![Qua Thai Lan 540x394](/images/01.2025/Qua-Thai-Lan-540x394.jpg)
Các mạnh thường quân người Việt tại Úc Châu gửi tặng đồng bào tị nạn CSVN đang sinh sống tại đất Thái Lan là một bao gạo 10kg và tờ tiền mặt 500bath. (Hình: Minh Hải)
Mồng 7 Tết Ất Tỵ 2025 (nhằm ngày 4 tháng Hai-Dương lịch), anh Hải và chị Trinh là hai trong số hàng ngàn người Việt Nam tị nạn CSVN tại Thái Lan gọi điện thoại cho tôi, vừa thăm hỏi vừa kèm lời nhắn, đầu giờ chiều nhớ đi nhận quà từ thiện của các mạnh thường quân người Việt tại Úc Châu, gởi tặng đầu năm cho mọi người.
Một thoáng nghĩ ngợi trong đầu, vậy là cái Tết cổ truyền đầu tiên trôi qua đối với tôi tại xứ người. Sở dĩ tôi nói vậy là vì, trong suốt hành trình lên tiếng cổ vũ cho một nền tự do báo chí, tự do dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trước sự đàn áp, bố ráp của nhà cầm quyền CSVN, chuyện tôi, và những người hoạt động phải đón những cái Tết xa nhà, xa bạn bè-người thân là chuyện thường tình.
Đi đâu loanh quanh thì đó cũng là quê nhà Việt Nam chứ có xa xôi gì. Còn bây giờ, chính xác hơn là từ đầu Tháng Chín năm 2024 đến nay, hành trình của tôi lại xa hơn một bước nữa, khi tôi rời Việt Nam để sang đất nước Thái Lan, tìm đến văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xin tị nạn.
Cũng phải kể thêm rằng, khoảng thời gian trước đó nữa, tôi đã có một cái Tết cổ truyền 2024 cùng với gia đình hết sức áp lực và cân não. Trong không khí Tết đến Xuân về, người người-nhà nhà đều bận rộn với những công việc của tháng cuối năm, bản thân tôi cũng bộn rộn đi làm phóng sự, đưa tin tức không khí đón Tết của người dân Việt Nam cho các báo đài bị nhà cầm quyền CSVN liệt vào danh sách “thù địch.”
Hàng loạt tờ giấy mời của cơ quan an ninh Công An CSVN tại địa phương gửi đến nhà, yêu cầu tôi đến trụ sở Công An làm việc với lý do: Liên quan đến hoạt động xuất bản- báo chí, khiến hết thẩy các thành viên trong gia đình đều lo lắng. Cho đến hiện tại, hầu như người nhà của tôi không hề biết tôi đã làm những công việc gì để khiến lực lượng công an, an ninh nhiều lần đến nhà, nhiều lần đứng canh trước cửa ngõ, nhiều lần nói với mọi người rằng, tôi có tư tưởng phản chính trị.
Bản thân tôi là người đang nguy hiểm nhưng kỳ thực, giữa giờ phút ấy tâm trạng của tôi trái ngược với tâm trạng của mọi người. Tôi nhớ mình bình tĩnh nhũ thầm: “Đến lúc rời gia đình, đi lánh nạn rồi.” Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân quen ngoài xã hội của tôi bị nhà cầm quyền CSVN ở các tỉnh-thành bắt bỏ tù, sách nhiễu và thậm chí có người đã quẫn trí tìm đến cái chết ở thời điểm đó. Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền CSVN thường hay đẩy cao trào trấn áp giới hoạt động vào những dịp Tết, lễ, hội…
Xét bối cảnh xã hội Việt Nam và thực lực của CSVN hiện tại, ngoài hai lựa chọn “đi tù và đi tị nạn” thì hầu như không có nhiều sự lựa chọn nào khác dành cho giới hoạt động Việt Nam. Xác định tư thế vậy, nên các nhà hoạt động Việt Nam không hề nao núng trước tội ác của nhà cầm quyền cộng sản. Ngoài việc tranh thủ thời gian còn ở với người thân, chăm lo cho gia đình được cái gì hay cái đó, còn lại nhiều nhà hoạt động thủ sẵn cho mình cái balo đựng sẵn vài bộ áo quần và ít đồ cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm…
Và tôi cũng đã chuẩn bị trước cho cái ngày ra đi. Đêm cuối nhìn mặt cha mẹ, tôi không tránh khỏi nghẹn ngào. Đeo balo lên vai, tôi chỉ nói dối với ông bà để hai người đỡ buồn rằng, con đi công việc vài ba ngày rồi về, giây phút ấy tôi nghĩ không mấy ai đủ mạnh mẽ để thốt nên lời “con đi lánh nạn, con đi xin tị nạn, không trở về nữa.”
Vào miền Nam, để tránh sự phát hiện của nhà cầm quyền CSVN, tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở, liên tục thay đổi tỉnh-thành cư trú và hạn chế mức tối đa việc xuất trình giấy tờ tùy thân. Vừa lánh nạn vừa theo dõi tình hình, qua vài tháng thấy sự trấn áp của nhà cầm quyền CSVN vẫn không hề thuyên giảm, nên tôi quyết định vượt biên sang Thái Lan xin tị nạn chính trị.
Trở lại thực tại, phần quà đầu năm mà các mạnh thường quân người Việt tại Úc Châu, gửi tặng đồng bào tị nạn CSVN đang sinh sống tại đất Thái Lan là một bao gạo 10kg và tờ tiền mặt 500bath. Tôi thật sự xúc động. Về mặt tiền bạc, giá trị của phần quà không là bao, nhưng về mặt tinh thần, nó mang một ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, là nghĩa cử cao đẹp của người Việt cho dù ở cách xa vị trí địa lý nhưng vẫn hướng về nhau, vẫn dang rộng vòng tay đùm bọc cưu mang lẫn nhau.
![Qua Thai Lan](/images/01.2025/Qua-Thai-Lan.jpg)
Một thuyền nhân người Việt mất trên đất Thái Lan, nhiều người tị nạn cùng chung tay lo tang lễ. (Hình: Phương Vũ)
So với hàng ngàn đồng bào tị nạn CSVN đang còn ở đất Thái Lan, có người qua được vài ba năm, có người đã ở hơn chục năm, thậm chí có trường hợp lên tới vài chục năm, tôi thuộc thành phần chân ướt chân ráo.
Biết tôi mới qua, nhiều anh, chị, em hỏi “Sao? Buồn không?” Do có sự chuẩn bị từ trước nên bước đầu đặt chân trên đất Thái Lan, tôi thấy mình gặp ít khó khăn hơn so với phần đông số anh, chị em khác lúc mới qua. Còn nói buồn, nếu nói không là dối lòng, mới đầu xa quê hương, xa người thân có ai không đối diện với khoảng trống vắng, buổi cơm chiều nơi quê nhà cha mẹ đang đợi trông, con nơi xa trông ngắm vọng về.
Nhiều anh, chị em quan tâm cho tôi còn căn dặn đủ điều, nào là người Việt tị nạn CS ở Thái Lan phức tạp lắm, hay nghi kỵ, sống lâu sẽ thấy nhiều bản tính xấu xí lộ ra và dặn tôi cẩn thận. Tôi chạnh lòng với bao thổn thức.
Người Việt mình xấu lắm sao? Tôi nghĩ: Không đâu. Chỉ vài người cư xử chưa được tốt với nhau thôi, vì tôi cũng là người Việt tị nạn cộng sản và hằng ngày tôi đang nhận sự trợ giúp, sẻ chia từng cọng rau, lon gạo từ chị Trinh, chị Phương… nhiều thứ khác từ chính người Việt tị nạn tại đất Thái Lan này. Hoặc có thể tôi thuộc số ít những người may mắn, vừa mới đi tị nạn đã được nhiều người quan tâm giúp đỡ.
Thực giữa sự chông chênh của cuộc sống nơi xứ người, đôi khi những thứ đơn sơ, bình dị nhất cũng đủ làm mình ấm lòng đến kỳ lạ. Nó cũng là động lực, những hy vọng giúp bản thân mạnh mẽ hơn trong khoảng thời dài sinh sống ở xứ người, sẽ đầy những khó khăn phía trước.
Đây chính là tình người Việt xa xứ, xa quê hương nhưng không xa tình người, chỉ cần cùng hoàn cảnh chứ không cần chung máu mủ ruột thịt cũng đủ để nương tựa nhau, sống tình thân như người một gia đình. Thật đáng trân quý!
Mà tôi thấy người Việt mình cũng hay thật, giữa những khu phố nhộn nhịp, đông người Tây, Tàu, Âu-Á… đủ mọi thành phần sắc dân, chỉ cần một giọng Việt cất lên là hầu như mọi lạc lõng trong người được xua tan, tiếp theo sẽ là những nụ cười, niềm nở hỏi han như người thân quen nhau từ trước, những người trước đó không hề quen biết nhau ở xứ mình thì nay lại thấy thân quen nhau ở xứ người, đất khách quê người đúng là nơi nâng tầm giá trị đồng cảm. Cảm ơn tất cả!
Minh Hải