Để nhận xét về văn hóa nghệ thuật là rất khó, nhất là những loại hình nghệ thuật phi vật thể như âm nhạc lại càng khó hơn. Vì không thể định lượng hay định vị được rõ ràng minh bạch như vật chất cân đo đong đếm. Trong bài trước tôi đã viết về Phạm Duy: Đôi nét chấm phá về kho tàng âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy, nên ở bài viết này tôi xin miễn đề cập đến.
Ở đây, nữ danh ca Thái Thanh lại là một tượng đài lớn, với “Giọng Ca Vượt Thời Gian”, nên để đưa ra lời nhận xét hay bình phẩm thì, quả là lợi bất cập hại, khi một giọng ca đã được giới thưởng ngoạn định danh và mặc định, tưởng không nên chạm vào tượng đài đó, vì có thể bị phản hồi trái chiều là khó tránh khỏi.
Nhưng tôi tin vào câu nói của một nhà thơ, nhà phê bình Valéry viết: "Người ta gán nghĩa gì thì thơ tôi nghĩa ấy. Nghĩa nào tôi định, chỉ đúng với tôi, và không thể buộc ai thừa nhận". Cũng thế, nữ danh ca Thái Thanh là người của công chúng, cô ấy hát, cô ấy trình diễn là cái quyền của cô ấy, còn khán giả, người nghe có cái quyền nhận xét của người nghe. Kể cả người nghe bình dân, không có trình độ thưởng ngoạn để chê bai thì tưởng, nữ danh ca Thái Thanh cũng phải buồn chịu mà thôi. Thông thường thì, cứ khen lấy khen để những người thành danh như nữ danh ca Thái Thanh để ăn theo là rất dễ được mọi người chấp nhận. Nếu viết mà chỉ để ăn theo và đồng lõa với mọi người như thế, tôi đã chẳng viết bài này.
Thái Thanh: Một tượng đài quá to lớn, để không một ca sĩ nào dám xô ngã… Mặc dầu Khánh Ly và Lệ Thu thập niên 70 và kể cả sau này, nổi danh và được nhiều người hâm mộ hơn cả danh ca Thái Thanh. Nhưng không vì thế mà Khánh Ly và Lệ Thu dám coi thường danh ca Thái Thanh. Chẳng những thế, chính họ luôn trân quý và ngưỡng mộ Thái Thanh như thần tượng trong lòng họ. Chính Khánh Ly đã có lần thổ lộ: “chị Thái Thanh là đàn chị về tuổi tác và trong cả sự nghiệp ca hát, rất đáng được thế hệ chúng tôi nể phục. Tôi luôn xem bà là ngọn hải đăng của mình”. Lệ Thu bày tỏ: “Chúng tôi không là những giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất cho danh ca Thái Thanh mà thôi”.
Thực ra, nếu để so sánh giữa hai dòng nhạc sẽ rất khó… Ca sĩ Thái Thanh thuộc dòng nhạc tiền chiến, xen lẫn chất tự tình dân ca và bán cổ điển. Giọng ca Thái Thanh thuộc âm vực nữ Soprano, giọng vút cao lên giọng mũi giả thanh, trong khi dòng nhạc trữ tình của Lệ Thu và Khánh Ly lại là âm vực nữ Alto, giọng nữ trầm rất dễ nghe, dễ thưởng ngoạn.
Dòng nhạc tiền chiến và bán cổ điển thường kén người nghe, vì thuộc dòng âm nhạc “học thuật bác học” cao cấp, cấu trúc âm nhạc có phần cầu kỳ, thường chỉ dành cho giới thưởng ngoạn sành điệu. Nếu để đánh giá hai dòng nhạc trên, dòng nhạc nào được nhiều người ưa thích, thì dòng nhạc trữ tình Khánh Ly và Lệ Thu được giới bình dân hâm mộ hơn là dòng nhạc thính phòng bán cổ điển. Vì số đông người nghe lại là giới bình dân nên cán cân nghiêng về dòng nhạc trữ tình giọng Alto là điều dễ hiểu. Nói một cách nôm na: Một bên dòng nhạc “vị nghệ thuật” và một bên là dòng nhạc “vị nhân sinh”.
Danh ca Thái Thanh được người đương thời trong giới thưởng ngoạn âm nhạc sành điệu như nhà văn Mai Thảo phong tặng danh hiệu cho ca sĩ Thái Thanh: “Giọng Ca Vượt Thời Gian”. Nhưng phải nói, danh ca Thái Thanh, được nổi tiếng là cũng nhờ âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy nâng cánh tiếng hát danh ca Thái Thanh lên một tầm mức cao để được xem là “Giọng Ca Vượt Thời Gian”.
Để đánh giá về: Giọng ca Thái Thanh được giới nghiên cứu đánh giá cao, và cũng là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.
Ở VN, đã một thời, có những cặp đôi trời sinh ra gắn bó giữa ca sĩ và nhạc sĩ làm nên tên tuổi: Từ Dung & Từ Công Phụng - Lê Uyên & Phương - Khánh Ly & Trịnh Công Sơn - Thái Thanh & Phạm Duy… Mỗi cặp đôi ca sĩ và nhạc sĩ đều có những tố chất đặc thù riêng, giữa chất giọng ca sĩ phù hợp với ca khúc của nhạc sĩ, và cả hai ca - nhạc sĩ cộng hưởng làm nên tên tuổi và đẩy cao ca khúc lên hàng tuyệt phẩm, được nhiều khán giả mến mộ và ưa thích.
Ví như giọng ca nội lực đầy liêu trai ma mị của Khánh Ly lại rất thích hợp âm nhạc của Trịnh Công Sơn về thân phận, tình yêu và quê hương, như ca khúc Cát Bụi: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi… Khó có giọng ca nào diễn đạt qua được Khánh Ly, để nói lên cái nhức nhối thân phận con người.
Giọng ca của Lê Uyên nồng nàn say đắm, rất phù hợp với âm nhạc du ca lãng tử của Phương. Hãy nghe Lê Uyên trong tình khúc “Vũng Lầy Của Chúng Ta”: Theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say…”. Với giai điệu lãng mạn và nồng cháy của Phương, khó có ai diễn đạt qua giọng ca Lê Uyên.
Còn chất giọng của ca sĩ Thái Thanh với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy thì sao? Trước hết phải nhận định: âm nhạc của Phạm Duy có tính học thuật cao của bán cổ điển, có tính dân tộc của làn điệu dân ca bàng bạc trong ca khúc, có tính lãng mạn của các ca khúc trữ tình… và rất được phổ cập rộng rãi đến mọi người… Còn giọng ca Thái Thanh là giọng ca soprano nữ cao. Hãy xem nhận xét về ca sĩ Thái Thanh trong Wikipedia: Mặc dù không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp, Thái Thanh đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất Opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam, ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ của thế hệ sau như Mai Hương, Quỳnh Giao,ắnh Tuyết... Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú.
Hãy nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài “Dòng Sông Xanh” (Phạm Duy viết lời) để thấy nội lực và kỹ năng thanh nhạc, cách xử lý ca khúc một cách điêu luyện và tinh tế biết dường nào!! Nghe tưởng như tiếng chim hót líu lo…
"Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc
Một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc
Một dòng sầu mấy kiếp
Xem ra âm nhạc của Phạm Duy và giọng ca Thái Thanh có sự giao thoa rất hòa quyện với nhau, để làm nên cặp đôi nghệ thuật âm nhạc ở đỉnh cao.
Danh ca Thái Thanh sở hữu một chất giọng Soprano, với một kỹ năng thanh nhạc điêu luyện thuộc bậc “tuyệt đỉnh Kung Fu”. Đã thế, Thái Thanh còn làm màu dáng: ngân nga, luyến láy, uốn lượn vòng vèo thì không chê vào vào đâu được, càng làm tôn giai điệu thêm phần long lanh và mỹ miều hơn lên.
Điều đặc biệt, ca sĩ Thái Thanh lấy cái kỹ thuật thanh nhạc cổ điển Tây phương để bồi đắp vào âm nhạc dân ca VN, làm cho giai điệu dân ca vốn bình dị, lại được Danh ca Thái Thanh chắp cánh cho giai điệu thêm phần trong sáng và cao sang hơn lên. Như bài Nụ Tầm Xuân…
Tuy nhiên, về phương diện kỹ thuật luyến láy, chính Thái Thanh đã vi phạm bản nhạc gốc của các tác giả. Điều này rất dễ nhận thấy, Thái Thanh thường xử lý luyến láy vô tội vạ trong các bài hát với những âm bồi các nốt nhạc không có trong các bản nhạc gốc. Có thể, Thái Thanh làm đẹp thêm cho bản nhạc, nên dường như không có nhạc sĩ nào phàn nàn và chỉnh sửa Danh ca Thái Thanh về điều đó?? Một điều nữa là, đôi khi danh ca Thái Thanh hơi quá làm dụng kỹ năng thanh nhạc luyến láy và sự làm dáng màu mè không cần thiết… đánh mất cái hồn của ca khúc để khó chạm đến trái tim người nghe. Nghệ thuật đôi khi chỉ là một sự giản đơn và tự nhiên hơn là một sự trau chuốt thái quá!
Mọi điều gần như là hoàn hảo tuyệt đối về ca sĩ Thái Thanh. Tuy nhiên, vào giai đoạn đầu nghe nhạc tiền chiến, tôi không ưa giọng ca Thái Thanh một chút nào, vì sự õng ẹo, làm màu làm dáng với tròn vành rõ chữ một cách thái quá, khiến tôi đánh mất cảm xúc về bài hát. Tôi có cảm tưởng ca sĩ Thái Thanh hát như đang diễn tuồng, diễn chèo… đánh mất sự tự nhiên của ca khúc.
Về sau này, nghe mấy ca khúc: Dòng Sông Xanh (lời Phạm Duy), Trương Chi, Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ, Tiếng Sáo Thiên Thai, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Tình Ca… Nhất là album Đạo Ca thì không ca sĩ nào dám xớ rớ tới. Quả thực là cho em xin bái phục “Đệ Nhất Nữ Danh Ca”. Cách xử lý câu cú tròn vành rõ chữ thì thuộc loại “khuôn vàng thước ngọc”. Thái Thanh với cung bậc cảm xúc “nuance” thả hồn vào giai điệu, chỉ có thi hào Nguyễn Du mới diễn tả nổi:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Tuy nhiên, nếu nghe đàng dài cả một CD, quả là tôi cảm thấy bị bội thực, vì không kịp tiêu hóa nổi, đối với những “thực phẩm âm nhạc cao lương của Danh ca Thái Thanh và Phạm Duy”. Nhưng dù sao đi nữa, danh ca Thái Thanh vẫn là tượng đài của một “Giọng Ca Vượt Thời Gian”.
Quả thật: Nhạc sĩ Phạm Duy và Danh ca Thái Thanh là một cặp trời sinh ra, để làm nên những tuyệt tác bất hủ để đời cho nhân loại thưởng ngoạn.
Xin được cám ơn hai tài năng đỉnh cao của miền Nam trước 75.
Nguyễn Vĩnh Căn
Nguồn: https://vanchuongviet.org/