Chân (trong miền Nam phát âm là “chưn” hay “chơn”) là một bộ phận của cơ thể. (Hình minh họa: Edward Berthelot/Getty Images)
Chân (trong miền Nam phát âm là “chưn” hay “chơn”) là một bộ phận của cơ thể. Chân gồm có: ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đầu gối và đùi. Chân dùng để đứng, đi, chạy, nhảy, đá, leo trèo, đạp, dẫm, dậm, nhấn, chà,… “Bàn chân” thường có “năm ngón.” Trường hợp bất thường có “sáu ngón.” Cũng như tay, các “ngón chân” rời nhau. Một vài người, do tật bẩm sinh, hay bị phỏng nặng, các ngón chân bị dính nhau như chân của loài vịt. Các tật này phải nhờ đến khoa giải phẫu. Bàn chân có thể dày, mỏng, ngắn, dài, rộng, hẹp. Giày hay dép phải “vừa chân” để việc đi lại được dễ dàng. “Lòng bàn chân” đầy đặn là tướng nhàn hạ, lỏm sâu là tướng người cực nhọc. Khi cần lấy đồ vật để trên cao thì phải “nhón chân.” “Rùn chân” là co chân để làm thấp thân người khi đứng hoặc di chuyển. Khi đi trong đêm tối thì “chân bước dò dẫm.” Nhắm mắt, “đưa chân” là phó thác cho định mạng. “Nhịp chân” là dùng bàn chân dậm nhịp theo điệu nhạc. Cũng như tay, “chân phải” thường mạnh hơn “chân trái.” Chân không thể cầm, nắm, viết chữ, vẽ như tay, trừ những người mất cả hai tay, ra công tập luyện lâu ngày mới được. Hai đội banh ra sân tranh tài thì gọi là “so chân” hay “đọ chân.” Hai đội đồng sức, ngang tài là “ngang chân.” Đội giỏi: “trên chân,” đội dở: “dưới chân.” Nếu hai đội huề nhau là đội dở “cầm chân” đội giỏi.
Cuộc đời, khi “lên chân” thì vinh thân, phì gia, lúc “xuống chân” thì (quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt). Nhưng “sa chân” vào cạm bẫy ái tình hay tội lỗi thì càng bi thảm. Khi đến chỗ đông người thì “chen chân” không lọt. “Nhún chân” là co chân lấy đà để nhảy. “Nhúng chân” có nghĩa là xen vào công việc. “Thọc chân” ai là phá rối người đó. Con người khi đứng thì dùng “hai chân” hoặc “một chân.” Tuy rằng đứng “một chân” khó có thể đứng lâu trừ những người có luyện tập. Trong võ thuật, các thế đứng gọi là “tấn” như trung bình tấn, tẩu mã tấn… có mục đích giữ cơ thể không ngả trước sự tấn công của đối thủ. Muốn được vững chắc thì phải như “kiềng ba chân” hay thế “chân vạc”: (Dù ai nói ngả, nói nghiêng. Thì ta cứ vững như kiềng ba chân). Tiếc rằng mỗi người chỉ có “hai chân.” Còn “chân giữa” là tiếng lóng chỉ bộ phận sinh dục nam giới.
Khi có việc khẩn cấp ai cũng ước mình có “thêm chân” để chạy cho mau. Muốn giải quyết công việc mau lẹ thì phải “ba chân, bốn cẳng.” Mấy chữ “bằng chân như vại” chỉ sự bình tĩnh, không bị biến cố hay ngoại cảnh chi phối. Chân bị cong là “chân vòng kiềng.” Người đi đứng không cẩn thận hoặc gặp đường trơn trợt thì dễ bị “trợt chân,” có thể đưa đến sai khớp hay “trặc chân.” Khi nói (người không có “chân đứng) là muốn ám chỉ kẻ cô thế, không chỗ dựa trong xã hội. Ai bị thương tật do tai nạn hoặc do bẩm sinh thì mất nguyên một chân (độc cước) hoặc cả hai gọi là “không chân,” mất một phần chân là “cụt chân” hay “chân cụt.” Các vị này cần được lắp “chân giả” để bổ khuyết phần nào. Mất đi người phụ tá giỏi cũng coi như bị “cụt chân.”
Người có tên trong một tổ chức gọi là “có chân.” Khi bị loại khỏi là “mất chân.” Nếu tự ra khỏi tổ chức gọi là “rút chân.” Người thay thế người khác trong một công việc gọi là “thay chân.” Sau khi bị bệnh hoặc bị thương tích thì chân trở nên nhỏ gọi là “chân teo,” “teo chân” hay “chân rút.” “Teo chân” lại có nghĩa bóng là sợ sệt. Ngăn không cho ai làm việc gì hoặc làm vướng bận người khác là “cản chân.” “Theo chân” một người là hành động theo ý của người đó. Cũng có nghĩa như theo “dấu chân” một nghi phạm. Một tổ chức có nhiều chi nhánh gọi là “chân rết.” “Chân tay” hay “tay chân” là người thân tín dưới quyền của chủ. Lãnh đạo luôn cần người giỏi phụ tá để được “đỡ chân.” Chân và tay có quan hệ với nhau như câu “anh em như thể tay chân.” Ví dụ: leo trèo là hành động phối hợp của tay và chân. Nhưng, cho người nào “leo cây” là gạt người đó chuyện gì. (Vung hay khoa tay, “múa chân“) là tỏ bộ đắc ý. Người có “chân dài” luôn chiếm ưu thế trong các môn thể thao: chạy đua, nhảy dài, nhảy cao, bóng rổ, bóng chuyền… Nhưng “nhanh chân, lẹ chân, mau chân” chỉ người mau mắn, lanh lẹ, khi tranh giành cơ hội, hoặc tẩu thoát. Kẻ có “chân ngắn” thường “chậm chân” trong nhiều hoạt động và chịu thua thiệt. Người già thường bị té vì “chân yếu, chân run rẩy,” dù di chuyển chậm vì “chân chậm.” Khi té, chân bị qụy xuống, là “sụm chân.” “Chân dài” nằm trong tướng “ngũ trường.” “Chân ngắn” là một trong tướng “ngũ đoản.”
Ngoài xã hội, “chân dài” ám chỉ các nàng (“trường túc” bất chi lao). Các cụ nào về Việt Nam gặp các nàng này thì bị mất hết tinh lực, đành gởi nắm xương tàn nơi cố hương. “Chân tượng hay chân voi” là để chỉ chân quá lớn như cái cột đình. Phụ nữ mà có chân nầy là người thô kệch. Trong khi đó “chân thon,” “chân mảnh mai” là của người sang trọng, kiều mị. “Chân ướt, chân ráo” chỉ những người mới đến nơi xa lạ hoặc bước vào một lãnh vực mới. Ở thôn quê Việt nam, nông dân không dùng giày dép (chân trần), họ quen đi lại bằng “chân không” hay “chân đất.” Vì thế, “da chân” trở nên dầy và nứt nẻ. Du kích Việt Cộng lợi dụng điểm nầy, bắt tù binh VNCH cởi giày đi “chân không” tạo khó khăn nếu muốn bỏ trốn. Chân của dân quê do ngâm nước sông, ruộng lâu ngày nên bị đóng phèn. Người thành phố hay chê là dân “chân phèn.” Câu nói “chân còn đóng phèn” để ám chỉ người ở quê mới lên tỉnh. Những câu “chân lấm, tay bùn,” “chân cứng đá mềm” là những hình ảnh đẹp của người nông dân. Một bộ phận hình cánh quạt, nằm dưới đuôi tàu, chìm sâu trong nước, khi khởi động thì đẩy tàu đi tới, được gọi là “chân vịt” dù không dính líu gì tới cái chân của con người và con vịt.
Chân đi về phía trước là “đi tới,” “bước tới,” “tiến bước,” đi về phía sau là “lui bước, thụt lùi, hay lùi bước.” Tiến cũng có nghĩa cáng đáng, thi hành công việc. Lui là bỏ qua, chịu thua. Đi chậm, “nhẹ chân,” không “khua chân,” không gây tiếng động, là “chân đi rón rén.” Trong quân đội, tân binh được tập luyện “đi đều bước,” “dậm chân” tại chỗ. “Chân đi” thì có nhiều dáng: đi mau, đi chậm, đi khoan thai, nhẹ nhàng, nặng nề, ngả nghiêng, đi hai hàng (dáng đi chữ bát), xà hành (đi như rắn bò), áp hành (đi như vịt)… Người có tướng đi nặng nề, hai hàng, hoặc áp hành, thì cuộc đời không khá được. Phụ nữ đi dáng xà hành là người dâm đãng. Trong bài thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp có mấy câu:
… Em không dám đi mau.
Ngại chàng chê hấp tấp.
Số gian nan, không giàu.
Cho thấy thi sĩ cũng biết nhiều về tướng đi của phụ nữ.
Mấy tay nhậu quá độ, thường có dáng đi “chân nam đá chân chiêu.” Giữ ở một chỗ không cho đi là “cột chân,” “trói chân,” “buộc chân.” Nhưng tự mình ở một chỗ nghĩa là “chôn chân,” “dính chân” ở chỗ đó. Những người thích di chuyển, đi lại được gọi là có “chân đi.” “Táy máy tay chân” chỉ những người với tay thích cầm, sờ, mó đồ vật, và chân thích đi lại. Nghĩa bóng là hay “cầm nhầm,” ăn cắp đồ vật của người. “Chân dùng để chạy” cũng có nhiều cách: chạy tại chỗ, chạy chậm, chạy nước rút, chạy nước bền (đường dài), chạy tiếp sức… Trước khi chạy thì phải “co chân.” Rồi “duỗi chân” vì “co rồi tất phải duỗi ra. Lẽ thường trời đất hẳn là chẳng sai.” Duỗi chân tối đa là “thẳng chân” hay “chân thẳng.” “Chân chạy” là người không ngồi yên một chỗ. Ngày xưa, có người chuyên đưa giấy tờ hành chánh giữa các công sở gọi là “chạy công văn.” “Chạy giấy tờ” có nghĩa là lo lót khi lập hồ sơ. “Chạy việc” là đi kiếm việc hoặc lo hối lộ để được việc. “Chạy tiền” là kiếm tiền để sống qua ngày. “Chạy ăn” là lo cái ăn ngày hai bữa (chạy ăn từng bữa toát mồ hôi). Thời Cộng Sản thì có từ “chạy hộ khẩu,” “chạy chức,” “chạy chỗ.” Khi có bệnh thì tìm thầy hay để “chữa chạy.” Đó là “chạy thầy,” “chạy thuốc.” Nhưng nghĩa bóng lại là lo lót, “chạy chọt” để được việc. Khi bác sĩ hết phương cứu chữa là “thầy chạy”: bệnh nhân bị chê, cho về nhà chờ chết. Nghĩa bóng chỉ người không ai sửa đổi được. Dân làm thương mại thì “chạy áp phe” hay “chạy mối.”
Chợ trời sau năm 1975, thì có dân “chạy hàng,” “chạy thuốc tây.” Chịu thua trước khi sự việc kết thúc gọi là “chạy làng” như câu (bạc chữa thâu canh đã chạy làng). “Chân nhảy” thì có nhảy xa, nhảy cao, nhảy dài, nhảy sào, nhảy lên, nhảy xuống, nhảy dây… “Nhảy nai” là nhảy loạn xạ vì hoảng sợ giống như nai gặp cọp. “Nhảy xổ” là xáp vào ai một cách đột ngột. “Nhảy đầm” là tiếng bình dân chỉ môn khiêu vũ. “Nhảy rào” là chạy bộ và nhảy qua rào cản, nghĩa bóng là người xé lẻ khỏi tập thể. “Nhảy dù” là đeo dù nhảy từ trên không xuống đất, nghĩa bóng là hành động lén lút, qua mặt ai. “Nhảy nhót, nhảy cỡn” khi quá vui mừng. “Nhảy dựng” khi giựt mình, hết hồn và giận. “Nhảy cái, nhảy đực” chỉ sự giao cấu của loài vật. Việc nước, việc đời, nếu không chuẩn bị trước, đợi tới lúc “nước tới chân, mới nhảy” thì từ chết đến bị thương. “Chân đá” thì trong võ thuật gọi là “cước.” Đá một chân là “độc cước,” hai chân là “song cước.” Vừa đá “hai chân” vừa nhảy lên cao là “song phi cước” (đá chân trước liền chân sau) hay “liên hoàn bát cước” (hai chân đá hình chữ bát, hay bẹt ra 180 độ.) Thường người ta đá ra phía trước. Đôi khi “đá ngược” về phía sau gọi là “đá giò lái” hay “đá hậu.” Nghĩa bóng là bị người cùng phe phản bội. Chữ “giò” và “cẳng” nhiều lúc được dùng để chỉ cái chân. “Chân heo” thì ai cũng gọi là “giò heo.” Ví dụ “bánh canh giò heo,” “bún bò giò heo.” Cầu thủ bị phạt cấm ra sân là bị “treo giò.” “Lạnh cẳng” là cẳng thấy lạnh. Nghĩa bóng là sợ sệt. “Đạp” là dùng “bàn chân” với sức của cả thân người tiếp xúc với người, đồ vật… Như “đạp” người ra khỏi cửa nhà, xe… “Đạp” có khi là hành động vô ý như đi ngoài phố “đạp” hoặc “dẫm” phải bãi c… Nhưng “đạp mặt” người dân thì chỉ có công an Việt Cộng mới làm được. Thành ngữ “Đầu đội trời, chân đạp đất” ám chỉ người lao động. Thời tiết lạnh thì “chân lạnh, chân co ro hay chân cóng.” Do bệnh (sốt tê liệt, tai biến mạch máu não…) hoặc thương tật cột sống, người ta có thể bị “bại” hay “liệt” một hoặc hai chân. Trường hợp này đành phải chống nạng hay ngồi xe lăn. Điển hình là cố nhạc sĩ Việt Dzũng, một nhà hoạt động, đấu tranh không mệt mỏi dù hai chân bị liệt từ nhỏ. “Đầu gối” thì sử dụng khi “quỳ gối” để lạy hay trẻ con bị thầy cô, cha mẹ phạt. Lúc đánh nhau thì có ngón đòn “lên gối” đối thủ. Bàn, ghế có chân thấp gọi là “chân quỳ.” “Chân đi cà thọt” là do chiều dài hai chân không bằng nhau hay “chân thấp, chân cao,” “chân đi khập khiểng,” “chân què,” “què chân” hay là “chân rút.” Đây là tật bẩm sinh hay do bệnh, thương tích gây ra. “Chân gãy” hay “gãy chân” thường do tai nạn. Bệnh phong thấp làm cho “chân đau, nhức, sưng”… cản trở việc đi lại. Ngồi hay nằm lâu thì chân dễ bị “tê chân.” Khi vận động hoặc đi lại nhiều thì chân bị mệt mỏi, đó là “mỏi chân” hay “chồn chân,” cần có thời gian nghỉ ngơi tức “nghỉ chân.” Nhưng bà Hồ Xuân Hương lại nói:
“Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.”
Trèo đây là trèo đèo mới chết chứ. Sao kỳ vậy, hởi các bậc hiền nhân, quân tử?
Nếu chân bị mỏi quá độ thì chân bị co rút, đau đớn đó là “chân bị vọp bẻ.” Rất nguy hiểm nếu ở dưới nước vì không lội được.
Người một dạ, hai lòng, không có lập trường, thường là “chân trong, chân ngoài” hay “chân trước, chân sau.” Để chỉ người giàu có, sang trọng thì có câu “chân giày, chân dép.” Phụ nữ thường là “chân yếu, tay mềm” ngoại trừ các nữ hiệp trong truyện chưởng. Khi nằm ngửa, một chân gác lên đầu gối chân kia gọi là “gác chân chữ ngũ.” Lúc ngồi trên ghế thì “thỏng chân,” “thả chân,” “thòng chân.” Nhờ đó, “chân đong đưa” qua lại. Trời có “chân trời.” Mây có “chân mây.” Lông có “chân lông.” Làng có “chân làng,” cũng như vậy ta có “chân mày,” “chân đê,” “chân núi,” “chân quần,” “chân bàn,” “chân ghế,” “chân giường,” “chân tủ,” “chân sạp”…
Hai bên cãi chuyện quá lố thường đưa đến đánh nhau như câu: “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.” Người hay yêu sách, đòi hỏi những cái quá đáng là “Được đằng chân, lấn đàng đầu.” Bạn bè, bà con ở xa đi thăm nhau thì “ở xa mỏi chân.” “Vẽ rắn thêm chân” để chỉ những điều không cần thiết và bất hợp lý.
Biến cố 30 Tháng Tư, 1975 đã tạo ra những từ mới: “bỏ phiếu bằng chân,” để chỉ những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản, phải bỏ xứ ra đi. Phong trào vượt biên ngày một lên cao đến nỗi ngôn ngữ Việt có thêm câu: “Nếu cây cột đèn có chân, nó cũng bỏ đi.” Nhờ vậy, mà ngày nay, hơn ba triệu khúc ruột ngàn dặm “đặt chân,” “dừng chân” khắp nơi trên toàn thế giới, gởi tiền về nuôi sống chế độ CHXHCNVN.
Nguyễn Đan Tâm
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/