User Rating: 2 / 5

Star ActiveStar ActiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

dichuyen1

Những phương tiện di chuyển đã đi vào dĩ vãng (1): Từ kiệu đến võng

Trong suốt chiều dài lịch sử, hàng loạt các loại phương tiện giao thông, cá nhân cũng như công cộng, lần lượt xuất hiện tại Việt Nam. Theo luật đào thải tất nhiên của cuộc sống, chúng cũng lần lượt được thay thế bằng những phương tiện mới hơn nhằm phục vụ cuộc sống tốt hơn. Loạt bài viết này sẽ điểm qua những phương cách di chuyển xưa của người Việt mà cho đến ngày nay đã trở thành quá khứ.    

Bắt đầu từ thời phong kiến triều Nguyễn (1802-1945) vua chúa mỗi lần xuất cung đều dùng kiệu để đi lại. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, đã dành hẳn chương Nghi vệ (quyển 79) để miêu tả các loại kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi, số lượng kiệu cùng các nghi trượng đi kèm, tùy thuộc vào thời thế, địa vị và thứ bậc của người sử dụng.

Dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), xe kiệu của vua có 4 chiếc, gồm 1 chiếc Ngọc lộ, 1 chiếc Kim lộ và 2 chiếc Kim bảo dư. Sang triều Minh Mạng (1820 – 1841), vua có 5 chiếc, được đặt tên là Cách lộ, Kim lộ, Ngọc lộ, Tượng lộ và Mộc lộ. Tùy mục đích chuyến đi, nhà vua quyết định dùng loại “xe” nào.

Sách cũng cho biết khi vua đi chơi thì không thực hiện đầy đủ nghi thức như khi vua đi cúng tế ở các đàn miếu. Lúc này nhà vua chỉ sử dụng 1 chiếc lọng vàng thêu hình rồng để che mưa nắng, có đội quân tiền đạo và hậu hổ đi theo hộ tống. Dưới triều Minh Mạng, nhà vua quy định: ngự giá đi trong phạm vi Hoàng Thành thì phải giảm bớt một nửa số cờ quạt và không cần voi ngựa hộ tống để tránh… “kẹt đường”.

kieuhoanggiatrieunguyen
Kiệu hoàng gia triều Nguyễn

Kiệu của Hoàng Thái Hậu, gọi là Từ giá, cũng "hoành tráng" không kém, gồm 1 Phượng dư và 1 Phượng liễn. Lỗ bộ tháp tùng Từ giá có 2 lá cờ rồng, 2 lá cờ phượng, 2 lá cờ thanh đạo, 8 lá cờ phướn, 2 quạt thêu hình rồng phượng màu vàng, 4 quạt thêu hình rồng phượng màu đỏ, 4 quạt thêu hình loan phượng màu xanh và thêm 20 thứ binh khí hộ vệ.

Kiệu của Thái Tử chỉ có 1 chiếc, gọi là xe Bộ liễn. Lỗ bộ tháp tùng xe này chỉ có 1 cờ lệnh, 2 cờ xanh, 2 cờ đỏ, 2 cờ vàng, 2 cờ trắng, 2 cờ đen, 8 lá cờ phướn, 1 chiếc tán hình tròn thêu hình 7 con rồng, 4 chiếc tán hình vuông, 4 chiếc lọng màu đỏ, 6 lọng màu xanh vẽ rồng mây…

kieuvuaduytan
Kiệu Vua Duy Tân (ngày 5/9/1907)

Sang triều Khải Định (1916-1925), nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc xe hơi nhân lễ Tứ Tuần Đại Khánh (mừng thọ vua 40 tuổi). Từ đó, ngoài việc dùng ngự giá truyền thống trong các dịp tế lễ, đôi khi vua Khải Định còn dùng xe hơi để du ngoạn hay đi săn bắn ở bên ngoài Hoàng Thành.

xenguahamnghi
Cựu hoàng Hàm Nghi trên chiếc xe ngựa với ý trung nhân, Bà Laloe

Trước đó, triều đình có cho dựng ở phía trước Ngọ Môn 2 tấm bia đá, trên bia có ghi 4 chữ Hán: Khuynh Cái Hạ Mã, nghĩa là khi đi ngang qua đây thì mọi người phải nghiêng lọng và xuống ngựa. Kể từ khi vua Khải Định dùng xe hơi, thì 2 tấm bia này không còn thích hợp nữa. Vì thế, triều đình đã cho nhổ 2 tấm bia này đưa vào cất giữ trong kho của Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Đây cũng là nơi đang trưng bày chiếc kiệu sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi Hoàng Thành Huế. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng này đang lưu giữ chiếc kiệu mà vua Bảo Đại đã từng dùng khi đi tế Nam Giao vào năm 1935.

chieckieu
Chiếc kiệu chạm rồng, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Sang đến thời kỳ Pháp thuộc, kiệu vẫn được sử dụng nhưng đối tượng dùng kiệu được mở rộng. Vào thời này, kiệu còn dành cho các quan thuộc địa người Pháp cùng gia đình và những chức sắc người bản xứ trong việc đi kinh lý hoặc ngoạn cảnh. Trong những bức hình du ngoạn bãi biển Đồ Sơn dưới đây, người khiêng kiệu đều là phụ nữ bản xứ, họ gánh kiệu trên 2 thanh gỗ ngang và kiệu được đặt trên 2 thanh dọc dài hơn.

kieudoson
Kiệu dành cho người Pháp du lịch bãi biển Đồ Sơn
 
kieuongtaybadam
Kiệu dành cho… “Ông Tây, Bà Đầm”
 
kieuphunu
Phu kiệu toàn là phụ nữ người bản xứ
 
kieucuaquan
Kiệu dành cho gia đình quan chức người bản xứ
 
kieuphunghingoi
Phu kiệu nghỉ ngơi

Trong phim Indochine do đạo diễn Régis Wargnier thực hiện vào tháng 4/1992 với các diễn viên Catherine Deneuve (trong vai Eliane), Vincent Perez (John the Baptist), Linh Dan Pham (Camille), Jean Yanne (Guy Asselin), khán giả được thấy cảnh ngồi kiệu của diễn viên đóng vai John the Baptist. Indochine là một phim hoành tráng mô tả cuộc sống của người Pháp thời đi mở thuộc địa tại Đông Dương. Phim sử dụng tới 1800 bộ y phục của cả người Âu lẫn người bản xứ.

kieutrongfilm
Kiệu trong phim “Indochine" của Régis Wargnier

Vào thời phong kiến, quan lại triều Nguyễn không được phép dùng kiệu mà chỉ ngồi võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm trật của vị quan ngồi trên võng.

tranhvong
Tranh xưa vẽ cảnh đi võng

Võng bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm chỉ có 1 người vác lọng theo hầu.

vongquan
Võng được dùng để phục vụ các quan lại trong triều

Ngoài ra, những tân khoa thi đỗ đều được dùng võng để về làng “Vinh Quy, Bái Tổ”. Trong ca dao xưa có câu “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” để mô tả sự vinh quang của người học trò thành đạt.

tranhvekieuvong
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau

Tin người đỗ đạt được đưa về làng, hương chức, dân làng họp ở đình, cắt cử người ra gặp Tân Khoa để ấn định ngày vinh quy, rước về nguyên quán. Thường thì đỗ Tú Tài chỉ Làng Xã rước, đỗ Cử Nhân hàng Huyện phải rước, đỗ Tiến Sĩ thì Hương Lý, trai tráng hàng Tổng đem đủ nghi lễ, cờ quạt đón từ Tỉnh rước về Làng. Tuy nhiên, những người trong họ quan Tân Khoa được miễn làm phu phen đi rước.

Theo Ngô Tất Tố (1) trong Lều Chõng thì thời nhà Lê, đỗ Tiến Sĩ dân phải đem cờ quạt đến tận Kẻ Chợ (tức Thăng Long) đón rước, nhưng từ thời vua Gia Long trở đi, Kẻ Chợ dời vào Thuận Hóa (Huế), người miền Bắc tới đó xa quá, nếu bắt cả Tổng phải đi rước sợ làm phiền dân, nên chỉ bắt rước từ Tỉnh nhà về mà thôi.

Lúc đầu Tân Khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, đến 1901, cả Phó Bảng cũng được ngựa trạm đưa về chứng tỏ, trên nguyên tắc, các Tân Khoa vẫn cưỡi ngựa vinh quy. Tuy nhiên, Phạm Quý Thích (1759-1825) lại cưỡi voi. Ông 20 tuổi đỗ Tiến Sĩ niên hiệu Cảnh Hưng 40 (khóa 1779), đáng lẽ đỗ đầu, hiềm vì trẻ quá quan trường định đánh hỏng, đợi khoa sau mới cho đỗ Thủ Khoa. Rút cục, họ Phạm được lấy đỗ thứ nhì, người đỗ đầu là Ðặng Ðiền, tuổi gấp đôi.

Rồi không biết từ bao giờ các Tân Khoa lại đi võng thay vì ngựa, "Võng anh đi trước, võng nàng theo sau", phải chăng vì có những ông Tân Khoa "trói gà không chặt" không biết cưỡi ngựa?

Huỳnh Côn (1849- ?) đỗ Phó Bảng Khoa 1877, thuật chuyện khi đỗ Cử Nhân đã vinh quy, không cưỡi ngựa, đi võng như thường tình, mà lại đi bằng thuyền: “Tôi vinh quy bằng bốn chiếc thuyền tam bản, cắm cờ xí rực rỡ, mẹ tôi ngồi trong một chiếc thuyền ấy để ra đón tôi”.

Thời Pháp thuộc, theo Nguyễn Vỹ (2) trong Tuấn, chàng trai nước Việt, các nhà theo Tân Học cũng bắt chước lệ thi đỗ vinh quy: đỗ bằng Tiểu Học (Certificat d'Etudes Primaires) thì rước bằng xe kéo, đỗ Cao Đẳng Tiểu Học Pháp-Việt (Diplôme d'Etudes Primaires Supérieures Franco-Indigène) thì đi cáng, Nghe nói có người thi đỗ Tú Tài Tây còn vinh quy bằng ôtô.

Nhà thơ Nguyễn Bính (3) trong bài Giấc Mơ Anh Lái Đò có nói đến chuyện đi võng vinh quy về làng: 

Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
"Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò."

Trong bài thơ Quan Trạng, tả cảnh quan Trạng vinh quy, Nguyễn Bính viết:

Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.

Có lẽ vì “hồn thơ lai láng” nên Nguyễn Bính đã đưa ra hai chi tiết không chính xác là dùng lọng vàng, mà lại tới bốn lọng để rước ông Trạng về làng. Lọng vàng chỉ dành riêng cho Vua, tân khoa đỗ Trạng, lúc vinh quy chỉ được che hai lọng màu xanh, phải làm quan tới nhất phẩm mới được đi bốn lọng xanh.

Nếu quả thật có đám rước vinh quy của ông Trạng dùng tới 4 lọng vàng như nhà thơ Nguyễn Bính mô tả thì chắc chắn sẽ mắc tội… “phạm thượng”. Thế mới biết, thời phong kiến quá nhiêu khê với những luật lệ khắt khe mà người dân vô tình chứ không phải cố ý vi phạm.  

Những phương tiện di chuyển đã đi vào dĩ vãng (2): Xe kéo

Tìm hiểu về lịch sử của chiếc xe kéo, người ta cho rằng loại xe này đã ra đời vào đầu kỷ nguyên Minh Trị tại Nhật Bản, vào khoảng năm 1869. Hồi đó, những gia đình khá giả có thể tậu một chiếc xe do người làm kéo đi những lúc cần di chuyển, thay vì phải đi bộ.

Theo Wikipedia, xe kéo - tiếng Anh là Rickshaw, tiếng Pháp là Pousse-Pousse - bắt nguồn từ tiếng Nhật “Jinrikisha” trong đó ghép bởi “jin” (con người, nhân), “riki” (sức lực) và “sha” (xe). Như vậy, “Jinrikisha” là loại xe chạy bằng sức kéo của con người. 

xekeopost
Xe kéo xưa trên bưu ảnh của Nhật Bản

Bắt đầu từ năm 1870, chính quyền thành phố Tokyo cấp giấy phép sản xuất và bán xe kéo cho 3 người được coi là nhà sáng tạo phương tiện vận chuyển “tân kỳ” này: Izumi Yosuke, Takayama Kosuke và Suzuki Tokujiro. Để được phép hoạt động tại Tokyo, xe kéo phải được đóng dấu cho phép của 3 nhà phát minh này.

xekeotainhat
Xe kéo tại Nhật năm 1897

Đến năm 1872 có khoảng 40.000 xe kéo hoạt động tại các thành phố lớn ở Nhật và  đây cũng là phương tiện giao thông chính trong cả nước. Vào thời đó, sức người rẻ hơn nhiều so với sức ngựa nên ngựa chỉ được dùng cho các hoạt động mang tính cách quân sự. Nguồn nhân lực cho xe kéo là những nông dân từ thôn quê ra thành thị kiếm sống, tính ra mỗi ngày họ phải chạy từ 30 đến 40km với tốc độ trung bình 8km một giờ.   

xekeonhatban
Phu xe kéo tại Nhật

Xe kéo lần lượt xuất hiện tại các thành phố châu Á như Trung Hoa (1873), Singapore (1880), Việt Nam (1883) và vào cuối thế kỷ thứ 19 tại Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Indonesia, Hồng Kông, Triều Tiên… Nói chung, xe kéo có mặt khắp lục địa Á Châu là nơi có dân số đông nhất thế giới và cũng là nơi có trình độ phát triển kém hơn châu Âu, châu Mỹ. 

xekeoando
Xe kéo tại Ấn Độ

Năm 1883, chiếc xe kéo, hay còn gọi là xe tay tại miền Bắc, xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội do Thống sứ người Pháp, Jean Thomas Raoul Bonnal, cho đem từ bên Nhật qua. Xe kéo Hà Nội xuất hiện một năm sau chiếc xe hơi đầu tiên tại Âu Châu và một năm trước xe tramway, một loại xe do ngựa kéo. Gần 15 năm sau, Sài Gòn mới biết tới loại xe này.

xekeotranh
Hình ảnh xe kéo là một trong những sắc thái đặc thù của Đông Dương được họa sĩ Adrien Marie vẽ trong một bức tranh cổ động cuộc đấu xảo năm 1889 tại Pháp

Lịch sử phát triển xe kéo tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1884 khi một nhà thầu người Pháp cho sản xuất khoảng 50 chiếc xe cung cấp cho cả miền Bắc, khi đó còn gọi là Tonkin. Từ đó, chiếc xe kéo dần dần trở nên quen thuộc tại Hà Nội và chỉ dành cho những người có chức, có tiền sử dụng làm phương tiện di chuyển trong khi đi bộ vẫn là phương tiện chính của đại đa số dân chúng.

Ngồi trên xe kéo nói lên cho sự giàu có và uy quyền của người Pháp và các gia đình quyền quý người bản xứ nhưng trước đó các tiểu thư khuê các Hà Thành thường ít khi dùng đến xe kéo vì sợ hiểu lầm là… Me Tây. Thời đó, phụ nữ người bản xứ khi lấy người Pháp tại thuộc địa thường bị mỉa mai là “Me Tây” cũng như sau này ở Sài Gòn có một số người bị gán cho “danh hiệu”… “Me Mỹ” khi họ kết hôn với người Mỹ.

xekeokshn
Xe kéo trước khách sạn Metropole (đường Henri Rivière), Hà Nội

Một hãng cho thuê xe kéo sau đó được thành lập tại Hà Nội. Những chiếc xe kéo đầu tiên có bánh xe bằng sắt, chạy không êm nhưng hành khách phải giữ chỗ trước một ngày nếu muốn được thuê. Dần dà, bánh xe kéo được bọc cao su nên khi chạy êm hơn và loại xe bánh sắt chuyển ra các vùng ngoại ô.

Cuộc cách mạng “bánh xe” đã phân chia thành hai loại khách sử dụng: loại bánh cao su được dành cho giới quan chức thuộc địa và gia đình trong khi loại bánh sắt dành cho giới trung lưu người bản xứ.

xekeohn
Xe kéo Hà Nội (1900)

Ngay cả những xe kéo với bánh cao su cũng chia ra làm hai loại, loại bình thường và loại của hãng OMIC. Loại nầy có chỗ ngồi bằng nhôm trắng bóng và có nệm lò xo cũng được bọc vải trắng, dĩ nhiên đi xe loại nầy thì mắc tiền hơn là đi xe loại thường.

Hình ảnh về các quan lại, binh lính, chức dịch… thời đại phong kiến dưới triều đại phong kiến qua góc nhìn của các nhiếp ảnh gia người Pháp khi họ đến Đông Dương trong đó có Việt Nam cho thấy một cái nhìn đầy đủ về một thời kỳ đã kéo dài ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

xekeohang
Hãng xe kéo Hà Nội

Chiếc xe kéo được coi là biểu tượng của sự phân biệt giai cấp giữa người lao động phải dùng sức mình để kiếm miếng cơm manh áo và hành khách ngồi phía sau là giới quyền quý, giàu sang. Truyện ngắn Người ngựa – ngựa người của Nguyễn Công Hoan đã nói lên cuộc đời cơ cực của người kéo xe, còn được gọi bằng “cu-li”, giữa khung cảnh đêm 30 Tết.

Truyện kể anh phu xe đói khách trong đêm giao thừa gặp phải một cô khách tân thời tưởng lắm tiền ai ngờ lại quá keo kiệt, chỉ trả hai hào cho một giờ bao xe. Anh kéo xe giờ cho nên cũng chỉ chạy tà tà, theo cách Nguyễn Công Hoan mô tả: “đít nhổm mạnh, mà bước ngắn”.

Truyện chỉ có 2 nhân vật và người đọc thoạt đầu cứ tưởng như thuộc hai giai cấp khác nhau nhưng cuối cùng cũng nhận ra họ chỉ là “người ngựa” kéo phía sau là “ngựa người”, một “bà” khách lại là một cô gái “ăn sương” thuê xe kéo để đi kiếm khách trong đêm giao thừa. Đã không có tiền trả anh xe kéo, “bà” khách lại còn mượn anh hai hào để mua gói thuốc lá, bao diêm và cả hạt dưa để cắn!

Anh phu xe thì hí hửng khi giờ khắc Giao Thừa đến gần: “Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào! Mở hàng ngay từ lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Mới năm mới đã phát tài! Thôi, sang năm tất là làm ăn bằng mười bằng trăm năm nay”.

xekeohanoi
Xe kéo Hà Nội

Nguyễn Công Hoan dẫn người đọc đến một đoạn thật hấp dẫn sau khi anh phu xe đã kéo “bà” khách đi khắp phố phường Hà Nội gần 2 giờ đồng hồ trong đêm Giao Thừa:

- Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền giả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì tôi xin chịu.

- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!

Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:

- Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì tôi cũng bằng lòng.

- Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.

- Không sợ, tôi mới khám bệnh hôm qua.

- Thôi, tôi chắp tay tôi van cô, cô có thương tôi thì mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe!

- Thế thì anh cứ kéo tôi về nhà tôi, xem có đồ đạc gì đáng giá, thì anh cứ việc lấy.

xekeotrangtien
Xe kéo trên đường Paul Bert, ngày nay là phố Tràng Tiền, Hà Nội (1915)

Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo anh xe kéo ghé vào để hỏi vay tiền. Mệt lử nên trong khi chờ khách vay tiền anh phu xe ngủ gật. Khi pháo Giao Thừa nổ vang anh mới tỉnh dậy. Vào hỏi thăm anh bồi “săm” mới biết là cô gái đã chuồn mất bằng cổng sau. Và đây là đoạn kết: 

“Anh xe nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng dắt xe đi… Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.

xekeodoikhach
Phu xe “đói” khách

Như đã nói ở phần trên, Sài Gòn xưa vào năm 1898 mới làm quen với xe kéo, khoảng gần 15 năm sau Hà Nội. Lý do cũng dễ hiểu là xứ thuộc địa chính thức của người Pháp có phương tiện di chuyển duy nhất là những chiếc xe do ngựa kéo mà người Pháp gọi là “Malabar” hay “Boîte d’allumettes” (vì xe có dáng dấp như một hộp diêm).

Một đặc điểm của xe kéo Sài Gòn vào đầu thập niên 1920 là mỗi chiếc đều được cấp phát số xe gồm 4 chữ số để dễ kiểm soát khi lưu thông, trong khi đó, xe kéo Hà Nội không có. Dưới đây là một số hình ảnh về xe kéo tại miền Nam:

xekeoxengua
Xe kéo và xe ngựa trước chợ Bến Thành đầu thập niên 1920
xekeoxehoi
Xe kéo và xe hơi trước “Hôtel de Ville”
xekeonhahat
Xe kéo trước Nhà hát Thành phố
xekeonhatho
Xe kéo trước Nhà thờ Đức Bà
xekeocatinat
Xe kéo trên đường Catinat (ngày nay là Đồng Khởi)
xekeo
Xe kéo trong Chợ Lớn

Những phương tiện di chuyển đã đi vào dĩ vãng (3): Xe ngựa

Thời cổ, giới quyền quý Trung Hoa dùng xe do ngựa kéo mỗi khi di chuyển. Thời trung cổ, tại Pháp và một số nước châu Âu giới quý tộc thường đi loại xe do hai ngựa kéo, xe song mã thể hiện đẳng cấp của những người thuộc gia đình quyền quý. Ngày nay các loại xe song mã chỉ còn được dùng trong việc đưa khách du lịch đi ngoạn cảnh.

thomoucchau
Xe song mã phục vụ khách du lịch tại Melbourne, Úc châu (Ảnh tác giả chụp)

Tại miền Nam vào những năm 1880 của thế kỷ 18, xe ngựa là phương tiện đi lại bình dân và phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định. Đây là loại xe do một ngựa kéo được bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp được người dân miền Nam chế tác cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và địa hình của Việt Nam.

Trước đó, người Pháp đã đưa xe ngựa vào Đông Dương làm phương tiện vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa. Người Pháp gọi xe ngựa ở thuộc địa là “Malabar” và sau này còn có tên “Boîte d’allumettes” vì hình dáng giống như một hộp diêm quẹt.

Một trong những hình ảnh được coi là xưa nhất của xe ngựa tại Sài Gòn là chiếc xe của Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện (Manufacture d’Opium) được chụp vào khoảng đầu thập niên 1980 (*).

Có thể thấy dòng chữ bằng tiếng Pháp trên thành xe ghi rõ là xe của nhà máy. Phía bên trái là hình của một người phu xe kéo đứng nhìn chiếc xe ngựa, hình như anh rất ngạc nhiên với hình ảnh một chiếc xe do ngựa kéo được người Pháp đưa vào Đông Dương.   

thomothuocphien
Xe ngựa trước Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện tại Sài Gòn

Xe ngựa dưới dạng xe “cải tiến” đơn giản còn được dùng trong hoạt động của quân đội viễn chinh Pháp tại thuộc địa Đông Dương. Loại xe này dùng để chuyên chở quân trang, quân dụng trong lực lượng võ trang của quân đội thuộc địa.

thomoquandoi
Xe ngựa dùng trong quân đội thuộc địa

Loại xe ngựa cầu kỳ hơn được dùng để chuyên chở hành khách là những viên chức thuộc địa và gia đình. Những chiếc xe này mang dáng dấp của loại xe song mã thường thấy tại Âu châu với “xà ích” là người bản xứ.

Như vậy, ngay trong giới lái xe người bản xứ cũng phân chia nhiều đẳng cấp tùy theo mức độ sang trọng của phương tiện: thấp nhất là phu xe kéo (còn được gọi là cu-li), kế đến là “xà ích” (người điều khiển xe ngựa) và cao nhất là tài xế xe hơi (chaffeur).

thomoducba
Hình ảnh các phương tiện giao thông trước Nhà thờ Đức Bà vào những năm 1920s

Đặc điểm của thời kỳ xe ngựa mới du nhập vào Đông Dương là loại song mã hoặc chỉ có một ngựa kéo. Riêng phần thân xe được đặt trên 4 bánh, hai bánh sau có đường kính lớn hơn hai bánh trước để giữ đối trọng với ngựa chạy phía trước, khác hẳn với xe ngựa do người Việt chế tạo sau này chỉ với hai bánh.

thomobenthanh
Xe ngựa tại chợ Bến Thành
 
thomonhatho
Xe ngựa bên Nhà thờ Đức Bà
 
thomosg
 Xe ngựa Sài Gòn khoảng 1930s
 
thomocholon
Xe ngựa Chợ Lớn
 
thomomotngua
Chiếc Malabar một ngựa

Tại miền Bắc, khi đó còn được gọi là Tonkin, người Pháp cũng sử dụng xe ngựa cho các quan chức thuộc địa nhưng số lượng không đáng kể so với miền Nam, còn có tên là Cochinchine. 

thomohaingua
Xe song mã tại Hải Phòng

Trước những loại xe ngựa sang trọng của Pháp, người Việt đã mày mò sáng tạo ra loại xe một ngựa đơn giản và bình dân hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Loại xe một ngựa này còn có một cái tên khác là xe thổ mộ.

Có rất nhiều cách giải thích về xuất xứ về tên gọi xe thổ mộ tại miền Nam. Có người nói thổ mộ vốn có mái che khum khum giống hình ngôi mộ nên người bình dân gọi là… “thổ mộ”. Giải thích mang tính cách ngôn ngữ học cho rằng “thổ mộ” là chữ đọc trại từ “thảo mã” hay “thụ mã” theo tiếng của người Quảng Đông vốn là số đông người Hoa sinh sống tại miền Nam.

thomochohang
Xe thổ mộ chuyên chở hàng hóa giữa Sài Gòn

Lại có ý kiến cho rằng “thổ mộ” chính là chữ đọc trại từ Thủ Dầu Một, thuộc tỉnh Bình Dương, nơi được coi là “cái nôi” của của xe thổ mộ. Để dẫn chứng giả thuyết này, người ta dẫn chứng một bài vè cổ về 47 chợ tại miền Nam:

… Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang,
Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một
Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…

Vào những thập niên 40 và 50 là giai đoạn phát triển của xe thổ mộ. Tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ hoạt động nhộn nhịp, có khi lên đến trên 50 chiếc. Không chỉ vậy, Thủ Dầu Một còn có nhiều trại mộc đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe “Thùng Thủ” để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định “đẳng cấp” của mình.

thomodangsau
Xe thổ mộ nhìn từ phía sau (http://www.flickr.comphotosnguyen_ngoc_chinh2848887599)

Để làm một chiếc xe thổ mộ đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe chứ không đơn giản như người ta tưởng. Kích thước về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải cân bằng khi di chuyển trên mọi địa thế. Thùng xe được đặt trên hai thanh nhíp gồm 4 lá thép để giảm độ xóc khi xe chạy trên đường. Nói chung, từng chi tiết của xe phải chính xác để tạo sự an toàn khi chuyển động.

Gỗ làm xe thổ mộ phải là loại tốt như Giáng Hương, Căm Xe, gỗ mít… không bị mối mọt. Quan trọng nhất là cặp bánh xe vì là phần chịu tải chính nên được làm rất cẩn thận, trục ngang của xe bằng ống thép chịu lực cho thùng xe nhưng lại không dùng bạc đạn mà chỉ có ổ trục.

Mỗi bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc căm cắm vào trục bánh xe. Sau đó, một vòng sắt quấn quanh bánh xe để bảo vệ phần gỗ và cuối cùng một lớp nệm cao su được nịt chặt ở vòng ngoài.  

thomotrenpho
Xe thổ mộ trên đường phố

Thùng xe được thiết kế thoáng mát, tạo sự thoải mái cho hành khách nhưng có vẻ hơi cao so với mặt đường trong khi chỉ có một miếng sắt để khách lên xuống xe. Đây cũng là điểm yếu của xe thổ mộ nhưng một số người lại thích ngồi vắt vẻo trên xe với hai chân đong đưa để ngắm nhìn đường phố.

Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếu đâu mặt nhau, guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng. Nếu vắng thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống. Hai vè bên thùng xe uốn gợn sóng có thể dùng để gác hàng hóa. Và trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc, nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại giống như mui chiếc ghe bầu nhưng cũng trông tựa một cái… mả nên nới gọi là thổ mộ (?).

thomovakhach
Ngựa, xà ích và hành khách

Âm thanh của chiếc thổ mộ với những tiếng kêu “lóc cóc, lọc cọc” phát ra từ móng ngựa được bọc sắt tiếp xúc với mặt đường nhựa cũng trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người miền Nam. Có nhiều xe còn gắn lục lạc cho ngựa nên khi chạy trên đường tiếng lục lạc hòa lẫn tiếng lọc cọc, cộng với tiếng “họ, họ” điều khiển ngựa của người xà ích tạo thành một bản nhạc đặc thù của xe ngựa Sài Gòn xưa. 

Về sau, có dòng xe thổ mộ “văn minh” hơn, được cải tiến từ bánh xe gỗ sang bánh xe bằng cao su bơm hơi với đường kính nhỏ hơn và do đó thùng xe cũng thấp hơn. Loại xe này giúp hành khách lên xuống thoải mái, an toàn. Khi chạy trên đường, lốp xe cao su êm hơn nhưng ngược lại, “tiếng nhạc” thổ mộ vốn có mất dần đi khiến những người “hoài cổ” không tìm lại được cái thú của ngày nào.   

thomocaosu
Dòng xe thổ mộ có bánh xe cao su

Ngựa kéo xe thổ mộ thường là những con ngựa đua đã có tuổi, không còn đủ sức vẫy vùng trên đường đua nhưng vẫn còn có thể di chuyển giữa lòng đường phố nhộn nhịp xe cộ. Bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai càng xe đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng còn lồng vào đuôi ngựa để khi xuống dốc có tác dụng kềm ngựa. Lại còn có dây bụng nâng ngực ngựa khi xe chạy. Người xà ích đôi khi xếp khách ngồi dịch lên hoặc lùi xuống là để cho ngựa không bị sức nặng đè vai hoặc bó chặt ngực khó chạy.

Đọc truyện Chiếc xe thổ mộ của Bích Thủy ta mới thấy sự gắn bó thân thương giữa người xà ích và con ngựa kéo xe:

“Bộ dây cương treo trước tầu ngựa đã lên nước bóng láng. Gần đó, phía bên trái, chiếc xe thổ mộ cũng đã đuợc lau chùi cẩn thận nằm dưới bóng râm mát của cây trứng cá. Chỉ còn có con Long Mã nữa là xong. Long Mã là tên của con ngựa. Nó cũng cần tắm rửa sạch sẽ.

Bình mỉm cười khi nghĩ đến con ngựa. Nó đứng trong tầu, khuất sau mấy gióng gỗ, mớ lông đuôi nhịp nhàng phe phẩy. Bình nói với nó:

- Chờ một lát nữa nghe!

Long Mã quay đầu lại hí nhẹ một tiếng, rồi vục mõm vào đống cỏ tươi trong góc chuồng.”

Con Long Mã già rồi. Nó đã 28 tuổi ngựa! Tuy vậy nó vẫn còn giữ được phong độ của loài ngựa đua: Cao, thon, bộ da nâu sậm đã hơi nhăn vì các thăn thịt không còn săn sái như hồi còn sung sức. Nhưng bộ vó nó vẫn còn, nhất là đôi mắt vẫn còn giữ nguyên vẻ tinh nhanh”.

Nhân vật Bình ở đoạn trích dẫn mới chỉ là cháu nội của cụ Lâm, người xà ích sống ở Ngã ba Ông Tạ, ngày ngày chạy xe thổ mộ đón khách dọc theo đường Lê Văn Duyệt đến chợ Hòa Hưng, chợ Chí Hòa, ga Hòa Hưng... Hồi còn trẻ, cụ Lâm là một tay đua “tuyệt phích”. Về già, hai ông cháu thui thủi sống bên nhau, lấy chiếc xe thổ mộ làm kế sinh nhai.

Long Mã đã từng đoạt giải Quốc Khánh 1957, giải Mùa Xuân 1957 và giải Trung Thu 1958 tại trường đua Phú Thọ: “Con Long Mã nom thật oai vệ. Bộ lông của nó đã được Bình chải chuốt, óng đỏ dưới ánh nắng dịu. Trên đầu của nó được trang điểm thêm một chùm lông trĩ đứng ngộ nghĩnh giữa hai chiếc tai vểnh nhọn, nom như chiếc mão của một võ tướng thời xưa!”

Hai ông cháu sống vào thời kỳ suy tàn của xe thổ mộ trước sự ra đời ồ ạt của xe xích lô, nhất là cyclo máy, đang đánh dạt xe thổ mộ ra vùng ngoại ô. Và cuộc chiến thầm lặng giữa thổ mộ và cyclo đang đi dần đến hồi kết cuộc.

chiecxethomo
Chiếc xe thổ mộ, tiểu thuyết của Bích Thủy http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvnnntnvn4n31n343tq83a3q3m3237nvn

Không chỉ tập trung tại Sài Gòn, xe thổ mộ còn lan tỏa ra các tỉnh phía Nam nhằm đáp ứng việc đi lại trong vùng, mua sắm, thăm viếng, cưới hỏi… người ta đều chọn xe ngựa vì tính tiện lợi và rẻ tiền của nó. Người ta có thể lên và xuống xe tại bất cứ chỗ nào nên xe thổ mộ gắn bó mật thiết với người bình dân. Đây cũng là nét văn hóa và lịch sử của miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Một chút buồn thoáng qua khi hình dung đến hình ảnh chiếc xe thổ mộ ngày xưa. Một nỗi buồn không tên vẫn thường đến với những người mang nỗi lòng hoài cổ:

… Tôi không còn là tôi. Tôi trở thành ai đó
Những cuộc tình như trưa nắng lao xao
Xe thổ mộ ngỡ ngàng quanh chợ huyện
Chở tôi về nhưng tôi biết về đâu?...

(thơ Lê Minh Quốc)

thomotayninh
Bến xe ngựa ở Tây Ninh

Nguyễn Ngọc Chính

Source: chinhhoiuc.blogspot

Chú thích:

(*) Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện (Manufacture d’Opuim): Từ khi chiếm được Đông Dương, người Pháp đã biết đến một nguồn lợi tài chính họ có thể thu được từ thuốc phiện mà sự tiêu thụ đã lan tràn khắp nơi trong dân chúng.

Năm 1861, hai người Pháp đã được dành cho độc quyền buôn bán thuốc phiện, với một khoản lệ phí nộp cho chính quyền mỗi năm là 92.000$, nhưng mặc dù được hưởng những ưu đãi, việc kinh doanh của họ đã gặp nhiều trở ngại.

Đến năm 1864 và sau đó, bằng phương thức đấu thầu do chính quyền thuộc địa tổ chức 3 năm một lần, độc quyền buôn bán thuốc phiện đã luôn về tay những người Trung Hoa, ban đầu thuộc bang Quảng Tây rồi sau đó là Phúc Kiến. Do sự câu kết thông đồng của những người Hoa tham dự thầu, số tiền thu về cho chính quyền qua các kỳ đấu thầu mãi không tăng thêm được bao nhiêu, dù việc buôn bán thuốc phiện của họ ngày càng mở rộng và phát triển.

Năm 1881, Toàn Quyền Le Myre de Vilers quyết định thay thế việc nhượng quyền buôn bán thuốc phiện bằng việc quản lý trực tiếp của chính quyền thuộc địa. Thật ra, vị Toàn Quyền này biết rằng nếu nằm trong tay người Trung Hoa, việc buôn bán thuốc phiện chẳng khác nào một võ khí nguy hiểm cho nền an ninh và quyền lợi của người Pháp.

Đến cuối năm 1881, Cơ quan Thuế Trực thu được thành lập để bảo đảm việc khai thác độc quyền về rượu và thuốc phiện, và cũng để tiếp tục theo đuổi việc thu thuế đánh vào lúa gạo xuất khẩu. Chính vào thời kỳ này mà Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện được thành lập ở Sài Gòn tại số 74 đường Paul Blanchy (ngày nay là đường Hai Bà Trưng)

Chú thích:

(1) Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nghiên cứu, ông sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân..

Trong số các tác phẩm của Ngô Tất Tố, nổi bật nhất có Tắt đèn (tiểu thuyết xã hội về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam đăng trên báo Việt nữ năm 1937, Mai Lĩnh xuất bản năm 1939) và Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến trong những ngày cuối cùng dưới triều Nguyễn đăng nhiều kỳ trên báo Thời vụ, 1939-1944, Mai Lĩnh xuất bản năm 1952).

(2) Nguyễn Vỹ (1912-1971) là nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Ông là tác giả hai bài thơ: "Gởi Trương Tửu" và "Sương rơi", từng gây tiếng vang trong nền thơ ca thời tiền chiến.

Ông từng theo học tại trường Trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn 1924-1927, rồi gián đoạn vì tham gia các cuộc vận động chống thực dân, sau đó ông ra Bắc theo học ban tú tài tại Hà Nội. Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu, gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Thi phẩm này in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà, "nhiều chân" và là đối tượng chê bai chính của Lê Ta trên các báo.

Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt-Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.

Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này bị đóng cửa. Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.

Năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước. Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm.

Năm 1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền thời bấy giờ, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa và từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ Thông mà thôi. Vào ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An-Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi.

Bên cạnh những tập sách biên khảo có giá trị như Văn thi sĩ tiền chiến, Tuấn-chàng trai nước Việt… Nguyễn Vỹ còn viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng được đánh giá là không thành công. Giới thiệu Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam cũng đã viết như sau:

“Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…

… Một bài như bài "Sương rơi" được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ... Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài văn. "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người”.

(3) Nguyễn Bính (1918–1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính sinh tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông  là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng và được coi như là nhà thơ của làng quê với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.

Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.

Một số tác phẩm:

Những bóng người trên sân ga (Thơ 1937)
Cô Hái Mơ (Thơ 1939)
Chân quê (Thơ 1940)
Lỡ Bước Sang Ngang (Thơ 1940)
Tâm Hồn Tôi (Thơ 1940)
Hương Cố Nhân (Thơ 1941)
Người Con Gái Ở Lầu Hoa (Thơ 1942)
Mười Hai Bến Nước (Thơ 1942)
Mây Tần (Thơ 1942)
Đồng Tháp Mười (Thơ 1955)
Trả Ta Về (Thơ 1955)
Gửi Người Vợ Miền Nam (Thơ 1955)
Nước Giếng Thơi (Thơ 1957)
Tình Nghĩa Đôi Ta (Thơ 1960)
Đêm Sao Sáng (Thơ 1962)
 
 

 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com