Đức Giáo Hoàng Francis, vị Giáo Hoàng thứ 267 được hàng triệu người Công giáo trên khắp thế giới tôn kính, đã qua đời ở tuổi 88, vào ngày Thứ Hai, ngày 21 Tháng Tư năm 2025.
 
ducgiaohoang
(Vatican News)
 
Đức Hồng y Kevin Ferrell, từ Vatican chính thức thông báo cho biết: “Vào lúc 7 giờ 35 sáng nay (giờ Vatican), Giám Mục của Rome, Francis, đã trở về nhà của Chúa Cha. Toàn bộ cuộc đời của Ngài đã cống hiến cho việc phục vụ Chúa và nhà thờ của mình″.
 
Đức Thánh Cha Francis, người mắc bệnh phổi mãn tính và đã phải cắt bỏ một phần phổi khi còn trẻ, đã được đưa vào bệnh viện Gemelli ở Rome vào ngày 14 Tháng Hai vì một cơn khủng hoảng hô hấp phát triển thành viêm phổi. Ngài đã ở đó 38 ngày, là thời gian nằm viện dài nhất trong những tháng năm làm Giáo Hoàng của Ngài.
 
Ngài đã xuất viện vào ngày 23 Tháng Ba, xuất hiện trước công chúng lần cuối vào Chủ Nhật, khi có bài phát biểu ngắn gọn trước đám đông tụ tập tại Quảng Trường Thánh Peter để đón thánh lễ Phục Sinh.
 
Người có lời tiếc thương đầu tiên, là Thủ Tướng Ý Giorgia Meloni: “Tôi đã có vinh dự được tận hưởng tình bạn, lời khuyên và lời dạy của ông, những điều không bao giờ thất bại ngay cả trong những khoảnh khắc thử thách và đau khổ”.
 
Thị Trưởng Rome, Roberto Gualtieri, nhận định: “Rome, Ý và thế giới đang thương tiếc một người đàn ông phi thường, một người chăn chiên khiêm nhường và can đảm, người biết cách nói chuyện với trái tim của mọi người”.
 
Đức Giáo Hoàng được nhiều người Công giáo, lẫn ngoại đạo yêu mến vì sự khiêm nhường. Ngài đã đơn giản hóa các nghi lễ tang lễ của Giáo Hoàng vào năm ngoái và trước đó đã nói rằng Ngài cũng lên kế hoạch cho ngôi mộ của mình tại Vương Cung Thánh Đường Santa Maria Maggiore ở khu phố Esquilino tại Rome, nơi Ngài đến cầu nguyện trước và sau các chuyến công du nước ngoài. Các Giáo Hoàng thường được chôn cất với nhiều nghi lễ long trọng trong các hang động bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter ở Thành phố Vatican.
 
Trong bối cảnh tang tóc trong những ngày và tuần tới, cuộc thảo luận khó khăn trong Vatican sẽ bắt đầu về việc ai sẽ kế nhiệm Đức Francis, và trở thành người đứng đầu thứ 268 của Giáo hội Công giáo sẽ bắt đầu. Các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Rome để tham dự một mật nghị, nghi lễ bầu cử bí mật, phức tạp được tổ chức tại Nhà Nguyện Sistine và có sự tham gia của khoảng 138 Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu.
 
Một số ứng cử viên tiềm năng được đưa ra trước khi Francis qua đời là Matteo Zuppi, một Hồng y người Ý cấp tiến, Pietro Parolin, và Hồng y Luis Antonio Tagle, từ Phillipines.
 
Việc qua đời của Đức Giáo hoàng Francis có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc trong giáo triều, được nói là bởi những người bảo thủ tìm cách tổ chức lại quyền kiểm soát nhà thờ từ tay những người cải cách.
 
Trong suốt 12 năm làm Giáo Hoàng, Francis – Giáo Hoàng đầu tiên của Dòng Tên – là người đấu tranh mạnh mẽ cho người nghèo, người bị tước đoạt và người thiệt thòi trên thế giới, đồng thời là người chỉ trích thẳng thắn lòng tham của các tập đoàn và bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Trong Vatican, ông chỉ trích sự xa hoa và đặc quyền, kêu gọi các nhà lãnh đạo nhà thờ thể hiện sự khiêm nhường.
 
Quan điểm cấp tiến của Ngài đã khiến một số lượng lớn các Hồng Y và quan chức quyền lực của Vatican cũng như từ nhiều nước trên thế giới không hài lòng, những người thường tìm cách ngăn cản những nỗ lực của Ngài nhằm cải tổ các thể chế lâu đời của nhà thờ, vì cho rằng có thể làm mất bản sắc gốc. Nhưng vượt lên trên tất cả, lòng trắc ẩn và tính nhân đạo của Đức Giáo Hoàng đã khiến ông được hàng triệu người trên khắp thế giới yêu mến.
 
Đức Giáo Hoàng Francis, tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio tại Buenos Aires, Argentina, vào năm 1936, được bầu làm Giáo Hoàng vào Tháng Ba năm 2013. Ông lập tức được yêu mến bởi có phong cách sống giản dị, khiêm nhường như đi lại bằng xe buýt, thay vì đi xe của Giáo Hoàng, sống nơi ông tự mình trả tiền hóa đơn nơi trú ngụ trước khi chuyển đến nhà khách Vatican, tránh xa các căn hộ tráng lệ của Giáo Hoàng. Trong lần xuất hiện đầu tiên trên phương tiện truyền thông, ông bày tỏ mong muốn nhìn thấy những “nhà thờ đơn sơ và nơi dành cho người nghèo”.
 
Ông tập trung sự chú ý của vị trí Giáo Hoàng vào tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, gọi chủ nghĩa tư bản phát triển tập trung vô độ là “phân của quỷ dữ”. Hai năm sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, ông đã ban hành một thông điệp dài 180 trang về môi trường, yêu cầu các quốc gia giàu nhất thế giới nên trả “món nợ xã hội lớn” của họ đối với người nghèo. Giáo Hoàng cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu là “một trong những thách thức chính mà nhân loại phải đối mặt trong thời đại của chúng ta”.
 
Ông kêu gọi lòng trắc ẩn và sự hào phóng đối với người tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, nói rằng họ không nên bị đối xử như “những quân cờ trên bàn cờ của nhân loại”. Sau khi đến thăm đảo Lesbos của Hy Lạp, ông đã xin cho 12 người Syria tị nạn tại Vatican. Các tù nhân và nạn nhân của chế độ nô lệ và nạn buôn người thời hiện đại cũng được nêu bật trong những lời kêu gọi thường xuyên của ông về lòng thương xót và hành động xã hội. Trong thời gian gần đây nằm viện, ông vẫn tiếp tục gọi điện thoại đến nhà thờ Holy Family ở Gaza, một thói quen hàng đêm kể từ ngày 9 Tháng Mười năm 2023.
 
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Đức Giáo Hoàng Francis phải giải quyết là vấn đề lạm dụng tình dục của Giáo Sĩ và việc các nhà thờ che đậy tội ác do các Linh Mục và Giám Mục gây ra. Trong vài năm đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng, khi làn sóng bê bối liên tiếp nhấn chìm nhà thờ, Ngài bị những nạn nhân và những người khác cáo buộc là không hiểu được quy mô của cuộc khủng hoảng, cũng như nhu cầu cấp thiết phải chủ động loại bỏ tận gốc tình trạng lạm dụng và việc che đậy nó.
 
Năm 2019, Đức Giáo Hoàng Francis đã triệu tập các Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới đến Rome để thảo luận về cuộc khủng hoảng và sau đó ban hành một sắc lệnh yêu cầu các Linh Mục và Nữ Tu báo cáo tình trạng lạm dụng tình dục và việc che đậy nó cho các nhà chức trách nhà thờ, đồng thời đảm bảo bảo vệ những người tố giác. Đây là một động thái quan trọng hướng tới việc nhà thờ phải đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ bê bối. Đây là hành động được ca ngợi là tiến xa hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của Ngài.
 
Cũng trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là người đứng đầu nhà thờ Công giáo, Đức Giáo Hoàng Francis đã buộc phải phản ứng với các hành động khủng bố và đàn áp liên tiếp. Ông đã phải rất vất vả để nhấn mạnh rằng bạo lực không có vai trò gì trong việc thực hành tôn giáo thực sự và mọi người không nên nhầm lẫn các hành động khủng bố với bản chất Hồi giáo. “Tôi nghĩ rằng không đúng khi đồng nhất Hồi giáo với bạo lực”, Ngài nói sau vụ sát hại một Linh Mục Công giáo ở Pháp năm 2016. “Tôi nghĩ rằng trong hầu hết các tôn giáo luôn có một nhóm nhỏ có quan điểm cứng nhắc”, ông nói thêm: “Chúng tôi [người Công giáo] cũng có những người như vậy.”
 
Đức Giáo Hoàng Francis đã nói một cách đầy lòng trắc ẩn về các vấn đề về tình dục (ngài nổi tiếng với câu trả lời “Tôi là ai mà phán xét?” cho một câu hỏi về các Linh Mục đồng tính), gia đình và vai trò của phụ nữ trong xã hội – trong khi vẫn tuân thủ giáo lý Công giáo truyền thống về hôn nhân, biện pháp tránh thai và phá thai. Mặc dù nhiều người bên cánh tả mô tả Đức Giáo Hoàng Francis đứng về phía họ, nhưng chiếu theo các hoạt động của Ngài, rõ là không dễ dàng được định nghĩa là Ngài thuộc về chủ nghĩa tự do hay bảo thủ.
 
Trong nhiều chuyến công du nước ngoài, Đức Giáo Hoàng Francis được chào đón hơn cả những ngôi sao đương thời, với hàng trăm ngàn người – đôi khi là hàng triệu người – chờ đợi hàng giờ để được nhìn thoáng qua hình ảnh nhỏ bé, mặc áo choàng trắng trên chiếc xe giáo hoàng mui trần của Ngài. Sức hấp dẫn của ngài đặc biệt mạnh mẽ đối với những người trẻ tuổi, những người mà Ngài thường xuyên thúc giục từ bỏ chủ nghĩa vật chất và sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ. “Hạnh phúc… không phải là một ứng dụng mà bạn có thể tải xuống trên điện thoại của mình,” Đức Giáo Hoàng Francis – người có gần 19 triệu người theo dõi tài khoản Twitter tiếng Anh của mình – đã nói như vậy với thanh niên Công giáo vào Tháng Tư năm 2016.
 
Mặc dù một phần của một lá phổi của ngài đã bị cắt bỏ sau một lần nhiễm trùng ở tuổi thiếu niên, nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn có sức khỏe rất tốt cho đến những năm gần đây. Nhưng Ngài vẫn duy trì lịch trình bận rộn và vào Tháng Chín năm ngoái đã bắt đầu chuyến đi dài nhất của mình đến Đông Nam Á.
 
Vào Tháng Bảy năm 2021, Ngài đã phẫu thuật cắt bỏ đến hơn 30 cm ruột già, nằm viện 10 ngày sau ca phẫu thuật. Đức Giáo Hoàng Francis cũng trải qua một cuộc phẫu thuật ruột tiếp theo vào tháng Sáu năm 2023, gần ba tháng sau khi nhập viện tại bệnh viện Gemelli của Rome vì viêm phế quản. Trong thời gian Đức Giáo Hoàng Francis suy yếu, nhiều tổ chức tôn giáo khác trên thế giới đã tổ chức cầu nguyện và mong cho Ngài lành bệnh, cho thấy uy tín và sức ảnh hưởng của Ngài tỏa rộng cả thế giới.
 
Được biết, các cuộc thảo luận và lựa chọn cuối cùng của các Hồng Y trong Giáo hội Công giáo, trong những ngày và tuần tới sẽ quyết định sẽ tiếp nối như thế nào về di sản của Đức Giáo Hoàng, trong việc cải cách thể chế và các hoạt động trọng tâm cho người nghèo. Hội Đồng Hồng Y dự kiến ​​sẽ triệu tập cuộc mật nghị trong vòng 15 đến 20 ngày, sau khi Đức Ngài qua đời.
 
Khiết Văn

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com