Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn – Tranh Đinh Cường
Với thế hệ chúng tôi, Sài Gòn đã qua hai lần bị tấn công. Lần thứ nhất vào đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968, quân Bắc Việt tấn công vào hầu hết các tỉnh miền Nam trong đêm hưu chiến, khi mà tiếng pháo đón năm mới chưa dứt, những ly champagne trong đêm dạ vũ cuối năm chưa tàn… Tiếng súng đồng loạt ầm vang và người chết đầy đường phố. (Khốc liệt nhất là ở Huế, có người mô tả đi trên thành nội, đạp trên máu mà tưởng lội trong bùn (HPNT, trả lời báo RFI)).
Đêm lịch sử ấy, Tòa Đại Sứ Mỹ, một lô cốt “bất khả chiến bại” ở SG cũng bị tấn công. Sáng hôm sau, hầu hết các tỉnh thành đã đẩy lùi quân địch, chỉ còn lại Huế, và xác lính Bắc Việt rải rác trên hàng rào, lên lô cốt, trên đường phố Sài Gòn, cũng chẳng có tổng kết nào về số người chết trong trận tấn công này….
Lần thứ hai, 30/4/1975, một lần nữa, quân miền Bắc lại tấn chiếm Sài Gòn, nhưng lần này đĩnh đạc hơn, khi hầu hết cả miền Nam buông súng. Tiếng xích xe tăng T54 của Liên Xô dũng mãnh nghiến nát đại lộ Thống Nhất từ hướng Thị Nghè. Súng ống, xe cộ, áo quần lính VNCH bừa bãi khắp nơi, thành phố hỗn loạn, bối rối, tả tơi…
Cả hai lần trong cuộc chiến tương tàn, Sài Gòn đã bị thương, SG đã đổ máu, nhưng SG không bị ngăn trở giao thông. Giới nghiêm chỉ về đêm, ban ngày SG vẫn ồn ào náo nhiệt, tiếng rao hàng, tiếng xe lam, xe xích lô máy vẫn lại qua đưa những người lao động mang hàng đi khắp SG. Những tà áo dài vẫn phất phới bay. Đường Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ… vẫn dập dìu những cặp tình nhân, tay trong tay, dung dăng mua sắm….
Và lần này, tháng 6, 2021, Sài Gòn lại bị tấn công. Địch không là người. Địch không là tiếng súng, bánh xe tăng. Địch vô ảnh vô hình, xuất phát từ thành phố Vũ Hán Tàu Cộng, với một con virus nhân tạo được đặt tên là Corona: “Dịch Covid 19”. Vâng, dịch covid 19, một thảm hoạ toàn cầu ở thế kỷ 21 đã trực tiếp đánh vào Sài Gòn, lần này là lần thứ hai, và lần này trên một quy mô lớn, có kinh nghiệm từ các trận đánh trước và các địa phương khác, nên Sài Gòn không kịp chống đỡ, không đủ sức chống đỡ, nên Sài Gòn “toang”, Sài Gòn tiều tuỵ…
Đã đúng một tuần, người không gặp người, nhà cửa hàng quán văn phòng đóng im ỉm, phố vắng lặng thưa thớt người đi. Quận cách ly quận. Phường cách ly phường. Sài Gòn vẫn nắng. Sài Gòn vẫn mưa, nhưng Sài Gòn chỉ nghe tiếng còi hụ xe cứu thương, những bộ đồ màu xanh của nhân viên y tế, những trạm kiểm soát, những dây kẽm gai, hình bóng những công an áo xanh áo vàng khẩu trang bịt mặt!..
Sài Gòn tang thương hơn 2 trận chiến cũ, hơn 60 người chết, chỉ khác là chết ở nhà, trong bệnh viện và được chôn cất rõ ràng…
Sài Gòn bị tấn công lần này có sự kháng cự của toàn dân và chính quyền trung ương chỉ huy chống dịch. Những ngày đầu có vẻ như sự chủ quan của chính quyền với các phương pháp cũ đã thất bại. Sài Gòn đông dân và phức tạp đủ thành phần. Sài Gòn rộng và mức độ giao thông đa dạng đa phương tiện. Sài Gòn là trung tâm, là nơi đến và đi của cả khu vực miền Nam nên khống chế dịch ở SG bằng phương pháp như đã từng làm ở Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang… là không thể. Và chỉ trong vòng một tháng loay hoay với chốt chặn, với giãn cách, SG đã vượt lên trên cả nước số ca nhiễm và tử vong. Ước muốn bảo vệ SG khỏi bị phong tỏa hoàn toàn hòng giữ mục tiêu kép đã bị phá sản. Sài Gòn buộc lòng phải bị “lock down” và phương án chống dịch cũng phải được thay đổi…
Không thể chỉ nắm đằng chuôi bằng bàn tay sắt: “cách ly, truy vết, trừng phạt”. Bài học của Mỹ và các nước dân chủ tiên tiến đã chỉ ra phương cách cơ bản và chắc chắn nhất vẫn là Vaccin. Chính quyền đã nhận ra điều đó. Nhân dân cũng hiểu ra điều đó. Những tiếng nổ vang trời về “Việt Nam anh hùng chống dịch và tiếp tục phát triển kinh tế bằng những chỉ số dương đệ nhất Châu Á” đã không còn nữa, thay vào đó là lời kêu gọi toàn dân góp tiền vào quỹ mua vaccine, là những cuộc ngoại giao con thoi giữa chính phủ với các nước để xin viện trợ vaccine….
Sài Gòn với hơn 10 triệu dân, theo kinh nghiệm thế giới, phải chủng ngừa ít nhất là 70% dân số thì mới chặn được lây lan. Cho đến hôm nay, các loại vaccine về VN đã được 10 triệu liều, trong đó có 8 triệu là được viện trợ. Chính phủ đã ưu tiên cho SG, được biết đã có khoảng 2 triệu người được chủng. Còn khoảng 5 đến 6 triệu người nữa phải được tiêm gấp….
Vaccine ngừa covid không trữ được lâu. Con corona vũ hán cũng liên tục biến thể, nó qua chủng Anh, chủng Ấn, rồi Delta, Alpha, Gamma…, tốc độ lan nhiễm nhanh hơn, kháng vaccine mạnh hơn, nên không thể chậm trễ. Nhanh, nhưng phải có phương pháp, có phân loại, có không gian, nhân lực…, lại sẽ là một “đau đầu” cho chiến dịch!…
Sài Gòn bị tấn công. Sài Gòn bịnh. Sài Gòn đau. Nhưng Sài Gòn là trái tim, là mạch máu kinh tế của toàn quốc. Sài Gòn không thể chết…
Sài Gòn là trung tâm hội tụ, của tình người và lòng nhân ái Việt. Sài Gòn cũng là cái nôi sáng tạo trong mọi thời kỳ, luôn đi trước về sau…
Lần này địch đánh vào SG đã gặp sự kháng cự của toàn dân. Cảm động thay khi những đoàn xe ở miền Trung lặng lẽ đưa nhân viên y tế chi viện vào SG. Thương làm sao khi sáng nay trên Tivi thấy những người nông dân Huế ra vườn cắt những chùm ớt, những trái cà, trái bí, trái dưa…, gom góp chuyển vào Nam. Họ trả lời đơn giản mà ấm áp tình người: “Khi chúng tôi bị lũ lụt, thiên tai, bao giờ miền Nam cũng đều giúp đỡ, nay trong đó khó khăn, chúng tôi mỗi nhà một ít, có gì góp nấy, gởi vào giúp bà con, có chi đâu!”
Thật đáng quý thay những tấm lòng, giá trị nhân văn truyền thống của người Việt muôn đời!…
Tôi yêu Sài Gòn. Sài Gòn đau, lòng tôi xót. Bao bạn bè, bà con, người thân tôi trong đó. Mỗi người là một pháo đài. Trung ương tập trung cho SG. Thế giới nhìn về SG. Cả nước hướng về SG. Tôi tin rằng chỉ trong vòng 3 tháng nữa. Các con đường chống dịch sẽ rõ ra, giãn cách và tiêm chủng sẽ phối hợp nhịp nhàng, cuộc sống người dân sẽ từng bước được cải thiện, hàng hóa sẽ lưu thông, nhà máy sẽ rộn ràng, dân Sài Gòn lại dang tay mở rộng đón người thân!…
Sài Gòn trong đau thương vô vàn ấy vẫn xinh đẹp, ấm áp tình người, sáng ngời niềm tin trong vòng tay bè bạn, Sài Gòn ơi!…
Nguyễn Quang Chơn
Thứ Sáu, 16.7.21, 7 ngày phong tỏa Sài Gòn
Thứ Sáu, 16.7.21, 7 ngày phong tỏa Sài Gòn