“Hôm nay hãy viết một lá thư/bưu thiếp để Phạm Đoan Trang biết rằng cuộc chiến của cô ấy cũng là cuộc chiến của chúng ta.” – LIV
Hạ Huyên 72 - Viết Thăm Trang - Tranh của Họa Sĩ Đinh Trường Chinh
Đó là tựa của lá thư của LIV (viết tắt của Legal Initiatives for Vietnam, Sáng kiến Pháp lý Việt Nam, của một nhóm bạn trẻ lặng lẽ hoạt động từ khoảng chục năm nay) được gửi tới hộp thơ của tôi sáng nay.
Trong bầu không khí tranh cử sôi động tại Mỹ, trước một cuộc bầu cử mà nhiều giới mệnh danh là một mất một còn của nền dân chủ kỳ cựu nhất thế giới này, mở thư của LIV ra đọc, nhắc nhở mọi người đến người bạn đồng hành hiện đang trong lao tù ở quê nhà vì đã tranh đấu cho dân chủ, đang rất cần đến những cánh thư thăm hỏi khích lệ, tôi cảm thấy một bổn phận phải chuyển đạt.
Trong bài “Viết ở tuổi 80” gần đây, tôi đã, thay vì viết về mình (làm vài người bạn thất vọng vì tưởng sẽ được biết thêm về người viết), chọn viết về Phạm Đoan Trang, một trong các bạn trẻ vẫn tiếp tục hoạt động cho một Việt Nam tươi sáng và tiến bộ hơn để có thể góp mặt với thế giới văn minh nhân loại mà không phải cúi đầu hổ thẹn.
Tôi thành thực cảm phục Trang, một trong các sáng lập viên của LIV, và các bạn đồng hành của cô. Không được may mắn như thế hệ của tôi lớn lên trong một Miền Nam tuy chiến tranh khói lửa song cũng còn có được cơ hội hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng của một Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại vỏn vẹn có 20 năm, để ý thức được thế nào là phải trái, là luân thường đạo đức, là bác ái vị tha, là tình người; thế hệ của Trang ra đời trong chế độ độc tài độc đảng của Cộng sản, dối trá mánh mung để tồn tại. Thế nhưng không vì thế mà họ đã bị tha hóa.
Sinh năm 1978, hai năm sau khi Miền Nam bị bức tử, Trang được bố mẹ là giáo viên ở Hà Nội nuôi dưỡng. Khi kỹ thuật Internet ra đời vào giữa thập niên 1990, cô đã dùng nó như nơi học hỏi trau giồi kiến thức sau khi phát hiện ra các bài báo về kinh tế được đăng ở trên mạng chính xác hơn những bài bản trong những cuốn sách được nhà nước phê duyệt. Trang bắt đầu viết blog của riêng mình vào năm 2006, bằng tài khoản riêng của mình, để thực tập tiếng Anh. Sau đó cô bắt đầu viết về những người nghèo và dễ bị tổn thương, những người phải phấn đấu để tồn tại, làm vô số công việc như đạp xích lô và xe đạp, sửa giày, và chạm khắc đũa. Cô bị thu hút bởi các chủ đề được coi là vượt quá giới hạn cho phép của nhà nước, và là đồng tác giả về tiểu sử của một người đàn ông đồng tính, và cả về chính trị như quan hệ Trung-Việt.
Khi bước vào ngành báo chí, Trang làm việc cho các báo nhà nước, nhưng sau khi đụng độ với cảnh sát, gồm cả một lần bị giam giữ chín ngày vì tham gia một cuộc biểu tình chống lại các hoạt động khai thác bauxite gây hại cho môi trường ở Tây Nguyên của Việt Nam, cô bắt đầu viết độc lập.
Luật sư người Mỹ gốc Việt Trần Quỳnh-Vi gặp Trang vào năm 2014 khi Trang được học bổng đang theo học môn chính trị tại Đại học Nam California. Họ trở thành bạn thân và, cùng với một số bạn đồng chí hướng, thành lập hai tạp chí điện tử The Vietnamese bằng Anh ngữ nhắm vào thế hệ trẻ sinh ra hoặc lớn lên tại hải ngoại, và Luật Khoa bằng tiếng Việt, do Trịnh Hữu Long chủ biên, nhằm giúp người Việt cần tìm hiểu về luật pháp, hiến pháp và các quyền của họ. Họ đồng thời thành lập một tổ chức phi chính phủ (non-goverment organization) đăng ký tại Hoa Kỳ, đó là Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam LIV, do Vi đứng đầu điều hành.
Trong có vài năm hoạt động, họ đã xuất bản một số sách đáng kể, như “Chính trị Bình dân,” “Cẩm nang nuôi tù,” “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính trị của một nhà nước cảnh sát trị” [cuốn này bằng Anh ngữ, tựa là “Politics of A Police State”]. Các sách này do Phạm Đoan Trang đứng tên tác giả, hiện có bán trên Amazon, như hình bên dưới.
Một số sách có thể đọc hay tải xuống miễn phí, như cuốn “Chính trị bình dân,” dầy trên 500 trang, do nhà Giấy Vụn xuất bản và phát hành tại https://archive.org/details/chinh-tri-binh-dan-ban-moi-2018-pham-doan-trang_202302. Theo tạp chí Luật Khoa, đây là một cuốn sách “đáng được xếp vào hàng những tài liệu hiếm hoi bàn về chính trị Việt Nam một cách nghiêm chỉnh kể từ năm 1975 trở lại đây.”
Bìa sau và trước cuốn “Chính trị Bình dân” (Giấy Vụn, 2018)
Đây cũng là một trong những cuốn sách đã khiến người đứng tên tác giả Phạm Đoan Trang bị truy lùng ráo riết, bị công an giả dạng côn đồ chặn đường hành hung đánh tới gẫy chân và phải chống nạng một thời gian; và cuối cùng cô bị bắt.
Trang bị bắt ngày 6/10/2020. Tính tới nay cô đã ngồi tù hơn bốn năm. Chính phủ Việt cộng kết án cô chín năm tù theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 cũ, nay là điều luật 117 BLHS 2015, về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Cô còn năm năm nữa mới hết hạn tù.
Phạm Đoan Trang tại phiên tòa sơ thẩm, 2021. (Ảnh VnExpress, chụp qua màn hình)
Mặc những can thiệp của các tổ chức quốc tế, tại phiên tòa phúc thẩm năm 2022, tòa vẫn y án chín năm tù của Đoan Trang. Theo BBC, bào chữa cho cô là LS Trịnh Vĩnh Phúc đã tuyên bố tại tòa, “Nếu các nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị [thẩm phán Việt cộng], thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!” Hình trên, bà Bùi thị Thiện Căn, mẹ của Phạm Đoan Trang, giữa, cùng với các đại diện của các Đại Sứ Quán Mỹ, Séc, Đức và các tổ chức quốc tế tới dự phiên tòa nhưng không được phép vào trong phòng xử.
Thư của LIV kêu gọi viết thư hoặc gửi bưu thiếp đến cho Đoan Trang mở đầu:
“Phạm Đoan Trang, một nhà báo, tác giả và nhà vận động nhân quyền từng đoạt giải thưởng, vẫn bị bỏ tù oan vì những nỗ lực không mệt mỏi đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và dân chủ ở Việt Nam.
“Lòng dũng cảm của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều người, nhưng cuộc đấu tranh của cô vẫn tiếp tục trong cô lập,” LIV viết tiếp. “Giờ đây, hơn bao giờ hết, cô cần cảm nhận được sự hỗ trợ và đoàn kết của những người tin vào công lý và nhân quyền.”
“Bạn có thể tiếp tay tạo nên sự khác biệt. Chúng tôi khuyến khích mọi người viết thư/bưu thiếp cho Phạm Đoan Trang. Những lời động viên, hỗ trợ và đoàn kết của bạn có thể mang lại hy vọng cho cô ấy trong khoảng thời gian thử thách này. Hãy cho cô ấy biết rằng cô ấy không đơn độc, rằng thế giới luôn sát cánh cùng cô ấy và giọng nói của cô ấy vẫn vang vọng, ngay cả khi ở sau song sắt.
“Cùng nhau, chúng ta có thể nâng cao tinh thần của cô ấy và ủng hộ việc trả tự do cho cô ấy. Hôm nay hãy viết một lá thư/bưu thiếp để Phạm Đoan Trang biết rằng cuộc chiến của cô ấy cũng là cuộc chiến của chúng ta.”
Độc giả quan tâm có thể viết thư hay bưu thiếp cho Trang về:
Phạm Đoan Trang, An Phước Prison, An Thái Commune, Phú Giáo District, Bình Dương Province, Vietnam
Ngoài ra, LIV yêu cầu độc giả chụp bức thư hoặc bưu thiếp đó đưa lên trang truyền thông xã hội của mình với hashtags #WritetoTrang và #FreeTrang, tagging @thevnmesemag. Đồng thời bạn cũng có thể gửi tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Ban biên tập sẽ gom lại làm collage và đăng tải lên www.liv.ngo vào ngày 5 tháng 11, 2024.
Viết tới đây, tôi không khỏi nhớ đến Vòm Hạt Giống ở Bắc Cực, trong lãnh thổ quốc gia Na Uy. Nơi đó người ta lưu giữ hạt giống của các nơi trên thế giới để phòng nhỡ một tai ương khủng khiếp phá hủy mọi cây cỏ đồng bằng thì còn hàng tỉ hạt giống lưu trữ trong băng sơn trên Bắc Cực cho nhân loại khởi sự lại từ đầu.
Việc làm của Trang và các bạn trong LIV cũng tương tự như ươm giữ các hạt giống tốt cho mai hậu vậy.
Trùng Dương
[TD2024-09]