Người lớn tuổi hẳn biết bài ca dao Đi chợ tính tiền hồi còn lớp Tiểu Học. Hay lớp trẻ hơn một chút còn nhớ bài thơ Thời trước của thi sĩ Nguyễn Bính được nhạc sĩ Văn Phụng phổ nhạc thành bài Trăng Sáng Vườn Chè. Cả hai bài ca dao và bài thơ đều nói về tiền “một quan là sáu trăm đồng”. Thuở bài ca dao và bài thơ ra đời, tiền quan (tức tiền peso Mexico hay còn gọi là đồng con cò), tiền đồng kẽm (tức tiền điếu, tiền trinh) không còn xài nữa. Nhắc lại để nhớ một thời đã qua.

Ngân Hàng Đông Dương Sài Gòn được xây dựng xong năm 1930 trên Bến Chương Dương (Nguồn: Manhhaiflickr)
Sau hai thập niên bình ổn Sài Gòn và khai thác tài nguyên ở Nam Kỳ, người Pháp bắt đầu thống nhất tiền tệ để dễ dàng điều hành kinh tế. Năm 1875, Ngân Hàng Ðông Dương (Banque de I’Indochine) ra đời tại Paris với vốn điều lệ tương đương 8 triệu francs, và một năm sau đó mở chi nhánh Ngân Hàng Ðông Dương tại Sài Gòn. Chức năng của Ngân Hàng Ðông Dương Sài Gòn làm nhiệm vụ phát hành đồng tiền mới Piastre (đồng bạc Ðông Dương) thay thế đồng tiền cổ truyền của người Việt và đồng peso Mexico lưu hành trước đó. Ngoài phát hành tiền tệ, ngân hàng còn cho các nhà tư sản vay để làm ăn buôn bán trong và ngoài xứ. Ngân hàng gọi vốn bằng cách kêu gọi cổ đông. Tính đến năm 1947, Ngân Hàng Ðông Dương có 5,250 cổ đông, nhưng hầu hết họ nắm giữ số cổ phiếu ít ỏi. Trong 12 cổ đông lớn nhất có mặt đại thương gia Nam Kỳ là ông Hui Bon Hoa (gia đình chú Hỏa), nắm giữ 2,869 cổ phiếu.
Ngân Hàng Ðông Dương Sài Gòn được xây dựng tại số 17 Quai de Belgique (Bến Chương Dương) vào năm 1876, là toà nhà một tầng, diện tích khá khiêm tốn không khác một ngôi nhà của người dân giàu có tại Sài Gòn thuở đó.
Theo các tư liệu nghiên cứu về tiền tệ của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, 1 quan có giá trị là 10 tiền, còn 1 tiền bằng bao nhiêu đồng lại tùy theo quy định của mỗi triều đại. Từ thời nhà Lê thì 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng nên 1 quan bằng 600 đồng. Kể từ đó hệ thống đơn vị tiền tệ này được dùng ổn định trong hơn 500 năm qua các đời vua Lê, sang nhà Mạc, đến thời Lê trung hưng cho tới nhà Nguyễn, và chỉ chấm dứt khi chế độ phong kiến Việt Nam kết thúc năm 1945.

Ngân Hàng Đông Dương thuở ban đầu là một ngôi nhà nhỏ (Ảnh: Tư Liệu)
Nói rõ hơn một chút lý do tại sao đã có đồng tiền Ðông Dương và tiền xu (1 piastre = 100 centime) rồi mà vẫn còn dùng tiền kẽm. Ðồng tiền kẽm thường nghe cái tên như là Minh Mạng Thông Bảo, Duy Tân Thông Bảo, Khải Ðịnh Thông Bảo… hay còn gọi là tiền điếu, tiền trinh. Tiền này đúc từ thời các vua nhà Nguyễn, tuy vẫn còn cho phép tồn tại song song với tiền Ðông Dương nhưng chủ yếu sử dụng trao đổi mua bán ở nông thôn tại xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ (xứ bảo hộ) kể từ đời vua Tự Ðức trở về sau, đến thời Bảo Ðại thì chấm dứt.
Ðồng tiền Ðông Dương 1 đồng được đúc bằng bạc tương đương trọng lượng 27.125 gr. Một thời gian sau trọng lượng bản vị bạc này điều chỉnh lại đúng 27 gr theo hối suất của đồng franc Pháp. Ðến năm 1881 tiền giấy Ðông Dương được in tại Paris và cho phát hành đầu tiên tại Nam Kỳ, và hai năm sau đó lưu hành tại các xứ thuộc địa còn lại – bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cam Bốt và Lào. Loạt giấy bạc đầu tiên phát hành mang các mệnh giá 5, 20 và 100 piastre. Người Việt ở Nam Kỳ, nơi loại tiền này lưu hành trước nhất, thường gọi tờ 5 đồng là tờ “ngẫu” và tờ 20 đồng là tờ “hoảnh” (đọc theo kiểu phát âm tiếng Việt). Trong thời gian này, Ngân hàng Ðông Dương mở rộng thêm các chi nhánh tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ và tại Nam Kỳ (ngoài địa điểm đã có tại Sài Gòn, người Pháp mở thêm chi nhánh thứ hai tại Cần Thơ để điều hành hoạt động tiền tệ tại các tỉnh phía Hậu Giang.) Và chỉ sau một thời gian ngắn họ mở rộng thêm các chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới.
Sau gần bốn thập kỷ khai thác kinh tế tại Nam Kỳ, nguồn lợi đến từ tiền phát triển vùn vụt. Ngân Hàng Ðông Dương nhỏ bé tại Sài Gòn phải được xây lại với quy mô lớn hơn. Năm 1924 đề án xây dựng Banque l’Indochine Saigon được giao cho Kiến Trúc Sư Félix Dumail thiết kế tòa nhà này với phong cách của Art Déco, bên trong cùng với các cột gợi lên nét kiến trúc Khmer. Vật liệu xây dựng là đá Granite lấy từ Biên Hòa (được hiểu lấy từ đá núi Bửu Long). Ðến năm 1930 tòa nhà được hoàn thành. Ðây là một trong những công trình được xây dựng bề thế, kiên cố nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, gồm năm tầng, trong đó có một tầng hầm được sử dụng làm kho cất vàng dự trữ quốc gia và tiền tệ chưa phát hành. Những bức tường bằng đá dày bảo đảm chịu được mọi loại súng cầm tay của bộ binh thời đó. Tầng trệt của tòa nhà là văn phòng Thống Ðốc, Nha Ngân Quỹ, phòng giao dịch với các ngân hàng thương mại. Các tầng trên là phòng làm việc của các nha khác như Nha Kiểm Soát, Nha Thanh Tra, Nha Hối Ðoái… Ðến thời Ðệ Nhị Cộng Hoà có thêm Nha Ðiện Toán.
Ngân hàng Đông Dương vào năm 1954 đổi tên thành Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (Nguồn: Manhhaiflickr)
Theo nghiên cứu của tác giả Dương Tô Quốc Thái, viết trong tạp chí Khoa học Trường Ðại học Cần Thơ: “Từ mạng lưới các chi nhánh trên đã giúp cho việc kinh doanh của Ngân hàng Ðông Dương không ngừng phát đạt. Trong khoảng thời gian 1876 – 1954, Ngân hàng đã thu về số tiền lãi khổng lồ từ các nghiệp vụ hối đoái, cho vay, chiết khấu và đầu tư vào hệ thống các chi nhánh khắp nơi. Vì vậy đã củng cố địa vị vững chắc của ngân hàng tại Ðông Dương, đồng thời còn giúp cho ngân hàng trở nên thịnh vượng. Từng bước đưa ngân hàng trở thành một trung tâm tài chính đầu tư của tư bản Pháp ở thuộc địa Ðông Dương và vùng Viễn Ðông”.
Lợi nhuận của Ngân Hàng Ðông Dương (mẹ) tại Paris tăng nhanh hằng năm. Năm 1876 lãi 125 ngàn francs đến năm 1954 vọt lên 638 triệu francs; đặc biệt tăng mạnh từ năm 1939, tức vào lúc chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ. Một điều cần ghi nhớ, đến năm 1954 khi Pháp thua trận Ðiện Biên Phủ thì Ngân Hàng Ðông Dương ở Việt Nam bị giải thể. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát Hành Quốc Gia Việt, Miên, Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam). Ngày 1/1/1955, theo một thỏa thuận với Pháp, Ngân Hàng Trung Ương 3 nước Ðông Dương được tách ra làm 3 Ngân Hàng Quốc Gia Trung Ương. Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (VNCH) được thành lập ngay ngày hôm ấy bởi một sắc lệnh do Ông Ngô Ðình Diệm ký. Ông Dương Tấn Tài được bổ nhiệm làm Thống Ðốc, Nguyễn Hữu Hanh làm Tổng Giám Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia.
Một điều cần biết thêm là số vàng dự trữ trong Ngân hàng Ðông Dương ở Sài Gòn và các chi nhánh lên tới 33 tấn. Số vàng này, năm 1955 khi Pháp rút quân về nước đã có kế hoạch chuyển số vàng trên về mẫu quốc. Chính quyền của TT Ngô Ðình Diệm đã cử ông Nguyễn Hữu Hanh thương thuyết thành công với chính phủ Pháp cho nước Việt Nam Cộng Hoà giữ lại số vàng thừa kế này. Không những thế, ông Nguyễn Hữu Hanh còn giúp chính phủ mới tổ chức lại nền kinh tế và kiến thiết lại nền tài chính tiền tệ. Năm 1955, đồng tiền Ðông Dương được thay thế bằng tiền Việt Nam dựa theo hối đoái đồng franc (1 đồng Ðông Dương ăn 10 franc), tờ tiền in có mệnh giá cao nhất là 1000 đồng được Ngân Hàng Pháp Á (hậu thân của Ngân Hàng Ðông Dương) in rồi giao lại cho Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam phát hành.
Bên trong Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (Nguồn: Manhhaiflickr)
Tuy vậy, đến năm 1958 Ngân hàng Ðông Dương tái hoạt động trở lại ở những nơi khác của các nước Á Châu, trước ngày 30/4/75 thì nhập với Banque de Suez et de L’Union des Mines với tên mới Banque Indosuez. Trong những năm của nền kinh tế tài chánh Ðệ Nhị Cộng Hoà, do mức giá tăng nhanh vì lạm phát, tiền đồng VN và tiền đô la Mỹ cách biệt rất nhiều theo tỷ giá hối đoái áp dụng cho xuất nhập cảng. Nếu hồi đầu năm 1955 tỷ giá tiền đồng VN so với đô la Mỹ là 1 đô đổi được 35 đồng (tỷ giá chợ đen là 180 đồng), thì đến cuối năm 1974, giá trị tương ứng của hai loại tỷ giá đó lần lượt là 1: 685 và 1: 721. Ðến đầu năm 1975, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam phải phát hành thêm tiền mệnh giá lớn là tiền giấy 5,000 đồng và 10,000 đồng để dễ thanh toán trong các giao dịch tài chính.
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn thất thủ. Trước đó một ngày, phi trường Tân Sơn Nhất bị hàng loạt pháo cối tấn công phá huỷ nhiều máy bay. Phi trường hỗn loạn ngưng toàn bộ hoạt động, máy bay được thuê để vận chuyển vàng đi Basel (Thuỵ Sĩ) không thể đáp xuống. Cuộc chiến kết thúc. Số vàng 16 tấn vẫn còn nằm im trong tầng hầm của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, và 5.7 tấn vàng nằm tại Ngân Hàng Thuỵ Sĩ cùng với 97 triệu USD trong tài khoản. Số vàng và tiền tại ngân hàng nước ngoài sau này được chính quyền mới thu hồi toàn bộ cộng thêm tiền lời theo lãi suất.
Trang Nguyên
(Fort Worth, TX)