Chiến tranh đã đến Ukraine. Cả thành phố rách nát, những ngôi làng bị tàn phá đến tận cùng: giáo đường, trường học, siêu thị, hàng quán, công viên, các cửa hiệu mua bán lớn nhỏ… Gần như tất cả đã thành bình địa. Mọi người đã chạy đi thật xa dù không biết là sẽ đi tới đâu và dừng lại ở đâu. Đôi khi họ quay đầu nhìn lại, cố tìm những nóc nhà, những ngôi trường, những giáo đường. Nhưng không thấy gì cả ngoài những đám khói và những đám khói… chỉ còn những đám khói, thế thôi.
Thượng Đế thì thật xa mà người thân của họ thì tứ tán. Những người đàn ông ở lại để tử thủ, phụ nữ, trẻ em, người già bồng bế nhau đi. Đi đâu chưa biết, nhưng chắc chắn phải đi thật xa những nơi đang có bom, đạn trút vào, đang có những đám cháy.
Trong hoang tàn đổ nát, nếu cái gì còn tồn tại, còn sót lại ở những ngôi làng, ở những căn nhà thì đó là một phép lạ. khi bốn bức tường đổ xuống, cái nóc nhà cũng xụp xuống theo. Tất cả trút xuống như những bãi phế thải khổng lồ.
Thế mà ở Borodianka trong một căn nhà bị pháo kích trút vào, tất cả bàn ghế, tủ giường bị bốc cháy thành than củi, những bức tường của căn nhà rách nát, sập đổ, nhưng một cái tủ bát chén treo lửng lơ trong bếp còn sót lại một phần, mấy cái bình sứ nhỏ, vài cái đĩa bàn trên kệ vẫn lặng lẽ xếp hàng. Đặc biệt con gà bằng sành ở trên nóc tủ, vẫn đứng vững với tất cả vẻ đẹp còn nguyên vẹn của cái mào và cái đuôi. Nó đứng đó như một thách thức, như sắp sửa cất tiếng gáy, báo hiệu sự có mặt của mình.
Người dân Ukraine đã dùng hình ảnh con gà bằng sành mong manh, dễ vỡ vẫn tồn tại trong ngôi nhà bị tàn phá bởi pháo kích như một biểu tượng của sự kiên cường quật khởi.
Con Gà bằng sành đó có khác gì những bông hoa Hướng Dương to như một chiếc đĩa bàn (dinner plate) trên những chiếc cọng yếu ớt, luôn luôn tồn tại quay hướng về phía mặt trời. Đã bao nhiêu thế kỷ người dân Ukraine dùng màu sắc của hoa hướng dương (xanh và vàng) trên quốc kỳ của họ và hoa hướng dương được coi là quốc hoa của Ukrain. Hoa luôn luôn hướng về mặt trời để hưởng sự ấm áp. Hoa còn thể hiện sức mạnh của sự sống, chống lại tai ương và bệnh tật. Trong những dịp lễ hội các em bé và các thiếu nữ thường có vòng hoa trên đầu được kết bằng hoa hướng dương.
Hình minh hoạ, , Pixabay Jacques GAIMARD
Theo Guardian, con gà tồn tại trong góc bếp này được coi như biểu hiệu của sự tồn tại kiên cường của người dân Ukrai trước bom đạn, trong những trận không kích của Nga trút xuống Borodianka, ngoại ô của Kiev.
Khi thủ tướng Anh tới thăm Kiev, con gà trống bằng sành tượng trưng cho sức chống trả mãnh liệt của dân tộc Ukrain đã được người dân mang tới tặng ông.
Con gà trống bằng sành hiện được coi là biểu tượng nổi tiếng nhất của Ukraine sau khi một chú gà như vậy “sống sót” qua những trận không kích.
“Tôi đến từ London”, ông Johnson nói và cảm ơn khi được cô gái tặng gà trống gốm.
“Tôi biết điều đó. Tôi đến từ Kharkiv”, cô gái cười và đáp lại.
Đứng bên cạnh Thủ Tướng Anh, Tổng Thống Ukraine Zelensky cũng được tặng một con gà. Ông Zelensky giải thích, tượng gà trống gốm giờ rất nổi tiếng ở Ukraine.
Khi một nước mạnh đi xâm chiếm một nước yếu thường không bao giờ phỏng đoán được sự phản kháng và sức mạnh của nước yếu hơn mình. Trái bom rớt từ trên cao xuống nóc ngôi nhà bé nhỏ người ta không cần ức đoán cũng biết là ngôi nhà đó sẽ hoàn toàn tàn rụi, sẽ không còn sinh vật nào sống sót, không còn một đồ vật nào tồn tại. Nhưng phép lạ và sự ngạc nhiên luôn luôn xảy ra.
Khi Nga tấn công Ukraine, ông Putin chắc hẳn dự trù chỉ trong một hai tuần lễ là nắm trọn được Ukraine trong tay mình. Nhưng cho đến hôm nay đã gần hai tháng, Ukraine vẫn kiên trì cầm cự dù thiệt hại rất nhiều.
Tôi nhớ lại bài học rất xa xưa từ năm đầu tiên của Trung Học, bài “Nhành Lúa Mới”. Bài học tả lại một ngôi làng (Việt Nam) trong thời chiến tranh, bom đạn đốt cháy cả xóm làng, cày nát những ruộng đồng. Tất cả những người dân phải bỏ làng ra đi để tránh bom đạn, nhưng mỗi đêm họ vẫn âm thầm, lén trở về trong bóng tối để cấy những hàng mạ trên cánh đồng. Cánh đồng loáng nước đầy dấu vết đạn bom, chỉ sau một đêm ngủ dậy, đã xanh rì những đám mạ non.
Câu kết của bài học vẫn làm tôi nhớ đến bây giờ:
“Nhành lúa mới như một tuổi xuân bừng trỗi dậy tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một đân tộc.”
Con gà bằng sành tồn tại trong ngôi nhà đổ nát, nhành lúa mới trên cánh đồng đầy vết tích đạn bom là những tượng trưng cho sự kiên trì, sức sống mãnh liệt của những người dân nhược tiểu.
Trần Mộng Tú
Con gà bằng sành tồn tại trong ngôi nhà đổ nát, nhành lúa mới trên cánh đồng đầy vết tích đạn bom là những tượng trưng cho sự kiên trì, sức sống mãnh liệt của những người dân nhược tiểu.
Trần Mộng Tú
Tháng 4-18-2022