


Giáng Sinh 1965, binh sĩ VNCH và đồng minh tặng quà cho trẻ cô nhi một trại mồ côi của Công Giáo tại Xuân Lộc.

Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn chiều Noel 1964.

Binh sĩ Đồng Minh phát quà cho trẻ em Việt trong vùng chiến sự mùa Noel 1965.

Không biết khởi đi từ năm nào nhưng chắc chắn là vào thời đệ I Cộng Hòa, mùa Giáng Sinh đến với người dân Sài Gòn đã trở nên tưng bừng như một lễ hội lớn.
Khi dọc vỉa hè con đường Lê Lợi (lúc ấy nhiều người vẫn còn gọi là Bonard), những Thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch được bày bán tràn lan trên những mảnh ni lông rộng bằng cái chiếu, thì khách bộ hành ai nấy đều thấy len lén một niềm vui nó cứ lớn lên dần, cho dù là “người ngoại đạo”. Giáng Sinh lại đến rồi! Một mùa hội vui cho tuổi trẻ!
Người ta nghĩ đến những “Bal Famille” của nữ Trung Học Marie Curie, của Ðại Học Dược Khoa và của hàng chục nơi con em của những gia đình cao sang quyền quí tổ chức. Những lời hẹn hò quấn quít của tuổi trẻ. Tuổi trẻ khi ấy còn nặng tính e ấp của nề nếp sống “phong gấm rủ là” chưa có được tự do thoải mái như bây giờ. Nhưng dịp Noel thì các gia đình lại tương đối buông thả cho con em được hưởng những thú vui của tuổi trẻ nhân ngày lễ tôn giáo nhưng đã trở thành ngày hội vui của nhân loại. Con gái có thể được phép gia đình cho đi chơi đến khuya. Con trai được quyền bạo dạn mời các bạn gái cùng lớp, cùng trường mà ngày thường chỉ dám nhìn trộm, không dám bắt chuyện.
Giáng Sinh thời thanh bình
Vào thời gian ấy, những năm cuối thập niên 1950 có thể được coi như thời thanh bình, chiến tranh chưa ló mặt. Chính quyền đã thực hiện được nhiều cải cách cho cuộc sống của người dân sau gần 10 ly loạn trước đó. Tuổi trẻ bắt đầu làm quen với cuộc sống được du nhập về từ Tây phương qua các du học sinh từ Paris về. Trên cửa miệng của giới trẻ nhất là nam giới đã thấy xuất hiện những danh từ “Lolita”, một nhân vật nữ có cuộc sống tình cảm tự do thoải mái trong một cuốn tiểu thuyết bên trời Âu đã trở thành nếp sống mới của tuổi trẻ. Cùng với phong trào “Hiện Sinh” với Jean Paul Sartre, Albert Calmus… do các nhà văn nhà thơ trong tạp chí Sáng Tạo dẫn dắt phổ biến. Tạp chí Sáng Tạo khi ấy là một tờ báo được tuổi trẻ coi như hình thức của trí thức, hiểu biết.
Ðó có thể coi như những yếu tố khiến cho tuổi trẻ trong giới sinh viên học sinh đệ II cấp hình thành nên cái không khí Giáng Sinh của Sài Gòn thời thanh bình.
Giáng Sinh của những mùa ly loạn
Tháng 11 năm 1963, Nền Cộng Hòa I bị lật đổ, cuối năm đó Giáng Sinh đã đến trong niềm hy vọng vào một tương lai mới.
Ðêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 1963, tuổi trẻ đã không hẹn mà cùng nhau “xuống đường” hân hoan đón mừng một Mùa Giáng Sinh trong thể chế mới, tin rằng đã tự do hơn, dân chủ hơn. Nhưng sau Giáng Sinh cũng là lúc bóng đen chiến tranh bắt đầu kéo đến.
Từ Uyên