User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chodualongem
 
Từ cái thuở khai sơn lập địa người dân Nam Bộ đã biết tận dụng triệt để những thứ từ thiên nhiên ban tặng để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Đơn cử phổ biến rộng rãi nhất có thể là “Dừa”. Vậy Dừa đã xuất hiện từ bao giờ, và Dừa xuất hiện để mang đến sứ điệp gì.
 
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
 
Nội nói: "Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm"
 
Trước tiên là phải nói tới cái bóng mát của lá Dừa, dưới gốc Dừa đã từng diễn ra biết bao binh đao khói lửa, nào là tụi con gái nhảy dây bụi bay mù mịt, rồi đám thằng Duy, thằng Bin, thằng Quy, thằng Lộc bắn đạn tay nhem nhuốc phủi phủi chùi chùi rồi chét lên mặt, chà lên quần, tay phải thật khô ráo mới bắn ra được những nhát chí mạng, có những hôm áp lực về thắng thua tụi nó còn đánh nhau, đè lên nhau, bụi bay mù mịt, khiến ông Nội đang nằm thiu thiu ngủ phải la sảng lên thì tụi nó mới chịu im.
 
Cậu ba xếp lá Dừa phơi từng cặp, mợ Ba dùng Lạt nhẹ nhàng buộc lại thành từng mái xếp chồng lên nhau, việc ai nấy làm, lâu lâu thấy mợ Ba lén nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên thân mình ông chồng, rồi cười nhẹ, lát sau là thấy một ca trà đà bự chà bá lửa kèm cái bánh Pía đặc sản xứ này vừa hết hạn cúng nằm trên sạp. “Lạt mềm, buộc chặt” mỗi người tự quăng cái tôi xuống mương là sống với nhau đời đời ấy mà, có xá chi phải đi học cách yêu, cách thương, cách sống hạnh phúc, bởi hạnh phúc là từ trong tâm, muốn là được, chỉ sợ làm biếng không chịu hạnh phúc. Từ sớm giờ chưa nghe cậu mợ Ba than la câu nào, vậy mà thoắt cái đã thấy ông Tư Lục, ông năm Bình có mặt, nhanh cái tay lẹ cái chân leo lên lợp mái nhà tiếp cậu mợ Ba, con nắng đổ bóng chiều là xong cái chái bếp. Rượu nhà có sẵn, mợ Ba bắt con cá dưới mương, quăng ít bắp chuối bào, bông bí, bông điên điển, bông so đũa, kèo nèo… vậy là rơm ra đôi ba câu chuyện mà nhìn đau cũng thấy nụ cười, bởi cái xứ này, sống thiệt, nên dễ sống lắm..
 
Không biết rễ Dừa đã ăn nằm tại con đất này bao năm bao tháng mà thân Dừa trở nên chắc khỏe như vậy, chiếc võng sờn vai mắc hai đầu vào thân hai cây Dừa, là nơi mà Ông Nội ngủ trưa, đọc báo, nơi mà tụi nhỏ nhảy lên một lúc hai ba đứa rồi đẩy nhau lộn mèo xuống mương, và cũng là nơi biết bao giọt sữa tiếng ru à ơi nuôi lớn bao nhiêu thế hệ.
 
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá nguỵ trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường
 
Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời.
 
Có lẽ là vậy dường như người nào đó đã từng nếm trải biết bao cay đắng của cuộc đời thì họ tức khắc sẽ dần trở nên ít nói, lắng nghe nhiều, không để ý sự đời nữa, và mỗi khi ta được gặp họ, không cần nghe họ nói nhiều, không cần phải “ba hoa chích chòe”, chỉ cần nhìn nhau là ta nhận lại được rất nhiều năng lượng từ họ. Dừa đã sống qua biết bao thăng trầm trên cái đất Nam Bộ này, chắc đã đủ mùi khét thuốc súng, âm thanh vang trời những ngày khói lửa, Dừa cũng đã chứng kiến được những giọt máu rơi xuống, những giọt nước mắt rơi ngược lên, vậy là đúng rồi “Dừa đã hút bao cay đắng để trổ ra những trái ngọt cho đời”.
 
Những phát hiện thiết thực của người dân Nam Bộ.
 
Trái Dừa chặt ra lấy nước uống, cái dừa nạo cho tụi nhỏ mỗi đứa miếng ăn chơi, nước cốt dừa nấu chè ăn, hay là dầu Dừa làm tóc bà Nội óng mượt mà sau này con Xuân mới mười lăm tuổi cũng bày đặt cắp của Nội một miếng nó núp sau cái lu để gội, xác Dừa thì phơi khô làm củi chụm lửa cực bén, gáo Dừa làm đồ múc nước gội đầu, tắm rửa… ôi đếm sao cho hết các công dụng từ Dừa. Sống cả đời cống hiến cho con người, vậy mà khi nằm xuống vẫn không hề bỏ mặc người dân nơi đây, dừa nằm xuống tay bám chặt thành đất bên bờ này, chân vắt chắc chắn bên bờ kia làm nên thành phẩm cây Cầu Dừa mà bao đời bao thế hệ đã từng bước qua để đến trường, để mưu sinh, để thành công và để trở về.
 
Dù sau nay thời thế thế thời, vì lý do nào đó “Dừa” mất tâm mất tích trong cõi Nam Bộ này, thì cái tên nó cũng chẳng đổi sao dời, bởi cái dân Miền Tây mở miệng ra là có “Dừa” trong đó. Thằng Quy không nghe lời chị Na, té xuống mương cái ủm, bả cũng nói “cho dừa”. Má nắn nót may cho con Xuân bộ đồ Bà Ba ăn Tết, nó thọt vô thử, má cũng nói “dừa dặn dữ à”. Sau này con Xuân lớn, nó yêu thằng kia ở xứ Kiên Giang đạo, chẳng biết vì lý do gì, nó bỏ đi, thằng nhỏ buồn hiu nằm gốc cây rồi hát ngêu ngao bài “Cho dừa lòng em”.
 
Tôi thề tôi chẳng yêu ai, vì người ta cứ phụ tôi hoài
Bây giờ tôi chẳng còn tin, trong nhân gian có kẻ chung tình
Tôi giận tôi đã ngây thơ, đem tình yêu hiến dâng người hết
Bây giờ tôi chẳng còn chi, khi người ngoảnh mặt mà đi
Bây giờ tôi chẳng còn chi, khi người ngoảnh mặt mà đi
 
Trời đất, thiên nhiên, tiền hiền từ thời khai khẩn chắc cũng có tính trước. Sợ tụi nhỏ sau này lỡ quên mất những giá trị thiên nhiên ban tặng, nên dằng lại đó cái phương ngữ Nam Bộ, rặt Miền Tây, dù có sai chính tả tứ lung tung, nhưng đó là nó, đúng nó rồi, cái dân Miền Tây chứ hổng sai chút nào..
 
Ba Trĩ. Kiên Giang. 27,10,2021
 
Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975, Trang Văn Chương Miền Nam
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com