Các tài liệu lưu hành lâu nay viết về ông có phần thiếu sót, quan trọng nhứt là chi tiết thân thế và cái chết của ông...
Chúng tui cũng đã đăng 1 bài về ông, và cũng không tránh khỏi sự thiếu sót như hầu hết các tài liệu phổ biến mà chúng ta đã được đọc.
Theo như sách Nam kỳ cố sự thì ông tên thiệt là Võ Duy Dương, cũng có sách chép là Nguyễn Duy Dương. Sanh năm 1827, mất năm 1866. Quê gốc ở Quảng Ngãi, sau vô Gia Định.
Chúng ta biết ông giàu có, nghe theo lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương lập đồn điền và mộ quân, trào đình phong cho ông chức Thiên hộ, dân gọi là Thiên hộ Dương. Lâu nay tài liệu phổ biến như vậy.
Nhưng tình cờ tui được đọc bài "Cuộc kháng chiến của Thiên hộ Dương theo hai tờ mật sớ" của tác giả Lê Nguyễn, có khá nhiều điều mới mẻ mà chúng tui chưa được đọc qua.
Chẳng hạn như thân thế của ông, theo đó thì tháng Tư AL năm 1861 ông được vua Tự Đức cử vô Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang cùng với ông Đỗ Thúc Tịnh đặng chiêu mộ nghĩa quân chống giặc.
Đến tháng 8 năm 1861 ông Đỗ Thúc Tịnh cử ông Võ Duy Dương làm Quản Cơ, hợp nhứt hai cơ là Võ sanh và Võ sĩ. Đến tháng 11 năm 1861 ông nằm dưới quyền chỉ huy của Án sát Nguyễn Văn Nhã và Thương biện quân vụ Định Tường, ông Trương Minh Lương. Những chi tiết này được coi như chánh xác, vì chúng được chính ông viết trong mật sớ gởi vua Tự Đức.
Về hai tờ mật sớ, đã được Pháp công bố trên Tạp chí Đông dương (Revue Indochinoise) năm 1914, do Pháp họ lấy khi bắt giữ nghĩa quân, cụ thể là các ông Nguyễn Xuân Phong (phó Quản cơ), Tú tài Phạm Lợi Nguyên, và Chánh bát phẩm Nguyễn Tương khi đang trên đường đem dâng cho vua Tự Đức, lúc nghĩa quân thúc thủ ở Đồng Tháp Mười.
Ở đây chúng ta cũng làm rõ thêm một chi tiết liên quan đến ngài Trương Định. Lâu nay chúng ta biết ông lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, thực chất ông cũng là người của trào đình.
Khi ông Đỗ Thúc Tịnh mất hồi tháng 7 năm 1862, ngài Thiên hộ đứng ra kêu gọi dân Định Tường chống Pháp. Lúc này ông Trương Định đang ở Định Tường, làm Phó lãnh binh, biên thơ gởi cho ông Thiên hộ đề nghị nhập chung 2 cánh quân để tránh nguy hiểm.
Sau đó ngài Thiên hộ cử ông Nguyễn Hữu Huân tới Tân Hòa gặp ông Trương Định, cùng lúc Thị vệ Nguyễn Thi đem Sắc chỉ của vua Tự Đức, phong cho ngài Trương Định là Bình Tây tướng quân.
Như vậy việc phong cho ông Trương Định diễn ra sau Hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862). Sau đó, ngài Thiên hộ và ông Thủ Khoa Huân đồng ý về với cánh quân của ngài Trương Định, với các chức danh Chánh đề đốc và Phó đề đốc.
Năm 1864 các ông Thủ Khoa Huân và Trương Định lần lượt hy sanh.
Khi Trương Định bại trận và tuẫn tiết, ông lui về Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục đánh giặc. Hào kiệt khắp nơi đổ về theo ông rất đông, thanh thế lừng khắp một vùng trời.
Có Đốc Binh Kiều, tức ông Lê Công Kiều hợp tác đắc lực cùng ông, Đốc Binh Kiều là một tay hào kiệt có tiếng lúc bấy giờ.
Nghĩa quân đóng trên căn cứ trãi rộng khắp vùng Gò Tháp, lối đi vô chỉ có 3 con lộ độc đạo, 1 từ hướng Mộc Hoá, 1 từ phía Cao Lãnh, 1 là từ Cái Nứa (thuộc Cái Bè). Trên 3 con lộ này, ông cho lập 3 cái đồn kiên cố để trấn giữ.
1/ Đồn Tả hướng Mộc Hoá.
2/ Đồn Hữu hướng từ hướng rạch Cần Lố mé Cao Lãnh đi lên.
3/ Đồn Tiền ở lộ Cái Nứa.
Do địa thế hiểm trở, căn cứ được canh phòng nghiêm ngặt nên nhiều lần Pháp hành quân vô truy quét đều nhận thất bại. Ngược lợi, khi nghĩa quân kéo ra đột kích đồn Pháp rồi rút thì rất êm.
Vì sự có mặt của nghĩa quân ở đây mà công việc bình định của Pháp trên đất Định Tường không thể xong sớm cho đặng. Thành ra Soái phủ Saigon quyết phải diệt trừ căn cứ Đồng Tháp Mười này.
Ngày 14/4/1866 Thuỷ sư Đô đốc De Lagrandière tập hợp lực lượng hùng hậu gồm 1000 quân mở chiến dịch đại truy diệt, tiến vô căn cứ Đồng Tháp Mười. Cũng là ông này sau đó đã đem đại binh bức ép cụ Phan giao thành Vĩnh Long.
Sẵn đây tui xin nhắc một chi tiết, khi đánh thành Hà Nội mấy năm sau đó, với chưa đầy 300 quân Pháp và lính mộ, đã dễ dàng hạ thành với 7500 quân. Nhắc để thấy rằng, Pháp phải huy động 1000 quân lúc đó với súng ống đầy đủ thì họ mạnh cỡ nào.
Địa hình Đồng Tháp Mười toàn lau sậy, cỏ... suốt mấy năm trời ngài Thiên Hộ không cho phát quang, đốt cỏ, lau sậy trên khu vực căn cứ, do đó mà lau sậy, cây cỏ dày đặc.
Khi Pháp tấn công vô, nhơn khi gió thổi về hướng giặc, nghĩa quân đã đốt cỏ. Lửa cháy rần trời, khói bay mù mịt, ào ào táp về phía giặc, lính Pháp hoảng sợ bỏ chạy hoảng loạn...
Xui rủi làm sao, gió đổi hướng. Hình như vận nước đã đến hồi đen tối, trời đổ mưa, quân Pháp thoát cơn nguy khốn đã quay trở lợi tấn công. Căn cứ bị giặc chiếm, nghĩa quân tan rã.
Ngài Thiên Hộ thoát được trùng vây, chạy sang các tỉnh miền Tây, sau đó ông mất tích, các nhà chép sử không biết đâu mà lần. Có sách chép ông về Trung kỳ, ẩn cư ở sông Hương rồi mất.
Có chi tiết trong Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn mà các sử gia không đề cập, hoặc không lưu ý:
"Thiên hộ Võ Duy Dương ủy người về kinh dâng sớ kín, vua sai Võ Trọng Bình hỏi kín cốt phải hỏi đến chỗ cùng bàn cho ổn thỏa. Rồi được quan tỉnh Thuận Khánh báo rằng Duy Dương đi thuyền về tỉnh Bình Thuận đầu thú gặp gió bị đắm ở phận biển Thần Mẫu, sai tìm xác, cho đồ vật đem chôn, cấp cho mẹ hắn mỗi tháng 5 quan tiền, một phương gạo".
Như vậy chi tiết này khớp với việc ba thuộc cấp của ông mang sớ về kinh bị Pháp bắt, sớ lọt vô tay Pháp và được đăng trên tạp chí Đông dương như đầu bài đề cập.
Sau khi đánh tan nghĩa quân của ông Thiên Hộ Dương, ngày 23/6/1866 Pháp ban tặng huân chương cho các sĩ quan và quan chức bản xứ có công, trong đó có Trần Bá Lộc.
Có đôi câu đối dành cho ông Thiên Hộ:
Ẩm hậu anh hùng, tự Bắc tự Nam, Thập Tháp hương yên trường diếu diếu;
Kiên càng tuấn kiệt, như kim như cổ, Ngũ Linh phong độ thượng y y.
Dịch nghĩa:
Ngậm ức anh hùng, tiếng dội Bắc Nam, Tháp Mừơi lửa phương còn phơi phới,
Bền gan tuấn kiệt, danh truyền kim cổ, Ngũ Linh dáng cách vẫn như xưa.
Tham khảo: Tân An xưa, Cuộc kháng chiến của Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều ở Đồng Tháp Mười( Nam kỳ cố sự), Cuộc kháng chiến của Thiên hộ Dương theo hai tờ mật sớ.
Đền thờ ngài Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều ở Đồng Tháp.
Nguồn: Fb Đất Và Người Nam Kỳ