Từ ngày Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư, Ninh Bình, về thành Đại La và thấy rồng bay nên đặt tên là Thăng Long (1010). Đến đời Hậu Trần (cuối thế kỷ XIV) Lê Quý Ly thao túng triều đình. Thăng Long được gọi là Đông Kinh hay Đông Đô đối lại với Tây Đô là Thanh Hoá. Chữ Tonkin được xem là chữ phiên âm từ chữ Đông Kinh. Người Trung Hoa phát âm chữ T và Đ gần giống như nhau. Họ đọc Đồ, Rê, Mí thành Tồ, Lê, Mí. Do đó Đông Kinh được phát âm thành Tông Kinh. Chữ Tonkin sau này có nghĩa là Bắc Kỳ, vùng đất chạy dài từ Ninh Bình lên đến biên giới Việt- Hoa.
Dưới triều vua Gia Long, vị vua sáng lập ra nhà Nguyễn, Đông Kinh hay Đông Đô được cải danh thành Hà Nội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp Hà Nội được gọi là Hà Thành. Việt Minh có khuynh hướng cải danh Hà Nội thành Thành Phố Hoàng Diệu, vị tổng đốc tự tử khi quân Pháp, dưới sự chỉ huy của Henri Riviere, đánh chiếm thành năm 1882.
Thành Phú Xuân được bắt đầu xây dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687- 1691). Không bao lâu sau đó Phú Xuân trở thành trung tâm chánh trị của chúa Nguyễn ở Nam Hà. Phú Xuân trở thành kinh đô của nhà Tây Sơn của Quang Trung Nguyễn Huệ từ năm 1786 đến 1801. Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức là vua Gia Long. Phú Xuân trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất từ thành Gia Định đến thành Thăng Long dưới tên mới: HUẾ.
Hoài Phố là tên cũ của Hội An. Từ Hoài Phố âm ra thành Haifo rồi Faifo.
Cửa Hàn là tên cũ của Đà Nẵng. Dưới thời Pháp thuộc Đà Nẵng được gọi là Tourane.
Qui Nhơn một thời là Hoàng Đế Thành, kinh đô của nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Sau khi nhà Tây Sơn bị đánh bại, nhà Nguyễn cải danh Qui Nhơn thành Bình Định.
Sài Gòn nhập tịch Việt Nam vào năm 1698. Nhiều giả thuyết cho rằng địa danh Sài Gòn xuất phát từ chữ Khmer Prei Kor có nghĩa là rừng gòn. Sài Gòn được thiết kế như một Paris nhỏ hẹp từ thập niên 1860 về sau. Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn được gọi là nhà thờ Đức Bà chữ dịch từ Notre Dame (de Paris). Sông Sài Gòn được ví như sông Seine. Dinh thự, công ốc, thương xá, trường học, đường sá trong thành phố gợi lại kiến trúc và thiết kế đô thị của Pháp ở Paris. Trong cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn đầu năm 1950 Sài Gòn được gọi là Sài Thành. Chợ Bến Thành bị đốt cháy. Giang cảng Sài Gòn là cảng quan trọng nhất trong nước. Từ một thành phố mới, quan trọng về phương diện kinh tế và được mở cửa bằng đạn pháo để đón nhận chữ quốc ngữ và văn hóa Tây Phương, Sài Gòn trở thành thủ đô của Quốc Gia Việt Nam (État du Việt Nam) từ năm 1949 đến 1955 rồi Việt Nam Cộng Hoà (1956- 1975). Ngày 30-04-1975 Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Năm 1976 Sài Gòn được cải thành thành phố Hồ Chí Minh.
Người Việt Nam đặt chân trên đất Thủy Chân Lạp vào năm 1623 sau khi công chúa Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp. Phần đất ở cực nam đất nước nhập tịch Việt Nam vào năm 1753 với ba sắc thái hình thành trong lịch sử: Khmer, Nam Tiến của người Việt Nam + biện pháp quân sự của các chúa Nguyễn, Trung Hoa (Mạc Cửu ở Hà Tiên, Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa, Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho v.v.). Do đó, vùng đất rộng 65,000 km2 ở cực nam đất nước trải qua nhiều biến thiên thăng trầm. Sau khi họ Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức là vua Gia Long trị vì trên một vùng đất rộng trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Dưới thời vua Gia Long, Bắc Kỳ được gọi là Bắc Thành sau đổi thành Bắc Kỳ (Tonkin), Bắc Bộ (1945 thời Trần Trọng Kim và Việt Minh) rồi Bắc Việt (thời quốc trưởng Bảo Đại), Bắc Phần (thời tống thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu).
Vào đầu thế kỷ XIX vùng đất cực nam nước Việt Nam là Gia Định Thành. Quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức được Aubaret dịch thành Description de la Basse Cochinchine. Dưới triều vua Minh Mạng các danh xưng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ xuất hiện. Năm 1945 Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ trở thành Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Dưới thời chánh phủ Quốc Gia do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo 1949- 1955 tên gọi ba miền là Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Từ năm 1956 đến 1975 xuất hiện các tên gọi Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần.
Dưới triều vua Gia Long Gia Định Thành có Ngũ Trấn:
1. Biên Trấn (Biên Hòa)
2. Phiên Trấn (Gia Định)
3. Định Trấn (Định Tường)
4. Vĩnh Trấn (Vĩnh Long)
5. Hà Trấn (Hà Tiên).
Từ triều Minh Mạng đến triều vua Tự Đức, Nam Kỳ có Lục Tỉnh. Đó là:
1. Biên Hòa
2. Gia Định
3. Định Tường
4. Vĩnh Long
5. An Giang
6. Hà Tiên.
Khi Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1862, 1867 họ chia Nam Kỳ ra làm 21 tỉnh nhỏ để tiện việc kiểm soát và bình định lãnh thổ. Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Tân An, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc, Châu Đốc, Gò Công, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Rạch Giá, Bà Rịa, Cap St Jacques (Vũng Tàu) v.v. trở thành tỉnh. Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Châu Đốc, Bạc Liêu, Hà Tiên bị bãi bỏ. Chợ Lớn sáp nhập vào đô thành Sài Gòn- Chợ Lớn. Gò Công thuộc tỉnh Định Tường; Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang; Bạc Liêu (Po Loeuth: cây đa to) thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau); Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá). Dưới thời Pháp thuộc, Định Tường trở thành Mỹ Tho (tiếng Khmer Mê sa: Bà Trắng), An Giang: Long Xuyên. Dưới thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà địa danh Định Tường và An Giang được phục hồi như dưới triều Nguyễn. Trong thời kỳ đất nước qua phân nhiều địa danh ở Nam Phần bị cải danh:
Tên Cũ | Tên Mới |
Thủ Dầu Một | Bình Dương |
Tân An | Long An |
Bến Tre | Kiến Hòa-Trúc Giang |
Cần Thơ | Phong Dinh |
Sóc Trăng | Ba Xuyên |
Cà Mau | An Xuyên |
Trà Vinh | Vĩnh Bình |
Rạch Giá | Kiên Giang |
Bà Rịa | Phước Tuy |
Cap St Jacques | Vũng Tàu |
Tỉnh Mới | |
Đức Hòa | Hậu Nghĩa |
Vị Thanh | Chương Thiện |
Cà Mau | An Xuyên |
Bà Rịa | Phước Long |
Hớn Quảng | Bình Long |
Cao Lãnh | Kiến Phong |
Mộc Hóa | Kiến Tường |
Gia Nghĩa | Quảng Đức |
Phú Giáo | Phước Thành (sau giải thể trở thành quậnPhú Giáo thuộc Bình Dương |
Xuân Lộc | Long Khánh |
Vài địa danh như Darlac, Liang Biang, Djiring, Pleiku, Fansipan… được âm thành Đắc Lắc, Lâm Viên, Di Linh, Phú Bổn, Hoàng Liên Sơn (tên một dược thảo, cây hoàng liên Coptis teeta). Cap St Jacques, Tourane… được đổi ra Vũng Tàu, Đà Nẵng. Sự cải danh các địa danh ở Nam Bộ trở nên trầm trọng sau ngày 30-04-1975 vì lý do chánh trị.
Tên Sài Gòn không còn nữa.
Tỉnh Gia Định bị xem như bị xoá trên bản đồ.
Địa danh Biên Hòa trở thành Đồng Nai như tên gọi Lộc Dã đã có từ thế kỷ XVII.
Hầu hết các địa danh ở Nam Bộ đều bị cải danh ngoại trừ Bến Tre (vì có cuộc đồng khởi), An Giang (tỉnh sinh quán của ông Tôn Đức Thắng), Long An (Tầm Vu; mật khu Vàm Cỏ), Tây Ninh (nơi thành lập Mặt Trận với trận đánh Trảng Sụp). Bình Dương được đổi thành Bình Thủ, Sông Bé rồi trở lại tên cũ: Bình Dương; Lái Thiêu: Thuận An (do sự kết hợp của Thuận Giao và An Phú); Biên Hòa: Đồng Nai; Cần Thơ: Hậu Giang; Định Tường: Tiền Giang; Vĩnh Long: Cửu Long; Cà Mau: An Xuyên, Minh Hải v.v.
****
Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX Việt Nam đắm chìm trong khói lửa vì sự tranh quyền giữa các họ phong kiến Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, Nguyễn Tây Sơn. Phe thắng trận có khuynh hướng dẹp bỏ tất cả những gì thuộc về phe bại trận. Càng cố chấp hơn người thắng trận trừng phạt người bại trận bằng cách hành hạ, hạ nhục kẻ chiến bại, giam cầm, lưu đày và biến họ và con cái họ thành kẻ nô lệ nghèo nàn, thiếu ăn, thất học ở vùng kinh tế mới núi rừng trùng điệp xa ánh sáng văn minh loài người.
Việc cải danh các thành phố hay xóa bỏ tên chúng trên bản đồ, và đào mồ cuốc mả, san phẳng các các nghĩa trang quân đội miền Nam sau ngày 30-04-1975 cho thấy sự hẹp hòi, nhỏ mọn, cố chấp của người lãnh đạo phe chiến thắng khi biến người đồng chủng, đồng bào, các địa danh, phong cảnh kể cả các mồ mả vô tri, vô giác thành kẻ thù!
Phạm đình Lân, F.A.B.I.