Olesia Vorotnyk trước chiến tranh, và khi cuộc chiến nổ ra. (ảnh: Twitter)
Nữ diễn viên múa ballet Olesia Vorotnyk mất chồng, một binh sĩ, cách đây ba năm ở miền Đông Ukraine. Khi tiếng súng nổ, cô rời sàn diễn, ra chiến trường…
Chiến tranh nổ ra, đàn ông được gọi nhập ngũ bảo vệ Tổ Quốc. Họ làm nhiệm vụ đào các chiến hào và được bố trí ở nhiều cứ điểm nằm rải rác trên tiền tuyến. Họ đi tuần trong các cửa hàng, đi tuần dọc bờ biển và trực chiến trong những chiếc xe tăng. Nhưng kể từ khi cuộc chiến căng thẳng, nhiều nhân vật anh hùng khác xuất hiện: Đó là những phụ nữ cầm súng, trong số họ có Olesia Vorotnyk – nữ diễn viên múa ballet của Nhà hát Opera Quốc gia Ukraine.
Khả năng chịu đựng nỗi đau
Vorotnyk, 30 tuổi, là vận động viên thể dục thiếu nhi trước khi bắt đầu học múa ballet năm 10 tuổi, và trở diễn viên múa chuyên nghiệp năm 17 tuổi. Lúc đầu cô học tại trường Cao đẳng Nhạc kịch Kyiv và sau đó gia nhập đoàn múa của Nhà hát Opera Quốc gia. Vorotnyk mô tả công việc của mình một cách đơn giản: “Đó là sự nghiệp khó khăn trên đôi chân.”
Gia nhập quân đội cũng là một phần trong câu chuyện cuộc đời của Vorotnyk như “sự nghiệp khó khăn” của cô. Cách đây ba năm, chồng của Vorotnyk hy sinh trong cuộc xung đột bạo loạn ở phía Đông Ukraine, sau cuộc nổi dậy do Nga hậu thuẫn năm 2014. Khi cuộc chiến mới bắt đầu vào Tháng Hai, cô biết mình phải làm gì đó, dù chưa hình dung công việc cụ thể là thế nào. “Nhưng tôi có thể bắn súng,” cô nói. “Đó là sở thích của tôi. Tôi xác định ngay từ đầu rằng nếu có chiến tranh, tôi sẽ không di tản, mà ở lại chiến đấu, bảo vệ đất nước.”
Ngay sau khi xác định được mình phải làm gì, Vorotnyk rời khỏi Nhà hát và xin gia nhập đội quân đi tuần ở trạm kiểm soát, với trang bị là một khẩu AK-47. Cô nhớ lại những ngày đầu tiên, tình hình rất hoàn toàn là hỗn loạn. Quân đội Nga được cho là bao vây thành phố. Xe tăng Nga cứ từ từ tiến vào thành phố. Vorotnyk quyết định bắt đầu phải di tản dân thường. Cô đưa mọi người, khi ấy cũng chỉ toàn là phụ nữ, trẻ con, đi vào những con đường mòn để thoát ra khỏi thành phố.
Xong nhiệm vụ tản cư cho người dân, Vorotnyk quyết định tham gia Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, lực lượng dự bị quân sự của Ukraine. Nhưng đâu có dễ để được tham gia. Mọi người đều muốn đăng ký, nhưng ưu tiên thì dành cho đàn ông có kinh nghiệm trong quân đội: “Là diễn viên múa, lại là nữ, tôi… ‘không có cửa’ để lọt vào danh sách ưu tiên,” cô nói. “Nhưng tôi vẫn thấy có một số điểm tương đồng hữu ích giữa múa ballet và quân đội.”
Vũ công ballet rất kỷ luật. Kỷ luật nuôi dưỡng sức mạnh của tâm trí – điều này có nghĩa là khả năng chịu đựng nỗi đau. “Đi giày đau lắm,” Vorotnyk nói. “Nhiều lúc chân tôi bị chảy máu vì mang giày múa, nhưng vẫn phải chịu đựng. Bạn phải học cách vượt qua tất cả”. Vorotnyk biết cũng có nhiều nữ binh sĩ đang phục vụ trong quân đội từng học thể dục nhịp điệu, vì những lý do tương tự, cô thấy việc học múa cũng giống như luyện tập quân sự.
Không nản lòng, Vorotnyk kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi ở văn phòng tuyển quân địa phương. Cuối cùng, cô được nhận. Kể từ đó, cô bắt đầu việc canh gác khu phố của mình ở Kyiv, súng đeo trên vai và làm việc ở các trạm kiểm soát. “Đó là thời gian đầy ác mộng,” cô nhớ lại. “Nỗi sợ hãi về những kẻ phá hoại bao trùm khắp mọi nơi.” Vorotnyk tiếp tục giúp nhiều người đi sơ tán, lái suốt 19 giờ đưa họ đến nơi tương đối an toàn ở miền Tây Ukraine. Quân Nga pháo kích vào Xa lộ Zhytomyr, con đường đến biên giới Moldova, và Vorotnyk buộc phải đi lòng vòng theo những con đường làng quanh co, trong khi pháo kích nổ ầm ầm.
Đối với Vorotnyk, cuộc chiến và sự thật, rất đơn giản. Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, người dân đang thể hiện sự đoàn kết. Cô nói: “Mọi người dân đều có nghĩa vụ. Chúng tôi muốn con cái lớn lên với một Ukraine mạnh mẽ, tự tin, chứ không phải với những lời nói dối mà chúng tôi nghe được dưới thời Liên Xô”.
Sân khấu và lịch sử
Văn nghệ có vai trò đặc biệt trong cuộc đấu tranh này. Thể hiện sự hung hãn khác nhau, các sa hoàng Nga và các nhà cai trị Liên Xô kìm nén nền văn hóa Ukraine trong nhiều thế kỷ, bắt bớ các nghệ sĩ Ukraine, chế giễu khát vọng dân tộc và đàn áp ngôn ngữ của họ. Ở đây, văn hóa luôn mang tính chính trị – không gì hơn thế trong một cuộc chiến mà lịch sử và bản sắc cũng bị tranh chấp lãnh thổ.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Nhà hát vũ kịch của Vorotnyk không còn trình diễn những tác phẩm của các nghệ sĩ Nga. “Không còn ‘Hồ thiên nga’ nữa,” cô nói. “Tchaikovsky ư! Quên ngay và luôn nhé!”
Ở phương Tây, các tranh luận vẫn tiếp tục về việc tẩy chay văn hóa Nga – làm thế nào để cân bằng sự phẫn nộ với sự tham gia, việc phân biệt giữa nghệ sĩ cổ điển và nghệ sĩ hiện tại, hay giữa những người hiện tại đang ủng hộ Điện Kremlin và những người phản đối nó. Đối với Vorotnyk và nhiều người khác ở Ukraine, có thể giải thích một cách đơn giản.
Vorotnyk nói: “Người ngoại quốc không hiểu hết về vị thế của chúng tôi, vì hoạt động múa ballet luôn gắn liền với nước Nga. Nhưng người dân ở Mariupol bị chiếm đóng từ chối nhận lương thực và viện trợ nhân đạo từ quân Nga – họ thà chết đói còn hơn. Thật không công bằng khi các nghệ sĩ múa ballet biểu diễn [các tác phẩm của người Nga] trong khi dân Mariupol phải chịu cực khổ.”
Tin từ Economist, vào đầu Tháng Sáu, Vorotnyk quyết định đã đến lúc trở lại sàn diễn. Cô sẽ biểu diễn trong tác phẩm “Die Libelle” (“The Dragonfly”) của Josef Strauss. Viktor Lytvynov, nghệ sĩ múa ballet tại Nhà hát Opera Quốc gia, cho biết đức tính vượt trội của cô với tư cách là một vũ công, chính là lòng dũng cảm. “Cần phải rất dũng cảm để đóng vai một người phụ nữ xấu xí, và đây là điều mà cô ấy sắp làm,” anh nói. “Chính điều này đã khiến cô ấy trở thành một chiến binh cừ khôi.”
Vorotnyk biết cô có thể được gọi lại quân đội bất cứ lúc nào. Cô vẫn tập bắn hầu như mỗi ngày và vẫn làm tình nguyện viên trong khu phố của mình. Giữa những cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố, cô biết rằng chiến tranh còn lâu mới kết thúc. Trên điện thoại, cô cho phóng viên thấy bức ảnh của con trai mình lúc còn bé tí – tấm hình cậu bé được quấn trong chiếc áo khoác ngoài của người chồng đã chết của cô.
Trang Nguyên