Mỗi khi nhắc đến “vụ án Mỹ Đường” dưới thời vua Minh Mạng, tôi đều ngậm ngùi cho cái chết “oan ức” của phu nhân Đông cung Nguyên soái Quận công Nguyễn Phúc Cảnh.
Cách nay gần 20 năm, trong một lần đến thăm xứ Huế, tôi đã đạp xe đạp tìm đến thăm phủ thờ Anh Duệ Hoàng Thái tử. Khi hỏi thăm người dân ở trên con đường Hàn Mặc Tử đều gọi là “Phòng Tăng Duệ” (1) chứ không gọi “Phòng Anh Duệ”. Phủ thờ lúc ấy chưa được khang trang như ngày nay. Bên ngoài tường rào về bên phải trước phủ thờ có một ngôi miếu nhỏ nằm bên trên một trụ vôi, trên ngách trán miếu có ba chữ Hán: “vọng ngoại từ” (Đền thờ vọng bên ngoài). Tôi mới hỏi người trong thân tộc của phủ thờ là miếu ấy thờ ai vậy?
Người ấy trả lời là thờ phu nhân Đông Cung Cảnh. Tôi mới hỏi tiếp: Tại sao không thờ trong phủ thờ mà lại thờ bên ngoài hàng rào phủ thờ vậy? Họ đáp là do phu nhân bị “nịch sát” (giết chết dưới nước) nên không được thờ trong phủ thờ. Tôi hỏi tiếp: Vậy lăng mộ của phu nhân hiện ở đâu? Họ đáp là sau khi phu nhân bị vua Minh Mạng ra lệnh dìm nước chết, con cháu hoảng loạn tinh thần, Mỹ Đường bị canh giữ, con cái Mỹ Đường thì ít và còn nhỏ, vả lại lăng mộ của phu nhân ở xa và nơi hoang vắng cho nên chuyện “mồ xiêu, mả lạc” không thể tránh khỏi!
Lăng mộ Phu nhân Đông cung Cảnh sau khi trùng tu
Tháng 07/2019 tôi có dịp ra xứ Huế và sáng ngày 22/07/2019, trong hành trình tôi sẽ đi tham quan cửa Thuận An, chùa Thúy Vân, cửa Tư Hiền, nhưng khi vừa qua Đập Đá, tôi lại nhớ đến phủ thờ Anh Duệ Hoàng Thái tử, nơi mà cách nay gần 20 năm tôi đã từng đạp xe đạp đến thăm. Tôi liền rẽ vào đường Hàn Mặc Tử để đến phủ thờ chụp vài tấm ảnh để lưu niệm (lần đến thăm trước do chưa có máy ảnh cho nên không có ảnh lưu niệm). Đang đứng trầm ngâm trước miếu thờ phu nhân Đông cung Cảnh bên ngoài tường phủ thờ vừa mới tái tạo trở lại (miếu được tái tạo lại và ba chữ Hán “vọng ngoại từ” thay bằng hai chữ Hán: “phụng tiên”) thì một người đàn ông trạc tuổi 60 ở nhà số 141 - Hàn Mặc Tử (Phủ thờ Anh Duệ Hoàng Thái tử ở số 143- Hàn Mặc Tử) kế bên mới hỏi thăm tôi đang làm gì trước cổng phủ thờ. Tôi liền cho anh ta biết ý định của tôi là tôi đến thăm phủ thờ. Nghe giọng nói của một người từ phương xa đến thăm phủ thờ, anh liền mời tôi sang nhà trò chuyện. Anh cho biết, tên anh là Nguyễn Phúc Liên Quân, hậu duệ của Đông cung Cảnh. Sau một hồi trò chuyện anh mới tiết lộ cho tôi biết là vừa rồi dòng họ của anh mới trùng tu mộ phu nhân Đông cung Cảnh và anh cho tôi xem ảnh. Do hôm ấy anh Liên Quân bận công chuyện và anh nói là nếu ngày hôm sau nếu tôi không bận chuyện gì thì anh sẽ chở tôi đi thăm mộ phu nhân Đông cung Cảnh. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghe ai nhắc đến lăng mộ của phu nhân Đông cung Cảnh nay lại nghe đã tìm được lăng mộ cho nên tôi đã nhận lời ngay. Sáng hôm sau (23/7/2019), anh Liên Quân đã đón tôi đi thăm lăng mộ phu nhân Hoàng tử Cảnh.
Quá trình hậu duệ tìm ra lăng mộ phu nhân Đông cung Cảnh.
Bên cạnh mấy bụi chuối là dòng sông Bạch Yến, nơi Phu nhân Đông cung Cảnh bị “nịch sát” (trấn nước cho chết)
Anh Liên Quân đã chở tôi lên khỏi Văn Thánh Huế, rẽ phải vào đường Hồ Thừa, đi đến gần bờ sông Bạch Yến lại rẽ phải, đến cuối đoạn thẳng con đường thì dừng lại, bước qua con mương nhỏ được bắc bằng hai miếng bê tông thì thấy ngôi lăng mộ bề thế nhất. Đó chính là lăng mộ phu nhân Đông cung Cảnh.
Theo như trên facebook của Phòng Anh Duệ ghi: “Vào mùa thu năm 2014, sau rất nhiều thời gian kiếm tìm viên tẩm của Đức Bà Hoàng Thái Tử Phi trong vô vọng, anh em hàng Liên có được thông tin quý giá từ một số thân hữu sinh sống và làm việc tại phường Hương Hồ (khu vực làng Kim Long xưa) bảo rằng có một ngôi lăng hoang phế từ lâu, với kiểu lăng vuông, có thành ngoại, bình phong trước, bình phong sau (kiểu lăng điển hình triều Nguyễn) tại khu vực Hương Hồ, cách sông Bạch Yến không xa
Một số bà con Phòng Anh Duệ được tập trung ngay sau đó, cũng tìm đến nơi đây dâng hương khấn nguyện và sau đó cùng nhau phát quang…”
Lăng mộ Phu nhân Đông cung Cảnh chụp từ hướng Nam
Trong lúc phát quang thì có một người chăn trâu tuổi trạc 70 khuyên là nên cẩn thận coi chừng có đầu đạn M79 trong đó. Ông ta kể là trước năm 1968 có một ông lính Hạ Sĩ Quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa thường dẫn lính ra đây chạp mả lăng mộ này. Từ năm 1968 vùng này mất an ninh, nên không thấy ai chạp mả nữa. Truy tìm trong hậu duệ của Đông Cung Cảnh thì có ông Tráng Oanh chức vụ Thượng Sĩ, là huấn luyện viên “Đoạn đường chiến binh” ở khu vực Văn Thánh. Như vậy là trùng khớp với những thông tin của các thân hữu báo tin.
Lăng mộ này có thể khả tin là lăng mộ của phu nhân Đông Cung Cảnh, bởi vì khu lăng mộ cách sông Bạch Yến không xa. Dòng sông Bạch Yến kế bên là nơi vắng vẻ, xa dân cư là địa điểm thích hợp để thi hành án lệnh dìm nước phu nhân Đông cung Cảnh. Đối với tín ngưỡng dân gian thì chết nước ở đâu thì chôn đó không đem về quàn tại nhà. Dân gian sợ người bị chết nước và tin rằng người chết nước thường bắt người chết theo cho nên dân gian thường xa lánh mồ mả người bị “nịch tử” (chết nước).
Sau khi phát quang và đào bới tìm xem có bia mộ hay không nhưng không thấy. Phòng Anh Duệ cho dựng lại bia tạm và sửa chữa nhỏ.
Cổng Phủ thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử (Đông Cung Cảnh) số 141 Hàn Mặc Tử – Huế
Năm 2018 Phòng Anh Duệ cho trùng tu mới lại khu lăng mộ phu nhân Đông Cung Cảnh.
Một số thông tin trên bia mộ hiện nay ở lăng mộ phu nhân Đông Cung Cảnh: “Đức Bà Anh Duệ Hoàng Thái Tử Phi, húy Tống Phước Thị Quỳnh… mất ngày 1/6/năm Giáp Thân (27/6/1824)”.
Hiện nay muốn đến thăm lăng mộ phu nhân Đông cung Cảnh là Tống Thị Quỳnh, chỉ cần mở Google Map thành phố Huế là sẽ xuất hiện địa điểm “Lăng Đức Bà Hoàng Thái tử Phi”
Tên thật của Đức Bà Hoàng Thái Tử Phi
Đại Nam liệt truyện ghi về vợ con của Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh: “Vợ là Tống Thị Quyên có hai trai là Mỹ Đường (lại tên là Đán) và Mỹ Thùy (lại tên là Cảnh). Năm Gia Long thứ 16 phong Mỹ Đường làm Ứng Hòa công, Mỹ Thùy làm Thái Bình công, tước trật lương bổng hàng năm thưởng cho cũng như Hoàng tử công” (2)
Vọng ngoại từ, nơi thờ Phu nhân Đông cung Nguyên soái Quận công Nguyễn Phúc Cảnh
Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 30 ghi: “Ứng Hòa công Mỹ Đường hữu tội miễn vi thứ nhân. Mỹ Đường Anh Duệ hoàng thái tử chi trưởng dã. Tiên thị nhân hữu cáo Mỹ Đường vi nhân dâm dật, chưng kỳ sanh mẫu Tống Thị Quyên giả. Lê Văn Duyệt mật dĩ sự tấu, lệnh chấp Thị Quyên tống Duyệt nịch sát chi, nhi cấm Mỹ Đường bất đắc triều thị. Chí thị Mỹ Đường thượng sớ xưng bệnh, khất nạp sách ấn cầu miễn vi thứ nhân, thối xứ tư trạch. Đế triệu chư thân công đại thần nhập nghị, nãi hứa chi, kỳ hệ phụ lục vu Tôn thất phả hậu” (Ứng Hòa công Mỹ Đường có tội bị miễn làm thường dân. Mỹ Đường là con trai cả của Anh Duệ Hoàng Thái tử. Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt Thị Quyên giao cho Văn Duyệt dìm chết mà cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Đến nay Mỹ Đường dâng sớ nói là có bệnh, xin nộp trả sách ấn và xin miễn làm thứ nhân, về ở nhà riêng. Vua vời các thân công đại thần vào bàn, bèn y cho (Hệ Mỹ Đường ghi phụ vào sau Tôn thất phả) (3)
Quốc sử quán triều Nguyễn thì ghi tên phu nhân Đông cung Cảnh là Tống Thị Quyên (Quyên thuộc bộ “Thủy”)
Vừa qua hậu duệ đã phát hiện ra hai thần chủ bằng chữ Hán của phu nhân Đông cung Cảnh. Thần chủ thứ nhất ghi: “Hiển tỷ Tống Thị đệ nhất quý nương, hiệu Từ Huệ quý nhân chi thần chủ”. Góc dưới bên phải dòng chữ chính giữa ghi: “Hiếu tử Nguyễn Đán phụng tự” (Sau khi phu nhân Đông cung Cảnh bị dìm nước chết vào năm Minh mạng thứ 5[1824], Nguyễn Phúc Đán (Mỹ Đường) bị đuổi về làm thứ dân cho nên mới ghi “Nguyễn Đán” mà thôi).
Trang Đại Nam thực lục chữ Hán ghi tên Phu nhân Đông cung Cảnh là Tống Thị Quyên (nơi có mũi tên đỏ)
Thần chủ thứ hai ghi: “Việt cố hiển tỷ Tống Thị húy Quỳnh đệ nhất quý nương chi thần chủ”. Như vậy phu nhân Đông cung Cảnh tên họ là Tống Thị Quỳnh chứ không phải Tống Thị Quyên như Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi.
Tên Quỳnh thuộc bộ “ngọc” ý nghĩa hơn tên Quyên thuộc bộ “thủy”. Vậy tên Tống Thị Quỳnh là khả tín hơn!
Trong lần kỵ húy lần thứ 195 (năm 2019) của phu nhân Đông cung Cảnh, nhiều hậu duệ đề nghị hủy bỏ “Vọng ngoại từ” (Đền thờ vọng bên ngoài) là nơi thờ phu nhân Đông cung Cảnh lâu nay để đem vào thờ chung trong phủ thờ, nhưng có một số hậu duệ không đồng ý với ý kiến là: Đức Bà đã được an vị lâu nay rồi không nên đổi thay làm gì! Như vậy “vọng ngoại từ” vẫn duy trì ở vị trí cũ.
Vài suy luận về vụ án Mỹ Đường
Đã có rất nhiều giả thuyết được nêu ra về vụ án Mỹ Đường. Nhiều người đặt câu hỏi: Trong phủ đệ của Hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán (Mỹ Đường) thiếu chi thê thiếp mà lại đi thông dâm với mẹ của mình? (năm 1824 tuổi của phu nhân Đông cung Cảnh xấp xỉ 40 đã lên chức bà nội rồi)
Tại sao vua Minh Mạng lại “nặn ra” vụ án loạn luân? Người Việt Nam ai cũng phỉ nhổ tội loạn luân, xem tội loạn luân là “phi nhân tính”. Chỉ có khép vào tội loạn luân thì con cháu của gia đình ấy mới bị “thân bại danh liệt”.
Thần chủ Phu nhân Đông cung Cảnh
Sau khi tướng Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử, thì trong triều không ai có biểu hiện chống đối việc vua Gia Long chọn Hoàng tử Đảm lên nối ngôi. Nhưng tư tưởng “đích tôn thừa trọng” vẫn ăn sâu trong tư tưởng các quan và dân chúng. Trong gia đình Việt Nam trước đây, người con trai trưởng chết sớm, để lại đứa con trai nhỏ, khi đứa bé lớn lên, ông bà nội sẽ giao từ đường cho đứa cháu nội với phương châm ”đích tôn thừa trọng” chứ không giao từ đường cho người con thứ.
Hiểu rõ tư tưởng các quan cũng như người dân cho nên vua Minh Mạng cố nặn ra một vụ án để triệt hạ dòng trưởng (dòng Đông cung Cảnh) để bảo vệ ngôi báu cho dòng của mình, cho nên chỉ có nặn ra tội loạn luân mới làm cho dòng trưởng “thân bại danh liệt” mà thôi.
Các quan đại thần lúc bấy giờ đều biết uẩn khúc của vụ án nhưng không dám minh oan mà chỉ “xin ban ơn” cho con cháu Anh Duệ Thái tử mà thôi. Đại Nam liệt truyện ghi rõ: “Năm thứ 2 (năm Tự Đức thứ 2 [1849]-TG), Mỹ Đường ốm chết, Kinh thành có lệ khí, xuống chiếu tìm cách dẹp yên thiên tai. Đình thần là bọn Tạ Quang Cự 30 người tâu bày cho là trước kia Vũ Xuân Cẩn đã từng đệ tập tâu về dòng dõi Anh Duệ Hoàng thái tử, kính phụng lời dụ rõ ràng là về việc Cảm Hóa hầu Tôn Thất Lệ Chung chuẩn cho bộ Lễ ghi lấy, đợi sau khi hết tang phúc tâu đợi chỉ, lượng cho tấn phong” (4)
Sự việc “Mỹ Đường ốm chết, Kinh thành có lệ khí, xuống chiếu tìm cách dẹp yên thiên tai”. Đối với người dân, biểu hiện ấy chính là một sự oan khuất của vụ án.
Oan khuất thì phải chiêu tuyết (bộc bạch nỗi oan) để trả lại danh dự cho những người bị hàm oan.
Nguyễn Văn Nghệ
Chú thích:
1- Do kỵ húy cho nên dân Huế gọi là Phòng Tăng Duệ. Ngày 23/11/2018 những bậc niên trưởng Phòng Anh Duệ đã họp lại và ra thông báo: “Các bậc niên trưởng đã thay mặt Phòng Anh Duệ quyết định sử dụng danh xưng Phòng Anh Duệ thay cho Phòng Tăng Duệ kể từ ngày 1/1/2019”
2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr.196. Bên dưới trang có chú thích: “Mỹ Thùy có tên Cảnh, là chữ Cảnh nghĩa khác”. Mỹ Đường, Mỹ Thùy là tên theo Phiên hệ thi do vua Minh Mạng đặt ra.
3- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 390. Phu nhân Đông cung Cảnh bị “nịch sát” (dìm nước chết) vào đầu tháng 6 năm Giáp Thân (1824), mãi đến tháng chạp năm Giáp Thân (dương lịch đã sang năm 1825) nhân sự kiện Mỹ Đường được “miễn làm thứ nhân” nên Đại Nam thực lục mới nhắc đến cái chết của phu nhân Đông cung Cảnh
4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr. 199
5- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.139