(Ghi chép mắt thấy tai nghe ở bệnh viện)
Đêm hè. Trời sắp sáng mà vẫn còn oi bức quá, chị ngả lưng trên chiếc ghế đá sân bệnh viện định cố chợp mắt lấy một chút mà không được, cả ngày chị đã mệt mỏi trong phòng hồi sức chăm sóc ông cụ gần đất xa giời đến kiệt lực. Tranh thủ nửa đêm gần sáng ông cụ nằm yên chị chạy ra sân bệnh viện kiếm cái ghế nằm tạm cho đỡ mỏi lưng.
Nhà chị xa lắm, tận miền ven biển. Chồng chị đã mất khi theo đám bạn chài đi khơi xa đánh cá gặp bão, chị quanh quẩn ven bờ đón thuyền cập bến mua vài ký cá con đem ra chợ bán lẻ lần hồi nuôi mấy đứa con. Rồi thì chả còn mấy ai dám mua cái mớ cá không còn giãy bởi nạn cá chết trắng bụng miền Trung, vậy là cả nhà đói. Nghe mấy chị bạn đã đi trước mách bảo, chị gửi con rồi theo ra Hà Nội kiếm tiền bằng nghề chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện. Nghề này kiếm cũng khá nhưng cốt ở cái tâm và tính chịu khó, không ngại bẩn, ngại khổ nhất là chịu cực nhọc bởi thiếu ngủ khi trực người bệnh 24/24h triền miên. Những ngày đầu chị tưởng mình không theo nổi, nhưng nghĩ đến đàn con đang nheo nhóc đòi cơm ở nhà chị lại cố học cho bằng được cách thức của nghề. Lúc mới làm được chị em cùng quê san sẻ bớt cho mối bệnh nhân, tiền kiếm được vẫn phải chia lại cho Bác sĩ mách mối nên còn lại chút ít.
Nghề này cực lắm, nâng giấc cho bệnh nhân, bón cháo xúc cơm là chuyện quá nhẹ. Phải thay đồ, lau rửa, đổ bô và canh chừng từ chai truyền đến màn hình thông số nhịp tim, huyết áp...
Bệnh nhân đa số là người già, bệnh nặng nên khó tính. Như ông cụ mà chị đang chăm sóc đây đã gần 90 rồi, nằm viện dễ đã đến hơn 1 tháng, hồi đầu chị thấy các con Cụ ngày nào cũng thay nhau vào thăm bố, ít nhất cũng ngồi lại bên giường được nửa tiếng mới về. Giờ thì thưa thớt lắm, vài ngày mới thấy một anh hoặc chị ghé vội vào thăm, để lại vài cân Cam, hộp sữa dặn chị nhớ cho cụ uống, hỏi dăm ba câu rồi lại quày quả ra về, dặn chị là: "tôi đi nghỉ mát dăm bữa, có vấn đề gì thì điện cho tôi". Ông cụ nằm im, mắt nhắm nhưng chị biết cụ có vẻ không hài lòng khi mấy đứa con chào xin phép ra về thì cụ xua xua tay như đuổi.
Chị gắng hết sức để chăm cho ông cụ từ miếng nước đến thìa cháo, người già như trẻ con nên cứ phải dỗ dành. Mấy hôm nay ông cụ có vẻ mệt nặng, chả ăn uống gì được nữa, bác sĩ đã phải truyền liên tục, chắc các con cụ đều làm to nên có nhiều người vào thăm mà cụ cũng ít nhận biết được nữa, ai vào cũng biếu cụ tiền, dúi cái phong bì vào dưới gối rồi về. Chị thấy thương ông Cụ như chính cha mình, dù sao chị cũng đã gắn bó với ông cụ cả tháng trời.
Đang thiu thiu.... chị bỗng choàng dậy bởi chuông điện thoại.. lập cập mở ra thấy số của bác sĩ trực đêm: "Chị đang ở đâu? Lên khoa ngay! Ông cụ sắp mất rồi"
Chạy bổ lên phòng hồi sức, vừa chạy vừa bấm vội số điện thoại cho ông con trưởng của Cụ: "Bác ơi! Các bác vào ngay, ông Cụ gay rồi!"
Lên tới nơi, chị thấy mấy y tá và bác sĩ trực đã vây quanh giường ông cụ: "À, đây rồi, ông cụ cứ đòi gặp chị!"
Chị cầm tay ông, nước mắt giàn giụa: "Ông ơi! Con đây! Ông gắng lên, các bác sắp vào với ông đấy! Cố lên ông nhé!"
Ông cụ thều thào, tay với với xuống dưới gối như cố tìm cái gì, chị hiểu ý nên nói:
- Ông tìm tiền hả? Đây! Của ông đây! Ông đừng lo, con gói kỹ cho ông đây và còn nguyên ông ạ."
Ông cụ cầm túi bóng đựng phong bì rồi ấn vào tay chị, miệng mấp máy điều gì đó, Chị ghé tai sát miệng ông cụ: "Ông dặn gì con? Ông muốn dặn gì thì ông nói đi!"
Ông cụ thều thào đứt quãng: "Ông chỉ có.... thế này... ông.. cho.. con.. tất. Ông... cũng chỉ có... mình... con... là... con của ông... thôi!"
Đêm đó ông Cụ lìa trần. Khi các con của ông cụ có mặt đầy đủ, chị trang trọng trao lại cho bác Cả bọc tiền và nói: "Cụ có dặn em là số tiền này Cụ muốn đem làm từ thiện cho nhà Dưỡng Lão, nơi chăm sóc những người già có gia đình mà không nơi nương tựa!"
........
Hai hôm sau, ở nhà tang lễ của bệnh viện. Người ta thấy trong dòng người vào viếng ông cụ có một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ chít khăn trắng đứng lẫn trong số khách người dưng.
Tuan Anh Nguyen
(Ảnh minh họa từ Net)
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Trần Thái Sơn