Linh nhón gót nhìn qua cửa sổ. Bên ngoài, trời đang hơi ướt dưới cơn mưa xuân rỉ rả. Những hạt mưa nhè nhẹ rắc lên các ngọn cây, nhất là cành hoa đào hồng hồng nhiều nụ, hứa hẹn Tết sẽ cho ra hoa thật đẹp… như tăng thêm mạch sống cho loài cây cỏ.
Nhưng Linh không nhìn ra ngoài trời để coi cảnh vật mùa xuân, mà hé mắt nhìn qua cây cột đèn phía bên kia đường, nơi có một mái che công tơ điện lộ thiên ở đó, vô tình làm chỗ trú mưa tránh nắng cho một lão nhà quê người Việt, mà cô không cảm tình, ghét cay ghét đắng, chỉ vì cái xe đẩy siêu thị mà lão ta chứa cả trăm thứ đồ lỉnh kỉnh trên đó, nhìn có vẻ cũ kỹ và dơ dáy làm sao, mất thẩm mỹ cả khu vực!
Không biết giờ nầy lão ta có còn ngồi đó hay không.
– “Ông nội” đó đẩy xe đi rồi! Nhìn thấy là bực mình!
Mẹ của Linh đang thu dọn trong bếp, nghe thấy bèn cười:
– Làm gì mà con ghét ông đó dữ vậy?
– Mẹ coi, đã qua Mỹ mà không lo kiếm việc để làm, lại đi đầu đường xó chợ, coi thật là nhục nhã!
Bà Thanh nghe con nói, dừng tay, đi lại bên Linh nhìn ra ngoài, qua khu đất trước mặt, rồi khe khẽ giọng:
– Ông ta cũng già rồi con, vả lại nhiều khi bây giờ kinh tế khó khăn, họ đâu biết làm nghề ngỗng gì để sống, đành phải lang thang ngoài đường!
Giọng bà Thanh có vẻ ngậm ngùi. Bà thương người hay nghĩ xa xôi, vì bà con bên phía của bà kẹt lại bên Việt Nam hết, cho nên đa số bị đói.
– Già thì ông ta được ăn tiền già, sao lại còn xin ăn làm gì?
Câu nói thật chí lý, nhưng thiếu chiều sâu! Bà Thanh lại giải thích:
– Ðâu phải ai già là xin được tiền già đâu con.
– Tại sao lại không xin được?
– Bởi vì họ không có địa chỉ. Với người Mỹ là đâu đó phải đúng luật. Tuy họ biết nhiều người nghèo khó phải lang thang ngoài đường, nhưng luật là luật… vì vậy mới có nhiều người đói khổ!
– Con không thích mấy người đi ngoài đường, sao họ không vô “shelter” mà trú ngụ? Chính phủ có cho mà?
Bà Thanh cằn nhằn:
– Con sao khó chịu quá đi! Kệ người ta! Thấy nghèo không thương lại còn nói nầy nói nọ! Họ có làm gì con đâu?
– Họ không làm gì, nhưng họ làm mất mỹ quan của thành phố. Và mẹ không biết là họ cũng làm mang tiếng cho người Việt lưu vong à! Với lại…
– Sao?
– Với lại tụi con đi làm cực khổ, đóng thuế quá trời… là vô mấy người đó đó! mẹ biết không!
Bà Thanh hơi ngỡ ngàng. Sự suy nghĩ của bọn trẻ y như mấy đứa Mỹ con bên đây! Cũng bởi chúng được đi học cùng trường lớp dạy như thế! Nhưng bà không muốn tranh luận với con vấn đề nầy, nhiều khi làm cho bà nổi nóng lại mất hay.
– Thôi đi, con khó vừa vừa ấy! mình cũng là dân ở tạm, có phải là Mỹ chính gốc đâu! Nhưng quên chuyện đó đi, ra mà ngắm mấy cây đào trước ngõ nhà mình năm nay trổ bông đẹp quá nè, nụ còn đầy là Tết sẽ nở hoa đẹp lắm đó.
Lãng qua chuyện khác vì bà Thanh không muốn con gái mình cứ săm soi chuyện mấy ông mấy bà “homeless” đẩy xe ngược xuôi trong ngoài phố. Dù sao thì nên quan niệm dễ dãi một chút, cũng sẽ thoải mái hơn! Hoàn cảnh của họ vì cuộc sống sinh nhai hay hoàn cảnh, bắt buộc phải làm vậy thôi!
Khác với sự khó chịu của Linh, bà Thanh lại thấy tội nghiệp cho ông lão nầy! Bà thường đứng sau rèm cửa ngắm mấy cây đào bên ngoài. Ðôi khi thấy ông ta. Dù quần áo ông ăn mặc tuy cũ kỹ, nhưng phong thái của ông không phải chụp giựt, hay thuộc phường hạ lưu trong xã hội.
Thường, sáng sớm ông đẩy chiếc xe đi lúc tám giờ. Ði đâu thì bà không biết! Nhưng buổi chiều, bốn giờ là ông đã có mặt ở “nhà” của ông, dưới tấm mái che hộp điện, có một ống cống tròn lớn còn mới, để khơi khơi ở đó không biết định làm gì, chắc chủ nhà cạnh đó mua để sửa ống cống? nhưng lâu rồi chưa thấy ai động đậy đến! Cái ống cống lại khuất sau một cây cổ thụ, mặt tròn nhìn ra đường, nên ông lão lấy đó làm nhà, ít ai để ý.
Khi về nhà, ông giở cái ghế xếp ra, ngồi xuống phía ngoài, dưới bóng cây. Chiếc ghế nầy được gấp lại gọn gàng để trên xe đẩy, có thể nằm cũng được, nhưng ông chỉ để nó ngồi dựa hơi ngả ra sau một chút thôi, cho đỡ mỏi lưng.
Ngồi một lát, ông mới lôi một bao nylông, lấy hộp cơm ra ăn. Ngày nào cũng thế! Hôm nay, dù đã trễ rồi, nhưng ông vẫn còn bên kia, ngồi trùm cái áo mưa nhìn mông lung ra đường. Thấy ông ta nhìn qua cửa sổ nhà mình, bà Thanh vội vàng thụt người ra sau, rồi lẫn vào trong. Bà không muốn cho ông biết bà nhìn lén ông.
Từ hôm con gái cho biết ông già “dơ dáy” bên kia là người Việt! Bà đã tròn mắt lên ngạc nhiên!
– Sao con biết ông già đó người Việt?
– Thì con thấy ổng đọc tờ báo có chữ Việt Nam.
Thì ra con gái bà nó cũng biết phân biệt những điều mà bà không ngờ! Không biết viết chữ Việt, nhưng cũng không đến nỗi là không biết nhận mặt chữ Việt… Cũng chưa đến nỗi tệ!
Qua màn vải thưa, ông già vẫn ngồi thu lu trong ống cống, Ông nhìn thì khô ráo, vì mưa không hắt vào miệng cống, nhưng trông ông có vẻ như bị lạnh! Thấy ông run lên nhè nhẹ, bà Thanh cảm thấy tội nghiệp cho thân phận ông già! Chẳng biết gia đình ông nơi đâu, mà ông phải lăn lóc ra đường sống như thế nầy!
Hình ảnh ông già vô gia cư bên kia đường, khiến cho vài lần bà Thanh cảm thấy xốn xang, vì nó khơi lại hình bóng người cha già của bà, hiện đang còn ở lại trên quê hương ngàn trùng xa cách, với nhân dáng hao hao giống cha bà ngày xưa.
“Ông ấy đang lạnh quá, hay là mình đem cho ông ta một ly cà phê nóng?”
Ý nghĩ nhân đạo thoáng qua, nhưng bà Thanh không dám làm ngay, vì nếu con gái bà thấy, nó sẽ “cười” cho sự lẩm cẩm của bà, và cằn nhằn bà “dây dưa” với người lạ, rất nguy hiểm!
Nhưng rồi bà lại rắp tâm chờ cho con gái đi làm, thì bà sẽ đem cà phê hay trà nóng ra cho ông. Người già uống một thứ gì đó nóng, sẽ ấm người lại ngay. Ðể ông ta không nhận diện được, bà sẽ trùm cái khăn quấn lên mặt, tay mang găng, rồi không nói chuyện, mà chỉ đưa ly cà phê sữa nóng đựng trong ly nhựa thôi.
Nhớ lại cha của bà mà thương… bây giờ gọi là ông Ngoại, cứ mỗi độ mùa xuân đến, gần ngày Ba Mươi Tết, ông ngoại lúc đó dù chưa già, nhưng tay chân không còn mạnh mẽ như thời trai trẻ, vì có thời bị té xe, vẫn chiều lòng đám con cháu, chuẩn bị cùng bà ngoại lo gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá chuối để gói bánh chưng. Bởi vì ông nổi tiếng gói khéo từ lâu nay.
Lúc đó bà Thanh còn trẻ, chưa lấy chồng. Sau khi đi làm về, là mấy anh chị em tụ vào bếp, xem ông bà ngoại gói bánh chưng, và để rồi sau đó quanh quẩn trong bếp không phải là phụ giúp, mà mạnh đứa nào đứa nầy gói riêng cho mình một cái bánh nhỏ, với hình dáng méo mó, xiêu vẹo, những anh chị lớn đã có vợ, chồng cũng chung trò vui đó… rồi còn làm dấu, để không ai lẫn lộn được cái bánh xấu xí của mình!
Mỗi năm làm bánh thì có đủ mặt mấy chú và Dì Cả, họ cũng đến nhà ông bà ngoại thật sớm, phụ sắp xếp các thứ, như lau lá chuối, hấp đậu xanh chín để làm nhân, cắt thịt mỡ ướp hành mắm tiêu đường… Dì Cả là chị độc nhất của mẹ bà Thanh, rất thân thiết với mấy chị em trong nhà.
Còn hai ông chú, em của cha thì lo sửa soạn chỗ nấu cho nồi bánh to đùng ở khu vực sân trước, miếng sân rộng có ba thuớc chiều dài và 5 thước chiều ngang… hết chẻ củi, rồi khiêng mấy hòn đá làm bếp. Nhà ông bà ngoại ngày thường chỉ có mình bà Thanh là con gái Út còn ở chung, các anh chị đã có gia đình ra riêng, nên rất vắng. Nhưng hễ cuối năm là huyên náo, vì đám con cháu quây quần, trò chuyện xúm xít rất nhộn nhịp.
Những chiếc bánh gói xong chất thứ tự gọn gàng trên kệ, thì bao giờ ông ngoại cũng làm ra những chiếc bánh thẳng thớm vuông vức, rất đẹp mắt. Còn những người khác như mẹ và Dì thì gói còn “non tay”, nên đám con vây quanh phê bình: “Ba gói đẹp nhất, rồi đến hai chú”.
Nhiều nhà hàng xóm thấy đông người thì cũng ghé vào xem. Họ thắc mắc khi thấy ông ngoại và hai ông chú ngồi gói bánh, còn đám đàn bà thì nói chuyện, hay làm những việc vớ vẩn khác. Hỏi, thì ông ngoại cười mà rằng:
– Đàn ông gói mạnh tay, khéo hơn các bà! Vả lại tôi cũng quen việc nầy, muốn chúng nó đến đông đủ cho vui nhà… không khí mùa Xuân mà.
Ông ngoại vừa lau lá, gói bánh, lại còn luôn miệng kể những câu chuyện vui cho trong nhà nghe. Vì thế, suốt buổi lúc nào tiếng cười cũng tràn ngập, trong cái không khí mát mẻ của chiều Hai Mươi Chín Tết.
Thời gian trôi thật nhanh… Mới đó mà đã ba mươi năm đi qua! Vật đổi sao dời. Bà ngoại đã mất từ lâu, còn ông Ngoại thì quá già, ở tận miền quê xa xăm với Cậu Tư. Ở hải ngoại, ba cái Linh cũng bỏ vợ, để đi theo một bà khác, tình nguyện cho bà đó “nâng tay, móc túi”!
Bà Thanh buồn chán một thời gian thì cũng quen, tập làm việc cho quên rầu! Do đó, bà cũng học hành nấu nướng mọi thứ, biết vài món Tây món ta, nhưng chưa bao giờ bà tự gói bánh chưng cho con ăn, như cha mẹ mình ngày xưa. Tết ở hải ngoại, bà Thanh không màng đến việc gói bánh chưng bao giờ, vì mất công, tốn nhiều thứ… mà ăn không bao nhiêu! Một cái bánh cắt ra, mẹ con bà ăn hai ngày chưa chắc hết!
Vì thế Tết nào, bà cũng đặt mua bánh chưng của người quen, nhờ họ gói thêm cho hai chiếc nho nhỏ, cùng các loại trái cây hiếm, như chôm chôm, mãng cầu, xoài, dừa đã gọt vỏ, nho tươi, cam, quýt.
Một mâm cúng khá đồ sộ, nhất là Mồng Một Tết còn có cả đĩa thịt heo quay giòn rụm, để chưng và cúng trên bàn thờ ông bà. Sau đó mẹ con ăn với nhau bữa cơm đầu năm, gồm có bánh hỏi trét mỡ hành với thịt quay, có thêm món chân gà dỉm xấm, uống cà phê xay “starbuck” béo ngọt, mà Linh mua hai ly to tổ bố ở khu phố gần nhà, còn trái cây thì không bao giờ ế, cứ để đó, ăn dần.
Hai mẹ bà Thanh đã ăn Tết với nhau vài năm rồi. Ông chồng bà thì “một đi không trở lại”! Cho dù là để thăm đứa con chung. Vì thế mà Linh cũng không thích cha của mình. Mỗi lần ai hỏi tới ổng, là cô lại trề môi dài, trả lời:
– Coi như Linh không có cha trên cõi đời!
Thật ra khi nói câu đó, Linh cũng cảm thấy áy náy, không vui trong lòng, nhưng ngoài mặt phải mạnh miệng mà nói, vì cô cũng chưa bao giờ đến thăm ông cả, dĩ nhiên là cô không ưa gặp mặt người đàn bà đã phá hạnh phúc của mẹ cô! Cuộc đời đã dạy cho cô nhiều chuyện bất ngờ.
Cũng may là khi ông chồng bỏ đi, khoảng hai năm sau Linh ra trường, có được việc lương cao.
Bà Thanh vẫn đi làm. Linh để mẹ làm thêm vài tháng, cho quên hẳn đi nỗi nhớ về người cha bội bạc. Sau đó, Linh bàn với mẹ không cần phải vất vả thêm nữa, nên ở nhà cho cô lo, vì Linh không muốn mẹ phải mưu sinh, đầu tắt mặt tối. Nhất là lúc cha vừa bỏ hai mẹ con, mẹ đã lo cho Linh mọi chuyện. Mẹ muốn Linh “học và học”, không muốn Linh thua sút bạn bè.
Cứ mỗi tháng, là Linh tặng mẹ năm trăm, cho bà muốn tiêu gì thì tiêu. Ngoài ra, không phải Linh muốn mẹ ở nhà lo cho mình, mà cô muốn mẹ đi chơi cho khuây khoả. Linh biết mẹ thích về Việt Nam thăm ông ngoại, nhưng do nhiều lý do, mẹ vẫn chưa đi.
Hồi đó khi còn bố sống chung, bố hay cản không cho mẹ về, dĩ nhiên là vì bố sợ mẹ đem tiền về giúp các cậu các dì tốn kém, lại nữa, mẹ đi thì không ai làm việc nhà, lau dọn… Vì thế thành quen, nên mẹ không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy nữa, mà thỉnh thoảng chỉ lén lút gởi qua trung tâm chuyển tiền chút đỉnh, cho cha và các anh chị trong dịp lễ Tết. Cho đến giờ nầy, nếu Mẹ không đi thì bao giờ mới đi?
Linh xách bóp ra nhà xe, sau khi nói vọng lại với mẹ:
– Thưa mẹ con đi làm.
Bà Thanh nhìn con, hôm nay Linh đi làm trễ vì trời mưa, và Linh thì có quyền đến hãng bất cứ giờ nào theo ý muốn. Làm việc hãng nầy, nghe Linh nói miễn là xong việc, không phải theo giờ giấc như các hãng khác! nên có bữa đi sớm, về trễ, không ngày nào giống ngày nào!
Ðợi cho con lái xe ra đường, bà Thanh mới yên tâm lại nhìn qua cửa sổ. Ông già vẫn còn đó, vẫn run lạnh tay chân. Bà vội vào bếp, lấy cà phê ra làm một ly lớn. Cũng may bà uống cà phê Pháp hàng ngày. Cứ mỗi lần pha cà phê, là bà làm sẵn cho cả tuần, rồi cất trong tủ lạnh. Buổi sáng bà lấy đổ ra ly, hâm nóng rồi cho sữa đặc vào quậy tan là uống… Vẫn thơm ngon vô cùng.
Kiếm một cái ly nhựa dày, bà đổ cả bốn phần cà phê sữa nóng vào đó. Ðể chắc ăn nó thật nóng, bà hâm lại thêm hai phút nữa.
Ðến đây, mọi việc sẵn sàng thì bà lại tần ngần, e ngại! Bà thấy hơi kỳ kỳ sao đó! Phải chi bà có một đứa cháu nho nhỏ, thì nhờ nó làm chuyện nầy hay biết mấy… hay là có bất cứ ai ở chung nhà cũng được. Nhưng đây thì “bói” đâu cho ra?
Cuối cùng, bà đành mặc cái áo khoác to tổ bố của ông chồng bỏ lại, treo trong nhà xe mà chưa vụt đi chỉ vì tiếc, cái áo còn khá tốt, đội mũ len che gần hết khuôn mặt, mang thêm găng tay. Nhìn trong gương, bà cũng thấy nó vẫn còn lộ liễu làm sao ấy! Nhìn trời thì âm u, chẳng lẽ bà lại đeo cái kính đen? Trông chắc là kỳ quái lắm!
Rồi khi ông lão kia tiếp lấy cà phê, có thể lão sẽ nghĩ rằng: “Mụ nào mà ăn mặc quái dị thế? Bà nầy có tình ý gì với mình? Tại sao bà ta lại săn sóc cho mình”?
Còn nhiều, nhiều nữa… Bà biết nói sao bây giờ! Bà chỉ vì lòng thương người, nhớ đến cha già nơi xa mà làm cử chỉ giúp đỡ người nghèo, có vậy thôi! Bưng ly cà phê, đứng tần ngần suy nghĩ, đắn đo… cho đến khi ly cà phê sữa của bà nguội lại, bà vẫn chưa nhúc nhích, vì ngại ông già lạ mặt hiểu lầm!
– Phải chi mình trẻ trung một chút, thì tốt hơn!
Bà vẫn chưa quyết định gì thêm chuyện có bưng cà phê cho ông “homeless”, thì bỗng thấy ông đứng lên, gấp chiếc ghế lại, rồi treo nó lên bên hông chiếc xe đẩy, lấy một bao rác lớn che kín chiếc xe, rồi trùm một bao rác lớn lên người, chuẩn bị đẩy xe đi “kiếm ăn” nơi thiên hạ!
Thế là xong, vấn đề được giải quyết. Bà Thanh bưng cất ly cà phê vào lại trong tủ lạnh! Lần nầy phải lục tung ngăn tủ để kiếm cái nắp cho vừa, rồi cột bao ny long đậy lại! Việc nhỏ tí có thế cũng không dám làm, thì thử hỏi đời bà sao mà khá được!
– Mẹ phải cứng cỏi, mạnh dạn lên!
Lời nói của con gái vang trong đầu! Phải, sao mà nhút nhát quá. Bà có làm gì sai quấy đâu! Ai dám nói bậy cho bà! Ủa, mà sao bà lại nghĩ xa xôi quá rồi! Ðúng là vớ vẩn!
Hôm nay bà tính ra chợ Việt Nam, để mua vài món cần thiết trong kho chứa thực phẩm khô Việt Nam của nhà đã vơi gần hết. Những thứ như hoa hồi, bánh phở khô, bò kho viên, quế, cà ri, nước cốt dừa trong lon, gạo nếp cần phải có trong ngày Tết… cũng đã hết.
Ngồi xuống bàn, bà Thanh ghi chép lại tất cả mọi thứ cần mua vào một tờ giấy. Dạo nầy bà cũng hay quên, nhiều khi ra tới chợ, gặp người quen, nói xong ba điều bốn chuyện, là bà cũng không nhớ mình đã cần phải mua gì!
Ghi xong những điều cần thiết vào tờ giấy, bà vào phòng thay đồ. Nhìn mình trong gương quá nhiều thay đổi. Hồi đó ra đường, biết bao nhiêu người ngưỡng mộ. Bây giờ thì già rồi, chẳng ai thèm đoái hoài!
– Thôi thế cho khoẻ thân!
Bà Thanh an phận với những gì mình đang có. Bà chỉ lo lắng là khi về già, lúc Linh đã có gia đình, thì bà sẽ ở với ai? Bên Mỹ nầy một thân một mình cũng buồn lắm! Bà lại không có anh em ruột thịt, chỉ có một đứa con gái, mà con gái bà thì dù thương mẹ, nhưng có lối sống giống như Mỹ, nên bà cũng lo sợ vẫn vơ niềm cô đơn trong tương lai trước mặt!
Mạnh khoẻ thì không sao, nếu chẳng may đau yếu, nhưng không phải đau nặng, thì cũng hơi khó khăn khi ở một mình! Thôi, nghĩ xa làm gì cho mệt! Linh vẫn nói với bà:
– Mẹ hay lo xa quá! Lo làm gì cho mệt xác! lại đau đầu! Bây giờ mẹ đang sống vui với con là được rồi!
“Quẳng gánh lo đi để vui sống!”
Bà Thanh hát một bài nho nhỏ, rồi ra xe. Liếc qua “nhà” ông già trước mặt, thì ông ta đã biến mất!
Hôm nay bà Thanh ghé ra một chợ Việt Nam mới mở mấy tháng nay. Dù có nghe nói là giá cả Ok, bà cũng chưa ghé một lần nào. Khu chợ sầm uất, lớn hơn những ngôi chợ cũ. Không biết hải ngoại có thêm người Việt đông cỡ nào, nhưng chợ búa nhiều cái mọc ra, một cái chết đi, đặc biệt là những chợ nho nhỏ lại sống vững mới kỳ!
Ðang lượn qua dãy bán rau tươi phía ngoài chợ, bà Thanh bỗng nhác thấy bóng ai giống như ông “hàng xóm” bất đắc dĩ của mình. Bà đứng xa xa để nhìn coi ông làm cái giống gì ở đây? Thì ra là ông bán báo. Thảo nào mà ông hay đọc báo là vậy! Chắc báo ế!
Ông chỉ có hai chồng báo. Bán cho hai tờ thôi, mỗi tờ độ khoảng ba chục số. Không như các bà bán báo khác mà bà Thanh thường thấy, họ có cả xe báo, đủ thứ hết. Ðây là người có sự lựa chọn! Nhìn một lúc cũng có vài ba người mua báo từ ông già. Bà làm bạo, kéo cái khăn quàng quấn ngang miệng, rồi đẩy xe lại gần mua một tờ báo.
– Khỏi thối.
Tờ báo 1 đồng, bà đưa năm đồng, rồi đẩy cái xe đi nhanh như ma đuổi! Bốn đồng dư, bà muốn ông mua cái gì cho ấm để uống mà chịu lạnh.
– A, phải rồi. Nhà mình có cái phích nước nóng vừa nhỏ, vừa nhẹ không làm gì, ngày mai đưa cho ông già, để ổng đựng nước trà hay cà phê!
Ra tới xe, bà kín đáo nhìn lui… “Ông già đang bán báo cho khách. Không biết ổng có thấy xe mình không? Chắc là không, vì xe đậu hơi xa”.
Lái xe về nhà, bà cảm thấy thoải mái. Vừa làm một chuyện tốt, thì tâm lý con người cũng vui lây. Nấu cơm xong, bà ngồi thưởng thức một mình. Luôn luôn, bà ăn cơm lúc sáu giờ. Linh cũng biết điều đó. Hôm nào về kịp thì ăn với mẹ, không thì ăn sau.
Vừa ăn vừa coi TV. Mấy miếng thịt heo ram mặn mặn, ngọt ngọt làm bà Thanh thích thú, món nầy ăn kèm với cơm gạo thơm nóng trắng dẻo, cộng thêm đĩa rau cải xoong, xà lách, cà chua trộn dầu giấm. Ăn cơm xong, bà Thanh dọn dẹp, rồi tắt đèn trong phòng khách, đứng trong bóng tối nhìn qua chỗ ông Homeless, coi ổng đã về ngủ chưa?
Sở dĩ bà phải tắt đèn, vì nếu có ánh đèn bên trong, sợ phía ngoài nhìn sẽ thấy bóng người. Bên kia cũng tối thui! Ông nầy có đèn đóm gì đâu mà biết! À có, một lần bà thấy thấp thoáng ánh nến chút xíu! Thật ra thì hồi nào tới giờ, bà có để ý đâu. Lần nầy, vì hồi sáng thấy ông ta run rẩy, tội nghiệp, nên khiến bà tò mò thêm một chút.
– Chắc là ổng đi ngủ rồi!
Trở lại phòng ăn, bà ngồi vào bàn nghĩ đến sao mình không gọi điện thoại về cho nhà người hàng xóm của cha, để hỏi thăm và xin được nói chuyện, vì nhà ông không có điện thoại. Số phôn nầy, cậu Tư đưa cho bà Thanh, dặn có chuyện gì khẩn cấp hãy gọi về cho nhà bên cạnh, rồi họ chạy đi kêu nhà mình qua nghe điện thoại. Thấy phiền nên bà chỉ viết thư và gởi tiền.
Nhìn lên đồng hồ, tính nhẩm thấy giờ nầy ở Việt Nam chắc cũng chín giờ sáng rồi. Bà lại bên máy điện thoại, rồi giở cuốn sổ tìm số gọi. Thật là cảm động khi nghe lại giọng nói của cha! Ông ngoại run giọng thăm hỏi, rồi nói:
– Chừng nào con mới về Việt Nam thăm gia đình?
Biết là cha và các anh chị trông mong mình, bà hứa đại:
– Chắc là con cũng gần về rồi, còn đang làm giấy tờ.
– Làm mau lên nghe con, bên nầy ai cũng mong con về thăm, mà không ai dám hỏi hết! sợ con bận.
Nói chuyện với cha cả gần một tiếng đồng hồ, bà Thanh thấy mình quả là hờ hững với gia đình. Thôi thì cũng phải về thăm quê hương một lần cho biết. Mình có vướng bận ai đâu! Có tiếng xe của Linh đã về. Bà Thanh vội dọn cơm ra bàn cho con. Linh cởi áo ngoài xong, tới bên tủ lạnh tìm nước uống, bỗng dưng cô nhìn mẹ, hỏi:
– Mẹ, bộ mẹ làm cà phê cho ai hả?
Bà Thanh giật mình vì sự bén nhạy của con, bà chối:
– Cho mẹ chứ cho ai. Bộ con không biết mẹ thường uống cà phê buổi sáng hay sao?
Linh cười:
– Biết rồi. Nhưng sao mẹ làm nhiều quá vậy? Mỗi ngày mỗi pha thì ngon và thơm hơn.
Rồi không biết nghĩ sao, Linh thêm:
– Với lại mẹ đâu cần phải bỏ vô ly ny lông rồi bịt cẩn thận thế! Làm như bưng đi đâu không bằng!
Câu nói vô tư của Linh đã khiến cho bà mẹ “khéo lo” càng hoảng! Bà Thanh lấy ly nước lọc, giọng hơi gắt:
– Ok, Ok… được rồi! Thôi ăn cơm đi kẻo nguội!
Linh lại bên cánh cửa kính nho nhỏ, sát nơi rửa chén nhìn ra sau vườn. Bên ngoài trời tối thui. Mùa đông ở Mỹ từ tháng Mười, tức là ngày lễ “Halloween” thì mới năm giờ chiều đã tối rồi! Linh ngồi vào bàn ăn cơm, chun mũi hít mùi thơm của thức ăn vừa được hâm nóng một cách thú vị. Bà Thanh vào phòng tắm một chút, cốt để tránh mặt cho Linh không hỏi thêm những chuyện bà không muốn nhắc đến.
Một lát sau, bà trở ra, nói với con:
– Linh, ngày Tết con có xin nghỉ được không?
Linh ngạc nhiên nhìn mẹ:
– Ðể làm gì mẹ?
Giọng bà Thanh hơi ngập ngừng:
– Chắc là Tết nầy mẹ muốn về Việt Nam thăm ông ngoại với mấy cậu mấy dì. Con đi với mẹ được không?
Linh reo lên:
– Phải đó, như người khác là họ về lâu lắm rồi. Mẹ nên về đi.
– Nhưng mẹ sợ không ai lo cho con bên đây! Con có đi được không?
Linh chu môi:
– Con không đi đâu. Trời đất ơi, mẹ làm như con còn nhỏ lắm vậy! Con trưởng thành rồi chứ bộ!
– Ý mẹ nói là nếu con ở lại đây, thì không có ai nấu cơm nước cho con!
– Thôi mẹ ơi, lo làm gì mấy chuyện đó.
Rồi cao hứng, Linh thêm:
– Có mẹ ở đây mới là lo đó.
Bà Thanh ngạc nhiên vì câu nói nầy. Bà hỏi:
– Là sao?
Linh thành thật:
– Nhiều khi tan sở, bạn bè con rủ đi chơi, nghĩ đến mẹ ở nhà đợi, thành ra con phải đi về! làm mấy đứa bạn tụi nó la quá trời! Mẹ đi chơi là tốt cho con lắm đó.
Thì ra thế! Vậy mà lâu nay bà Thanh tưởng có mình ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp… con bà sẽ đỡ cực nhọc hơn, và nó cần đến bà nhiều hơn!
– Mẹ cứ yên tâm mà đi chơi, con hy vọng là mẹ sẽ thật vui khi gặp lại bà con, chòm xóm của mẹ ngày xưa.
Bà Thanh buồn buồn thở ra, quyết định:
– Vậy thì mẹ đi Việt Nam nghe con.
– Ðược. Mẹ tính đi bao lâu?
– Khoảng một tháng.
– Sao mẹ không đi luôn ba tháng? Ðã ngồi máy bay lâu như vậy, mà đi chơi có một tháng thì ăn thua gì!
– Ði lâu vậy rồi nhà cửa, cây cối bên nầy ai lo?
– Con đã bảo mẹ đừng có lo. Cứ đi chơi cho thoải mái, mẹ muốn ở luôn bên đó với mấy cậu mấy dì cũng được nữa là.
Câu nầy càng làm bà Thanh buồn hơn! Ðúng là con với cái!
Nhưng rồi bà Thanh nhìn lại con mình. Quả thực lâu nay bà chưa hề nghe hay thấy Linh có bạn trai, bồ bịch gì cả. Thường ngày Linh hay về nhà ăn cơm, cuối tuần cũng có đi chơi chút chút, không đáng kể. Hay là bà cứ đi, cho Linh có thời giờ tự do bay nhảy. “Mình ở đây nhiều khi vì lo cho con, nhưng lại vô tình làm mất tương lai tốt đẹp của con cái! Nhất là phải ăn lại cái bánh chưng màu xanh ngày xưa, đã lâu rồi cũng nhớ!”
Với ý nghĩ đó, bà Thanh thấy chuyện bà đi du lịch thăm cha và các anh chị là cần thiết, không còn áy náy, lo lắng nữa!
Linh ăn xong, bà đang dọp dẹp bưng chén đĩa vào bếp, thì Linh từ trong phòng tắm chạy theo:
– Từ nay mẹ để con làm.
Bà Thanh ngạc nhiên:
– Sao vậy?
– Thì con tập dần cho quen, để mẹ khỏi lo!
– Cha, sao con hăng hái dữ vậy?
Rồi bà hỏi đùa:
– Bộ muốn mẹ đi về Việt Nam lắm hả?
Linh trả lời:
– Con đâu có hăng hái gì! Mấy việc nầy của con phải làm mà. Mẹ đi Việt Nam hay bất cứ đâu, muốn ở lại lâu mau, là tùy ý của mẹ. Ở bên đây chỉ có một mình con, mà con thì đi làm hoài, mẹ ở nhà đâu có vui! Bên Việt Nam mẹ có đông bà con, chắc chắn mẹ sẽ vui hơn nhiều!
Lý luận của Linh đưa ra rất đơn giản! Nhưng Linh đâu biết rằng người phụ nữ nào đi lấy chồng rồi, nhất là phụ nữ Việt, thì cuộc sống còn lại dành cho chồng con của mình, chứ đâu có ai sống cho gia đình cha mẹ anh chị em của mình như trước nữa! Nghĩ điều nầy, bà Thanh lại thấy lạnh người khi con gái mình có chồng! Nỗi cô đơn sẽ đến với bà ở hải ngoại lúc tuổi già cũng cận kề!
“Sống cho chồng con”, cảnh của bà bây giờ thì đã có người đàn bà khác giành sống với chồng bà rồi. Còn con!… thì bà chỉ có quyền sống cho tụi nó khi còn nhỏ. Trưởng thành rồi, tụi nó sẽ lại sống cho một gia đình khác. Luật tạo hóa là vậy!
Rồi đây, khi con gái bà lên xe hoa về nhà chồng, chẳng lẽ nó đưa bà theo! Ðó là chưa biết nó sẽ lấy người ngoại quốc hay cùng chủng tộc! Lấy người cùng chủng tộc, chưa chắc gia đình có đeo theo một bà mẹ đã là êm ấm, hay lại tạo ra một mối oán thù cho đôi trẻ! huống chi là lấy ngoại quốc, chuyện đó thì hoàn toàn vô lý!
Ðây là số chung, cũng có những gia đình rất êm ấm với cha mẹ già bên cạnh, cho dù con cái kết hôn với ngoại quốc. Ðó là những gia đình cha mẹ có may mắn. Mà bà Thanh thì không muốn ở chung với con gái khi nó có chồng! Bởi bà muốn hạnh phúc của con bà phải vuông tròn. Nhìn con, bà Thanh hỏi:
– Mẹ đi chơi rồi, ở nhà một mình con buồn không?
Linh vô tư lắc đầu:
– Không đâu mẹ, con sẽ rủ mấy đứa bạn về đây tổ chức ăn uống, rồi đi chơi với tụi nó… đâu có gì mà buồn! Wow… nghĩ tới đó chắc là vui lắm!
Nhìn con vô tư đầy sức sống, bà Thanh cảm thấy… thôi thì cất bớt nỗi lo đi, để đi chơi một chuyến cho đã! Phải, biết đâu về bên đó, hợp với cảnh quê nhà, bà sẽ thích sống lâu ở bển thì sao!
– À, mẹ cứ coi chỗ nào có giá rẻ, rồi đặt vé máy bay, xong điện thoại cho con biết số phôn hãng mẹ mua, con sẽ trả cho mẹ tiền vé nhé.
Dù sao thì Linh cũng là đứa con gái ngoan biết lo cho mẹ! Hy vọng bà nghĩ như vậy cũng không sai! Ngày hôm sau trời lại mưa! Nhưng Linh dậy sớm hơn thường lệ để đi làm, vì nghe nói ngày đầu năm, trong hãng cần thanh toán cho xong một số công việc sớm, trước dự định ký kết hai tuần.
Bà Thanh lại lò dò đến bên cửa sổ, nhìn qua bên kia đường. Ông già “homeless” kia rồi.
Lão ta ngồi co ro trong cống, chân tay run rẩy! Cũng lạ, ở lang thang như vậy mà không biết trữ một cái bình thủy nước sôi để uống cho tiện dụng! Cũng có thể lão ta có, nhưng qua một đêm thì đâu còn ấm nổi nữa!
Bà Thanh mở tủ lạnh nhà mình. Lấy ly cà phê ra, cho vào “Microwave” hâm lại hai phút cho thật nóng. Trong lúc chờ đợi cà phê, bà trùm áo khoác vào, mang găng tay, đội mũ sụp xuống che mặt.
– “Lần nầy nhất định phải “tống” ly cà phê cho lão ta mới được!
Không “tống” cho lão, thì chẳng lẽ lại cứ để hoài trong tủ lạnh nhà mình! Mà nhìn lão run như thế, thì bà Thanh động lòng thương hại chịu không nổi! Ðứng nhìn mình trong gương, với áo mũ dày cộm, người ta vẫn trông dáng bà có vẻ nhỏ thó! Bởi vậy, khi bà bưng cà phê qua cho lão, để tránh cho ai nhận diện, bà đi vòng qua nhà bên cạnh, rồi mới băng qua con lộ nhỏ.
Lão Homeless đang ngồi quay lưng ra ngoài, không biết tìm cái gì trong mớ đồ dưới chân, nghe tiếng bà giật mình quay lại:
– Hot coffee.
Nói xong mấy tiếng khàn khàn giả giọng như đàn ông, bà thấy lão cười, đưa bàn tay ra đón lấy. Lần nầy thì bà Thanh nhìn thấy trên mu bàn tay của lão ta có một vết sẹo dài, chạy từ trên cánh tay xuống cho đến mấy ngón tay.
– Hy vọng không phải là do chém lộn!
Nghĩ vậy, nhưng bà Thanh vội rút lui thật nhanh, cũng chạy qua hướng nhà bà Ðại Hàn, rồi mới bọc vào nhà mình phía sau. Dĩ nhiên là ông “Homeless” không thể nào đoán biết được đó chính là bà Việt Nam ở ngay nhà đối diện chỗ ông ta được. Nhưng khi nhấp miếng cà phê đầu tiên, thì lão chép miệng, nghĩ thầm:
– Không ngờ cà phê Ðại Hàn cũng ngon giống như cà phê Pháp vậy! Chắc “người” nầy có đi Pháp hay đi Việt Nam nên biết!
Thật ra thì lão cũng không biết người mới cho cà phê là đàn ông hay đàn bà! Lão biết hai nhà xế xế trước mặt là Á Ðông, có vẻ giống tàu hay Việt, nhưng có lẽ là Ðại Hàn, vì có mấy người con gái, hôm nọ ông tình cờ nghe họ đậu xe đàng trước đường, nói chuyện với nhau như tiếng Ðại Hàn.
Người vừa rồi dáng thì như đàn bà, nhưng giọng nói không phải đàn bà, lại mặc đồ đàn ông! “Chắc là một người bị đẹt”! Rồi lão ngồi mơ mộng…. “Một ngày nào đó, đang trong cơn đói lạnh, mưa phùn gió rét như thế nầy, bỗng dưng lại hiện ra một “ông đẹt”, thay vì cà phê, thì tay ông ta bưng tô phở xe lửa, à không, một thau phở lớn nghi ngút khói, có đủ hành trần, tái, gân, nạm, gầu… và vài miếng bò viên, cũng như xịt chút ớt tương, hành ngò ở trên, thì hạnh phúc biết bao!”
Nghĩ đến đó, ông lão liên tưởng đến tiệm Phở Bắc ngoài khu chợ ông hay bán báo. Rồi ông uống cạn ly cà phê, xong đứng lên khoác chiếc áo mưa lên người, rồi lững thững đẩy chiếc xe siêu thị đi ra ngoài lộ.
Bà Thanh về đến nhà, lột hết mũ áo giày vớ ra, cảm thấy nhẹ nhõm toàn thân! Bà lại bên rèm, nheo mắt nhìn sang bên kia đường, rình coi đối tượng của mình như thế nào. Bà thấy ông lão đang nhâm nhi với ly cà phê bự! Nét mặt của ông tuy cách nhau hơi xa, nhưng bà Thanh cũng biết là hiện lên nhiều nét thú vị. Tay chân ông thì đã hết còn run lên vì lạnh. Bà cảm thấy thoải mái khi giúp cho một người nghèo. Phải, niềm vui của bà chỉ là muốn cho mọi người chung quanh được no ấm. Chỉ có thế thôi.
Một lát nhìn lại thì ông già đã biến mất tiêu! Khi ẩn khi hiện, đúng điệu một dân du mục “Bô Hê Miêng”! Có lẽ hôm nay ông sẽ ấm bụng khi đi lang thang bán báo ngoài đường. Bà Thanh cảm thấy vui vui trong lòng. Bà vào phòng sửa soạn trang điểm, để chuẩn bị ra phố Việt Nam mua vé máy bay về quê. Ðứng trước gương, bà Thanh cũng công nhận mình nhìn cũng chưa đến nỗi già! Mỗi khi đi mua hàng, bà nói bà là “seniors”, là từ 55 tuổi trở lên, để được bớt mười phần trăm ở một số tiệm Mỹ, thì ai nấy đều hỏi coi thẻ căn cước của bà, sau đó thêm một câu:
– Bà nhìn quá trẻ!
Bà Thanh mới được năm mươi lăm tuổi tháng trước. Nhưng nhìn bà, thì người ta chỉ nghĩ bà khoảng bốn mươi. Vì vậy nên khi đi ra ngoài, nếu nói bà là bà già, thì sẽ không ai tin!
Bên Việt Nam, kể cả bên đây, nhiều người thua tuổi bà xa, mà nhìn họ già háp! Có lẽ do đời sống quá cơ cực, hay là không may mắn được trời cho trẻ lâu.
Bạn của bà, cũng có nhiều bà nhìn trẻ đẹp, nhưng đa số họ đều chải chuốt, chưng diện, và o bế sắc đẹp, đi mỹ viện săn sóc sắc đẹp thường xuyên, kỹ càng… không như bà Thanh, trời cho sao để vậy! Lại tính hay lè phè. Mỗi lần đi chợ, dạo sau nầy bà chỉ chải đầu qua loa, bôi kem chống nắng, và tô chút son môi là xong.
Lần nầy hơi vui, nên bà Thanh trang điểm kỹ hơn mọi ngày, là đánh kem dưỡng da, sau đó đánh phấn trắng mịn lên trên, rồi tô mí mắt, kẻ viền mắt màu đen, viền môi nâu nâu, chút son màu hồng bóng bẩy, làm cho bà nhìn đẹp và trẻ trung hơn, khi khoác vào người quần jean và áo thun cùng màu đen, và áo khoác bên ngoài màu hồng đậm.
Nếu ai gặp bà bưng cho cà phê khi sáng và lúc nầy, thì không thể ngờ đó là cùng một người! Cứ mỗi lần sửa soạn ăn diện kỹ, mang đôi giày cao gót đầy nữ tính, thì bà Thanh cũng đẹp không thua sút bất kỳ bà phu nhân nào. Mỗi người mỗi vẻ… Có điều từ khi bị ông chồng bỏ rơi, bà đâm ra mất tự tin, chán nản, chẳng thiết tha chưng diện gì nữa.
Nói cho đúng, nhìn bà Thanh, thì ai cũng cho bà thuộc loại sồn sồn, chứ ít người nghĩ rằng bà đã trên năm mươi! Chuyện tình ái trong đời, ông chồng bà đã cho bà sự hụt hẫng, tủi hờn trong đau đớn, là một cú xốc lớn, cho nên bà đâm ra “hãi” đàn ông! Gặp ông nào sau nầy, bà cũng lạnh tanh, chẳng hề có một chút cảm xúc. Ông nào giở giọng tấn công tình ái, là bà liệt ngay vào loại “dê xồm”, càng có ác cảm với người đó hơn!
Bà Thanh không phải loại người hận đàn ông, mà là “kỵ” đàn ông. Bà đã khôn ngoan mà hướng cuộc đời của mình qua những thú vui khác, chẳng hạn như học nấu ăn, làm bánh, học đan thêu, học cách chế tạo những đồ sành, sứ… trong các lớp của những trung tâm Cao Niên. Nơi đây tiền học phí không là bao. Một khoá ba tháng, mỗi tuần học một lần hai tiếng, chỉ đóng có năm đồng, muốn học bao nhiêu lớp cũng được, và họ có đủ các lớp, từ sinh ngữ cho đến Computer, nấu ăn, vẽ, may vá… không giới hạn. Cũng có lớp dạy bơi, lớp nhảy đầm, hay hướng dẫn đi bộ qua các khu rừng nhỏ, lớp Taichi v.v…
Xứ Mỹ là nơi người ta quan tâm đến người già, bởi khi con cái lớn lên, chúng bỏ cha mẹ mà đi học nội trú, hay nhận việc làm ở nơi xa xôi, thì cha mẹ lúc đó vô cùng cô đơn, trống vắng… cho nên họ tìm về với nhau, bằng cách gặp nhau mỗi ngày ở các lớp học, hay ngay cả trong trung tâm dưỡng lão, nếu chẳng may họ bị bịnh, phải sống trong đó.
Bà Thanh lắc đầu không muốn nghĩ đến nữa! Không phải bà không có những người bạn gái mà giao du, chỉ vì sau một thời gian liên lạc mật thiết, cho dù tính tình bà Thanh rất đứng đắn trong chuyện giao tiếp với đàn ông, nhất là chồng của mấy bà bạn. Khổ nỗi cũng có vài ông chồng “dê”, biết bà độc thân, cho nên vì sự trơ tráo tán tỉnh của người đàn ông, khiến cho bà vợ bắt gặp, nổi giận… rồi bà Thanh bị vạ lây!
Ðã thế, niềm uất hận khiến cho họ còn rỉ tai đi nói xấu nhau, cho rằng nếu còn giao thiệp, thì bà “sẽ” cướp chồng người! và đồng ý không “chơi” với bà Thanh nữa, dù lỗi là chính từ chồng của bọn họ!
Thật ra, cái lý do chính đáng nhất mà bà Thanh hay bị các bà kia không ưa, chỉ vì bà đẹp, lịch sự, chịu khó, khéo làm… lại mềm mỏng, dịu dàng. Lúc nào bà cũng tươi cười với mọi người, lúc nào bà cũng xử sự theo cách “chín bỏ làm mười”, gây tình cảm với người khác, cho nên dù bà không làm gì tệ hại hay mích lòng ai, nhất là những bà cùng trang lứa, thì người ta vẫn cứ không ưa bà! Chỉ vì lòng ganh tị mà ra!
Dần dần nhận thấy điều đó, bà Thanh thôi, không liên lạc với ai nữa! Bà ngồi trước máy Computer để chơi game, coi phim, hay học sinh ngữ… Bao nhiêu đó cùng làm việc nhà cũng đủ vui và hết giờ! Có khi bà còn thấy sao thời gian qua nhanh quá!
Nhìn vào gương lần chót, bà Thanh với tay lấy cái bóp quàng vào vai, rồi đi vào ga ra lái xe ra phố. Chiếc xe Yaris nho nhỏ màu xanh lá cây của Nhật chế tạo, mà bà mua đã ba năm nay rất ít ăn xăng, bây giờ trả tiền cũng xong hết rồi. Vừa lái xe, bà Thanh nghĩ bà còn hạnh phúc hơn cả tỷ tỷ người trên trái đất!
Căn phòng của hãng bán vé máy bay khá tươm tất. Bà Thanh bước vào trong, ngồi xuống một cái ghế chờ đợi tới phiên mình. Ba người nhân viên mà khách hàng thì có đến năm người, đã thế mà điện thoại cứ réo lên tới tấp!
Ngồi đợi cả nửa tiếng mới tới lượt bà Thanh. Giá vé về trước Tết cao kinh khủng. Cô bán vé khuyên nếu không có gì gấp, thì đi sau Tết sẽ rẻ hơn nhiều. Bà Thanh đồng ý mua một vé về sau Tết một tuần. Vé nầy giá tám trăm bạc, nếu đi ngay thì phải trả tiền cao hơn gấp đôi! Bà cũng đâu có vội vã gì! Với lại cũng cần chút ít thời gian để đi mua vài thứ lặt vặt, đem về Việt Nam tặng bà con.
Ðã lâu bà không về, giờ về mà đi tay không chắc bị chửi! Nhưng không sao, nếu quên mua quà thì cho tiền! Nhưng cho bao nhiêu mới đủ. Thôi thì người thân cho tiền, còn quen sơ thì cho quà! Tính vậy cho tiện.
Lật bật vậy mà đã gần đến ngày lên máy bay. Bà Thanh đem theo hai cái valy, mỗi cái đều có bánh xe để dễ di chuyển. Trên chỗ quai xách, bà cột một sợi dây nơ để làm dấu cho dễ nhận. Bà gởi hai va ly, còn kéo theo mình một cái nhỏ, đựng quần áo và đồ dùng cá nhân, thuốc thang và giấy tờ.
Linh thời gian sau nầy vì công việc gấp rút bất ngờ trong hãng, nên ít khi có nhà. Bà Thanh cũng tự biết lái xe, nên không cần nhờ vả con gái. Tuy nhiên bà cũng thấy hơi buồn. Bà muốn được nấu ăn cho Linh nhiều hơn, để bù lại những ngày bà sẽ vắng nhà… Nhưng rốt cuộc thì Linh đi sớm về khuya, có khi không ăn cơm, vì ăn ngay tại sở!
Trước khi đi ngủ, bà Thanh cũng chưa thấy con gái về. Dạo nầy Linh về nhà 12 giờ khuya là chuyện thường! Nhưng ngày mai, Linh hứa nghỉ một buổi để chở mẹ ra phi trường, hai mẹ con sẽ đi ăn sáng, trước khi bà lên máy bay.
Dọn dẹp trong bếp, nấu cho con những món ăn, cho vào hộp cất trong tủ lạnh, mà Linh có thể tự hâm lại được. Gần hai giờ sáng bà Thanh mới lên giường. Dù mệt, nhưng bà cũng cảm thấy khó ngủ. Bà trằn trọc thâu đêm, nghĩ đến ngày mai mình sẽ ngồi trên máy bay một đoạn đường dài, thật dài để về gặp lại cha và các anh chị… bà cảm thấy trong lòng dấy lên sự xốn xao bồi hồi.
Rồi bà lại lo lắng cho con gái ở một mình bên Mỹ… rồi thì mấy luống rau thơm của bà có lẽ sẽ chết khô! Linh không đời nào để ý đến chuyện tưới cây tưới cỏ, thật ra cô cũng không có thì giờ mà lo… Nghĩ lung tung cho đến gần sáng, bà Thanh mới thiếp đi một chút.
Khi con gái ôm mẹ để từ giã, bà Thanh quay gót xếp hàng để vào những cái máy kiểm soát trước khi đến chỗ đợi máy bay.
– Nhớ cẩn thận nghe con…
Ðó là câu nói bà gởi gấm lại. Biết nói gì hơn bây giờ! Ngồi đợi khoảng gần hai tiếng, thì máy bay bắt đầu cất cánh. Chuyến bay nầy một nửa là người Việt. Khi quen chỗ ngồi, bà mới nghe một giọng đàn ông phía sau, cách bà hai hàng ghế cất lên nói chuyện rõ to:
– Chị về chơi bao lâu? Sao đi có một mình à? Tui về hai tháng, bà xã đang trông tui về quá chừng. Bà muốn về dịp Tết, nhưng vé mắc quá, mình đi lúc nầy thì rẻ hơn.
Tiếng người đàn bà hỏi:
– Sao bà xã bác lại ở Việt Nam?
– Ờ, tui cưới bả xong là để bên Việt Nam, cho qua đây thì cuối cùng bà nào cũng leo lên đầu mình mà ngồi hết! Ở bên đó cho yên!
– Vậy chắc bà còn trẻ tuổi hả bác?
– Chứ sao. Tui hỏi chị chứ mình đã mang tiếng lấy vợ bên Việt Nam, thì lấy mấy cô trẻ, họ còn sức lực để “nâng khăn” cho mình, chứ lấy mấy bà già, cả hai cùng yếu, làm sao mà nâng đỡ nhau!
Có giọng khác chêm vào:
– Bởi vậy mới có phong trào mấy ông già bị vợ trẻ cho rơi dài dài!
Tiếng người đàn ông phản đối:
– Cũng tùy người chứ. Mấy cha bị vợ bỏ chỉ vì non tay ấn. Gặp tui là không bao giờ có chuyện đó!
– Cha, bác có bí quyết gì chỉ cho mấy thanh niên nghe chơi, bác.
– Cũng chẳng có gì là khó. Mình nắm cái hầu bao của gia đình cổ, là yên chuyện hết. Lâu lâu lại cho một món nữ trang là xong ngay.
– Như vậy chắc là bác giàu lắm. Bên Mỹ bác làm gì? Còn đi làm không? Hay là bác có cơ sở buôn bán?
– Tui có cơ sở thương mại buôn bán đắt khách với người Mỹ, nhưng tui chỉ “check” việc tiền nong thôi, còn bao nhiêu có nhân viên Mỹ lo hết.
– Bác quá may mắn, thảo nào mà vợ trẻ của bác vẫn một lòng với bác!
– Thì đời mà, mình phải biết nắm tẩy người ta chứ!
Câu chuyện của ông bác phía đàng sau, làm cho bà Thanh muốn nhìn mặt coi ông ta ra sao, nhưng rồi vì tối qua ngủ quá ít, bà tựa đầu vào ghế, dần dần thiếp vào giấc mộng lúc nào không hay!
Cho đến khi máy bay bật đèn sáng lên để dọn thức ăn ra, không biết là mấy tiếng đồng hồ, bà Thanh mới thức giấc. Phía sau vẫn có người chuyện trò, nhưng âm thanh đã hạ nhỏ hơn để khỏi làm phiền hàng xóm, có người đang nghỉ ngơi.
Thức ăn cũng không tệ. Bà Thanh muốn đi toa lét, nên sau khi người tiếp viên lấy cái khay, bà cũng đứng lên để nối đuôi ra phía sau. Có vài người đang đứng đợi. Bà Thanh cũng đứng đó, cho giản gân giản cốt. Một ông bác nhìn bà cười lịch sự, mà bà thấy quen quen, không biết gặp ở đâu:
– Chị về Việt Nam chơi?
Cái giọng nầy bà hình như cũng có nghe qua nữa. Bà Thanh gật đầu trả lời, cố suy nghĩ coi bác nầy là ai, thì ông bác đưa tay lên coi đồng hồ, làm cho bà Thanh suýt bật ra tiếng kêu ngạc nhiên. Đây chính là lão “Homeless” trước nhà bà, nhờ cái thẹo trên mu bàn tay… bây giờ nhìn trẻ hơn, vì không cố tình làm ra vẻ thảm thương, không đội mũ len trùm trụp và ăn mặc đỏm đáng.
Bà Thanh thở dài nhìn “ông lão” đăm đăm. Mấy ai biết được bộ mặt thật của con người! trong lúc “thương gia” nheo mắt nhìn bà, đưa 1 tấm danh thiếp:
– Về Việt Nam nếu cần giúp bất cứ điều gì, nhớ gọi cho anh nhé! Anh mời đi cà phê!
Cát Đơn Sa (Diễm Châu)
Nguồn: https://vietpen.org/31577-2/