Phố Hà Nội, một ngày đầy nắng và gió, và tiếng ve kêu râm ran, và màu đỏ tươi trên bộ đầm kiêu sa lộng lẫy của nàng phượng vĩ, và màu tím mộng mơ đầy mê hoặc của những đóa bằng lăng tất cả đều tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa hạ tuyệt sắc không gì sánh được, làm rung động lòng người.
Ấy vậy mà, ở trung tâm của bức tranh thơ mộng ấy lại là hình ảnh một con bé áo quần rách dưới, mặt thì cáu bẩn như cả năm chưa tắm, đôi chân trần chằng chịt vết sẹo đang cố lê từng bước trên phố. Nó mím chặt đôi môi nứt nẻ, không nói tiếng nào mà chỉ im lặng, chìa cái túi ni lông bé xíu ra trước mặt những người đi đường và dùng ánh mắt đáng thương để xin chút tiền từ họ. Có người lắc đầu rồi đi thẳng, có người xua nó đi như đuổi tà, những cũng có người dừng lại hỏi han nó vài câu. Những lúc như thế, nó sẽ chỉ vào cổ họng mình rồi lắc đầu vài cái và như thế người ta sẽ hiểu: “À, hóa ra nó bị câm!” rồi những đồng tiền xu, những tờ giấy bạc sẽ được thả vào cái túi ni lông bé xíu ấy của nó mà không cần bất cứ một lời van nài cầu xin nào. Cứ như thế, chỉ trong vòng một buổi sáng nó đã có đủ tiền ăn cho cả ngày.
Nó tới quán bánh mì quen thuộc, bước đi có phần khó nhọc vì cái bụng rỗng của nó vẫn đang kêu gào nãy giờ. Bác chủ quán thấy nó liền tươi cười nói:
– Cháu lại đến đấy hả? Hôm nay có kiếm được nhiều không? Đây, bác gói sẵn bánh cho cháu rồi nầy, cầm lấy đi.
Nó gật gật rồi hơi cúi người xuống để cám ơn, nó cầm mấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ vuốt vuốt vài cái rồi mới đưa cho bác chủ quán. Bác vẫn giữ nụ cười trên môi:
– Thôi, coi như là bác tặng quà cho khách quen. Bác cũng biết hoàn cảnh của cháu đã rất khó khăn rồi, sao còn nỡ lấy tiền chứ? Cứ cầm cái tiền ấy để tích kiệm mua bộ quần áo tử tế mà mặc!
Nó mỉm cười, nhưng đôi môi khô rát khiến nụ cười nó méo xẹo. Nó lại cúi đầu lần nữa ra điều để cám ơn, nhưng rồi lại quả quyết dúi tiền vào tay bác bán bánh rồi cắm đầu cắm cổ chạy mất. Bác nhìn theo bóng dáng gầy gò của nó tập tễnh chạy trên phố mà lắc đầu, thở dài, miệng cứ lẩm bẩm: “Khổ thân con bé quá”.
Lại nói đến con bé kia, nó chạy đến khu ổ chuột quen thuộc thì ngồi phịch xuống đất, hổn hển thở gấp, chân tay rã rời, cả người không còn chút sức lực nào. Đương lúc nó đang định mở gói bánh của mình ra thì một thằng bé khác đi tới. Thằng bé ốm nhom, gầy gò, trông còn thảm hại hơn cả con bé kia, trên mặt có một vết bầm lớn trên má, khóe mắt sưng vù còn môi thì bị rách một vệt trông đến là sợ. Con bé nhìn chằm chằm đầy lo lắng…
– Tao không sao, chúng nó lại ăn no rửng mỡ đến hoạch họe tí thôi. Mà đừng có nhìn tao cái kiểu đó, có đưa bánh đây không thì bảo?
Nó hất hàm liếc nhìn con bé ngốc nghếch ấy vẫn đang cau mày như suy nghĩ gì đó quan trọng lắm. Bực mình, thằng bé đá cho con bé một phát, tất nhiên với sức lực của một thằng ăn mày đói ăn thì nó không thể giết chết một con ruồi, hơn nữa cu cậu chỉ định đá nhẹ cho nó tỉnh, ai ngờ nó lăn quay ra đất bất tỉnh nhân sự. Cuống quá, không biết làm thế nào, thằng bé xốc cả người con bé kia dậy lôi vào cái lán tập xệ của hai mẹ con nó. Lúc sau, con bé tỉnh lại, nó nhìn mẹ thằng bé kia với vẻ nghi vấn:
– Thằng An nó đi ra ngoài đường kiếm ăn rồi, con tỉnh lại thì ăn bánh cho đỡ đói, chắc tại say nắng và kiệt sức í mà.
Nó nhận mẩu bánh mì từ tay mẹ An, bà chính là người bảo thằng An đi cứu nó khi nó bị bọn côn đồ bắt nạt, dù nghèo đói bệnh tật nhưng vẫn luôn coi nó như con đẻ và cưu mang nó mấy tháng nay. Bỗng nó thấy cái gì đó cộm lên chỗ góc giường, hóa ra là quyển sách Sinh Học lớp Sáu mà hôm bữa nó nhặt được ngoài bãi rác, thằng An kêu đem đi bán giấy vụn rồi, thế mà giờ nó lại ở đây. Thật ra nó cũng biết ước mơ của An là làm bác sĩ để có thể chữa căn bệnh hiểm nghèo cho mẹ nó, nhưng ngặt nỗi cha mất sớm, nhà lo tiền chạy chữa thuốc cho mẹ không đủ nên nợ nền chồng chất, lấy đâu ra tiền cho nó học Y? Thế nên thằng An đành phải giấu nhẹm cái giấc mơ viển vông ấy đi, nó cũng khá thông minh sáng dạ nên tối lúc mọi người đi ngủ hết thì nó lại lôi mấy quyển sách lượm được ra tự học một mình.
Nó cứ nhìn chằm chằm quyển sách trên tay một lúc lâu, rồi như hạ quyết tâm, nó vụt chạy đi ra khỏi túp lều, lát sau nó quay lại với một bọc lớn trong tay. Nó cúi cả cái bọc cho mẹ An. Bà ngạc nhiên:
– Đây là gì vậy? Trời ơi, con lấy đâu ra nhiều tiền thế này? Con… Có phải con đi ăn cắp không? Bác đã nói con bao lần rồi, mình nghèo nhưng mình phải biết tự trọng!
– Bác, bác bình tĩnh nghe con nói. – Nó cất giọng nói, cái giọng hơi khàn vì cổ họng khi khốc nhưng phát âm vô cùng rõ ràng.
– Con có thể nói được sao?
– Vâng… Bác! Đầu tiên cho con xin lỗi vì đã lừa dối bác bấy lâu nay. Thật ra con là diễn viên, con bắt đầu sự nghiệp từ hồi mới lên năm, con giả ăn mày để nhập vai và hoàn toàn thấu hiểu được cuộc sống của ăn mày cho vai diễn tới. Con giả câm vì sợ có người nghe giọng sẽ nhận ra con… Nay con phải trở về với cuộc sống thực của mình rồi, con xin bác hãy để con trả nợ cho bác như để cám ơn quãng thời gian qua…
– Con… Bác… Con…. số tiền lớn thế này… bác không thể nhận được!
– Bây giờ con chỉ muốn thực hiện ước mơ của An. Thế này đi, coi như con cho vay, sau này An thành bác sĩ thì có thể trả lại cho con!
Mẹ An ngần ngừ trong giây lát rồi nói:
– Thế thằng An về bác phải ăn nói thế nào?
– Bác cứ bảo là có người nhận nuôi con rồi, đây là tiền họ cám ơn.
– Nếu vậy thì nó sẽ hận bác cả đời mất, bác biết nó rất quý cháu.
– Thế thì bác cứ nói sự thật đi vì sớm muộn gì cậu ấy cũng sẽ biết. Thôi chào bác, con phải đi rồi! Cám ơn bác vì thời gian qua, con rất hạnh phúc! – Cô bé cười rạng rỡ rồi đi ra ngoài cửa, lên chiếc xe limô sang trọng đỗ gần đó. Chiếc xe lao đi như tên bắn, nhanh chóng biến mất sau ngã rẽ. Trong xe, có một cô bé ôm gối thân thờ, nước mắt chảy dài trên đôi gò má, cô không hề biết, ở một góc nọ, bên ngoài túp lều, cũng đang có một cậu bé khóc giống mình.
Phạm Thị Phương Mai