User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lesalongve
- Tranh: họa sĩ Lê Sa Long
 
Nếu ở Bắc kỳ thì giọng Hà Nội khác Hải Dương, Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều khi xứ này nói xứ kia có thể rất khó hiểu.
 
Nhưng tại Nam Kỳ thì tiếng Sài Gòn và tiếng các tỉnh thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa, tức là toàn Miền Nam thì lại y chang nhau, tức cùng chung tiếng nói không khác nhau nhiều lắm.
 
Người Nam Kỳ cùng kêu chiếc xe đò, cái bến bắc, cái cầu quây, nồi canh chua, cọng bạc bà và chén cơm, uống cái chung rượu, quậy ly cà phê và bực quá "xáng" hoặc "táng" một bạt tay vô mặt... người đối diện.
 
Sáng sớm bửng, mới lụi hụi mở cái cửa đặng mà hít khí trời, tai đã nghe mấy bà bạn hàng ngoài lộ cái rân trời.
 
"Dì Hai ơi! Bi nhiêu một ký cá lóc cửng này dzậy hả dì?"
 
Dân Nam Kỳ phân cá lóc ba loại, cá lóc bự là loại lớn nhứt, cá lóc cửng là loại vừa cườm tay, lòng ròng là cá lóc con mới đẻ. Ai rành ăn thì luôn chọn cá lóc cửng chiên và làm khô là ngon nhức nhối.
 
Còn các loại cá khác thì có loại bự và loại "don don", don don là không lớn, không nhỏ.
 
Người Miền Nam nói chuyện hay đệm chữ "xí" khi thể hiện tình cảm. Chàng trai năn nỉ người yêu, nàng mím môi "xí" một cái là đang giận, còn bạn bè xí lại là có khi ghét.
Còn có "xí hụt", "xí được" nữa. Xí hụt là làm cái gì lỡ hụt, xí được là lượm được, người Nam không nói lượm mà nói là "lụm".
 
Khi diễn tả cái gì "trầm trọng" dân Nam hay xài từ "bung nóc" hoặc "bung (banh) nhà lồng chợ". Thí dụ thấy làm đồ nhậu nhiều quá la lên "Nhậu bung nóc bây ơi". Ai xấu quá thì "xấu banh nhà lồng chợ".
 
Bung hay banh là banh chành té bẹ, banh ta lông
 
"Ầu ơ...!
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"
 
Người Miền Nam kêu xe đò, xe lửa, xe hơi, xe cam nhông, xe con cóc.
 
Trong số đếm cái cuối cùng dân Nam sẽ nhứt định kêu là "chót". Kể nè, nải chuối chót là nải chuối cuối quày nên nhỏ xíu, ốm nhom ốm nhách.
 
Con cái đẻ thì năm một, thằng bé Hai, con bé Ba tới con bé Mười, chưa hết, còn thằng út, mà Út mà còn lòi ra Út Nữa, Út Thêm, Út Rồi, Út Mót, Út Vét, tới Út Chót mớt xong nha hôn.
 
Xe chuyến cuối, đò chuyến cuối, máy bay chuyến đêm buồn ngủ thấy tổ kêu là "chuyến chót".
 
Ông kia lấy vợ mà ly dị hai ba bận, bận mời cưới gần nhứt bà con hỏi "Chuyến này chót hén chú Bảy?". Bảy trả lời :"Hông biết à nghen"
 
Chuyến xe chót có gì vui? Có sự quyến luyến và dùng dằng khi chia tay, nó có chút mùi lãng mạn kiểu Quỳnh Dao.
 
- Cho tui nói ảnh chút chuyện nữa
 
- Anh đi mạnh giỏi nha anh, nhớ biên thơ về cho em nha anh!
 
- Thôi em về đi, nghe hôn em, để anh đi, nói giùm anh gởi lời chúc má ở nhà mạnh giỏi.
 
Khi đọc thư tịch Miền Nam, phận con cháu chúng ta rất vui khi nghe cách ông bà mình nói chuyện kiểu bình dân.
 
Người Bắc hay nói "chết bỏ bu"và "bỏ mẹ"
 
Tú Xương có bài thơ:
 
"Sơ khảo khoa này có Cử Nhu
Thật là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu"
 
Nam Kỳ thì thẳng luôn, là "chết mẹ" hoặc "chết cha", "thấy ông bà ông vãi", "thấy mồ tổ."
 
"Cha già con mọn chơi vơi
Cha làm chết mẹ, con chơi tối ngày"
 
"Chết mẹ" là một từ đệm, thêm thắt vô những câu cảm thán.
 
Dân Lục Tỉnh như đã nói không thích rào đón trước sau, nói là vô thằng cái rột, cái ót. Cũng không nói uốn lưỡi "tròn vành rõ chữ". Thành ra quen phát âm "r" thành "g", "tr" thành "ch" hết ráo.
 
Thí dụ: Tao nói dõ dàng dồi sao mày không nghe dậy hả mậy?
 
- Chị quởn quá hà, ngày nào cũng nói, nghe muốn điếc con ráy người ta hà. Nói gì mà quá chời quá đất.
 
- Con lạy bà nụi. Nói vậy mà mày còn chưa thấm cái mốc xì gì đó. Mày hông hiểu ráo trọi gì hết hà.
 
Vốn lòng dạ thẳng ngay, luôn hạ mình xuống để nâng người đối diện lên, biết thương người đồng cảnh, đồng loại, nhìn ra cùng một phương đặng mà cùng kiếm chén cơm manh áo. Người Miền Nam luôn thiệt bụng, thiệt lòng, không lòng vòng và gài bẫy bằng lời nói người đối diện.
 
Trong cách nói thường ngày, ta sẽ thấy chữ "thiệt" được xài rất nhiều.
 
Chàng đi ghe bầu thích nàng bán vàm, chàng hỏi:
 
"Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được không?"
 
Nàng đáp lời:
 
"Thương anh ăn nói thiệt thà
Theo anh may rủi gọi là hên xui"
 
Trong những lời tỏ tình nam nữ ngày xưa, ông bà mình luôn bày rõ "qua thiệt có tình thương với em hai"
 
Nếu bạn quen người Sài Gòn bạn sẽ nghe hai chữ "Thiệt hôn?" rất nhiều lần.
 
Trong những bữa cơm, bữa tiệc, giỗ quảy ở Miền Nam, gia chủ luôn ép khách phải ăn no bụng bằng câu "Em ăn thêm nữa cho thiệt no đi"
 
“Hôm nay có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”
 
Tiêu chuẩn để xài người, thực hiện lời nói của người Miền Nam là trên tinh thần "thiệt", thành ra họ rất ghét người giả dối, đánh vòng, léo quéo tư cách.
 
Khi nghe bà con mình nói "Để thủng thẳng tao tính" khi đi đòi nợ là hiểu là họ không có tiền trả rồi, không có tiền thì đòi bất tử quá tiền đâu mà trả liền.
 
Xin nhấn mạnh, người Miền Nam không xài vần "ênh" như người Bắc, Nam Kỳ là "inh" và nhứt định là "inh" và "anh"
 
Thí dụ: Sanh đẻ, sanh linh, sanh nhựt
 
Rồi bị bịnh, lịnh ông lịnh bà, ra lịnh, tiếp nghinh, nghinh ngang, kinh rạch, thác gành.
 
Rồi "minh mông", phui pha, nươm nướp, cháng váng, lè lẹt…
 
Nhớ là Nam Kỳ tính "ngàn" chứ không nghìn nha chưa? Bằng chứng là về Hậu Giang sẽ thấy bạt ngàn địa danh "Ngàn". Đi đọc kinh Xáng Xà No là một loạt địa danh “Ngàn”, từ Một Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi.
 
"Cái rầm" là một từ diễn tả khá thông dụng của người Miền Nam
 
"Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm
Búa xua ông tham biện, bạc tiền ông để ở đâu?"
(Thơ cậu Hai Miêng)
 
Xin hãy đọc lại một đoạn trong tuồng cải lương "Tiếng hò sông Hậu" để thấy hơi hám Miền Nam đậm đặc trong đó.
 
"Tiếng Hò Sông Hậu" là tuồng sau 1975 tố cáo cái ác của điền chủ, chúng ta không bàn về cái "tuyên giáo" của nó, xin mượn ngôn ngữ Miền Nam thôi.
 
"- Ông hội đồng Dư: Thừa hả? Ê mầy tên Thừa hả? Thừa đây có nghĩa là “thừa nước đục thả câu”, phải hông mậy?
 
- Thừa: Dạ hông. Dạ thừa là dư đó chớ
 
- Ông hội đồng: Dư… Tổ cha mầy
 
- Thừa: Ủa. À, tui dốt nát, tui cắt nghĩa cái tên cúng cơm của tui như vậy đó, nó không đúng hay sao mà tất cả đều ngạc nhiên.
 
À… hay là cái tên của tui nó có nghĩa gì vô duyên. Tía tui thì ổng tên Đủ, mà thiếu mãi quanh năm, không đủ mặc, đủ ăn. … rồi ổng mới đặt cho tui cái tên Thừa là cầu tài cầu vận, là điều mong mỏi cho con, được hơn cha đổi thay số phận, lớn lên làm ăn khá giả, dư ăn, dư để như người.
 
- Hương quản: Ý… Trời… Trời… Ý… Trời …. Trời… Ê cái thằng du côn ở đâu đó. Mầy dám nghinh ngang vô phép sỗ sàng
 
- Thừa: Tui vô phép hồi nào?
 
- Cặp rằn Lựu: Mầy dám hỗn hào là dư nọ, dư kia. Ông cố nội mầy ngồi đây nè, mà mầy giả ngu không kiêng cử, e dè.
 
- Ông hội đồng: Tao là Hội đồng Dư đây nè. Mầy có đủ, có thừa cũng mặc kệ, ông nội cha bây
 
- Thừa: Dạ, ông Hội chửi tới ông nội tui rồi đó. Dạ, ông nhắc thì tui mới dám nói hà. Ông nội tui cũng tên Dư. Ổng tên Dư mà sao suốt… đời ổng dư hổng nổi. Tía tui thì tên Đủ nhưng mà chẳng đủ bao giờ. Tới tui tên Thừa nhưng mà vẫn thiếu.”
 
Nhớ câu vọng cổ rặc ròng hơi hám Lục Tỉnh xứ mình:
 
“Tôi là trai xứ Long Xuyên, vườn xanh nước bạc, cũng là bạn nắng mưa của ruộng đồng bát ngát Rạch Giá, Ba Xuyên. Nhưng mà vườn thì của ai đâu, ruộng thì của chủ điền. Riêng mình cũng không có đất để cặm dùi, đúng hơn là mình hông có dùi mà cặm đất với người ta. Làm chết mẹ chết cha cũng ra thằng Thừa. Thừa đây là thừa sức ngựa trâu. Quần còn lưng vận, áo còn bâu cũng cày bừa”
 
Trong "Nửa Đời Hương Phấn" ta thấy các nhân vật cũng đậm đà bản chất người Sài Gòn xưa
 
"Dẫu biết em có thành hôn với dượng Ba đây hay là với bất cứ ai đi nữa, thì chị cũng về với… em. Để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba với má. Chị cũng được nở mặt nở mày với lối xóm bà con"
 
Đoạn đối đáp của Sài Gòn những năm 1965
 
"- Chú Năm: Hương! Phải Hương không Hương?
 
- Hương: Chú
 
- Chú Năm: Chú biết thế nào rồi bây cũng về mà
 
- Hương: Ủa? Bữa nay chú Năm không có đi chạy xe sao chú Năm?
 
- Chú Năm: Tao bịnh. Sổ mũi, làm xe rác mấy năm rồi mà sao lỗ mũi tao chưa quen hổng biết nữa
 
- Hương: Rồi bây giờ chú đi đâu đây?
 
- Chú Năm: Vô sở nhắm coi có phát lương chưa đặng lãnh nè. Còn bây? Con đi đâu vậy? Hai mươi ngày nay tự nhiên bỏ nhà đi khan vậy?"
 
Tuồng" Tiếng Hạc Trong Trăng" của soạn giả Loan Thảo,Yên Ba mang màu tuồng Tàu mà ngôn ngữ của Miền Nam
 
“- Xuyên Lan: Bình Thiếu Quân ơi! Còn mưa hông anh?
 
- Thiếu Quân: Ờ… mưa… lắc rắc thôi.
 
- Xuyên Lan: Em lạnh quá hà!
 
- Thiếu Quân: Để anh đốt lửa cho em sưởi, rồi anh đi nghen.
 
- Xuyên Lan: Đốt lửa trong nhà người ta, người ta hổng rầy sao?
 
- Thiếu Quân: Rầy cái gì, người ta bỏ rồi mà.
 
- Xuyên Lan: Sao người ta cất nhà, người ta hổng ở, người ta bỏ đi vậy anh?
 
- Thiếu Quân: Ờ… mờ… Chắc tại ở đây làm ăn hổng khá cho nên người ta phải đi nơi khác tìm kế sanh nhai.
 
- Xuyên Lan: Đi chỗ khác người ta giàu hông?
 
- Thiếu Quân: Ờ… Giàu chớ!
 
- Xuyên Lan: Sao anh biết? Anh có gặp người ta hông?
 
- Thiếu Quân: Ơ… Trời ơi, làm sao em hỏi cù nhây cù nhưa hoài vậy. Nè anh đã nhen bếp lửa hồng rồi nè, em xích lại gần đây mà sưởi ấm đôi tay đi!
 
- Xuyên Lan: Dạ!"
 
Kết bài này, mời mọi người coi ông Hồ Biểu Chánh tả cảnh chiều mưa nè, nghe rưng rức
 
"Một buổi chiều, trời mưa rỉ rả, gió thổi lao xao. Hiệp nằm trên bộ ván gõ nhỏ, ngó ra cửa sổ, thấy hột mưa lác đác, hột nầy tiếp hột kia, như giọt nước mắt của trời nhỏ xuống, rồi lại thấy ngọn cây phía bên kia đường quặt xuống, ngóc lên như ai xô, ai đẩy, thì lòng ngao ngán, trí bàng hoàng"
 
Mỗi khi ngồi nhắc lại ngôn ngữ Miền Nam có lẽ ai cũng bổi hổi bồi hồi, tâm hồn xao động dữ dội. Tình cảm con người gắn với đất, với xứ, với những gì mà chúng ta nói với nhau hàng ngày, đó là sợi dây thắt lòng người Miền Nam với nhau cho bền sâu gốc rễ vậy.
 
"Cuối trời, trong tháng năm liêu tịch
Khao khát chân mây ửng nắng hồng
Canh vắng chong đèn soi quá khứ
Viết thời biển lặng tiếp sông trong".
 
Nguyễn Gia Việt
- Tranh: họa sĩ Lê Sa Long
Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975 
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com