TS Phương Nguyễn, tác giả cuốn Becoming Refugee American – the Politics of Rescue in Little Saigon, xuất bản năm 2017. (Ảnh của Others)
Theo cha mẹ đến Mỹ tị nạn năm 1977, lúc mới hai tuổi, TS Phương Nguyễn ít có cơ hội học tiếng Việt và không được sinh hoạt nhiều với cộng đồng người Việt lúc còn nhỏ.
Thế mà sau khi tốt nghiệp Cao Học môn Sử học tại Đại Học USC (University of Southern California), ông đã nghiên cứu và viết về cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California.
Công trình nghiên cứu 10 năm của ông được tóm gọn trong cuốn ‘Becoming Refugee American – the Politics of Rescue in Little Saigon’, do University of Illinois Press xuất bản năm 2017.
‘Becoming Refugee American’ mô tả sự giằng co giữa nỗ lực hòa nhập vào dòng chính và ý muốn giữ gìn bản sắc của người Mỹ gốc Việt ở Nam California, trong quá trình hình thành một cộng đồng khá đặc thù và năng động so với những cộng đồng khác ở Mỹ.
Tác giả viết trong phần kết cuốn sách:
”Ngôn ngữ đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho sự tiếp nối của văn hóa. Rất ít kinh nghiệm về người tị nạn được kể lại bằng tiếng Anh.
Các bậc cha mẹ chống cộng người Mỹ gốc Việt [trong cộng đồng] thường nói với con cái là không nên tin vào hầu hết những gì đã được xuất bản về Chiến tranh Việt Nam, nhưng lại hầu như không làm gì để cung cấp cho thế hệ sau những tài liệu tiếng Anh đáng tin cậy.”
TS Phương Nguyễn (thứ 2, từ trái) trong một buổi sinh hoạt tại Cornell University năm 2016, khi Đại Sứ Việt Nam tại LHQ đến thăm trường. (Ảnh của Others)
Một thế hệ ‘không giỏi tiếng Việt’
Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt, TS Phương Nguyễn chia sẻ cảm nghĩ về những người Việt nói tiếng mẹ đẻ như ngôn ngữ thứ hai:
”Người Việt thuộc thế hệ mới phải đối diện với những thử thách, và lựa chọn rất khác với thế hệ trước.
‘Rời Việt Nam khi còn tấm bé, hoặc sinh ra ở Mỹ, những người trẻ này có quyền lựa chọn bỏ lại văn hóa Việt Nam, và hoàn toàn biến thành người bản xứ. Điều đó có lợi hơn cho họ về mặt xã hội, chính trị, vì sẽ giúp họ hòa nhập dễ hơn vào dòng chính, thay vì ôm lấy và nhấn mạnh văn hóa Việt Nam. Nhấn mạnh sự khác biệt của mình chắc chắn là điều bất lợi ở những xã hội sẵn sàng và có lẽ sẽ luôn luôn xem mình là ‘người ngoài.’
Thế nhưng, cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ, việc họ chọn đón nhận và nhấn mạnh di sản Việt Nam, và tìm ra những phương cách mới để xác định di sản đó, tôi nghĩ thực sự đã cho chúng ta thấy năng lượng và sự tự hào của thế hệ trẻ trong cách họ suy nghĩ và định nghĩa thế nào là người Việt.”
Về rào cản ngôn ngữ, ông nói:
”Ngôn ngữ quan trọng, nhưng không phải là rào cản không thể vượt qua được trong việc tìm hiểu về văn hóa và cội nguồn. Những người trẻ này có điểm chung là họ cảm thấy gắn bó đủ với cộng đồng để bỏ thì giờ ra tìm hiểu di sản của mình và tổ chức những sinh hoạt để duy trì di sản đó, dù họ chỉ có thể nói được tiếng Việt ở mức trung bình.
Mãi khi lớn lên tôi mới có dịp và cố gắng học tiếng Việt. Khi phỏng vấn những người ở Mỹ, những người cùng là người Việt Nam, tôi hay nói tiếng Anh vì tiếng Việt không trôi chảy lắm, và những người này cho rằng chắc tôi lạc lõng với văn hóa của mình, chắc tôi không ăn thức ăn Việt Nam, không có bạn người Việt.”
TS Phương Nguyễn cùng nhóm hợp ca Quintessence sau đêm văn hóa Cafe Sài Gòn do Hội Sinh viên Người Việt tại Đại Học Cornell tổ chức năm 2017. (Ảnh của TS Phuong Nguyen)
”Nhưng đây là một ngộ nhận lớn. Người ta cho rằng thành thạo ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để chúng ta giao tiếp với xã hội chung quanh. Nhưng điều đó có lẽ không quan trọng bằng việc mình có đặt di sản của mình thành một ưu tiên không.
Ở nhà tôi nói chuyện với vợ bằng tiếng Anh cho nhanh. Nhưng hai chúng tôi rất Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, sinh hoạt với người Việt, có bạn bè người Việt. Cha mẹ tôi nói chuyện với con gái 3 tuổi của tôi bằng tiếng Việt, và cháu nói bặp bẹ được vài chữ tiếng Việt, như ‘kẹo’…
”Không nói được tiếng Việt lưu loát, nhưng tôi vẫn có nhiều bạn là người Việt.’‘ Ông nói thêm.
”Phải có bạn bè người Việt thì chúng ta mới có thể chuyện trò và rủ nhau tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng, mới thấy mình có cảm giác thuộc về, rồi chọn thế nào để là người Việt [ở Mỹ] theo cách của mình.
Vợ tôi là một người lớn lên với nhà thờ, đó là lối vào cộng đồng của cô ấy. Ca hát, tham dự những sinh hoạt văn nghệ của nhà thờ là chìa khóa để vợ tôi học về văn hóa và học tiếng Việt.
Những sinh hoạt chung này là yếu tố giữ gìn và phát triển cộng đồng. Khi chúng tôi còn đang mới là bạn, vợ tôi chính là người hết sức khuyến khích và sát cánh hỗ trợ tôi trong việc nghiên cứu và viết cho xong cuốn sách.
Giữ gìn di sản tinh thần luôn luôn là một thách thức với một cộng đồng di dân, nhưng có vẻ thế hệ mới của người Việt hải ngoại đang tìm ra những cách rất sáng tạo để làm điều đó. Nếu có điều kiện viết một cuốn sách nữa về người Việt hải ngoại, tôi chắc chắn sẽ viết về thế hệ mới này.”
Ông giải thích:
”Chúng ta đang sống ở một đất nước mà chuẩn mực là chủ nghĩa cá nhân, nơi hầu hết mọi người đều bận rộn với công việc và trách nhiệm riêng, không có thì giờ cho những sinh hoạt rất ‘bao đồng’ đó.
Chúng ta rất cần những con người đặc biệt, biết hướng tới cộng đồng này. Họ gọi là những ‘nhân viên xã hội phi chính thức’. Họ tạo ra các sự kiện chung, cơ sở hạ tầng, nơi mọi người có thể tận hưởng không khí chung đó. Họ là nền tảng kéo mọi người lại với nhau, là chất keo gắn kết mọi người, cho phép mọi người xác định mình cùng thuộc về một cộng đồng, thay vì chỉ là một nhóm người rời rạc đến từ cùng một nguồn gốc.”
Những khuôn mặt ‘nhạy cảm’
Những khuôn mặt tiêu biểu mà TS Phương Nguyễn mô tả là ‘sẽ giữ gìn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại,’ rất ‘tha thiết với di sản Việt Nam và tích cực trong những sinh hoạt cộng đồng’, dường như bị chính quyền Việt Nam liệt vào dạng ‘nhạy cảm’.
TS Phương Nguyễn tiết lộ:
”Khi được một tờ báo trong nước yêu cầu viết một bài về cộng đồng người Việt hải ngoại nhân dịp 30/4 năm nay, tôi đã viết về những người Việt thuộc thế hệ mới này.
Tôi nghĩ bất cứ người đọc nào ở Việt Nam cũng tò mò muốn biết làm sao mà người Việt ở Mỹ hay ở những nước khác có thể giữ được di sản của mình cho đến giờ. Và khi viết về những người Việt trẻ, tôi cho rằng mình có giúp người trong nước hình dung ra được điều gì đã xảy ra cho cộng đồng người Việt hải ngoại trong vòng 46 năm qua.
Nhưng rất tiếc, tôi được thông báo vào giờ chót, là vì lý do ‘nhạy cảm’, bài viết của tôi không được đăng.”
TS Phương Nguyễn cho biết những người trẻ này gồm 4 người ở Mỹ và 5 người ở Canada.
Ông tả nhanh về họ:
“TS Thuy Vo Dang, tác giả cuốn ‘Vietnamese in Orange County’, hiện làm việc với Trung Tâm Lưu Trữ Đông Nam Á, tại Đại Học UCI. Thuy Vo Dang là người trẻ tuổi Việt Nam đầu tiên tôi gặp đã chịu khó bỏ thì giờ ra để nghiên cứu về cộng đồng, vì sự tò mò và lòng yêu thương.”
“Alex Thái Võ, Tiến Sĩ Sử học, hiện đang làm việc tại Honolulu, Hawaii. Alex Thái Võ từng về Việt Nam dạy Sử, và cống hiến một phần cuộc đời mình để kết nối với Việt Nam, với con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam dù bất cứ ở nơi nào.”
BS Thu Quach và TS Alex Thái Võ. (Ảnh của Others)
“Bác Sĩ Thu Quach ở Bắc California, là người làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo các viên chức y tế công cộng đáp ứng được nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người Việt làm nails và những người Châu Á khác.”
“TS Jennifer Tran, Giám Đốc điều hành Phòng Thương Mại Việt Mỹ tại Oakland, California. Khả năng lãnh đạo của Jennifer trong việc đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Oakland rất đáng ca ngợi.”
TS Thuy Vo Dang và TS Jennifer Tran. (Ảnh của Others)
“Thai-Hoa Le, một diễn viên, hiện sống ở Vancouver, Canada, thể hiện hành trình của một người sinh ra ở nước ngoài nhưng kết nối với di sản của mình qua nghệ thuật trình diễn.”
“Jessica Ly, ở Vancouver, Canada, tận tụy với việc dùng nhạc Pop Việt Nam để giúp giới trẻ gốc Việt hãnh diện mình là người Việt, và mang lại sự thoải mái và nhẹ nhõm cho người Việt tha hương nói chung.”
“Paul Nguyen, một nhà báo, hiện ở Toronto, Canada, là người tôn vinh và làm nổi bật văn hóa giới trẻ tại thành phố nơi anh sống.”
Paul Nguyen, Jessica Ly và Thai-Hoa Le. (Ảnh của Others)
“Mai-Nguyen Lim đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Toronto bằng cách tham gia vào ban tổ chức những công tác từ thiện.”
“Van Dang, một nhà hoạt động, hiện ở Vancouver, Canada, đang làm một công việc có giá trị là tiếp cận với giới trẻ Việt Nam ở mọi thành phần.”
Mai-Nguyen Lim va Van Dang. (Ảnh của Mai-Nguyen Lim)
Văn hóa VN ở Mỹ sẽ khác với văn hóa VN trong nước?
Được hỏi ông rút tỉa được điều gì về tương lai cộng đồng và văn hóa của người Việt tại hải ngoại, sau khi nghiên cứu về những người trẻ này, TS Phương Nguyễn nhận định:
”Hiện tượng thường thấy là thế hệ thứ nhất của một giống dân nào đó khi đến một đất nước mới sẽ tạo ra cộng đồng để nương tựa vào nhau và cùng sinh hoạt. Nhưng những thế hệ sau sẽ hòa mình vào dòng chính, và cộng đồng đó dần dà biến mất.
Với những người Âu Châu đến Mỹ định cư, điều này khá đúng. Họ sống tản mát, có thể mỗi năm có một lễ hội nào đó như Oktoberfest của người Đức, chẳng hạn, và chỉ thế thôi.
Với người Việt hải ngoại, với sự gắn bó với di sản tinh thần và tận tụy với sinh hoạt chung của những người trẻ tôi đã gặp, tôi cho rằng dù có thể dần dà sẽ không còn nhiều người nói được tiếng Việt, nhưng họ vẫn sẽ là người Việt, vẫn giữ gìn văn hóa Việt.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ theo tôi sẽ tồn tại và lớn mạnh, dù chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận là định nghĩa thế nào là người Việt ở hải ngoại sẽ khác với định nghĩa thế nào là người Việt ở trong nước.
Nói một cách khác, văn hóa Việt Nam đang được giữ gìn và được phát huy ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Nó có thể không phải là văn hóa mà chúng ta có ở trong nước hay văn hóa mà thế hệ người Việt tị nạn đầu tiên ở Mỹ đã có, nhưng văn hóa Việt Nam chắc chắn đang hiện hữu và đang được phát triển ở hải ngoại.
Văn hóa có lẽ không phải là thứ mà chúng ta mô tả là thuần túy hay bị pha loãng, mà theo thời gian và tùy không gian nó có thể có những đặc tính cá biệt.
Việc chúng ta có hai nền văn hóa vì hai hoàn cảnh sống, hai môi trường sống khác nhau không có gì là sai, miễn là người Việt chúng ta vẫn nói chuyện với nhau và vẫn giữ được những di sản chung.”
Tina Hà Giang
TS Phương Nguyễn hiện là Phó Giáo Sư môn Lịch Sử Hoa Kỳ tại Đại Học CSU Monterey Bay.