
“Làng tôi, ý tôi muốn nói là làng tôi của cái thuở trên dưới sáu mươi năm về trước (*), cái thuở mà làng vẫn còn là làng. Cái thuở mà làng vẫn chưa nhuốm bụi trần ai.
Từ Sàigòn ra, từ Đàlạt xuống hoặc từ Phanrang lên đến ngã ba đầu làng người ta dễ bắt gặp hình ảnh đầu tiên là cây đa, giếng nước.
Ngoài một số cơ ngơi của người Pháp được xây dựng kiên cố, vài ba chục ngôi nhà lợp tôle (tôn), còn lại chỉ là nhà tranh vách đất đơn sơ. Cả làng dùng chung một cái giếng. Giếng nằm ngay ở đầu ngã ba (giờ hay gọi là ngã ba Trung Dung). Không phải giếng tròn như ta thường thấy mà là giếng vuông, thành giếng cao ngang bụng, trên có mái ngói chữ A. Nước giếng trong leo lẻo. (trang 8-9)
[(*) Tức khoảng trước năm 1950]
“Dòng sông Đa Nhim lượn lờ uốn quanh làng. Ban ngày, ngoài giờ học chúng tôi đóng đô ở bãi sông, suối ngày bì bõm. Nước sông trong vắt. Đôi lúc lại thích nhau, làm dấu một viên đá rồi ném ra giữa sông, đứa nào lấy được về trước thì được cõng một vòng. Vậy mà tụi nó tìm ra như chơi. Nói như thế để bạn biết rằng, nước sông trong đến ngần nào. Chẳng thế mà các hộ ven sông đều lấy đó làm nguồn nước sinh hoạt." (trang 10)
“Nếu bạn nghĩ Dran chỉ là một nhúm ba khu phố lèo tèo thêm chín thôn lân cận thì đó là một nhầm lẫn lớn. Dran xưa thuộc vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ (Domaine de la Couronne). Người ở nơi khác đến phải có người địa phương bảo lãnh. Còn người ở Dran muốn đi xa phải xin giấy “Laissez Passer” (giấy thông hành). Dran xưa rộng lắm. (trang 12)
“Rời Đồi Cam ta đến Cua Đôi (còn gọi cua Cánh Chó), qua Cầu Xéo rồi vượt Cầu Treo là đến Ac-broa-đê (Arbre Broyé) tức Trạm Hành, cái tên nghe kỳ cục. (...) Trạm Hành nằm ở độ cao xấp xỉ 1.600 m, cao hơn Dalat. Chính độ cao này cũng là cái rét cắt da quanh năm đã cho các cô gái nơi đây sở hữu một làn da mịn màng hồng thắm như thứ rượu hồng đào chưa uống đã say...
Rời Trạm Hành ta đến Ân-Tray (Entre-Rays) là tên gọi xưa của Cầu Đất. Nói đến Cầu Đất là phải nói đến Sở Trà.
(...)
Ra khỏi Cầu Đất, qua cầu Xui Giục chạy thêm một quãng nữa là đến Bốt-kê (Bosquet) còn gọi Trạm Bò. Phía tây tạm dừng lại đây vì đi thêm nữa là đến Trại Mát thuộc thành phố Dalat rồi. (trang 14)
“Từ ngã ba đi dọc theo đường Lê Lợi, các bạn nhìn thấy những dãy phố cũ nát hai bên, từ Lê Ký đến Tân Mỹ, từ Tư Lén đến café Tín, nói chung những ngôi nhà xây ấy đều có chung một sở hữu chủ người Pháp là ông A-vi-a (Aviat), kể cả khu xưởng cưa, kho lương thực, nhà thương cũ. Aviat chiếm lĩnh gần hết vùng trung tâm. Riêng chỗ Trung Dung xưa là Res-tô-răn - Ba Đăng-xinh (Restaurant-Bar dancing) phục vụ cho người Pháp. Chủ nhân của nó là một viên sĩ quan tên là Lores. Cả vùng đất đó từ đầu đường Hai Bà Trưng cho đến sau rạp hát là trại gia cầm của ông ta.
Đi đến cuối đường Lê Lợi, bên trái là chợ Lạc Nghiệp. Chợ Lạc Nghiệp không phải là chợ Dran, Chợ Dran xưa rất nhỏ, nằm đối diện với rạp chiếu bóng tức khu đất trước nhà ông Bảy Nóc mà giờ người ta thường gọi là chợ cũ.” (trang 14-15)
“Lên hướng Nhà Thờ đường hẹp và hơi thiếu vệ sinh. Xuống hướng cầu thì nhà cửa san sát nên từ café Lê Ký đến cầu Lạc Thiện có thể coi là đoạn đường đẹp nhất. Hai bên đường toàn dã quỳ. Đêm đến, quãng đường này là nơi hẹn hò của đôi bạn, họ sóng vai nhau tỉ tê trò chuyện, đi đến cầu Lạc Thiện thì quay lại. Chỉ thế thôi mà có lúc nó được gọi bằng cái tên thơ mộng “Con đường tình ta đi”.
Bạn có để ý không, phía bên trái khi đến gần cua Lạc Thiện có xóm nhà ga, đó là ga Càn Rang. Không, gọi cho đúng là ga Cần Răng. Có lẽ hai chữ Cần Răng đọc nghe thô thô, cưng cứng thế nào ấy nên người ta đọc trại thành Càn Rang. (trang 18)
(...)
Tới cây số 2 tức Cua Đá. Đoạn đường này nhiều cây cối to cao rậm rạp, tán cây che phủ hai bên. Đây là nơi đêm đêm lũ cọp thường ra rình rập. Rủ nhau đi bắn chim mà vào đến đây được xem là “ghê gớm” lắm.
Qua Lạc Xuân mình đến La-bui (Labuye). Đây là vùng của người dân tộc nhưng có một hộ người Kinh là ông Xu Nghĩa. Nhắc đến ông Xu Nghĩa không phải vì ông là dưỡng phụ của bà Dương Thị Kiêm (cô giáo Kiêm) mà vì ông đã trồng dâu và chế biến thành loại rượu dâu được nhiều người ưa thích...
(...)
Vùng Lạc Viên, Lạc Lâm, Lạc Sơn chỉ xuất hiện sau cuộc di cư 1954. Trước đó vùng này chỉ lau lách, rừng rậm. Thạnh Mỹ ngày nay công sở tòa ngang dãy dọc, đường xá thênh thang, đèn đêm rực sáng, nhưng bạn có biết M'Lon mới là tên cúng cơm của Thạnh Mỹ? Người ta thường gọi là Lọn cho nó gọn. M'Lon là vùng của người dân tộc thiểu số, lưa thưa vài mươi hộ người Kinh...
Qua Fimmon rồi đến Liên Khương, còn gọi là Liên Khàng, nếu rẽ phải chạy một mạch thì đến Cội Gia hay La Ba. Xứ La Ba cho ta một giống chuối rất ngon mà mãi tới bây giờ nó vẫn giữ được thương hiệu: chuối La Ba..."
Còn nếu chạy thẳng ta sẽ đến Gougah (Phú Hội) vì vùng Tùng nghĩa chỉ xuất hiện sau năm 1954, nơi phần đông người tộc Thái sinh sống. Thác Gougah là một danh thắng nằm trong tour du lịch của Đà Lạt. Rời Phú Hội chạy thêm non chục cây số là Đại Ninh, nơi vừa xây xong một đập thủy điện khá đẹp...
(...)
Đến đầu cầu Đại Ninh, phương nam dừng tại đây.
Các bạn thấy Dran xưa rộng lớn đấy chứ!” (trang 19)
Chuyện học hành khi xưa thật vô cùng thoải mái. Ngày hai buổi cắp sách đến trường. Thời khó biểu sáng 08 giờ-10 giờ 30; chiều 14 giờ- 16 giờ 30. Học thì ít mà chơi thì nhiều vì thời gian rộng rãi quá."
(...)
Các Môn Học
Arithmétique - Số học
- Geometrie - Hình học
- Problème - Tính đố
- Dictée - Chính tả
- Dictée VN - Chính tả tiếng Việt
- Rédaction- Làm văn
- Rédaction VN- Làm văn tiếng Việt
- Vocabulaire – Từ vựng
- Grammaire – Ngữ pháp
- Lecture – Tập đọc
- Lecture VN – Tập đọc tiếng Việt
- Lecture récréative - Tập đọc giải trí (cuối tuần)
- Histoire-Géographie – Sử-Địa
- Elément de science – Khoa học
- Morale – Luân lý
- Hygiène - Vệ sinh
- Instruction Civique – Công dân
- Agriculture - Trồng trọt
- Ecriture – Tập viết
- Aractères Chinois – Chữ Hán
- Travail manuel – Thủ công
- Dessin à vue — Vẽ nhìn đồ vật
- Dessin à ligne – Vẽ theo dòng
- Dessin fin de la semaine – Vẽ cuối tuần
- Education physique – Thể dục.” (trang 24-25)
“Năm học 1950-1951 nhà trường chọn một số học sinh khá trong Cours Moyen 2 lập nên Cours Supérieur (lớp Nhứt) để tham dự kỳ thi Primaire sẽ được tổ chức vào tháng Bảy.
Bọn chúng tôi, sáu nam một nữ được thầy Sòng chăm chút nhiều hơn. Khoa thi này diễn ra từ ngày 2.7.51 (Session 02 Juillet 1951).
(...)
Mỗi phòng thi có một giám thị chính người Pháp và một giám thị phụ người Việt. Phòng tôi gặp một cô giáo người Pháp. Rất may, cô đọc, nói thong thả, rõ ràng, không nuốt chữ nên chúng tôi rất tự tin. Kỳ thi ê-cri (thi écrit – thi viết) kéo dài đúng ba ngày rồi tạm dừng chờ kết quả. Sau khi có kết quả thi écrit chúng tôi lại phải trở lên Đà Lạt lần nữa để thi ô-ran (thi orale - thi vấn đáp).
Trước đó, các thầy có xem đề thi thấy khó quá nên chi mong sao đậu được ba bốn đứa là tốt rồi. Thế mà, một điều kỳ diệu đã xảy ra: Học sinh của Ecole de Dran thi đậu 100% (7/7)! Cả trường mừng vui không kể xiết, nhất là thầy tôi, người đã bỏ công chăm sóc chúng tôi suốt mùa thi.” (trang 28-29)