Ừ nhỉ, có lẽ, câu chuyện của tôi phải bắt đầu từ một ngày thuộc về thế kỷ truớc, một ngày thật trọng đại của gia tộc tôi, khi cả giòng họ tôi chen nhau quỳ trước cửa, chờ đón tấm hoành phi từ Hoàng cung ban xuống.
Tấm hoành phi sơn son mạ vàng, vua ban cho nguời đàn bà góa chồng, một mình tần tảo nuôi bốn người con làm đến quan hàm tứ phẩm... tấm hoành phi của bốn chữ Tiết Hạnh Khả Phong. Tấm hoành phi oai nghiêm lẫm liệt, sừng sững đứng trên cao, ngay ở giữa căn nhà thâm nghiêm có những cây cột bằng gỗ mun lên men bóng loáng. Tấm hoành phi như 1 thứ giáo điều, nghiêm nhặt, đổ cái bóng nặng nề của mình lên vai những con người sống lặng lẽ, âm thầm phía dưới như một thứ tòa án vô hình, khép con người ta vào 1 thứ luật lệ không cần văn bảng.
Nhiều năm đã trôi qua, trên căn nhà hương hỏa ấy, cái vàng son thuở ấy bây giờ chỉ còn là 1 cái bóng của quá khứ trải dài trên mái ngói rêu phong. Những cây cột nhà có cây bị mối ăn rỗng ruột, gõ vào phát ra những tiếng bong bong như một khúc nhạc tiếc nuối. Những ngày lạnh, gió lùa vào những liếp cửa đong đưa như cái răng gần rụng của 1 người già. Những ngày mưa, từng giọt nước tí tách, tí tách, rơi đầy trong nhà, như một bản giao hưởng trong mưa.. Và trên những cây cột rỗng ruột, ngay chính giữa cái gian chính, ở trên đầu cái bệ thờ... tấm hoành phi bị mối ăn lỗ chỗ, những nét chữ nham nhở, gãy nát như khuôn mặt 1 ả giang hồ đã xế chiều, vẫn kiêu hãnh như 1 chứng nhân của quá khứ, ném cái bóng lẫm liệt của mình xuống những con nguời đang sống lặng lẽ trong ngôi nhà chỉ còn là cái vỏ....
Những con người ngày xưa, xênh xang mũ áo, quỳ trước cửa... hình như cũng chỉ còn là những cái bóng của quá khứ. Những đôi mắt thâm nghiêm trong những khung ảnh đã ngả màu vàng ố, trên chiếc bệ thờ vẫn như 1 thứ... giáo điều, nhắc nhở những con người ngày nay phải sống gò bó trong một thứ khuôn phép, kiểu cách của một xứ Huế nặng nề thành kiến.... Những con nguời ngày nay họ đã lần lượt theo nhau rời khỏi căn nhà cổ.
Bây giờ chỉ còn lại một người Cha – Một ông đồ già cáo lão từ quan – một người Chị - người góa phụ suốt cuộc đời chỉ biết đến hy sinh và nhẫn nhục, và Cô Ừ thì ít ra trong ngôi nhà ngột ngạt này còn có Cô - Cô là niềm vui, là tuổi trẻ, là cái sự sống còn lại trong ngôi nhà mục nát này. Cô như con chim non, hồn nhiên ca hát. Cô không muốn bị kìm hãm trong căn nhà cũ kỹ này Cô muốn bay vào khung trời tự do xanh ngắt, ở đó, cô có thể hót lên những tiếng nói của trái tim mình... Cô có cái đẹp thầm kín, e ấp, đơn giản của 1 nụ hoàng lan, nhưng cũng có cái dữ dội, lôi cuốn, cuồng nhiệt của một đóa hoa hồng.
Cha cho cô theo học trường Tây, cho cô thứ kiến thức mà ông nghĩ phù hợp với cái bản tánh hồn nhiên cởi mở của cô, Chị dành dụm cho cô theo học dương cầm, một thứ xa xỉ phẩm mà thời bấy giờ ít ai dám có, bởi Chị biết cô cần âm nhạc đễ diễn đạt hết cái sự mẫn cảm của linh hồn Cô. Cô hồn nhiên lớn, trong căn nhà mang nặng cái bóng của quá khứ, tự do, thoải mái thuận theo cái bản tánh của mình không gò bó.
Cô như 1 bông hoa dại, thản nhiên mọc giữa những chậu hoa kiểng bị uốn ép và tỉa xén. Ở cô toát ra 1 cái gì đó bình dị, chân thật và cuốn hút. Rồi điều gì đến phải đến. Như một mái chèo khuấy động giòng Hương muôn đời lờ lững, Anh xuất hiện trong cái thành phố cổ kính này như một ngọn gió lạ thổi vào cài đời sống ngàn năm phẳng lặng của những cô gái Huế như Cô.
Anh - Công tử con nhà giàu. Căn từ đường của gia tộc anh không nằm dưới một cái bản gỗ thếp vàng, mối ăn rỗng ruột, mà nằm dưới một đống vàng đồ sộ... Anh, trưởng nam của 1 nguời thương gia nổi tiếng, cháu đích tôn của 1 ông chủ đồn điền có quốc tịch Tây, ....Anh là cái đề tài cho cả thành phố Huế xì xào, bàn tán. Nguời ta đồn rằng Anh nổi tiếng ăn chơi trác táng ở Paris. Cha mẹ vì không chịu nổi sự lăng nhăng của con mình với các nàng kiều nữ tóc vàng, nên cúp viện trợ, bắt Anh về An Nam lấy vợ. - Một nguời Vợ cần phải có cho cái sự nghiệp thương gia của ba chàng phẫn chí, Anh từ bỏ cái xứ Sài thành hoa lệ, về Huế làm thầy giáo!
Rồi như trong 1 câu chuyện tình hạng bét. Cô và Anh yêu nhau!! Có lẽ trong tình yêu, những kẻ yêu nhau cũng chỉ mong cho cái tình yêu của mình được giống như 1 câu chuyện tình hạng bét! một câu chuyện tình trơn tuột, kết thúc bằng 1 cái đám cưới và những đứa con lần luợt ra đời, không rắc rối, không có cái kết cuộc lâm li bi đát nào làm cho khán giả rơi lệ!
Nhưng có lẽ cuộc đời là tay kịch tác gia tàn nhẫn, nó luôn luôn muốn những kết thúc bi đát, nó muốn khi màn hạ, khi vở kịch đời chấm dứt thì cả những diễn viên cũng phải ngã gục dưới ánh đèn màu. Cho nên, khi Anh, đến quỳ dưới tấm hoành phi mục nát trong ngôi nhà tường xiêu vách đổ để cầu hôn nàng, khi ánh nắng chiều chiếu xuyên qua liếp cửa, Những ánh mắt ghẻ lạnh, những cái nhìn khinh miệt, những nụ cười chế giễu, những lời nói.... xóc óc.... không làm Anh đau bằng những giọt nước mắt của Cô.
Cô – cô tiểu thư, khuê các con nhà danh gia vọng tộc... Giấy rách còn giữ lấy lề, rường cột dẫu lung lay vẫn còn phải giữ cái nếp nhà.... 4 chữ Tiết Hạnh Khả Phong mối ăn còn đó, - Sao lại có thể.... »hạ giá« gả cho hạng người... bỏ vợ bỏ con! Những thành kiến, những khuôn phép, những thứ luật bất thành văn đổ cái bóng khe khắt cùa mình xuống vai Cô, như những đền đài lăng tẩm đổ bóng xuống giòng sông phiền muộn. Giòng sông muôn đời không có Sóng. Giòng sông chỉ biết lặng thầm... »nắng đục mưa trong«, lững lờ trôi dưới cái bóng thâm nghiêm của 1 triều đại đã chìm vào quá khứ....
Nhưng, chỉ những ai ở Huế mới hiểu đuợc giòng Hương. Con sông, nhẹ nhàng, êm ả là thế, thơ mộng, trữ tình là thế, vẫn có những lúc có thể làm nên những trận lụt kinh hồn... cuốn trôi đi tất cả. Lúc đó, thành quách, đền đài, lăng tẩm cũng chỉ là những cái bóng... bất lực! Và cũng như thế, người cha già, người chị tội nghiệp, và cả cái bản hoành phi gỗ mục cũng đành làm những cái bóng nhìn theo bóng dáng Cô.... Cô ra đi, mặc kệ những dị nghị của «thiên hạ«. Mặc kệ những xầm xì của chòm xóm. Cô ra đi, theo con đường con tim Cô muốn bước, hành trang Cô mang theo chỉ vỏn vẹn là đôi mắt lạnh lùng của người cha, và những giọt nuớc mắt của người chị....
Họ đến Paris, Anh từ bỏ lối sống công tử nhà giàu để đổi lấy tờ giấy ly dị. Họ làm 1 cái đám cưới nhỏ, thật nhỏ trong 1 ngôi nhà thờ rất nhỏ chỉ vừa đủ cho hai nguời và 1 vị Linh Mục. Anh làm đủ thứ việc, từ bồi bếp cho đến cu ly trong bịnh viện để cho Cô tiếp tục học. Đó là những ngày gian khổ nhưng cũng là những ngày hạnh phúc nhất của hai người.
Sau 1 ngày mệt nhọc, Anh trở về trong căn phòng nhỏ, nơi có nụ cuời Cô và những tiếng dương cầm... Cuối tuần họ đan tay nhau, dìu nhau đi trên con phố hẹp, những buớc chân quấn quít không rời. Paris không thiếu những cây cầu, những công viên, những quán cafe vỉa hè cho những kẻ yêu nhau... Paris có Montmartre, có Champs elysees, có vườn Luxembourg và có cả Tình yêu. Nhưng Sông Seine không phải Hương Giang, nên cũng có những lúc đôi mắt Cô mờ lệ.
Rồi thời gian qua, cuộc đời bắt đầu mỉm cười với Cô và Anh. Cô tốt nghiệp Dương Cầm ở Conservatoire, và được giữ lại làm việc trong giàn nhạc giao hưởng. Anh cuối cùng cũng kiếm được công việc trong khoa khảo cổ ở 1 trường Đại Học. Đời sống ổn định dần, và như một món quà của Thượng Đế. Tình yêu họ dành cho nhau, bỗng kết tinh thành 1 đời sống đang lớn dần trong Cô. Họ vui mừng như hai đứa trẻ, họ đếm ngược từng ngày chờ mong cái đời sống ấy ra đời. Họ chuẩn bị, họ toan tính, họ ước muốn và mơ mộng. Tương lai là 1 bầu trời sáng rực rỡ.....
Nhưng hỡi ôi, đó chỉ là cái sáng rực lên của bầu trời trước cơn giông bão! Những trận cuồng phong đang giáng xuống đầu hai kẻ yêu nhau. Hình như những lời nguyền rủa độc địa sau tờ giấy ly hôn ngày nào bỗng chuyển mình hóa thật. Cái nốt nhỏ bên vú phải mà Bác sĩ vẫn cho là vì cơ thể Cô đang chuẩn bị để làm Mẹ, sau kỳ khám nghiệm bỗng trở thành nguyên hình là 1 thứ ung thư. Cái thai đang vào tháng thứ năm, cái đời sống trong Cô đã biết cựa mình chuyển đạp Cô làm sao dám đành lòng tắt ngang cái đời sống ấy để làm trị liệu? Nó có thể là 1 con bé con mũm mĩm, dễ thương, Nó cũng có thể là 1 chú bé con nghịch ngợm và kháu khỉnh . Cô cương quyết khước từ tất cả traitement, nhất định chờ đợi đến sau khi sanh nở.
Nhưng cuộc đời không biết đợi chờ... -6 tháng sau, Cô lại 1 lần nữa ra đi bỏ lại Anh, hụt hẫng trong đời, với Con bé chỉ vừa 3 tháng tuổi! Tháng 4- mùa hè đỏ lửa... Anh quỳ dưới tấm bình phong, bây giờ chỉ còn là 1 khung gỗ mục. Cái bảng và bốn chữ mạ vàng chắc đã rớt rơi từ thuở nào trong 1 cơn lửa đạn. Người nhà chẳng buồn tháo gỡ cái khung tồi tàn, xập xệ còn dính vào cây cột xiêu vẹo bằng những cái đinh rỉ sét. Ánh nằng chiều lọt qua khung cửa liếp, chiếu thẳng 1 vết nắng vào trên mặt Con bé đang say ngủ trong tay Anh.
Ở trên tấm trường kỷ, 4 chân xiêu vẹo, người Cha già ngồi gục đầu, hai bờ vai run lên bần bật. Đàng sau liếp màn thưa những tiếng nấc nghẹn ngào của người Chị vọng ra như 1 bản nhạc ai oán, thê lương. Trên bàn, gió thổi bay lả tả những giòng chữ Cô để lại. Bức thư cuối cùng Cô viết cho những người Cô yêu thương nhất, gửi gắm cho Họ cái đời sống mà cô đổi bằng mạng sống của chính mình.
Ở trên tấm trường kỷ, 4 chân xiêu vẹo, người Cha già ngồi gục đầu, hai bờ vai run lên bần bật. Đàng sau liếp màn thưa những tiếng nấc nghẹn ngào của người Chị vọng ra như 1 bản nhạc ai oán, thê lương. Trên bàn, gió thổi bay lả tả những giòng chữ Cô để lại. Bức thư cuối cùng Cô viết cho những người Cô yêu thương nhất, gửi gắm cho Họ cái đời sống mà cô đổi bằng mạng sống của chính mình.
Tôi chưa bao giờ được đọc lá thư ấy. Nhưng tôi nghĩ những hàng chữ mà Cô đã viết bằng những giây phút cuối của cuộc đời mình chắc hẳn rằng thê thiết lắm. Nên đôi mắt nguời Cha già nhòe nhoẹt nuớc – những giòng lệ theo nhau chảy trên đôi má nhăn nheo hằn những vết thời gian. Những giòng lệ rơi xuống làm đẫm ướt khuôn mặt còn bụ sữa của Con Bé đang nằm yên say ngủ. Con bé như giật mình mở to đôi mắt, ngơ ngác nhìn...
Đó là lần đâu tiên tôi nhìn thấy ông tôi!!
Titi
2006
2006
Nguồn: https://dtphorum.com/