(Hình: Chụp qua YouTube)
Hôm nay ngày 19 Tháng Giêng 2025, tròn 51 năm tưởng niệm ngày xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa với quân xâm lược Trung Cộng năm 1974.
Tròn 51 năm ngày hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974- 19-1-2025), dù đang trong hoàn cảnh lưu lạc nơi xứ người nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn nỗi niềm da diết khôn nguôi về ngày này. Về nỗi đau của dân tộc và về một nhà cầm quyền vẫn còn nặng nề phân biệt, đã đàn áp khốc liệt những người lên tiếng nói vì biển đảo, quê hương.
Lại một mùa Xuân lại về. Có thể nói mùa Xuân của đất trời bao giờ cũng đẹp, mùa của hoa lá khoe sắc, mùa của cỏ cây đâm chồi nảy lộc… nhưng với tôi và cả với những người bạn của tôi, mùa Xuân thường gợi nhớ đến những nỗi buồn. Bởi trong mùa Xuân, có những ngày như: 19 Tháng Giêng- tưởng niệm ngày hải chiến Hoàng Sa, 27 Tháng Hai-tưởng niệm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc và 14 Tháng Ba-tưởng niệm ngày Trường Sa. Đây toàn là những ngày đau thương của dân tộc, ngày của biên giới lãnh thổ-lãnh hải Việt Nam bị quân xâm lược Trung Cộng xâm phạm và cưỡng chiếm.
Trong trận hải chiến này, 74 người con ưu tú Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh, thân xác nằm lại với đại dương bao lao và quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông của Việt Nam bị quân xâm lược Trung Cộng cưỡng chiếm kể từ ngày đó cho đến nay.
51 năm trận Hải chiến đã đi vào lịch sử nhưng nỗi đau của dân tộc thì vẫn tồn tại, kéo dài và mới toanh từng ngày. Bằng chứng là ngư dân Việt Nam thường xuyên bị Hải Quân Trung Cộng, thậm chí là Hải Quân của nhiều quốc gia khác đánh đập, bắn chết và tịch thu tài sản trong những chuyến ra khơi.
Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, chỉ huy hành quân Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974. (Hình tư liệu/Facebook Cù Mai Công)
Hồi cuối Tháng Chín, đầu Tháng Mười 2024, lực lượng chấp pháp Biển Đông của Trung Quốc dùng gậy sắt đánh trọng thương và tịch thu tài sản của nhiều ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS, tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa.
Bản thân tôi, là người con của mảnh đất miền Trung, vào ngày này tôi thường có những có những hoạt động như: ghé vào bảo tàng Hoàng Sa xem và tìm hiểu những hình ảnh tư liệu về biển đảo, cùng bạn bè khắp nam-bắc xuống đường dâng hương tưởng niệm tại các tượng đài, thăm hỏi cuộc sống ngư dân.
Cũng vì những hoạt động này, cơ quan an ninh, Công An CSVN thường xuyên cử người đeo bám, canh trước nhà hoặc theo dõi tôi cùng bạn bè của tôi. Họ coi đây là những hoạt động “nhạy cảm,” sẵn sàng ngăn chặn, phá buổi tưởng niệm, thậm chí là dùng bạo lực đối với những người quan tâm đến hiện tình đất nước, quan tâm đến biển đảo quê hương.
Tôi còn nhớ như in, đêm trước ngày tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa tròn 40 năm. Lúc ấy, người dân Việt Nam từ Bắc xuống Nam bằng cách này hay cách khác rất sôi nổi, tổ chức dâng hương tưởng niệm. Hòa chung không khí đó, tôi và vài người bạn cũng tổ chức số hoạt động hưởng ứng. Tuy nhiên, hoạt động của chúng tôi không thể tiến hành, bị lực lượng Công An, an ninh quân phục và thường phục đông đảo trấn dẹp. Bản thân tôi bị một viên an ninh mặc thường phục cầm dao bấm dí vào người, kèm theo lời yêu cầu phải rời khỏi khu vực.
Trong nhiều lần gọi điện thoại thăm hỏi vài thân nhân của 74 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, có hơn ba lần tôi được trò chuyện với bà Huỳnh Thị Sinh- vợ của cố Trung Tá Ngụy Văn Thà, Thuyền Trưởng Tống Hạm Nhựt Tảo HQ-10, hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Dù chỉ biết tôi là người viết báo chứ không biết rõ tôi là ai và cũng không cần thiết phải biết, lúc nào bà Sinh cũng niềm nở, cũng bày tỏ tự hào về những việc Trung Tá Thà lúc còn sống đã làm và hy sinh cho Tổ quốc.
Bà Sinh thường kể cho tôi cho nghe về chuyện tình giữa bà với ông Thà ngày trước. Hai người bắt đầu quen nhau từ năm 1963 nhưng vì chiến tranh, ông Thà lại thường xa nhà nên mãi đến năm 1967 hai người mới kết hôn và có với nhau ba người con.
Trước ngày 19 Tháng Giêng 1974, do tàu bị hỏng nên phải cập cảng Ba Son để sửa chữa, ông Thà tranh thủ về nhà thăm vợ con. Và đây là lần cuối cùng bà Sinh được thấy mặt chồng.
Một ngày sau, 20 tháng Giêng, nhằm ngày 27 tháng Chạp âm lịch. Người con gái lớn của hai ông bà là chị Ngụy Thị Thu Trang đọc tờ báo có bản tin “Hạm Trưởng Ngụy Van Thà tử trận” cùng tàu chỉ huy ngoài Hoàng Sa. Bà Sinh một nách gồng gánh nuôi ba người con.
Sau ngày miền Nam bị miền Bắc Cộng Sản cưỡng chiếm, bà Sinh và ba người con gái phải làm đủ mọi công việc, đủ mọi nghề nặng nhọc để mưu sinh và còn bị không ít người dị nghị vì lý lịch vợ “ngụy.” Bà Sinh nói bản thân buồn và mặc cảm lắm, chế độ này (CSVN) có quan tâm gì đâu.
Mãi đến Tháng Bảy 2014, được sự giúp đỡ của bạn bè, ông Thà và thông qua chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, bà Sinh mới có được căn nhà 60m2 ở Phường 7, Quận 10, Sài Gòn. Ba người con của bà Sinh đã lập gia đình từ lâu, ra ở riêng và những người cháu dù cuộc nghèo khó nhưng học hành giỏi giang, thành đạt.
Minh Hải