User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
gshuynhminhhiep
 
Đô thành Sài Gòn cách đây hơn 60 năm đón Giáng sinh như thế nào? Với những người thuộc “thế hệ cũ”, đọc lại phóng sự dưới đây, đăng trên tờ Văn Đàn Tháng Mười Hai 1960 không khỏi không có cảm giác ít nhiều bồi hồi, với ký ức tràn về, như thấy hiện lại một Sài Gòn náo nhiệt phồn hoa, với không khí thanh bình và an lành. Mời độc giả cùng quay ngược thời gian, trở lại “Sài Gòn của chúng ta” một thời, Sài Gòn của miền Nam dấu yêu một thời, để hân hoan chào đón ngày Chúa ra đời…
<!>
gshuynhminhhiep1
 
Không Khí Đô Thành Dịp Giáng Sinh 1960
 
Phóng sự của Sĩ Điền, Văn Đàn, số 28 và 29, từ ngày 17 đến ngày 31 tháng 12, 1960
 
Thú thật với bạn đọc nếu có ông già Noel thật, và nếu ông già ấy vui lòng tặng quà cho những người không còn là… trẻ thơ nữa, nhứt là tặng cho ký giả quèn như tôi, thì tôi chẳng xin ông cho món quà nào khác hơn là một bài “phóng sự làm sẵn” của ông, thì tui sẽ sung sướng hơn là ông cho gói bánh kẹo.
 
Ấy phải nói dông dài thế vì tôi có một số tật đáng trách là: nước đến chưn mới nhảy. Khi nào ông chủ bút thúc hối quá xá và anh em tấn công chỉ còn chờ bài chót là bài của “thằng tôi” thì lúc ấy cầm cây viết mới ra… văn.
 
Thật khổ! Giá có thứ thuốc chích nào trừ căn bịnh “trễ tàu” nầy thì tôi xin chích liền.
 
Bây giờ xin vô đề.
 
Quang cảnh các thánh đường đã khác thường. Cờ Hội-Thánh giăng mắc tứ bề, từ ngọn tháp chuông xuống tới các ngọn cây, phất phới bay trước gió để đón mừng ngày Giáng Sinh sắp tới.
 
Các tiệm bán đồ tân phẩm ở con đường sang trọng và đẹp nhứt Thủ đô, cùng các đường kế cận đều đã bị “lạnh” bất ngờ!
 
“Lạnh” đây không phải là có gắn máy lạnh, mà “lạnh” vì trong các tủ kiếng trưng bày những món đồ chơi tối tân rất hấp dẫn, bị phủ đầy… tuyết trắng nõn bằng bông gòn, cùng với những cây thông xinh xắn, những trái thủy tinh muôn màu xoay tít chiếu ra đủ thứ ánh sáng. Người ta mắc thêm đèn từ trong đến ngoài tiệm, để cho tiệm chan hoà ánh sáng và dễ thâu hút thân chủ.
 
gshuynhminhhiep2
 
Quà… “Văn Hóa”
 
Trước khi nói đến các món đồ chơi, tôi tưởng cần phải nói đến món “quà văn hóa” đã. Một tiệm sách lớn nọ, trang trí ngay một ông già Noel với một cần xé đồ chơi, xách đèn (đèn điện thật) cỡi lừa, đi tìm trẻ em ngoan để tặng quà. Xung quanh ông, bừa bãi những “sách quà”. Đây là một loại sách to rộng và chữ lớn, nhiều tranh minh hoạ màu sắc rực rỡ, bìa có tráng một lớp “vẹc ni” bóng láng. Toàn những truyện cổ tích như: “Cendrillon” (Con lọ lem), “La Belle au bois dormant” (Công chúa ngủ trong rừng), “Le petit Poucel” (Thằng bé Tí Hon), Những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, vv…
 
Ngoài ra, còn những sách về lịch sử, địa dư, vạn vật, thiên văn được trình bày nhiều tranh hơn lời văn, để trẻ em dễ hiểu. Văn thì có Pháp văn. Vì vậy loại sách làm “quà văn hóa ” tặng cho trẻ em này phải là của gia đình Pháp kiều hoặc của những gia đình Việt Nam giàu có và con em học tiếng Pháp từ thưở nhỏ mới mua nổi. Giá cả mỗi quyển từ 60đ đến bốn năm trăm đồng.
 
Ngoài ra cũng có những loại sách vuông vắn cỡ bàn tay, nhiều tranh màu, bằng Anh văn, dễ hiểu, giá độ 10đ. Trẻ em gặp dịp được tặng quà mà cũng là để trau giồi sinh ngữ luôn. Nhưng trẻ em lại thực tế hơn và không biết lo xa như người lớn, nên đòi mua đồ chơi thật sự chớ không mua “sách đồ chơi”.
 
Đây, Quà Thực Tế
 
Thích thú nhứt là những món đồ chơi đối với tuổi thơ. Cùng với sự tiến triển của cơ khí và khoa học, đồ chơi trẻ em được chế tạo nhiều thứ tối tân. Nào xe hơi có “ra đa” chạy theo chiều hướng điều khiển của tiếng còi. Nào con khỉ biết nhảy “hulahop”, con gấu biết chơi thể thao, môn “barre fixe” nhào lộn đủ phương thế không khác nào một lực sĩ điền kinh “chính cống”.
 
Máy bay phản lực cũng được xuất hiện thay thế máy bay có chong chóng, dù chỉ là món đồ chơi.
 
Suốt dọc lề đường Lê Lợi, từ nhà hàng Charner cũ đến ngã tư đường Pasteur, người ta đi chen lấn nhau cùng với trẻ em để chọn lựa đồ chơi. Tuy vậy, mà sự mua bán không được phát tài bằng những năm trước.
 
Đồ chơi ngoài lề đường lại bán chạy hơn trong tiệm chỉ vì người bán biết cách hấp dẫn thân chủ: lên dây nhiều cho các món đồ chơi cử động liên miên, do đó tạo nên một sự nhộn nhịp chung. Đã vậy người bán còn luôn mồm rao to:
 
– “Mấy thầy, mấy cô. Mại vô! Em nó chơi, em nó mừng!”
 
Không kể những món thông thường, những món đồ chơi… theo sát khoa học không rẻ gì. Một chiếc xe hơi điều khiển có “ra đa” giá lối 800 đồng. Những con búp bê trong tiệm cũng có “giá trị rất… thặng dư” không kém: từ vài chục, đôi ba trăm, đến ba ngàn mấy, bốn ngàn.
 
Câu Chuyện Cây… Thông
 
Sửa soạn lễ Noel mà không có cây thông thì kém hẳn phần nghi lễ. Hồi năm 1954 là năm “thông” có thể nói phát tài nhứt, vì đường bộ Saigon-Đàlạt bắt đầu được lưu thông dễ dàng. Vì vậy mà ở đại lộ Nguyễn Huệ, chỗ “chợ hàng bông” thông “mọc” đầy lề đường với đủ cỡ lớn, nhỏ, cao, thấp. Chuyến xe cam nhông nào từ Đà Lạt về cũng có thông. Nếu ở trên máy bay ngó xuống, thấy đoàn xe cam nhông chở thông về Saigon, người ta có thể nói một câu văn vẻ rằng: “Ôi! Cả một đồi thông đã chuyển mình về Thủ Đô”.
 
Năm đó, thông có giá lắm, từ một ngàn đồng xuống đến vài ba trăm một cây. Người ta hối hả phá những thùng đựng sữa để đóng cấp tốc những cái kiềng cho thông đứng vững đặng giao cho thân chủ. Nhưng trước giờ lễ Giáng sinh, thông càng cao giá bao nhiêu thì sau đó thông bị hạ giá bấy nhiêu, chẳng khác nào giá chứng khoán ở thị trường Ba Lê. Nhưng, từ năm ngoái, thông được Nha Quốc Gia Thủy Lâm ghé mắt đến.
 
Đây là tin mới nhứt:
 
“Kể từ 20-12-1960, Nha Quốc Gia Thủy Lâm sẽ phụ trách cung cấp cây thông nhơn dịp lễ Giáng Sinh sắp đến: chuyên viên Thủy Lâm sẽ chuyên chở cây thông từ rừng về Thủ Đô, bán sỉ lại cho những nhà buôn hoa kiểng có đóng môn bài. Số tiền bán thông sẽ dành cho công tác bồi dưỡng lâm phần sau nầy. Ngoài ra, tại Đà Lạt và Di Linh, các hạt Thủy Lâm cũng sẽ phụ trách công việc bán thông cho đồng bào dùng trong dịp lễ nói trên”.
 
Theo chỗ chúng tôi biết, sở dĩ có biện pháp này, cốt là bảo vệ các rừng thông, khỏi những búa rìu quá… tàn ác của những tay buôn không nghĩ đến ngày mai của dòng giống Thông reo.
 
Nhng Ba Ăn
 
Các nhà hàng cũng đua nhau đăng quảng cáo trên báo ngoại ngữ đưa ra những thực đơn đặc biệt về “rề quây dông” và ân cần nhắc nhở các thân chủ chưa đặt bàn hãy giữ chỗ trước, hãy mau mau lên, kẻo số bàn có hạn mà đồ ăn cũng có hạn!
 
Nhng Thiệp Chúc Mừng
 
Tại các tiệm sách lớn cùng các quán sách lề đường đều bày các kiểu thiệp chúc mừng lễ Giáng sinh và Tết Dương Lịch. Đủ kiểu đẹp do các hoạ sĩ Việt, Pháp, Ý, Nhật, Hồng Kông tạo nên… Tha hồ chọn!
 
Tình Hình Buôn Bán
 
Tuy nhiên giới buôn bán đồ chơi và thiệp chúc mừng, lại than… không mấy khá. Năm nay bán kém năm ngoái, năm ngoái bán kém năm trước…
 
Nhứt là năm nay, vì mấy tiếng súng sáng 11-11 mà ai nấy đã lỡ chi dùng tiền để mua trữ gạo, than, củi, nước mắm, lu đựng nước nên “mắc kẹt” vô đó một mớ, vì vậy ai nấy phải bóp bụng bớt xài ra!
 
“Cây Củi Noel
 
Các tiệm bánh ngọt tha hồ quảng cáo về “cây củi Noel”. Trước kia trên mỗi khúc “củi” đều có đề chữ Pháp: “Joyeux Noel” thì nay đổi bằng chữ Việt “Mừng lễ Giáng Sinh”. Những “cây củi” tuy cũng bằng bột mì, đường, sữa, sô-cô-la, nhưng giá cả tùy theo địa vị của nơi bán mà lên hay xuống.
 
Ví dụ ở ngay ngoài chợ, một quán bánh nhỏ, có tủ kiếng sạch sẽ, mỹ thuật thì một cây củi cỡ 5 phần ăn giá có 100đ, mỗi phần ăn hai chục. Nhưng nếu ta ghé vô một nhà hàng vừa vừa, giá ấy đã lên đến 150đ, hay 200đ. Vô một trong những nhà hàng có tiếng về bánh ngọt thì giá từ 4 đến 600đ.
 
Những nguyên liệu làm bánh thì vẫn thế nhưng mắc là mắc ở… chỗ tên tuổi của nhà hàng… bảo đảm hơn, và đinh ninh rằng bánh ngon hơn, thợ khéo hơn.
 
Những Đèn Giấy
 
Những đèn giấy ngôi sao do những nhà chuyên môn sản xuất từng loạt điểm tô công phu và tỉ mỉ ấy vậy mà người ta bán với giá gần như lấy công làm lời, 25 hay 30đ. Nếu ở nhà mà làm lấy một cái đèn, thì chắc làm không đẹp bằng và có đẹp bằng cũng không bán rẻ bằng.
 
Vui Hơn C
 
Có người dự đoán năm nay đồng bào Công giáo mừng lễ Giáng Sinh vui hơn bao giờ hết. Đó là vì có món quà Noel của Đức Thánh Cha mới ban cho Giáo Hội Việt Nam: thành lập Phẩm trật với ba vị tân Tổng Giám Mục, đứng đầu ba Tổng giáo khu gồm 18 địa phận do các Giám Mục chính Tòa điều khiển.
 
Nhưng kìa… chuông lễ Nửa Đêm đã ngân vang, gấp tờ báo lại để đi dự Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, Sĩ Điền xin nâng… chiếc đèn ngôi sao kính chúc quí độc giả một Lễ Giáng Sinh vô cùng hoan hỉ…
Huỳnh Minh Hiệp
chép lại từ bộ sưu tập báo chí cá nhân
 

 

 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com