi đi khám tổng quát, tìm thấy trong máu có phân... bị cancer ruột bà ạ! Bà xem tuổi này mà còn bị cancer...
 
Bà cụ thở dài như cố trút bỏ nỗi ưu phiền.Thảo nhìn bà, lòng xót xa nhớ đến cô em gái của nàng ở Mulhouse cũng vừa phải mổ một bên ngực vì cancer. Bà cụ kéo Thảo trở về với thực tại:
 
- Tôi sống chờ chết!
 
Tim Thảo như nghẹn lại, nàng nhẹ nhàng an ủi:
 
- Sinh, lão, bệnh, tử bà ạ!
 
Thảo tò mò tiếp lời:
 
- Bà đi một mình lên Paris tái khám?
 
Bà cụ mỉm cười đáp:
 
- Có một mình thì đi một mình chứ bà.
 
Thảo ngạc nhiên:
 
- Bà sang Pháp một mình?
 
- Không. Tôi có đứa con gái cùng đi... Cuộc đời tôi lận đận lắm bà à... Người ta nói tuổi Canh... Canh cô sống một mình. Tôi tuổi Canh Ngọ.... Con ngựa cực lắm, ngủ không được nằm... Coi vậy mà tử vi cũng đúng đó bà! 
 
Thảo cười nhẹ. Bà cụ lấy chai nước suối nhỏ, uống một hớp rồi nói tiếp:
 
- Trước 75, tôi là y tá cho bệnh viện Grall. Khi bệnh viện đóng cửa, người ta cho tôi một số tiền, ông nhà tôi là hoa tiêu trên tàu buôn lớn, học từ Pháp về... Ngày 30/4, ông học tập 3 ngày rồi được chính quyền cho làm việc để đào tạo chuyên viên vì lúc đó rất hiếm hoa tiêu... Hai vợ chồng chúng tôi chỉ có được một cô con gái, lúc đó mới lên 6. Những người làm việc chung với tôi nộp đơn đi Pháp theo diện nhân viên. Tôi hỏi ông nhà tôi, ông ậm ừ không muốn đi vì nhiều lẽ: Cha mẹ đã già mà ông lại là con một; ông không thích sống ở nước ngoài, ông nói 5 năm ở Marseille khi sang Pháp học đã đủ cho ông hiểu cuộc đời xa quê, không đâu bằng quê hương mình. Thế là tôi dẹp hồ sơ sang một bên. Những người đi theo diện con lai, không biết tiếng Anh, tiếng Pháp... Nhân cơ hội, tôi mở lớp dạy Anh, Pháp kiếm thêm tiền khá lắm và cũng nhờ thế tôi quen một số người đi Pháp... Có người nghèo quá tôi dạy không lấy tiền.
 
Bà cụ ngừng, uống thêm một hớp thấm giọng:
 
- Cho đến năm cháu gái đậu Tú Tài, nộp đơn học Y Khoa rồi bị bác trả vì thiếu điều kiện, nhìn con gái loay hoay trong nhà, tôi sốt ruột rồi bàn với ông chồng tôi, ông chấp thuận để hai mẹ con tôi ra đi, tôi đi nộp đơn và hai năm sau cháu và tôi sang Pháp. Cũng may mắn được hội Hồng Thập Tự cho tôi làm việc nửa buổi để lo liệu thủ tục giấy tờ giúp người Việt không giỏi tiếng Pháp.
 
Cháu Hiền - tên con gái tôi - học 1 năm lấy căn bản thêm rồi thi đậu bằng Tú Tài Pháp rồi vào học 2 năm ngành thư ký văn phòng...
 
Thảo ngắt lời bà cụ:
 
- Lúc rời trại làm giấy tờ bà ở tỉnh nào?
 
- À, tôi ở Dijon, đi theo vài người bạn quen biết. Tôi dọn đến Chaumont này khi cháu được cơ quan trợ cấp gia đình nhận cho làm việc vĩnh viễn. 
 
Bà cụ hỏi tiếp Thảo:
 
- Bà có về Việt Nam chưa?
 
Thảo vui vẻ trả lời:
 
- Dạ, 3 lần rồi. Thế còn bà?
 
Bà cụ cúi mặt, mân mê hai bàn tay: 
 
- Không cô.
 
Thảo giật nẩy mình:
 
- Chưa về lần nào?
 
Bà cụ từ tốn:
 
- Tôi sống ở Dijon được 5 năm, tôi xin vào quốc tịch Pháp nhưng bị từ chối vì lý do ông nhà tôi. Một là tôi phải ly dị với ông, hai là tôi phải bảo lãnh cho ông sang Pháp này...
 
Thảo nheo đôi chân mày:
 
- Chuyện kỳ! Tôi chưa bao giờ nghe nói...
 
Bà cụ tiếp:
 
- Hoàn cảnh tôi đó cô! Sau đó tôi chán nản bỏ luôn vì ông nhà tôi khi đó vẫn tiếp tục đi làm với nhà nước và chỉ mới vừa về hưu mới đây được 3 năm. Tôi thì đã 70 xin vào quốc tịch Pháp làm gì nữa nhất là ông nhà tôi vẫn không chịu sang đây.
 
Thảo đặt câu hỏi:
 
- Vậy là 15 năm rồi cả 2 ông bà chưa được gặp nhau?
 
Bà cụ đổi giọng:
 
- Có, có bà ạ... Năm cháu gái lấy chồng sang Anh, gia đình bên chồng cháu làm bảo lãnh cho ông sang. Tháng 7 vừa rồi, vợ chồng cháu cũng bảo lãnh cho ông sang ăn đầy tháng đứa cháu ngoại thứ hai.
 
- Thế là cô con gái cũng đã có chồng?
 
- Vâng, cháu lấy chồng, nhưng chồng cháu ở bên Anh.
 
- Rể của bà là người Việt hay người Anh?
 
Bà cụ nhìn Thảo cười:
 
- Cũng là người Việt.
 
- Sao bà không bắt rể sang Pháp này?
 
Bà cụ hiền từ trả lời:
 
- Rể tôi đâu biết tiếng Pháp, sang đây làm nghề gì cơ chứ?
 
Thảo nói thật nhẹ:
 
- Bà hy sinh cho con gái lấy chồng? Nhưng mà lạ, kẻ thì ở Pháp, người thì ở Anh, gặp nhau thế nào...?
 
Bà cụ cười:
 
- Tụi nhỏ quen nhau hồi tôi làm giấy tờ ở bên nhà. Khi đó đúng lý ra thì gia đình bên sui gia tôi đi Úc do người con trai lớn trong nhà bảo lãnh nhưng vì anh chàng rể tôi khi đó nhất định một lòng thương cháu nên để dễ dàng sum họp đã nhất định bắt chị gái bảo lãnh cho gia đình đi Anh cho gần. Thật tình tôi thương con nên hy sinh đem con đi, thấy con có hạnh phúc là tôi vui bà ạ...
 
Thảo chỉ còn biết thở dài ngẫm nghĩ:
 
- Tình mẹ thật bao la...
 
Bà cụ lấy trong túi áo chiếc khăn giấy, đẩy gọng kính lên trán, chậm đôi mắt, rồi nắm chặt chiếc khăn trong lòng bàn tay như muốn bóp nát.
 
Thảo xúc động, quay mặt nhìn đi chỗ khác... Ngoài trời đã tối hẳn. 
 
******
Chiếc loa vang tiếng của một cô tiếp viên:
 
...Tới gare de l'Est... nhớ kiểm soát hành lý trước khi xuống xe...
 
Hành khách bắt đầu đứng lên chuẩn bị khoác áo, mang gant tay... Hai người đàn bà vẫn ngồi yên...
 
Một lát sau, Thảo hỏi bà cụ:
 
- Bà ở Paris mấy?
 
- Tôi lấy taxi đến Paris 20, ở nhờ nhà một người cùng xóm ngày trước bên nhà, ngày mai mới vào bệnh viện.
 
Xe ngừng lại, Thảo và bà cụ theo những hành khách lục tục xuống, nàng đề nghị giúp bà kéo chiếc va ly. Trước cổng lớn của nhà gare đang tu sửa, Thảo tìm cho bà cụ một góc đứng khuất gió, nàng đi men theo phía tay trái có mũi tên chỉ bến taxi đón 1 chiếc. Người tài xế đem chiếc valy đặt vào cóp xe... Bà cụ nắm chặt bàn tay Thảo siết mạnh:
 
- Cảm ơn bà nhiều. Chúc bà mạnh giỏi...
 
Bà cụ cúi người ngồi vào băng sau xe, Thảo nói với: 
 
- Chúc bà mọi sự may mắn. 
 
Chiếc taxi từ từ lăn bánh. Bà cụ còn ngoảnh đầu nhìn Thảo, bàn tay vẫy vẫy. Thảo trở lại gare, bước xuống những bậc thang xuống xe điện ngầm. Chợt Thảo bỗng bâng khuâng:
 
- Suốt 2 tiếng chuyện trò trên xe, cả mình và bà cụ không ai biết ai tên là gì.
Nguyễn Thị Dị
Paris - 27/1/2020
Kính tặng bà cụ Việt Nam đã gặp trong chuyến xe lửa.
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com