Tôi lục tục theo những người phụ nữ mệt nhoài bước xuống, khi chiếc xe than đã dừng hẳn trong bãi đất trống sát bên Chợ Bà Quẹo, giữa ánh nắng chiều nhạt nhòa của ngày cuối năm, với tâm trạng lâng lâng của người tù mới được thả và được cho “quá giang” về Sài Gòn miễn phí!
Một đống than nhỏ li ti, chợt phụt lên cao lúc xe tắt máy như đám mây đỏ rực từ cái thùng to đùng có hình thù giống như hỏa tiễn gắn sau đuôi xe, rồi phủ chụp xuống khiến mọi người rú lên và chạy tránh ra xa trong tiếng cười khoái trá của bác tài. Đấy là hình ảnh các chiếc xe Renault được “nghiên cứu” thành xe chạy bằng than mà dân chúng gọi khôi hài là “xe hỏa tiễn”, do người ta biến chế ra sau 1975 khi xăng dầu khan hiếm!
Tôi cũng lúp xúp chạy vội vô trước hàng hiên của một quán cà phê gần đó tránh lửa nhưng vẫn bị bụi than rơi đầy lên hai cánh tay. Trong lúc tôi đang đứng phủi mớ bụi than xuống thì chợt nghe tiếng ca sĩ Nhật Trường văng vẳng vọng ra từ cuộn Cassette của chiếc JVC đời mới đặt sát góc trái, trên cao của quán cà phê.
“Anh trở lại vùng hành quân, vùng xa xôi đá sỏi biết buồn. Ba tháng hậu phương yên bình, tuy vết thương chưa lành hẳn… khi cánh dù mang tin lại, những cánh thư xinh hậu tuyến, anh ngẩn ngơ biết mùa xuân sang. Ở đây không có hoa mai, không có hoa đào trang điểm trần ai, như lá khô rơi xuống âm thầm… và quen xa ánh đèn phố thị… Em hỡi em, khi chiến chinh dài, xa nhau từng ngày và xa cả xuân nay!”
Bài hát làm tôi nhớ tới anh Vĩnh, người tù bị nhốt bên Khu BC, Chí Hòa, vì anh thường ca bài “Mùa Xuân Lá Khô” này vào mỗi đêm khi tôi còn ở đó, để tôi chợt nhận ra ngày mai là Mùng Một Tết Ất Sửu 1985 rồi. Và tôi không bao giờ ngờ là hôm nay tôi lại có mặt ở thành phố này và sắp sửa gặp lại gia đình. Câu chuyện chuẩn bị ăn Tết trên trại tù Đồng Phú sáng hôm nay vẫn còn lẩn quẩn trong đầu óc tôi.
Khoảng sáu giờ sáng ngày Ba Mươi tháng Chạp năm Giáp Tý, sau khi các đội đi vệ sinh về và nhận khẩu phần khoai lang điểm tâm từ nhà bếp xong thì lũ lượt ra lao động, dọn vệ sinh xung quanh trại để chuẩn bị đón Tết. Chỉ có Đội Tám; đội của đám tù vượt biên chúng tôi, là được lệnh ở lại trong lán để chuẩn bị cho công tác lao động đặc biệt khác. Mọi người đi tới đi lui, bàn tán sôi nổi, không biết hôm nay sẽ làm việc gì? Phía bên phải tôi, anh Hải; vốn là một Trung Úy lái A-37 ngày xưa, nằm dài trên miếng ván thô kệch, xù xì được kê làm giường, nói nhỏ bằng giọng Huế đặc sệt của mình:
- Đm, kệ mạ nó! Hơi sức đâu nghĩ ngợi cho mệt. Ở tù, sướng được giây phút nào là hưởng đi, lo làm quái gì!
Thế rồi độ chừng tới tám giờ, khi mặt trời lên khá cao, ánh dương quang chiếu rực khắp nơi, làm rạng rỡ cả rừng Đồng Phú, soi tỏ mọi vật thì chúng tôi được lệnh xuống Bếp Ba; là nhà bếp thứ ba nằm sát bìa rừng. Đến nơi, chúng tôi được dẫn ra cầu cá tra. Tại đây, chúng tôi thấy bếp trưởng Điệp đang khúm núm cạnh tên Thượng úy Lâm; phó trại, từng là cựu học sinh Lasan Taberd, theo Mặt trận Việt Minh, tập kết ra Bắc, đứng đó tự bao giờ. Phì phèo điếu thuốc ba số 5 vuông trên môi, hắn nói:
- Tụi bây xuống bắt hết đám cá này lên đi. Tết năm nay, Đảng khoan hồng cho tụi mày ăn Tết lớn đấy!
Nghe nói, tôi bất giác rợn người vì nhìn xuống ao cá, tôi thấy vô số phân nhỏ li ti do đám tù mới đi đại tiện còn lợn cợn trong dòng nước đục sền sệt mỗi khi các con cá tra kia quẩy đuôi lúc thấy có bóng người tới. Nhìn qua những bạn tù khác, tôi thấy các ánh mắt trợn tròn kinh hãi của họ. Chắc họ cũng đang có cùng ý nghĩ như tôi.
Nhưng đời tù thì khó cưỡng lại lệnh. Cuối cùng thì gần một trăm con người đành phải leo xuống ao cá tra, lặn hụp, bắt cá. Cạnh tôi, bác Trần Minh Châu, nguyên là Đại Úy, Trưởng Ty Cảnh Sát thành phố Vũng Tàu ngày xưa vừa canh hớt con cá trước mặt vừa làu bàu chửi thề, bác bảo “thằng này học trường Tây mà ăn nói mất dạy quá! Bọn chiến thắng muốn làm nhục tụi mình đấy.”
Đằng kia chú Thành, mà bác Quang; cũng là Đại Úy Phòng Ba, Bộ Tổng Tham Mưu – nằm ngủ kế tôi hồi còn ở Số 4 Phan Đăng Lưu nói nhỏ cho tôi biết chú ấy là Thiếu Tá Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Pleiku – đang chộp lấy con cá vừa bắt được bỏ vào giỏ, lắc đầu ngao ngán vì bị con cá vẫy nước văng đầy mặt. Họ là những Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo về sau dăm bảy năm bị nhốt ngoài Bắc rồi lại tìm cách vượt biên vì không chấp nhận cộng sản, nhưng chẳng may chuyến đi thất bại, bây giờ lại tù tiếp!
Cứ thế chúng tôi lội bì bõm trong ao cá tra hôi thúi ấy, cố bắt sạch tất cả. Cùng thời gian đó, hai ao cá bên Bếp Hai và Bếp Một cũng được hai đội lao động khác bắt lên. Và khẩu phần cho tù nhân ăn Tết năm nay là mỗi người được một con cá tra cỡ bằng bàn tay người lớn, 250 gram đậu xanh hột, 100 gram đường cát vàng, và một con vịt ta nhỏ xíu vừa mới thay lông cho hai người!
Xế trưa, bầu không khí dần dần nhộn nhịp khắp trại khiến cho nỗi u ám mọi ngày tạm nhường chỗ cho nàng Xuân đang nhẹ nhàng bước tới. Dù chẳng sung sướng gì nhưng tôi cũng vui vì đỡ phải đi lao động và nằm dài thả hồn mơ mộng về Sài Gòn, nhớ cha mẹ với nhỏ em gái, lòng thầm nghĩ chắc lúc này mọi người đang tất bật lo lắng đủ chuyện cũng như chuẩn bị đâu đó xong xuôi để rước ông bà rồi… Tôi bỏ mặc việc ăn uống chia chác cho thằng “Hoàng khều” muốn làm gì thì làm.
Tôi cho nó con cá tra của mình vì tôi không dám ăn thứ “cá tra cầu” vừa mới vớt lên như thế! Con vịt mà tôi với nó được nhận chung thì tôi cũng giao cho nó luôn vì nhìn con vịt con bé tí mới thay lông mà sắp sửa bị giết, tôi thấy tội làm sao, hơn nữa nó còn nhỏ quá, rất hôi lông khi dùng.
Mùi hôi hám ở dưới bếp nồng nặc bốc lên lúc mấy tù nhân nấu nướng khiến tôi buồn nôn. Đang khi phải tìm lấy cái khăn bịt mũi thì thằng “Hoàng khều” từ dưới đi lên, đến gần chỗ tôi thều thào:
-Anh còn muối sả không cho em xin tí, kho cá đi anh? Đ.m. em mần con cá còn thấy cả cục c. lúc mổ bụng nó đấy anh, nhưng chẳng lẽ… bỏ!
Vừa nghe nó nói xong, tôi nhỏm người, bật dậy oẹ liên tiếp mấy cái mới hoàn hồn, rồi vội lục tìm bịch muối sả trong cái tụng đệm đang treo trên đầu nằm đưa cho nó, vừa khoát tay đuổi nó đi. “Hoàng khều” cười hềnh hệch, không quên cám ơn rối rít trước khi trở xuống bếp lo miếng ăn vào ngày Tết của nó!
Bên trái tôi, anh Tín, nhà ở Cư Xá Bắc Hải, cựu Chuẩn úy mới ra trường năm 1975 được hơn tháng là “sập rạp” như lời anh thường bông đùa, đang nằm vắt tay lên trán thở dài nhớ tới người vợ mới cưới năm trước và đứa con gái bé bỏng của mình. Thằng Khải ngủ trên sạp của dãy bên kia bước qua, ngồi phịch xuống đầu tấm ván nơi tôi nằm, lầm bầm:
- Ước gì mà giờ này có một dĩa chim chiền chiện chiên với một ca bia hơi là “dzách lầu” luôn há!
Anh Tín dù đang rầu thúi ruột cũng phải bật cười ngồi dậy, miệng chửi đổng, tay quơ lấy bịch thuốc lào Vĩnh Hảo để dưới cái bao thay gối lót đầu nằm, vấn một điếu. Mùi thuốc rê Long Khánh tỏa thơm ngào ngạt khi anh Tín phì phèo khiến bọn tôi hứng chí, xúm xít lại kể lể chuyện đón Tết vào giờ này ở Sài Gòn.
Trong lúc mọi người đang đấu láo rôm rả, bỗng tên Hà, cán bộ giáo dục, bước vào cùng với thằng vệ binh Dũng “La Sát” làm mọi người nín bặt. Tên đội trưởng Khoan đang nằm ở trần xoa xoa cái bụng phệ trên “ngai vàng” của riêng nó nơi đầu lán với hai thằng cấp trưởng trung thành là Hiếu “Ký Con” và Hiếu “Sẻ” lật đật chộp cái áo đang vắt bên vách mặc vào, nhảy xuống hô lớn:
- Tất cả đứng lên hết nè! Bên trái bắt đầu đếm số… đếm!
Mọi người ngơ ngác ngó quanh rồi vội vàng ngưng việc làm đang dang dở khi thấy hai thằng cán bộ xuất hiện ở cửa, và đứng cả dậy trong yên lặng. Chờ cho người sau cùng đếm dứt, Khoan lại hét to:
- Nghỉ… êm!
Giọng hắn kéo dài một lúc mới ngừng hẳn. Đoạn Khoan sửa áo chỉnh tề rồi bước tới trước mặt hai tên cán bộ:
- Báo cáo cán bộ, quân số đội Tám là một trăm đủ. Đợi lệnh cán bộ!
Thằng Dũng “La Sát” bịt mũi trong khi tên Hà lên tiếng:
- Thằng nào có tên sau đây thì mau soạn đồ cá nhân bước ra ngay!
Tôi giật bắn người khi nghe kêu tên mình và mau mắn làm theo lệnh, lòng không khỏi hoang mang. Nhiều tiếng xì xào nho nhỏ vang lên. Thằng Dũng “La sát” thốt:
- Thôi ra ngoài đi, địt mẹ trong này thối không chịu nổi!
Thế là cả hai bỏ ra khỏi đội, đứng trước sân chờ đợi. Ít phút sau tôi bước ra và đi theo hai tên cán bộ giữa tiếng bàn tán rôm rả của anh em. Một vài người ra mặt mừng rỡ cho tôi vì họ bảo đi giờ phút cuối năm thế này là được thả thôi.
Quả đúng như dự đoán của nhiều người, chúng dẫn tôi lên Phòng Giáo Dục đọc lệnh tha cho tôi. Dù chưa biết sự tình ra sao nhưng tôi hối hả đi ngay không dám nấn ná lại giây nào vì sợ chúng đổi ý thì khốn! Rời khỏi cổng, tôi cắm đầu đi một mạch không dám nhìn lại. Tới khi mỏi chân và mệt, tôi mới dừng lại và thầm nghĩ “chết cha, đường từ đây ra tới đầu lộ còn cả tới bảy cây số mà hôm nay Ba Mươi Tết, đâu có xe cộ gì thì làm sao về?”
Giữa lúc tôi còn phân vân thì chợt có một chiếc xe than từ ngoài chạy vô. Hóa ra đây là xe chở người từ Sài Gòn lên thăm thân nhân trong trại. Xe dừng lại khi thấy tôi, và mọi người mừng vui thấy tôi được thả. Tôi từ chối lời đề nghị lên xe theo họ trở vô trại và bảo sẽ ngồi đây đợi xe ra để về thành phố. Nhờ vậy mà giờ đây tôi mới có mặt ở nơi này…
… Đang đứng nghĩ ngợi tư lự, tôi bỗng thấy dáng một cô gái mà tôi đoán là chủ quán từ trong bước ra, tiến đến gần tôi miệng cười đon đả:
- Gần hết năm rồi sao còn chưa về nhà anh, thôi vào đây uống ly cà phê đi rồi về.
Nghe cô mời, tôi nhanh chân lùi ra xa một tí vì chợt nhớ hồi chiều lúc tôi ngồi trên xe thì bà khách bên cạnh cứ khịt khịt mũi và ngó lườm tôi hoài, làm tôi hiểu có lẽ người mình hôi lắm thì phải. Tôi nhìn cô, thấy nhan sắc cô cũng thường thôi, duy có cái má lúm đồng tiền lộ ra khi cười là “bắt mắt”. Cô độ chừng lớn hơn tôi vài tuổi nhưng khi ấy tôi vẫn cảm thấy cô dễ thương, “hấp dẫn” chi lạ. Có lẽ mấy năm tù tội, sống trong rừng sau hai lần bị bắt, nên tôi thiếu “bóng đàn bà” như nhạc sĩ Duy Khánh đã nói chăng? Tuy đang nghĩ ngợi lung tung nhưng tôi vẫn trả lời cô gái:
- Chị cũng vậy, sao không về mà giờ này còn bán?
- Nhà em đây mà. Thấy có mấy người lỡ đường muốn uống nên làm cho họ thôi, chớ em “đón” ông bà trưa nay rồi!
Nhưng cuối cùng tôi đành cám ơn cô và bỏ đi vì biết gia đình luôn ngóng tin mình. Khi trời chạng vạng tối, tôi bước vô trong nỗi mừng vui vỡ òa của cả nhà. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc và sung sướng nhất của má tôi không có gì bằng trong ngày cuối năm mà tôi đọc được trong ánh mắt của bà. Ba tôi thì bước tới lặng yên, nắn bóp bờ vai của tôi không nói tiếng nào.
Trong mấy ngày ăn Tết ở nhà, tôi mới biết được rằng ba má tôi đã mất “hai cây vàng” lo lót cho cán bộ để tôi được về trước thời hạn. Cũng may là lần này ba tôi lo trúng chỗ và trường hợp được thả sớm của tôi là đầu tiên và đặc biệt nhất tính tới thời điểm ấy vì trại cải tạo này chưa có ai được thả về sớm như vậy bao giờ!
Năm 1989 (Kỷ Tỵ) tôi đến được trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) khi đảo đã đóng cửa. Sáng hai mươi chín Tết, trong lúc anh em ngồi tán gẫu dưới nhà thì Trang, vợ của Minh – gia đình đang chờ “list” định cư Canada rớt xuống – từ ngoài bước vô với cái bụng “tè lè” vì có bầu gần năm tháng, la lớn:
- Trời ơi, Tết nhứt sắp đến rồi, nhà người ta chuẩn bị quá trời mà sao “mấy cha” không chịu làm gì hết mà tụ tập đây nói dóc hoài vậy?
- Làm gì bà? Thằng Quang hỏi ngược lại
Trang chống nạnh tru tréo:
- Thì làm cây mai cho nhà có không khí Tết với người ta.
- Đang chờ thư bảo đảm nước ngoài bà ơi!
Trinh trả lời “huề vốn” khiến cả đám cười ầm. Trang bỏ vô phòng, một lát sau bước ra cầm hai chục pesos (đơn vị tiền tệ của Phi) đưa cho bọn tôi.
- Nè, lấy tiền này đi mua giấy làm hoa mai đi các “ba”.
Thế là bọn tôi lục đục đứng dậy. Tôi được anh em ở lâu, phân công vào rừng với thằng Tuấn, Ninh Guitar, Trinh cùng thằng Sơn; cháu của Trinh mới mười một tuổi, đi đốn cây. Còn Long và Quang lo mua giấy vàng với bột làm hồ để chuẩn bị làm cây mai giả. Khi chúng tôi sắp bước ra khỏi nhà thì Trang nói vói theo:
- Mua đồ về trang trí Tết chứ đừng mua rượu nghe mấy “cha!”
- Bà cũng một bà! Đúng là hội trưởng của hội “Mẹ rượt!”
Thằng Ninh guitar vừa làu bàu vừa lắc đầu bỏ đi trong khi cả đám lại cười ầm trước câu khôi hài của Trang.
Gia đình Trang và Ninh cùng với chú cháu thằng Trinh là những người đến trước thời hạn đóng cửa nên họ được gọi là những người PA (Philippine Arrival) và may mắn hơn vì sẽ đương nhiên được đi định cư nếu có bất cứ quốc gia thứ ba nào chấp nhận, chứ không như đám PS (Philippine Screening) tụi tôi, đến sau ngày đóng cửa định mệnh nên bắt buộc phải qua Chương Trình Thanh Lọc Toàn Diện (The Comprehensive Plan of Action) để xác định tư cách tị nạn. Đậu thì lên đường tị nạn, bằng ngược lại thì phải hồi hương!
Sáu tháng sống ở nơi này tôi bắt đầu quen với cách nói của người miệt Phú Yên, Ninh Thuận, Ninh Hòa mà hồi lúc đầu tôi có phần lạ lẫm.
Rốt cuộc, nhà chúng tôi cũng có một cội mai già đẹp mà mới thoạt nhìn cứ ngỡ là mai thật. Trên các cành mai, bọn tôi treo thêm những tấm thiệp cũ của mấy năm trước với một số bao lì xì, khiến cho không khí mùa xuân như thấp thoáng đâu đây.
Tối Mùng Một, chúng tôi tụ tập trên khoảng đất trống trước sân nhà “ăn Tết.” Đây là mùa “xuân tha hương” đầu tiên trong đời lưu vong khi tôi vượt biên đến được trại tị nạn này nên buồn nhiều hơn vui, ngậm ngùi nhớ người thân còn ở bên nhà và cũng vô cùng cay đắng khi đón xuân với nỗi cô đơn trống vắng và thiếu thốn mọi bề.
Nhưng chỉ với cây Guitar thùng cũ kỹ cùng chai “ác quỷ,” vài bịch bánh phồng tôm nho nhỏ, chúng tôi cũng có được một đêm xuân tị nạn nồng nàn, nhiều an ủi qua tiếng đàn ngọt ngào, điêu luyện của Ninh, hòa trong tiếng ca của mọi người.
“Đầu xuân năm đó anh ra đi, mùa xuân này đến anh chưa về. Những hôm vừa xong phiên gác chiều ven rừng kín hoa mai vàng… Mùa hoa năm đó ta chung đôi… Nhớ đêm hành quân… Đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?… Hẹn em khi khắp nơi yên vui, mùa xuân ngày đó riêng đôi mình!”
Khi cả đám đã ngà ngà say, thằng Long hứng chí chạy vô nhà vác cái nồi ra làm trống phụ họa. Cứ vậy mà nồi niêu xoong chảo nhà tôi được mang ra ăn Tết hết! Đến gần nửa đêm ca hát, la hét đã đời, cả đám bắt đầu mệt mỏi và đói bụng. Thằng Ninh chợt bỏ đàn, vớ lấy cái chảo và lôi tôi đứng dậy:
- Đi!
- Đi đâu?
Tôi ngơ ngác hỏi lại, nó cười bí hiểm, kéo tôi tới trước cửa nhà 12 Khu 1 kêu to:
- Ánh ơi? Ánh ơi?
Sau vài ba tiếng tru tréo, bóng người con gái xuất hiện. Ninh nhanh nhảu, miệng liến thoắng:
- Mình chiên đồ mà hết dầu. Ánh có dầu ăn không cho Ninh xin tí?
Nó vừa nói vừa giơ cái chảo lên. Ánh cầm lấy không quên “phán” một câu kinh điển của ông bà xưa:
- Đầu năm đi xin, không sợ đi xin cả năm sao ông?
Cầm cái chảo dầu trên tay rồi, nó tiếp tục kéo tôi xuống mấy nhà phía dưới của Khu 1:
- Em chiên cơm, mà hết cơm nguội. Chị còn không cho Ninh xin chút?
Và đến nhà cạnh bên:
- Mày có cơm nguội không cho anh một ít đi, tụi tao có nhiêu đây không đủ cho tám thằng?
Cứ vậy, dạo sơ một vòng là chúng tôi đã có đầy một chảo cơm mang về. Ninh cười khoái trá:
- Đó, vậy đó. “Tị nạn” mà, chịu khó tí là có thôi!
Dưới ánh lửa bập bùng, trong tiếng nổ lách tách của các thanh gỗ đang cháy trong cái bếp dã chiến do chúng tôi làm từ mấy cục gạch, bọn tôi lại đàn ca, vang vọng cả một góc trời. Thằng Sơn lãnh nhiệm vụ chiên cơm, không bao lâu sau thì chúng tôi đã có được một chảo cơm chiên tuy không phải là cơm chiên “Dương Châu” với lạp xưởng, trứng chiên nhưng với đám tị nạn tụi tôi ngày đó thì nó cũng ngon chán. Thằng Sơn vừa ngồi nhai cơm chiên một cách ngon lành bên bếp lửa hồng, mặt rạng rỡ, hả hê vì no đủ, vừa khen lấy khen để:
- Ở với chú Ninh không lo đói!
Quá nửa đêm, chú Tường – vốn là Đại Úy Tình Báo của VNCH ngày trước, sau khi ra tù, vượt biên sang đây muộn màng do đó mang số PS rất lớn, gần như là cuối cùng, được chia vô ở chung nhà với chúng tôi – đi ăn Tân niên trên Hội Cựu Quân nhân về, thấy bọn tôi vui quá nên vào nhà mang ra hũ rượu “ác quỷ” (một loại đế trắng) ngâm tắc kè với xí muội.
Như được tiếp thêm sức, cuộc vui hào hứng hơn. Anh em tôi nặn thêm tắc vào khiến rượu có mùi rất thơm. Cứ thế bọn tôi uống và hát cho tới gần sáng. Lúc này mọi người đều chếnh choáng, Ninh bỗng đổi từ điệu boléro sang slow mùi mẫn khi thằng Quang cất tiếng “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa” bằng giọng trầm ấm cố hữu của nó:
“Một vừng mây trắng bay đi tìm nhau. Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu. Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi. Giọt xuân vẫn rơi… Nhạt nhòa nét môi đá xanh quên lời… Chiều xưa ngồi bên em anh nghe như đã xót xa trong tay mình… Em biết không em anh như bóng mây tìm nơi đổ bến… mà tình vẫn rơi mây hoài vẫn trôi… Tìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng…”
Lời tình tự của bài hát buồn da diết mà một thời nữ ca sĩ Dạ Hương từng làm say đắm bao trái tim khiến chúng tôi lắng lòng, thổn thức, không khí như chùng xuống, thời gian như ngừng trôi và thời tiết như lạnh hơn vì gió xuân man mác kéo về. Lúc Quang vút giọng lên cao và ém lại như nấc nghẹn thì đột nhiên Ninh bỗng đứng bật dậy, trở cần đàn đập thùng đàn vào tảng đá to bên cạnh bể tan nát, rồi thuận tay nó vớ lấy chai rượu tắc kè liệng mạnh theo.
“Xoảng!” Âm thanh xé nát không gian của tiếng thủy tinh vỡ làm mọi người tỉnh hẳn và ngơ ngác. Ninh ngồi bệt xuống đất khóc thảm thiết. Nó khóc vì nhớ mẹ già bên Việt Nam! Nó khóc như hôm phỏng vấn bị phái đoàn Mỹ đá, làm con đường định cư thêm mịt mờ khiến nó phải ở đây “trồng dừa” gần ba năm rồi! Tiếng khóc nức nở đầu năm của nó đã chấm dứt ngày đầu đón xuân của “nhà tôi!”.
“Vouloir c’est pouvoir!” với quyết tâm “muốn là được” từ thuở còn ngồi mài đũng quần ở trường Taberd, tôi kiên trì ở lại trại, không hồi hương, luôn cùng mọi người chống thanh lọc bất công, chống cưỡng bức hồi hương qua những lần biểu tình để cuối cùng cũng đến được Hoa Kỳ vào giữa Tháng Bảy 1999.
Rồi từ San Jose tôi lang thang qua Minnesota, tới Virginia, xuống South Carolina để kiếm kế sinh nhai và lập gia đình. Năm 2010, tôi chuyển về quê vợ ở Dayton, Ohio sinh sống. Tôi không biết đây là trạm dừng chân sau cùng chưa nhưng vốn là người lạc quan tôi vẫn chăm chỉ làm việc, lo gia đình.
Thời gian sau, do cơ duyên, tôi được may mắn ra phụ giúp với vai trò người hướng dẫn chương trình vào các dịp Tết cho Chùa Tịnh Quang. Tôi hăng hái tham gia nhằm bù đắp lại những tháng ngày không có mùa xuân trong quá khứ. Tôi cho con trai mình vào đội múa lân của chùa để con có cơ hội biết phong tục tập quán, lễ Tết cổ truyền của người Việt.
Các hoạt động duy trì văn hóa này làm cho đời sống của tôi thêm phong phú và có ý nghĩa hơn. Tôi cảm thấy vui, hạnh phúc, và mãn nguyện với hậu vận may mắn của mình trên xứ sở Hoa Kỳ này. Một đất nước đã đem lại cho tôi niềm an lạc cuối đời!
Vẫn biết rằng đời sống luôn dịch chuyển và chúng ta phải đi tới nếu không muốn bị đào thải, tuy nhiên, đôi khi nhìn những lễ hội đầu năm vui vẻ tràn đầy hạnh phúc mà bây giờ mọi người Việt được hưởng ở đây, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến những mùa xuân xưa với nhiều kỷ niệm buồn đau còn khắc sâu trong tâm khảm, mà rõ ràng dù lòng cố quên, năm tháng đã qua lâu, nhưng tình xuân chưa dứt nỗi sầu vấn vương, thương cho những người đang phải tiếp tục sống kiếp tù đày đau khổ ở bên nhà!
Người Mỹ luôn kêu gọi mọi người “move on”. Đó là sức mạnh tinh thần của sự tiếp tục không gục ngã trước nghịch cảnh, một ý chí mạnh mẽ giúp thành công trong bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đất nước này ngày nay là một quốc gia phồn thịnh, một cường quốc dẫn đầu thế giới nhưng họ vẫn trân trọng quá khứ.
Họ nhìn lại quá khứ, lấy quá khứ làm bài học để trường tồn chứ không như cộng sản Việt Nam luôn hô hào “xóa bỏ quá khứ, hướng đến tương lai…” mà thực chất chỉ là lời nói suông nhằm lừa bịp dân chúng, ngụy tạo lịch sử, che đậy tội ác mà họ từng gây ra. Đó là cách nói của những thể chế độc tài mị dân, dối trá dân tộc, của những kẻ không phải nạn nhân hoặc là nạn nhân nhưng không còn liêm sỉ, được đưa ra chỉ để nhằm trục lợi!
Triều Phong