User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
sachbaovanhoc
Một số sách xuất bản tại các NXB Việt ở hải ngoại trong những năm qua
 
Xuất bản, dù trong thời đại nào vẫn luôn là biểu tượng cho khả năng sáng tạo, bảo tồn và truyền đạt của nhân loại. Không đơn giản chỉ là một phương tiện giao tiếp hay một ngành công nghiệp, xuất bản là nhịp cầu nối liền trí tuệ của con người qua các thế hệ, là nơi tinh thần, khát vọng và văn hóa được lưu giữ và lan tỏa. Đó là hành động vượt qua sự hữu hạn của thời gian, phá vỡ rào cản không gian để con người tiếp cận, hiểu biết và nối kết. Xuất bản vì vậy, không còn là một lựa chọn, mà trở thành một sứ mệnh – sứ mệnh bảo tồn di sản tinh thần của nhân loại và đưa nó vào cuộc sống.
 
Từ những trang khắc cổ xưa đến những cuốn sách in đầu tiên, xuất bản luôn đi đầu trong việc giữ gìn và truyền bá di sản trí tuệ của con người. Nhờ có xuất bản, những ý tưởng mang tính cách mạng, những tri thức làm thay đổi thế giới, hay những giá trị văn hóa cốt lõi không bị lãng quên mà được gìn giữ qua bao thời đại. Xuất bản như một tấm gương phản chiếu hành trình tiến hóa của nhân loại, từ bước đi sơ khai đến những đổi mới kỳ diệu trong thời đại hôm nay. Mỗi cuốn sách, mỗi tài liệu được ấn hành đều là một tác phẩm riêng biệt, đồng thời là một phần của ký ức tập thể, là chứng nhân của thời đại và nền văn minh.
 
Giờ đây, bước vào thời đại kỹ thuật số, xuất bản đã thay đổi mạnh mẽ cả về hình thức lẫn tốc độ lan tỏa. Các nền tảng sách điện tử, công nghệ xuất bản trực tuyến và phương pháp đa phương tiện đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách mà con người tiếp cận tri thức. Một tác phẩm giờ đây có thể được phát hành và đến với hàng triệu người trên toàn cầu chỉ trong vài giây. Theo thống kê từ Statista, doanh thu sách điện tử toàn cầu vào năm 2022 đạt gần 20 tỷ USD, cho thấy sự bùng nổ chưa từng có của thị trường này. Người đọc đánh giá cao sự tiện lợi khi mang theo cả một thư viện trong lòng bàn tay, truy cập nội dung mọi lúc, mọi nơi. Nhưng liệu sự tiện ích ấy có thực sự mang lại giá trị lâu bền, hay chỉ là một lớp vỏ ngoài của sự hào nhoáng công nghệ?
 
Sách in, ngược lại, vẫn  đang tồn tại mà còn tiếp tục khẳng định vị thế nhờ những trải nghiệm độc đáo mà nó mang lại. Việc cầm nắm, cảm nhận từng trang sách, hay đơn giản là việc lưu giữ chúng trên giá sách tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa độc giả và tác phẩm. Một khảo sát từ Pew Research Center vài năm gần đây cho thấy 65% độc giả trưởng thành vẫn yêu thích sách in hơn các định dạng khác, mặc dù họ thừa nhận tính linh hoạt của sách điện tử. Điều này chứng minh bất chấp sự phát triển công nghệ, nhu cầu về sự nối kết thực thể và cảm giác cá nhân vẫn là một yếu tố không thể thay thế trong hành trình đọc.
 
docsach
Hình minh họa: Pixabay
 
Bấy giờ, giá trị thực sự của xuất bản không nằm ở hình thức mà ở nội dung. Một tác phẩm dù được in trên giấy hay hiển thị qua màn hình, chỉ có giá trị nếu nó đủ sức lay động trái tim và trí tuệ người đọc. Đây là thách thức lớn nhất mà ngành xuất bản hiện nay phải đối mặt: làm thế nào để duy trì chất lượng trong bối cảnh thị trường ngày càng bão hòa. Việc dễ dàng xuất bản trên các nền tảng kỹ thuật số đã dẫn đến sự gia tăng các nội dung kém chất lượng, thiếu chiều sâu, gây nên sự hoài nghi từ độc giả. Theo nghiên cứu của Nielsen Book, mặc dù số lượng sách điện tử xuất bản tăng hơn 25% trong thập kỷ qua, mức độ hài lòng của độc giả đối với nội dung lại giảm đáng kể. Đây chính là vấn đề về chất lượng và là sự phản ánh một nguy cơ nghiêm trọng: sự mất đi giá trị cốt lõi của xuất bản – truyền tải tri thức, cảm hứng và nối kết.
 
Đối với cộng đồng người Việt Nam, xuất bản còn mang một trọng trách lớn hơn. Trong nước, văn hóa đọc đang chịu sức ép nặng nề từ các hình thức giải trí nhanh như mạng xã hội, video ngắn và nội dung tiêu thụ tức thì. Và đáng lo hơn, nơi cộng đồng người Việt hải ngoại, những cuốn sách viết bằng tiếng Việt đang dần mất đi vị thế trong đời sống của thế hệ trẻ. Đây vừa là một thách thức về sự bảo tồn ngôn ngữ, vừa là dấu hiệu báo động về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nơi lưu giữ tinh thần, giá trị và ký ức của một dân tộc. Nếu mất đi ngôn ngữ, bản sắc văn hóa tất phải dần phai nhạt, và cộng đồng sẽ mất đi mối dây liên kết với cội nguồn.
 
Điều đáng buồn là, tại nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại, ngôn ngữ mẹ đẻ không còn được xem là yếu tố cần thiết trong giáo dục. Sự chuyển dịch sang ngôn ngữ bản địa của thế hệ thứ hai và thứ ba dường như là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là ngôn ngữ Việt phải chấp nhận vị trí bị lu mờ. Chính những người làm xuất bản, cùng với cộng đồng tri thức phải đóng vai trò tiên phong trong việc thay đổi thái độ này. Xuất bản không thể đóng vai trò chỉ là một công cụ thể hiện bản thân mà phải trở thành hành động có trách nhiệm với cộng đồng. Đó là trách nhiệm thúc đẩy việc đọc sách tiếng Việt, tạo ra những tác phẩm gần gũi và hấp dẫn với thế hệ trẻ và nuôi dưỡng niềm tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ.
 
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự chuyển dịch văn hóa và ngôn ngữ này. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho chính ngành xuất bản và cộng đồng tri thức người Việt. Nếu những nội dung được xuất bản không đủ hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu về tri thức và cảm xúc của thế hệ trẻ, thì việc chúng bị lãng quên là điều khó tránh khỏi. Thay vì để ngôn ngữ Việt tự thân vận động trong một thái độ bất lực, cộng đồng cần chung ta hành động quyết liệt hơn. Các tổ chức, nhà xuất bản và tác giả cần cộng tác để tạo ra những tác phẩm có giá trị về mặt nội dung, đồng thời còn mang tính giao thoa văn hóa, giúp thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại cảm nhận được sự nối kết sâu sắc với cội nguồn mà không cảm thấy xa cách hay lạc lõng.
 
Xuất bản, trong trường hợp này, vừa là một phương tiện truyền tải, vừa là một chiến lược sống còn. Bảo vệ ngôn ngữ chính là bảo vệ văn hóa, và bảo vệ văn hóa chính là bảo vệ tương lai của cộng đồng. Đó không phải là điều có thể phó mặc cho thời gian hay số phận. Nếu không hành động, di sản quý báu của người Việt sẽ trở thành ký ức bị bỏ quên trong dòng chảy toàn cầu hóa. Nhưng nếu có một nỗ lực chung, xuất phát từ sự đồng lòng giữa các nhà tri thức, nhà xuất bản và cộng đồng, ngôn ngữ và văn hóa Việt sẽ tồn tại mà còn phát triển, trở thành một phần đáng tự hào trong bức tranh đa dạng văn hóa toàn cầu.
 
Hơn nữa, xuất bản không dừng lại ở việc bảo tồn mà phải thúc đẩy sự trao đổi văn hóa. Nhưng sự trao đổi ấy chỉ có ý nghĩa khi nội dung của tác phẩm đủ sâu sắc để tạo ra sự thấu hiểu và đồng cảm. Đây là lý do mà ngành xuất bản cần đặt nội dung lên hàng đầu, bởi công nghệ vớn cũng chỉ là phương tiện, còn nội dung mới thật sự là linh hồn.
 
Trong một thế giới mà công nghệ thay đổi không ngừng, xuất bản là sự khẳng định về giá trị thực sự của con người không nằm ở những công cụ chúng ta sử dụng, mà ở những gì mình sáng tạo và chia sẻ. Bấy giờ, xuất bản không bao giờ lỗi thời, bởi nó vừa là phương tiện mà vừa là minh chứng sống động cho tinh thần con người. Câu hỏi không phải là sách in hay sách điện tử cái nào thắng thế, mà là liệu ngành xuất bản có đủ dũng cảm để tái định nghĩa chính mình, để tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong hành trình tìm kiếm tri thức và giá trị của nhân loại. Thay vì tranh luận về hình thức, hãy tập trung vào điều cốt lõi: nội dung. Đó chính là chìa khóa để xuất bản được tồn tại và còn phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm tựa trong thế giới phức tạp hôm nay.
 
Uyên Nguyên

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com