User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nganha9
 
Sài Gòn, Những Con Hẻm Bị Thương
 
Điểm cuối cùng kết thúc ngày hôm nay của Vòng Tay Việt đến là một con hẻm ở khu phố 4, Tây Thạnh, quận Tân Phú. Lúc này cả đoàn đã thấm mệt vì đi trao quà cho tám điểm phong tỏa khắp Sài Gòn ở các quận Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, bệnh viện Trưng Vương từ 7g sáng đến 4g30 chiều, buổi trưa nghỉ nửa tiếng ăn cơm. Nhưng về đến nơi, chỉ muốn ngồi thụp xuống để chống lại cái cảm giác của những sự nôn nao, nỗi buồn trào lên tới mắt, tới đầu bởi những gì mình thực sự thấu thị.
 
Ai đó nói, Sài Gòn cố lên, điều này không còn phù hợp nữa. Bởi Sài Gòn không thể cố nữa, chỉ có thể là chấp nhận tới đâu hay tới đó thôi.
 
Tất cả những nơi chúng tôi đến đều có chung một bi kịch: Dịch bệnh, các khu phong tỏa, giàu nghèo gì cũng chung một số phận, bị chăng dây chằng chịt, không được tụ tập, nhà nào ở nhà đó. Người ta ló đầu ra ngoài nhìn khi thấy có người lạ. Nhà nào có vẻ nghèo khó thì ra tận hẳn khỏi cửa để ngóng những phần quà được hỗ trợ. Ở một điểm quận Phú nhuận, anh chị em ở phường rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đến một hẻm phong tỏa để trao quà. Có cụ già được đại diện ra nhận quà. Sau khi chụp hình xong, nói cụ vô nhà, cụ nhất định không chịu vô. Một cô trong đoàn nói: “Để cháu bưng vô nhà cho cụ, đừng lo nghen, cụ cứ đi vô nhà đi”, vậy mà cụ vẫn dùng dằng, bước những bước thật chậm ngoái nhìn xem gói quà có được mang theo không.
 
nganha7
 
nganha8
Bây giờ thì càng thấm: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tôi ước các bạn trẻ đang chăn êm nệm ấm hay thậm chí là con mình (đang được giấu trong nhà) có thể nhìn thấy những hình ảnh này. Tôi nói với mọi người đi nhanh để cho bà con được nhận quà sớm, chớ ở đây chào hỏi miết…, các cụ đi mãi sẽ không về được tới nhà.
 
Hẻm 3… Tân Thạnh là một khu khá đặc biệt, đầu hẻm có khoảng 3-4 căn cao tầng khang trang, trồng cây, với rau trước cửa khá bắt mắt, nhưng bước vô độ chừng 20m là một khu nhà cửa cấp bốn sâu dài cả trăm mét chưa hết hẻm. Ở đó những cánh cửa chắp vá bằng những cánh cửa tôn ghép lại. Chúng tôi không vào bên trong được vì ở đây giăng dây. Dân phòng và nhân viên bảo vệ ngồi khá đông. Chú bảo vệ già nói:
 
Dân ở đây chắc nghèo nhứt quận này, toàn là lượm ve chai, đu xe rác với bán vé số. Bị phong tỏa mấy tuần rồi, tưởng xong, lại có ca, lại phong tỏa. Khi có dịch “côvi” cũng bị nhiều ca nhiễm, khi có dịch sốt xuất huyết cũng cả xóm bị. Đầu dịch còn có nhiều nơi đưa cơm miễn phí tới. Tuần vừa rồi nhiều chỗ nhiễm nên bữa có bữa không. May mà có nhiều người cho gạo, cho khoai cũng đỡ” – chú chỉ mấy bao gạo với khoai đang để ở chốt canh. Nhìn vào trong, thấy dân tình đang túa ra từ nhà vì nghe nói có người đến cho thực phẩm. Mấy anh dân phòng bắc loa kêu dân vô nhà trở lại, để mấy anh sẽ phát tận nhà chớ không được ra ngoài. Bây giờ mới thấm thía vì sao người ta nói “chiến tranh, dịch bệnh” là hai thứ khiến cho con người “sống dở chết dở”, tù túng, khốn khó.
 
nganha6
Con hẻm nghèo bị dính bệnh nhiều nhất, cũng toàn là người nghèo nhất lưu trú ở Tân Phú. Ảnh: Ngân Hà.
 
nganha5
 
nganha4
 
Nhưng có một điều rất lạ mà tôi không thể nào quên khi rời con hẻm này, chính là những cái cây. Trước nhà của hộ dân ở đây, ai cũng để mấy chậu cây, có cả những loại cây dây leo bám vào tường, mà bức tường ấy đã được dựng một cái thang bỏ đi; hoặc người ta làm dàn dây bằng kẽm thắt ô vuông cho dàn cây leo. Thậm chí trên cái tường lớn của một ngôi nhà đầu hẻm rất dài người ta còn bắt dàn dây kẽm để trồng những cây dây leo phủ xuống.
 
Tôi không nói nó đẹp, nhưng mà nhìn thấy thương lắm, như cách mà người ta chống chọi với sự khốn cùng, có khi chính là mỗi ngày nhìn vào sức sống của những dây leo mà họ đã bắt giàn cho chúng bằng đủ loại phế thải bỏ đi, vì có lẽ chắc họ thấy như đang tự vươn mình ra ánh sáng để tồn tại vậy.
 
Ghi chép ngày 8, Tháng Bảy, trước giờ Sài Gòn phong thành bởi dịch bệnh lúc 0g ngày 9, Tháng Bảy, 2021
 
"Chương trình Vòng Tay Việt lần II tính từ ngày Sài Gòn “phong thành” đầu Tháng Bảy đến nay đã trao 10,000 phần quà cho các hộ dân ở khu phong tỏa, các bệnh viện, gia đình công nhân ở khu nhà trọ… khắp các quận huyện thành phố. Vòng Tay Việt là chương trình quyên góp hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu, gia đình công nhân ở các khu nhà trọ, hộ dân trong khu bị phong tỏa. Mỗi phần quà đều có nhu yếu phẩm tối cần thiết gồm: Gạo, mắm, muối, khô cá, xì dầu, hạt nêm, mì gói, bún gạo, miến… cùng với nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang."
 
Bài và ảnh: Ngân Hà
*********************
Sài Gòn, Không Một Tiếng Động, Không Một Cái Cựa Mình…
 
nganha3
Sài Gòn không bóng người, không tiếng động, không cái cựa mình… (ảnh: Ngân Hà)
 
Buổi sáng thức giấc đã thấy điện thoại nhỡ và tin nhắn. Nằm nguyên trên giường gọi lại, nhắn tin cũng được vài việc. Lúc này không tỉnh cũng phải tỉnh, vì khi não thức, phải nghĩ cách này cách kia cho việc thông, thì tất cả đều thức.
 
Xuống nhà, nấu cháo gạo lức tiếp tế cho một chị thành viên của Hội quán các bà mẹ. Khu chị có ca dương tính nên cả nhà dính F1 bị đưa vô khu cách ly. Chị lớn tuổi rồi mà từ chiều hôm qua tới giờ lo đến không ăn uống gì được, sáng nay con chị gọi xin cháo. Mình vừa nấu vừa thương. Nhóm hôm qua mới nói vui với nhau phải đổi tên nhóm này là “Cái Bang”, bao đồng không chừa thứ gì. Đến hôm nay nhóm chính thức có hai thành viên mà gia đình đều bị cách ly, tất nhiên là phải dồn tâm sức ưu tiên lo cho gia đình hai thành viên này trước, bởi lo cho người khác mà chính những chị em mình không lo được, thì chẳng ra gì.
 
nganha2
Các anh chị em BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) tiếp tục cật lực chia phần ăn khuya cho nhân viên y tế, y bác sĩ ở các bệnh viện. Những món quà từ các doanh nghiệp Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao gởi tới, và thêm nhiều phần quà được mua từ các nhà hảo tâm chung tay chương trình Vòng Tay Việt (ảnh: Ngân Hà)
 
Quay quay một hồi thì cũng xong, vội thay đồ và tranh thủ xem nhà còn gì thấy còn có ba mì tô ăn liền hốt luôn, tranh thủ đi ngang mua thêm bánh mì ngọt. Đưa vô rồi ghé K+ mua thêm mì ly nếu có cần tiếp tế thêm. Tới K+, chị nhắn: “Cháo em nấu ngon lắm, nhưng Hà ơi, có cháo ăn liền cũng tốt nghen, giờ nấu thì cực em lắm”. Vậy là mua ngay thêm mấy ly cháo yến ăn liền và 10 mì ly bỏ vô túi quay lại chỗ tiếp tế.
 
Nơi cách ly F1 tạm thời ở 128 đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, vốn là trường tiểu học, nhưng hôm nay đã đổi tên và trở thành trung tâm chăm sóc tạm thời. Nhìn vô thấy sạch sẽ và được rào bao lối đi cho người cách ly rất cẩn thận. Các nhân viên đều mặc đồ bảo hộ. Anh chàng bảo vệ là một thanh niên trẻ và nhiệt tình. Đồ ai tiếp tế anh cũng chịu khó xách vô trong. Nhưng đây mới là khu tạm để đưa về các khu cách ly dã chiến hiện đang quá tải và vô cùng khó khăn. Trong khi đó, gia đình của hai chị em trong nhóm đều có điều kiện cách ly tại nhà. Nhưng ở Sài Gòn, việc này vẫn phải “chờ xét”. Còn ở Bình Thuận thì chưa thực hiện cách ly tại nhà nên đứa em gái bằng mọi cách xin về quê để xin vô trại lo cho hai đứa con còn quá nhỏ.
 nganha1
Một phần ăn khô cho một ngày: 10 hộp sữa, hai gói rau củ quả sấy khô, ba gói cháo ăn liền, hai chai nước suối và thêm cả trái cây tươi (ảnh: Ngân Hà)
 
Ngay cả gia đình cô TA bị cách ly tạm thời cũng đang rất lo lắng vì nhà cô đủ điều kiện mỗi người mỗi phòng, có toilet riêng, việc cách ly tại nhà thuận lợi cho cả sức khỏe của cô và chú (đã trên 70 tuổi). Gọi điện hỏi thăm bên trung tâm HCDC, họ cũng nói là được và còn nói bây giờ khu bệnh viện nào cũng quá tải, họ rất muốn cho các bệnh nhân cách ly tại nhà chớ không làm khó khăn gì. Vậy thì nỗi lo lắng này từ đâu ra? Tôi đoán là do cũng còn khá ít bệnh nhân được cho phép cách ly tại nhà và cũng chưa ai có kinh nghiệm hay bác sĩ nào nói rõ về vấn đề này cho rốt ráo.
 
Nhắn tin hỏi một số bác sĩ về kinh nghiệm để chuẩn bị đi cách ly. Họ cũng đồng ý trả lời phỏng vấn. Mai sẽ viết bài riêng về vấn đề này, cộng với kinh nghiệp từ gia đình chị TA, tôi hy vọng bài viết sẽ giúp được thêm nhiều người nữa sau này không quá lo lắng và sợ hãi thậm chí hoảng loạn như hiện nay khi thuộc diện F0, F1.
 
Câu chuyện thiếu rau thiếu trứng ở nhà dân và thiếu… đủ thứ cho các bệnh viện vẫn diễn ra như… thường. Thậm chí nhiều chỗ phong tỏa kêu cứu vì bị bỏ đói mấy ngày nay. Cô em gái bạn tôi ở Bình Thạnh đặt hàng online mà 4-5 ngày chưa có rau ăn, hôm nay hai mẹ con ra siêu thị mua rau mà trong lòng nơm nớp lo sợ. Đến nơi cũng chỉ mua được một ít vì muốn nữa cũng không có. Dường như vẫn chưa có một cải cách nào cụ thể. Hôm nay, giá cả vẫn tăng. Các siêu thị vẫn hết hàng không đủ cung, dân được khuyến cáo không ra đường nhưng vẫn phải hàng ngày đi siêu thị thì nguy cơ lây nhiễm tăng cao nữa. Mâu thuẫn nội tại này mà không được giải quyết thì mục tiêu kép của chính phủ mới chính là thứ “ủ bệnh” tiềm tàng không có lối thoát.
 
Đơn giản thôi, đói ăn thì phải ra đường, mà ra đường nhiễm bệnh thì không còn chỗ nằm, trong khi đó vaccine vẫn “cầm chừng” thì biết chừng nào mới có thể dập dịch? Mà tại sao Sài Gòn lại có thể bị bỏ… đói? Hiện tại, hãy nhớ Sài Gòn đang “ba tăng”: Tăng ca nhiễm- Tăng giá cả – Tăng nguy cơ lây. Và ba giảm: Giảm đi- Giảm ăn-Giảm nói.
 
Nhưng đáng sợ nhất là giảm niềm tin và tăng sợ hãi.
 
Vì vậy các bạn hãy xốc dậy tinh thần, can đảm đối mặt thực tại tìm cách để sống sót chứ không thể trông chờ vào ngoại cảnh được nữa. Cộng đồng không tan rã nhưng nếu dần bị cách ly vì lòng người thì mới là điều đáng sợ nhất. Hãy cùng nhau và bên cạnh nhau vượt qua dịch bệnh này.
 nganha
Xe vận chuyển hàng hóa vẫn bị làm khó dễ không thể thông thương gây khan hiếm lương thực khắp Sài Gòn
 
Nhà Văn hóa Thiếu nhi, nơi tập trung hoạt động của chương trình Vòng Tay Việt đã “chiến đấu” liên tục từ suốt gần hai tháng nay, có ngày hoạt động 24/24. Cả tuần giãn cách Chỉ thị 16+ vừa rồi, chỉ và người trực và cũng nhận hàng tối thiểu để cố gắng lo được chừng nào hay chừng đó cho y bác sĩ ở các bệnh viện, dân nghèo khu phong tỏa và nhà trọ các quận huyện thành phố. Hôm nay thì khác, hàng chục tấn hàng đổ về vì Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiếp tục chiến dịch hỗ trợ gấp và mạnh cho các bệnh viện dã chiến đang xây lên mỗi ngày hàng chục ngàn giường lưu trú cho các ca F0, F1. Hàng trăm ngàn nhân viên y tế, y bác sĩ làm thâu đêm suốt sáng trong điều kiện nóng bức, thiếu thốn đủ thứ mà vẫn không thể kham nổi hết các ca bệnh tăng từng ngày với hàng ngàn người. Tuy nhiên, cũng chính vì trong điều kiện khó khăn đó mà các ca tăng đều đều chăng?
 
Các nhân viên BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) cũng được huy động tình nguyện đến chuẩn bị phần thức ăn tăng thêm cho từng y bác sĩ, mỗi phần gồm: 10 hộp sữa, rau củ quả sấy khô, cháo ăn liền, nước suối. Các anh chị em nhanh tay lắm, làm sao để mỗi ngày có 5,000- 10,000 phần. Các anh trai thì khuân vác, lên xuống hàng liên tục. Nhìn những sản phẩm của hàng Việt mới thấy sự chung sức của các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tự dưng thấy niềm an ủi lớn lao và thôi thúc mạnh mẽ hơn: Về sau này, mình nhất định sẽ chỉ dùng hàng Việt Nam, bởi mình biết trong những món hàng mình mua, đã có chứa cả mồ hôi và nước mắt của bao người hy sinh cho việc cứu dân thoát khỏi dịch bệnh hiểm nghèo.
 
Hôm nay, đã chín ngày tôi ghi lại những dòng suy nghĩ về những gì mình tận mắt chứng kiến thân phận con người trong dịch bệnh đầy mong manh và bất trắc. Chính mình cũng là một phần của nó. 5g30 chiều thứ Bảy, 17 Tháng Bảy 2021, Sài Gòn không bóng người, không tiếng động, không còn đến cả một cái cựa mình. Một Sài Gòn chìm trong dịch bệnh với sự yên lặng đáng sợ.
 
Ngày mai, mình không muốn nghĩ đến. Mình chỉ đang sống với từng giây phút ngồi gõ từng chữ nhắn nhủ cho các anh chị em bạn bè mình: Hãy Tự Bảo Vệ Mình.
 
 
Ngân Hà

 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com