User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

cailuong

Năm 1916, ở Mỹ Tho, thầy Năm Tú (Châu Văn Tú) tập trung một nhóm tài tử của Thầy Thận (André Thận) lập ra một đoàn hát, có sự tham gia của các nhà nho am hiểu âm nhạc truyền thống như các ông Trương Duy Toản, Đào Châu cùng các diễn viên Thông, Can, Năm Toàn, Hai Cúc... Vở hát đầu tiên được soạn ra lấy tên là Kim Vân Kiều. Những bài bổn được dùng trong vở này gồm những bài bổn trong nhạc tài tử. Và nhạc tài tử nghiễm nhiên bước lên vũ đài sân khấu và được gọi với cái tên mới: nhạc cải lương hay sân khấu cải lương.

Phân tích, so sánh hai loại hình ca nhạc, chúng ta thấy có sự khác biệt, mặc dầu loại hình này là cha đẻ của loại hình kia. Phong cách tài tử người ta thường gọi là lối chơi tri âm, tri kỷ. Những cuộc đờn ca như vậy không đông người lắm, thường được tổ chức trong nhà, ở công viên hoặc trên thuyền lúc đêm trăng. Cách đờn ca tao nhã, tiếng đờn trầm bổng khoan thai, đi vào chiều sâu của tình cảm, tâm hồn. Người đờn và hát chủ yếu là để tự thỏa mãn sự say mê thích thú của bổn thân là chánh, phục vụ người nghe là phụ.

Trái lại phong cách cải lương thể hiện tánh sân khấu, vì trung tâm của nghệ thuật sân khấu là diễn xuất. Các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, giúp đỡ nó đạt tới một hiệu quả nhứt định, hạp thành toàn bộ một hình thức nghệ thuật sân khấu. Đó là phương tiện hết sức quan trọng góp phần tạo nên tánh cách nhơn vật trên sân khấu. Người nghệ sĩ cải lương khi ra sân khấu biểu diễn là cố đem hết tài nghệ của mình để phục vụ người xem, người nghe, chứ không phải để làm thỏa mãn nội tâm tình cảm của mình. Sau một vai diễn, người nghệ sĩ cảm thấy mệt nhọc như vừa trải qua một trận đấu.

Về thể tài, hình thức kể chuyện là đặc điểm nổi bật của nhạc cải lương. Hình thức này tạo điều kiện cho người hát, diễn tả tình cảm một cách dễ dàng, không bị gò ép vào một hình thức chặt chẽ nào. Màu sắc, âm thanh của ngôn ngữ được nâng lên, đến một chừng mực nào của tánh chất ca xướng, hoặc giảm xuống ở mức độ kể lể bình thường, phù hạp với tâm tư nhơn vật, mà người diễn viên sân khấu muốn diễn đạt.

Sau khi thành lập, đoàn hát của thầy Năm Tú thường xuyên hát ở Mỹ Tho và tối thứ bảy hàng tuần lên diễn ở rạp Eden tại Cholon. Thấy đông người coi, gánh hát lại thuê rạp Moderne ở Saigon để lên đây diễn vào hai đêm Thứ Bảy và Chủ Nhựt.

Đồng thời với ban hát của thầy Năm Tú, còn có một số ban khác cũng được thành lập như ban Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban ở Mỹ Tho, Tân Phước Ban ở Sóc Trăng. Các gánh hát này tuy thành lập ở tỉnh, nhưng thỉnh thoảng cũng lên Saigon trình diễn. Các bổn tuồng và hình thức trình diễn là hát cải lương, nhưng chưa có đoàn nào chánh thức dùng nhãn hiệu cải lương, như gánh Thầy Thận thì dùng nhãn hiệu "ca ra bộ", gánh Tân Phước Nam thì dũng nhãn hiệu "Gánh hát tân thời". Chỉ từ khi gánh hát quy mô đầu tiên của ông bầu Trương Văn Thông người Sa Đéc được thành lập tại Saigon lấy tên là gánh Tân Thinh chánh thức ghi chú là đoàn hát cải lương, và dưới bảng hiệu có đôi liễn nên rõ mục đích tôn chỉ của gánh:

"Cải cách hát theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh"

Có thể nói gánh hát Tân Thinh mở đầu kỷ nguyên mới của nghệ thuật sân khấu trên địa bàn Nam kỳ: Nghệ thuật sân khấu cải lương. Sau đó nhiều đoàn cải lương kế tiếp ra đời khắp các nơi.

Nhiều nghệ sĩ cải lương danh tiếng lần lượt xuất hiện, thời nào cũng có. Họ làm say mê khán thính giả về tài nghệ diễn xuất, giọng ca điệu hát của họ còn để lại tên tuổi trong sử sách cho thế hệ sau ngưỡng mộ.

Về tuồng tích của các vở cải lương trong thời gian đầu đều dựa vào các truyện tích xưa như truyện Lục Vân Tiên, truyện Kim Vân Kiều, truyện Nhị Độ Mai, truyện Lưu Bình Dương Lễ. Rồi lần hồi các tác giả sáng tác cốt truyện theo lối hư cấu theo hướng văn học, đặt ra một truyện tùy theo nhơn vật thường thấy trong xã hội, dường như có thật. Phần kết luận bao giờ cũng phải đề cao đạo lý, trung thắng nịnh, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, chánh thắng tà...

Về sau, khi phong trào sân khấu cải lương phát triển mạnh, thu hút được đông đảo khán thính giả thuộc mọi thành phần trong xã hội, thuộc mọi khuynh hướng thưởng thức nghệ thuật, thì các soạn giả cũng phân làm hai hướng để khai thác đề tài: Hướng thứ nhứt khai thác các truyện tích của Tàu và đề tài lịch sử. Hướng thứ hai là khai thác các đề tài xã hội, đề cập tới các vấn đề bức xúc nhứt của thời đại.

Tại Cholon, một Hoa kiều người Triều Châu tên là Vương Có thấy sân khấu cải lương ăn khách, có thể kinh doanh hốt bạc được, bèn đứng ra thành lập gánh hát Tập Ích Ban vào năm 1926, theo kiểu hát Tiều. Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền được mời soạn các vở Châu Trần Tiết Nghĩa, Lưu Hiếu Nữ, Tây Sương Ký, Thổ Nhận Oan Ương, Tình Phai Phấn Lạt theo tích truyện Tàu.

Theo chưn Vương Có, một viên chức cảnh sát cao cấp ở Cholon là Huỳnh Kim Vui lập gánh Văn Hý Ban chuyên hát tuồng Tàu do soạn giả Đào Châu tức Đào Trí Phú soạn. Văn Hý Ban ra mắt khán giả với tuồng Kỳ Duyên Phổ mà vai chánh do nữ diễn viên Chín Thêu sắm xuất sắc đến mức người ta lấy tên nhơn vật để gọi cô và sau đó, trong bảng quảng cáo gánh hát cũng đổi luôn tên cô là Tô Ngọc Diêu. Sau đó gánh hát lại mời cô Năm Phỉ về. Năm Phỉ là một ngôi sao cải lương sáng chói của bầu trời Nam kỳ. Cô đã sáng tạo xuất sắc các vai Bàng Quý Phi (trong vở Xử Án Bàng Quý Phi) và Phụng Kiều (trong vở Phụng Kiều - Lý Đáng). Ngoài ra một số diễn viên khác cũng được khán giả đánh giá cao. Văn Hý Ban trở thành gánh hát cải lương có uy tín nhứt thời bấy giờ và vì thế tuồng Tàu được người xem ưa thích đông đảo.

Tiếp đến là gánh Tái Đồng Ban ra đời, tập hợp nhiều diễn viên là những ngôi sao không thua kém gì cô Năm Phỉ. Đó là Phùng Há, Ba Nhàn, Năm Châu, Ba Du, Tư Chơi, Tư Út, Từ Anh. Soạn giả là Nguyễn Công Mạnh. Tái Đồng Ban cũng diễn tuồng Tàu, hơn cả Văn Hý Ban ở chỗ đánh nhau bằng đồ thiệt, nghĩa là diễn viên phải luyện võ thật sự, do võ sư người Trung Hoa dạy. Binh khí thì phải dùng gươm giáo bằng gỗ, mà bằng sắt mạ kền sáng loáng như gươm đao thật, va chạm nhau chan chát đến rợn gáy… Tài năng của nghệ sĩ Phùng Há trong các vai Điêu Thuyền, vợ Thôi Tử, vợ của Triệu Phi Hổ; Năm Châu trong các vai Thôi Tử, Lã Bố, Ba Du trong các vai Đồng Trác và Tề Quân, khiến cho tuồng Tàu được khán giả say mê và thị hiếu của dân chúng ngả sang loại tuồng này.

Các gánh cải lương được nổi danh là nhờ vào tài nghệ diễn xuất và ca hát của nghệ sĩ. Nếu chủ gánh thường gọi là bầu có tài điều khiển, biết đãi ngộ nghệ sĩ thì đoàn giữ được uy tín lâu. Trái lại thì chỉ được một thời gian rồi tan. Vì vậy chúng ta không lấy làm lạ khi thấy một nghệ sĩ nào đó lúc là người của gánh hát này, lúc là trụ cột của gánh hát kia..

Trong lúc khán giả cải lương ngả về loại tuồng Tàu, thì xuất hiện một lớp soạn giả mới, chịu ảnh hưởng nhiều của sân khấu và điện ảnh Tây phương. Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Trần Hữu Trang (Tư Trang), Lê Hoài Nở (Năm Nở) cho ra đời những vở tuồng xã hội, do họ sáng tác hay phóng tác theo các tác phẩm sân khấu hay điện ảnh Tây phương. Có những vở rất xuất sắc, để lại nhiều dấu ấn như: Tội Của Ai?, Tiếng Nói Trái Tim, Giấc Mộng Cô Đào, Khúc Oan Vô Lượng, Lỡ Tay Trót Đã Nhúng Chàm, Áo Người Quân Tử, Tơ Vương Đến Thác, Tứ Đổ Tường, Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan Và Điệp, Vó Ngựa Truy Phong, Túy Hoa Vương Mỹ, Mộng Hoa Vương, Huyền Châu Nữ, Khi Người Điên Biết Yêu, Đứa Con Riêng, Men Rượu Hương Tình, Chồng Tôi, Tìm Hạnh Phúc,…

Đầu năm 1925, đoàn Phước Cương ra đời, do ông Nguyễn Ngọc Cương thành lập. Diễn viên của gánh gồm có: Năm Phỉ ( từ Văn Hý Ban sang), Bảy Nhiêu (từ Tập Ích Ban sang), Tám Dánh, Sáu Chương, Năm Định, Bảy Nhỏ, Bảy Thanh, Sáu Lê, Hai Lợi, Hai Trì, Bảy Lựu, Chín Lê, Tư Huề. Soạn giả là Đặng Công Danh (Mười Giảng). Sân khấu Phước Cương khai trương với vở Tân Vương Du Xuân, Tam Tinh Xuất Thế tại rạp Moderne Cinéma ở Saigon, Phước Cương chủ trương diễn tả tuồng Tàu lẫn tuồng xã hội và tuồng phóng tác, làm thỏa mãn được các khuynh hướng khán giả.

Giữa năm 1926 gánh Trần Đắc ra đời. Chủ nhơn là ông Trần Đắc Nghĩa, chủ nhà in An Hà ở Cần Thơ. Các diễn viên hầu hết là từ Tái Đồng Ban sang như Năm Châu, Tư Châu, Tư Út, Từ Anh, Ba Thâu, Năm Thiêng, Mai Bông, Năm Tỵ, Ba Cương, Tư Sạng, Ba Liên, Sáu Huệ, Ba Nhàn. Nữ nghệ sĩ Phùng Há sau cũng về với gánh này. Soạn giả là Năm Châu, Tư Trang, Tư Chơi. Lúc đầu gánh Trần Đắc định khai trương với vở Ngọn Cờ Hiệp Nữ do Năm Châu soạn, có nội dung yêu nước chống xâm lăng. Nhưng vở này bị phòng kiểm duyệt của Pháp cấm. Vẫn không ngả lòng, Năm Châu soạn tiếp vở Tội Của Ai và Tư Chơi phóng tác vở Khúc Oan Vô Lượng (theo truyện Mystère de la Chambre Jaune). Các vở diễn nổi tiếng của Trần Đắc là Lửa Đỏ Lòng Son (của soạn giả Tư Trang), Lỡ Tay Trót Đã Nhúng Chàm (của soạn giả Tư Chơi), Tiếng Nói Trái Tim, Giá Trị Và Danh Dự (phóng tác theo kịch cổ điển Le Cid của Corneille của soạn giả Năm Châu).

Năm 1928, Lê Công Phước (Phước Geores Bạch công tử) ở Pháp về, lập gánh Huỳnh Kỳ. Lúc này Phùng Há đã là vợ của Lê Công Phước, cho nên gánh cũng có tên Huỳnh Kỳ-Phùng Há. Gánh còn có các nghệ sĩ Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Duy, Ba Đông, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Tư Long, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélène. Soạn giả là Nguyễn Công Mạnh viết vở Giọt Máu Chung Tình, tuồng lịch sử cận đại, Phùng Bá thủ vai Bạch Thu Hà, Năm Thiện đóng vai Võ Đông Sơ, Ba Thâu trong vai Triệu Tuấn, làm sôi động dư luận Saigon. Khán giả đua nhau mua vé từ 3 giờ chiều. Vé các hạng bán sạch. Nhiều người mua vé không được thất vọng đón ngay trong đêm mua cho được vé hôm sau.

Bắt đầu từ năm 1929 nạn kinh tế khủng hoảng khắp thế giới, ảnh hưởng tới Nam kỳ. Trước tình hình đó, các đoàn cải lương cũng khó đứng vững, lần lượt tan rã, kể cả gánh Huỳnh Kỳ, Trần Đắc.

Những gánh còn sống sót thì tìm cách thoát hiểm, bằng sự cầu Trời khấn Phật. Đánh trúng tâm lý của mọi người lúc đó chỉ còn biết trông cậy vào các đấng thiêng liêng để mong thoát khỏi cảnh bế tắc chung. Trương Văn Thông, chủ gánh hát Tân Thinh có sáng kiến cho soạn ba vở tuồng dựa vào sự tích đức Phật: Phật Tổ Giáng Sinh, Thích Ca Đắc Đạo, Phật Nhập Niết Bàn. Tân Thinh không quảng cáo trước, bấy giờ đưa Phật Tổ Giáng Sinh diễn tại rạp Moderne Cinéma ở đường D’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn). Khán giả đến xem rất đông.

Sự việc này kích thích các gánh khác đua nhau trình diễn các cảnh Phật, Tiên với nhiều xảo thuật mới lạ, thu lợi mới. Trên sân khấu cải lương trong khoảng 1940-1941 xuất hiện các loại tuồng kiếm hiệp do sáng kiến của soạn giả Mộng Vân. Từ đó, một số gánh hát lại muốn có những cái mới lạ hơn, bèn đưa lên sân khấu đủ loại tuồng La Mã, tuồng Ấn Độ, tuồng Ma Rốc. Trên sân khấu xuất hiện những nhơn vật hóa trang: đầu chít khăn như người Thổ Nhĩ Kỳ, áo sơ mi màu sặc sỡ, cổ đứng như áo người Cô-dắc, ngoài khoác áo gi-lê như người Benganli, quần quấn ống như người Ả Rập.

Năm 1936, kỹ sư Bửu lấy nữ nghệ sĩ Phùng Há và lập gánh Phụng Hảo (lấy tên thật của Phùng Há là Trương Phụng Hảo). Một số nghệ sĩ rời gánh hát của Nguyễn Ngọc Cương sang cộng tác với Phụng Hảo như Năm Châu, Ba Du, Tư Chơi, Tư Út, Tư Thạch, Ba Hui, Kim Thoa… Gánh Phụng Hảo ban đầu được khán giả hâm mộ nhờ vở Mã Khoa Nhi và nhứt là nhờ các vở tuồng xã hội của soạn giả Trần Hữu Trang như vở Tô Ánh Nguyệt, vở Đời Cô Lựu.

Đến năm 1938, một số nghệ sĩ tách ra lập gánh riêng, Phụng Hảo buộc phải nghỉ hoạt động một thời gian. Đến khi hoạt động trở lại, tuy còn diễn các vở tuồng xã hội, nhưng chuyển sang diễn tuồng Tàu nhiều hơn, khi khác sở trường diễn tuồng Tàu của Phùng Há và bộ ba Mười Bửu, Năm Diệp và Sáu Lực nổi tiếng với các vai Quan Công, Quan Bình, Châu Xương.

Sau khi rời khỏi gánh Phụng Hảo, Nguyễn Thành Châu thành lập gánh Năm Châu. Trở thành ông chủ, Năm Châu quyết tâm thực hiện nền nghệ thuật nước nhà. Một số diễn viên có tay nghề cao như Ba Vân, Từ Anh, Năm Nở, Sáu Nết, Thanh Loan, Ngọc Hải, gánh hát Năm Châu chuyên diễn tuồng xã hội, có khuynh hướng phê phán như vở Khi Người Điên Biết Yêu, Vợ Và Tình, Vó Ngựa Truy Phong, Hoa Trong Lửa Đỏ, Lan Và Điệp, Men Rượu Hương Tình.

Ngoài những gánh hát chuyên nghiệp như trình bày ở trên, cải lượng còn đi sâu vào sanh hoạt văn nghệ của sanh viên học sanh, của thanh niên trí thức.

Ngày 3 và 4 tháng 11 năm 1923, nhóm trí thức Saigon dàn dựng vở Lục Vân Tiên của soạn giả Trương Duy Toản. Đó là những đêm dạ hội sâu sắc.

Cho tới năm 1945, nghệ thuật sân khấu cải lương cũng có nhiều khuyết điểm. Đó là điều tất nhiên vì dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, nhưng dầu sao cải lương đã được dân Nam kỳ qua nhiều thế hệ đón nhận ngay từ những ngày đầu mới bước chập chững. Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được, coi như một đặc sản của địa phương. Nó đã thấm sâu vào xương tủy của người dân ở đây, khiến cho sanh sống ở nước nào bao nhiêu năm thì người dân Nam kỳ cũng vẫn nhớ cải lương như nhớ cái gì thân thương nhứt của quê hương xứ sở.

Tài liệu tham khảo: Tìm hiểu âm nhạc cải lương ở Nam kỳ, 1987.

Nguồn: Miền Nam Việt Nam - Trước 1975

 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com