Con chim chiền chiện
Nó bay nó liệng
Đôi cánh la đà
Nó bảo chúng ta
Về quê ăn Tết
Nó bay nó liệng
Đôi cánh la đà
Nó bảo chúng ta
Về quê ăn Tết
Màn sương lạnh, trăng chiều chênh chếch
Gió rung rinh mấy khóm lau già
Mau về quê cũ chúng ta
Đón mừng xuân ấm một nhà vui tươi
Trên đây là một đoạn thơ nói lên tiếng lòng tha thiết của ba tôi trong những năm đầu tiên ông phải rời quê để lên cao nguyên lập nghiệp, cũng là để tìm một hướng đi cho cuộc đời mình. Và mỗi khi Tết đến, xuân về, lòng ông lại rộn lên nỗi niềm hồi hương giống như loài chim luôn hướng về tổ ấm. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, mặc dù đã có cuộc sống ổn định ở “quê hương thứ hai” nhưng thế hệ con cháu như chúng tôi không bao giờ quên mảnh đất cội nguồn quê cha đất tổ dù ba mẹ tôi đã ra người thiên cổ.
Làng Tân Đức, xã Nhơn Mỹ thuộc huyện An Nhơn là quê nội và cũng là quê ngoại của tôi- cũng là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi chỉ sống ở quê đến năm 4 tuổi là phải theo gia đình sống ly hương mãi đến bây giờ. Quê tôi không phải là làng nghề truyền thống nổi tiếng, không có sông dài, biển đẹp, cũng không có bề dày về văn hoá lịch sử như những làng quê khác của miền Đất Võ. Tân Đức của tôi là một làng quê nghèo khó nhưng đó là nơi rất đặc biệt và thiêng liêng đối với riêng tôi- bởi vì đã lưu giữ cả một pho truyện kể từ đời ông bà, cha mẹ- những bậc sinh thành ra chúng tôi, là nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên ông bà trong dòng tộc cả hai bên nội ngoại và bà con xóm giềng. Nơi lưu giữ cả những ký ức tuổi ấu thơ mà cho dù có sống ở nơi đâu, lớp bụi thời gian có phủ dày theo năm tháng, tôi vẫn không thể nào quên!
Có một kỷ niệm rất ngộ nghĩnh của tuổi bé thơ, đó là khi mẹ sai tôi mang về trả lại cho nội cái nồi đồng mà nó hơi nặng so với tôi lúc đó. Bắt chước các bà hay đội thúng đi chợ sát bên nhà nên tôi đội mũ rồi cũng đội cái nồi lên đầu. Đến khi nghiêng người leo lên dốc đá ong, không hiểu làm sao mà cái nồi lăn tròn xuống dốc mà tay tôi vẫn còn giữ chặt chiếc rế trên đầu. Thế là tôi phải chạy đuổi theo gần hụt hơi mới tóm được nó. Khi mang được cái nồi đồng về nhà nội, tôi thở phào như lập được một chiến công!
Một hình ảnh luôn đậm nét trong tôi là cánh đồng lúa mát mắt kéo dài đến tận những thôn làng xa xa, thấp thoáng những ngôi nhà ẩn mình dưới bóng tre xanh trông thật yên bình, thanh thản. Nếu đối diện với cánh đồng từ trái sang là các thôn Tân Nghi, Tân Lệ, Tân Kiều, xa hơn chút nữa là An Thái, An Vinh - quê vợ của chú tôi. An Thái- An Vinh là những làng trù phú và giàu truyền thống- nơi thường tổ chức những ngày hội hè đình đám, đặc biệt là hội thi đấu võ, kể cả những đêm hát bội hay “Đốt cây bông” náo nhiệt, tưng bừng (tôi chỉ thường nghe kể chứ chưa bao giờ được xem “Đốt cây bông” là thế nào. Chính nhờ những đêm hội hè này đã tạo nên mối nhân duyên của chú và thím. Rồi đến Mỹ Đức, Bến Đức, Gò Chùa và Đại Chí. Trong số đó tôi mê nhất là thôn Đại Chí, là quê chồng của cô tôi. Mỗi lần về quê, thế nào tôi cũng đi thăm cô. Tôi phải đi qua một ngôi nhà to nhất và giàu có nhất làng, băng qua cánh đồng để đến nhà cô. Được tha hồ dạo chơi trong vườn xoài rộng sum sê những quả hoặc ra rẫy dưa gang tìm trái chín hái về ăn thoả thích. Có khi cô còn sai các anh con cô lên núi Chà Rang cũng không xa lắm tìm hái chà là- với tôi lúc đó đúng là một loại trái cây tuyệt hảo!
Tôi quên sao được ngôi nhà của ông bà nội - là người giữ phần hương hỏa với ngôi từ đường cuối cùng của dòng tộc Nguyễn chúng tôi. Ngôi nhà chỉ còn trong tâm tưởng ấy có những cột tròn, các cánh cửa chạm trổ theo kiểu kiến trúc cổ ở các làng quê Bình Định xưa– có vẻ hơi khác biệt với các ngôi nhà xung quanh mà sau này tôi mới biết vì ông tôi còn là một người có chức sắc trong làng. Ngôi nhà mà sau bao năm chiến tranh bom đạn tàn phá- trong một lần về thăm lại ba tôi đã phải đứng chết lặng: “… Đất Tân Đức ai làm cho ly cách, Gạt lệ tràn bên đống gạch nhà xưa…“. Nhưng rồi ông tôi đã qua đời sớm, bà nội đã phải vất vả tảo tần để nuôi các con. Thuở nhỏ, vào mùa hè chị em tôi thường được mẹ dẫn về thăm quê. Khu vườn rộng trồng nhiều loại cây ăn trái tiếp giáp với gò đất đá ong sau nhà nội là cả một thiên đường đối với tuổi thơ. Chúng tôi tha thẩn cả ngày chơi đuổi bắt chuồn chuồn, chơi cút bắt trốn tìm. Rồi hái mít non nhỏ xíu chấm muối ớt, hay đi kiếm trong các lùm cây um tùm những chùm chiêm chiêm đỏ, những trái dú dẻ chín vàng với mùi thơm rất đặc trưng và quyến rũ mà vùng đất đỏ cao nguyên màu mỡ không hề có.
Trong một lần về thăm phía ngoại, tôi ấn tượng nhất là ông cố đầu tóc bạc phơ, với búi tóc củ hành trên đỉnh đầu, vầng trán cao và rộng với vẻ mặt rất cương nghị của ông. Khi thấy mẹ con tôi vừa bước chân lên sân, từ mái hiên đằng xa ông đã lên tiếng:
- Đứa nào tóc “phi dê” đó, bước ra khỏi đây ngay!
Thì ra ông đã tuyên bố cấm cửa bất cứ con cháu nào mà đi uốn tóc – hồi đó thường gọi là phi-dê (phiên âm theo tiếng Pháp) vì ông cho rằng đó là lối sống ngoại lai cần phải bài trừ. Bà mợ -là vợ cậu Năm tôi- do theo chồng sống xa quê từ sớm, khi về thăm đã là “nạn nhân” đầu tiên bị ông cấm cửa. Còn tôi vì còn nhỏ, tóc cắt ngắn “bum bê” nên xa nhìn ông đã nhầm tưởng. Có lẽ cuộc sống khó nghèo, cả đời chỉ quanh quẩn sau lũy tre xanh đã khiến ông tôi có cái nhìn cực đoan đến vậy. Nghe ông ngoại tôi kể ông cũng đã từng học và dạy chữ Nho cho đến lúc Nho học suy tàn. Và cái búi tóc củ hành cùng với tư tưởng cổ hủ của ông là một trong những di tích còn sót lại của thời tàn ấy.
Tôi quên sao được ngay từ lúc mới lên bốn, lên năm, trong ký ức non nớt của tôi đã hằn sâu cuộc sống cơ cực của không chỉ những người thân thiết ruột thịt mà hầu như ai cũng đều như vậy. Hạnh phúc mà họ có được phải đánh đổi biết bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất nghèo khó này. Đàn ông quanh năm cày sâu, cuốc bẫm, tranh thủ ban đêm đi soi ếch nhái, đi kiếm cua cá ngoài đồng. Còn các bà mẹ đều thuộc lòng các ngày có chợ phiên để nửa đêm gà gáy dậy mà gánh gồng cho kịp những phiên chợ ở làng xa. Ngoài việc đồng áng, họ còn làm thêm nghề phụ như dệt vải, chằm nón đem ra Gò Găng bỏ sỉ. Bà nội tôi còn thức khuya dậy sớm làm, bán các loại bánh mà dân quê hay ăn sáng như bánh gói, bánh đúc, bánh tai vạc… Mẹ tôi với gánh hàng xén nên chỉ quanh quẩn ở chợ làng, bà phải vấn thêm thuốc rê cả ngày đêm mới đủ trang trải. Cả đời ngược xuôi tần tảo mà nghèo vẫn hoàn nghèo. “Cái khó bó cái khôn”, chỉ vì cuộc sống tối tăm mà ông nội tôi chỉ đau nhẹ thôi cũng không qua khỏi. Bà chị con ông bác tôi chỉ bị dập ngón chân cái thôi mà dần dà dẫn đến viêm xương nặng đến mức khi võng chị xuống đến Qui Nhơn thì ông bác sĩ người Pháp khám xong chỉ còn biết… cưa chân chị đến bắp vế. Thế là đời chị phải gắn liền với đôi nạng gỗ một cách oan uổng. Cuộc sống cơ hàn còn để lại một dấu ấn trong tôi khi trời đông tháng giá mà chỉ đắp có chiếc chiếu cuộn tròn và “mền” là những tấm bao tải bằng sợi gai chằm vá lại mà thành. Ký ức này làm tôi nhớ đến cảnh đời của các nhân vật trong các tác phẩm của Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nam Cao… trước năm 45 mà tôi đã được đọc và học từ nhỏ. Đến mùa lụt cả cánh đồng chìm trong biển nước mênh mông, không còn nhìn thấy những xóm làng ở phía xa xa đâu nữa. Lúc đó tôi nào có hiểu cái thiếu đói đang đe dọa từng ngày và đây là một trong những lý do khiến nhiều người, trong đó có ba mẹ tôi đã phải dứt áo ra đi:
… “Dân quê ta khô cháy héo cuộc đời.
Đành lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn
Đành lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn
Thế nhưng lòng ông đâu thể nào lìa bỏ được chốn quê:
Về Tân Đức ôi còn gì sung sướng
Bao nhiêu năm ôm ấp mộng về quê…”
Bao nhiêu năm ôm ấp mộng về quê…”
Và cũng vì vậy, khi ông qua đời, chú Q.T. - vừa là anh em thúc bá đồng đường vừa là bạn thơ tương đắc với ba tôi đã có câu đối, xin lược trích như sau: “… Đất tổ tơ lòng vương vấn mãi…/Cõi tiên cánh hạc vội vàng chi“. Thật đúng là mối tình quê của ông vẫn còn vương vấn mãi!
Sau này lớn lên tôi mới hiểu vì sao mà các bậc tiền nhân thuở trước đã phải tiến dần về phương Nam. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, con người luôn phải đi tìm đất sống nhưng có lẽ cái nghèo, cái khó vẫn đeo đẳng nên có người vẫn phải tiếp tục ra đi cho đến khi định cư ở một nơi nào thì nơi đó chính là quê hương. Vì vậy mới có quê gốc và quê hương thứ hai, thậm chí thứ ba. Nhưng những khái niệm này cũng chỉ là tương đối. Điều quan trọng là không quên đi cội nguồn của mình và quay lưng với quá khứ thấm đẫm ân tình. Vốn nặng lòng với quê hương, trong một bài thơ trào phúng châm biếm gởi đăng báo lúc sinh thời, ba tôi đã bày tỏ thái độ rất rõ ràng đối với những kẻ vừa chạm tới giàu sang, quyền thế là đã vội quên đi cội rễ của mình qua những hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng:
Ông Táo (*)
Khi cục đất chưa nặn thành ông Táo
Thì đất bùn đất sét cũng thế thôi
Nhưng hôm nay cái Táo nặn xong rồi
Táo xa lánh, chê Sét, Bùn dơ nhớp
Thì đất bùn đất sét cũng thế thôi
Nhưng hôm nay cái Táo nặn xong rồi
Táo xa lánh, chê Sét, Bùn dơ nhớp
Gẫm sự thế bể dâu... đời ô hợp...!
Táo ung dung chễm chệ ngự... ngai vàng
Táo đứng đi, ăn uống rất hiên ngang
Quyền thế Táo trên muôn ngàn bệ cấp
Táo nhìn xuống Sét... Bùn... Ôi! Hèn thấp
Chẳng chút tình lưu luyến gốc nguồn xưa
Nhưng than ôi nắng cũng đến hồi mưa
Táo vỡ đổ ra muôn ngàn mảnh vụn...*
Rồi trở lại nơi chôn nhau cắt rốn
Đem về nguồn mảnh vụn cóc cần chi!
Lẫn lộn trong đất tốt, Táo ích gì?!
Đành vứt Táo bụi bờ hay hố rác
Đem về nguồn mảnh vụn cóc cần chi!
Lẫn lộn trong đất tốt, Táo ích gì?!
Đành vứt Táo bụi bờ hay hố rác
Bao đồng lúa nương dâu xanh bát ngát
Không Sét.. Bùn... dâu lúa đứng vào đâu?
Có áo cơm cho Táo sống sang giàu
Lại khinh miệt Sét, Bùn dơ bẩn nhỉ?
Đất cùng Táo. Táo tưởng mình cao quý
Không Đất này- Táo nặn ở đâu ra?*
Táo là con. Mà Đất chính mẹ cha
Đừng tưởng Táo từ trên trời đưa xuống!
Đừng tưởng Táo từ trên trời đưa xuống!
(Hàn Tử Sinh- 1971)
(*) Ông Táo: tên gọi cái bếp được làm bằng đất sét nung phổ biến ở quê
Bởi vậy mà ông luôn uốn nắn con cháu mỗi khi thấy có những lời nói hay thái độ không đúng đắn về quê mình. Để con cháu không quên cội nguồn, khi biết không còn sống được bao lâu nữa, ông về quê thường xuyên để lo tu tạo phần mộ của tổ tiên và vận động những người trong dòng tộc gây quỹ phúc lợi, hàng năm đều tổ chức một ngày giỗ chung các bậc tằng tổ trong họ tộc gọi là ngày Tế hiệp tại nhà một ông chú được xem là thừa tự của họ tộc còn ở lại quê. Đó là ngày con cháu ở xa có thể trở về thăm quê và đốt nén nhang tưởng nhớ người xưa. Nếu đi bằng xe nhà, chúng tôi thường đi theo đường tắt rẽ ngang từ thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), qua bảo tàng Quang Trung- Bình An với ngôi tháp chăm Dương Long cổ kính, qua Trường Định- Mỹ Yên- Suối Bèo- Đại Chí rồi đến Tân Đức. Mỗi một tên đất, tên làng, mỗi một con đường tôi đi qua đã từng vang bóng bao sự tích lịch sử và những dấu chân của người dân quê hôm sớm đi về. Trong một lần về gần đây tôi còn được đi xem một đêm hát bội do đoàn tuồng của huyện An Nhơn biểu diễn ở làng lân cận. Một sân khấu dã chiến nhưng cũng đủ lôi cuốn bà con gần xa nao nức đi xem. Những diễn viên nghiệp dư nhưng với giọng hát đầy đam mê, nhiệt huyết và cũng không kém phần điêu luyện, xoay quanh những tuồng tích cổ xưa, ca ngợi trung hiếu, tiết nghĩa nghe mãi mà không biết chán. Đêm diễn trong một khung cảnh thật thanh bình, phảng phất hương đồng gió nội đã vang vọng mãi trong tôi những tình tự sâu thẳm của quê hương.
Những chuyến đi về hàng năm ấy đã giúp chúng tôi ngày càng nhận diện “khuôn mặt” của làng quê hôm nay. Tôi tự hào là người con của đất An Nhơn giàu truyền thống- trong đó có truyền thống về văn học. Quê tôi cùng với bao làng quê khác đã có nhiều đổi thay về đời sống vật chất lẫn tinh thần và ngày càng phát triển. Tôi chưa làm được gì cho sự thay đổi đó, chỉ nguyện có một tấm lòng – một tấm lòng trước sau không thay đổi.
Xin hẹn với Tân Đức- quê Mẹ thân yêu những chuyến hồi hương.
Nguyễn Đoan Tuyết
Nguồn: https://vietvanmoi.fr/