Sống vì người khác là điều tốt, vì thế không ít người cho rằng nếu chỉ yêu bản thân, thì đó là tội lỗi. Nhưng không phải thế.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết, mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết vì thời gian làm việc quá nhiều, không còn giờ nghỉ ngơi và dưỡng sức. Những người chỉ biết chăm bẳm vào công việc, chắc chắn không tìm được niềm vui trong cuộc sống, mà họ còn làm ảnh hưởng tới người thân và bạn bè.
Mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết vì thời gian làm việc quá nhiều. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)
Học cách nói “không” với người khác
Khi bay trên các chuyến bay, các tiếp viên hàng không thường hướng dẫn, trong tình trạng khẩn cấp, hành khách phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước, rồi giúp các em nhỏ hoặc người bên cạnh sau. Rõ ràng, nếu bạn… không thở nổi, thì làm sao có thể giúp đỡ ai! Tương tự, trong cuộc sống hằng ngày, liệu bạn có mang lại niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc cho người khác, khi bạn đang quá kiệt sức hoặc bất hạnh?
“Mối quan hệ với người thân, bạn bè sẽ tốt hơn khi bạn ở trạng thái tinh thần, thể chất và cảm xúc tốt nhất,” Brightside dẫn lời bà Tracy Thomas, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng. Vì vậy, đừng cảm thấy tội lỗi khi tự cho mình thời gian nghỉ ngơi hoặc làm điều gì mà mình thích. Một khi biết bạn khỏe và hạnh phúc, những người thân yêu của bạn sẽ vui vì điều đó.
Khi bạn hoàn toàn kiệt sức, năng suất làm việc sẽ giảm, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ nguy hiểm hơn, vì sẽ làm cho tinh thần và cảm xúc của bạn ngày càng kiệt quệ. Căng thẳng giải phóng một loại hormone gọi là cortisol sau khi kích hoạt phản ứng của cơ thể. Nồng độ cortisol tăng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, như tăng cân, huyết áp cao hơn, hệ thống miễn dịch bị tổn hại và nguy cơ mắc nhiều bệnh khác.
Bà Vanessa Padilla, bác sĩ tâm thần, cho rằng con người nên học cách nói “không” khi cảm thấy không thể làm một việc gì đó được giao. Nếu nhận làm trong một tinh thần bất an, sức lực kiệt quệ, công việc ấy chẳng những không đạt hiệu quả, mà có khi còn gây hậu quả. Lúc này, bạn nên tìm cách cải thiện sức khỏe cũng như tâm trạng của mình, như tập thể dục, thư giãn và ngủ đủ giấc.
Một nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa căng thẳng khi nuôi dạy con cái và mức cortisol tăng cao ở trẻ em. Tiến Sĩ Thomas cho rằng con cái, gia đình và bạn bè hấp thụ tâm trạng và năng lượng của bạn. Nếu vì một lý do nào mà không phải do gia đình, khiến bạn tức giận, các thành viên trong nhà sẽ nhận thấy ngay. Kiểu “giận cá chém thớt” này không ai thích cả. Chăm sóc bản thân và sức khỏe của bạn sẽ giúp bạn có một tinh thần tốt hơn. Khi bạn phát ra những rung cảm tốt, bạn cũng truyền năng lượng tích cực cho những người thân yêu của mình.
Khi bạn hoàn toàn kiệt sức, năng suất làm việc sẽ giảm, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. (Minh họa: Eirabirkhammar/Pixabay)
Và nói “có” với bản thân
Tiến Sĩ Padilla cho rằng mọi cảm xúc của chúng ta đều có giá trị, ngay cả những cảm xúc tiêu cực. Bạn cần phải học cách chấp nhận rằng cuộc đời này chẳng có gì là hoàn hảo, không phải mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, chìa khóa để tránh một mũi tên đi xuống là đặt ra thời hạn cho cảm xúc đó. Hãy buông bỏ, để những muộn phiền trôi đi. Và tự hỏi bản thân, điều gì khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Nếu có câu trả lời, thì hãy làm điều đó.
Đôi khi bạn cũng cần ở một mình, cắt đứt tạm thời các giao tiếp bên ngoài, không máy tính, không wifi, tắt luôn điện thoại. Khi đó, bạn cho phép tâm trí của mình thiết lập lại và cải thiện chất lượng các mối quan hệ.
Khi học cách nói “không” với người khác, chính lúc đó, bạn đã nói “có” với hạnh phúc của bản thân mình. Tiến Sĩ Joy Francisco, cho rằng từ chối không phải là ích kỷ. Nói “không” có nghĩa là bạn tôn trọng bản thân, bảo vệ những gì tốt nhất cho mình. Khi bạn tiếp tục ép mình làm điều không muốn, bạn sẽ cảm thấy đau khổ và đầy tức giận. Hãy tạo ra hạnh phúc cho riêng mình và không nên ưu tiên sự hài lòng của người khác hơn bạn.
Bạn đối xử với bản thân thế nào người khác sẽ đối xử với bạn như vậy. Nhà trị liệu tâm lý Josephine Wiseheart nói: “Để dạy mọi người cách đối xử với bạn, hãy bắt đầu bằng cách đối xử tốt với chính mình.” Giúp đỡ người khác không sao, nhưng hãy nhớ rằng có sự khác biệt giữa làm việc tốt và trở thành người dễ bị lợi dụng.
Tóm lại, tự chăm sóc bản thân hoàn toàn trái ngược với ích kỷ. Đó là cách để bạn có thể trở thành một người tốt hơn cho người khác. Nếu bạn không biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc bản thân mình, bạn sẽ không làm được điều tốt cho người khác. Vì thế, yêu và chăm sóc bản thân, không phải là tội lỗi. (Bảo Khôi)