Mỗi năm vào tháng chạp, đổ từ Mùng 10 tới Rằm là nhà nhà ở miền Tây quê tôi bắt đầu lặt lá mai.
Có người lặt sớm thì chọn Mùng 10. Còn lại từ lối 14 hoặc Rằm thì hầu như ai cũng phải lặt mai hết. Ít có ai lặt mai trễ từ 16 về sau.
Mai lặt sớm hay muộn cũng tùy vào nụ hoa nhỏ hay lớn. Nếu nụ nhỏ còn búp nhọn hoắc thì nên lặt mai sớm rồi chăm tưới nước cho nụ bung to mau.
Ở trên nhà Ba Má tôi lúc xưa thì cứ Mùng 10 là mấy chị em bị kêu đi lặt mai. Nói là "kêu đi" cho nhẹ. Chớ thật ra là nghe lệnh truyền từ ông Ba trên bàn ăn chiều qua: "Mai Mùng 10 rồi, con bé Tư, Thương, Thảo mơi ra lặt mai nghe hông!"
Không có đứa nào dạ hết. Vì biết dạ được hay dạ không gì cũng vô nghĩa. Lời Ba nói là răm rắp làm thôi không có đứa nào dám cãi từ lớn chí nhỏ.
Mỗi năm cứ Mùng 10 là Ba tôi biểu. Biểu riết rồi chị em tôi như được lập trình. Tới Mùng 10 là không ai dặn cũng nhớ tới ngày lặt mai.
Khi tuổi thơ qua rồi. Giờ có con, có cái, mỗi năm tháng Chạp tới Mùng 10 là trong đầu tôi lại nhớ ngày lặt mai hồi nhỏ, cảnh lặt mai ở nhà. Những hình ảnh xa xôi nhảy múa trong tâm trí cho dù cố xua đi nó cũng lởn vởn mãi không rời.
Nhìn nụ mai trên mấy cây mai quanh nhà còn nhỏ quá nên tôi nói với anh: "Năm nay lặt mai sớm đi anh?.
Anh gật đầu: Ừ cũng được. Thôi ngày mai 11 em lặt từ từ đi.
Tôi tròn mắt:
_ Gì!! Ai mà lặt 11.
Anh thản nhiên:
_ Sao vậy!?
_ Hồi nào giờ lặt Mùng 10 hoặc 14 hay 15 chớ ai chọn số 11.
_ Trời ơi, lặt mai cũng coi ngày nữa.
Tôi cười:
__ Không phải coi ngày mà em quen rồi. Một là lặt mai ngày Mùng 10. Còn hai là 14, hay Rằm.
Chồng tôi cũng tỏ ý đồng tình:
_ Nhưng nay Mùng 10 mà tối hù rồi.
Tôi nói với anh:
_ Không sao, để em lặt vài lá lấy ngày. Rồi mơi lặt tiếp.
Cúi lặt vài nhánh lá mai xanh tôi bỗng nghĩ ra ý nghĩ ngộ nghĩnh.
Tôi ví mấy cái lá mai vừa lặt xong là một sự thông báo trong toàn thể quý quyến của đời lá. Rằng đêm nay quý vị có tâm sự gì cứ tỏ bày với nhau đi nhé. Những niềm vui của lá hãy lao xao trong cơn gió đêm nay cho thỏa thích đi. Còn những chuyện buồn phiền không vui xin lá hãy khoan dung tha thứ lẫn nhau. Vì phút rời xa sẽ tới. Ngày mai, tất cả những chiếc lá mai xanh hay vàng, non hay già khi tới thời khắc đều buông nhẹ xuống đất về lại cội xưa.
Nhiều khi chuyện buồn vui của nghìn tỉ lá mai được ẩn dưới màu xanh biêng biếc. Cũng giống như buồn vui của đời người ẩn sau một nụ cười tươi. Nếu không san sẻ thì mấy ai biết.
Tôi nghĩ chiếc lá cũng vậy.
Biết đâu sau khi tôi lặt vài chiếc lá mai đánh động chiều nay thì tối nay ngoài khoảng sân hắt hiu ánh đèn, dịu dàng vài ngọn gió lẫn vào cái lạnh trong đêm _ Là một cuộc chia tay bi thiết giữa cây với lá. Giữa lá xanh với lá non. Hoặc giữa lá non với lá già. Hay là giữa lá xanh với nhau. Hay lá xanh với lá vàng. Nước mắt của lá là những giọt sương đêm trong vắt long lanh.
Mỗi năm lặt mai là biết đã sắp hết một năm rồi đó. Tôi bỗng có chút tiếc nuối bàng hoàng: "Sao mà nhanh quá dị trời. Mới đó đã hết một năm. Đúng là "Chả thấy gì _ Chỉ thấy già".
Nhìn từng lá mai xanh lẫn vàng rơi rơi. Tôi ví lá xanh như niềm vui trong cuộc sống. Chúng hiện diện khắp nơi và nhiều vô kể. Và lá vàng cũng có số lượng song hành với lá xanh. Nó như nỗi muộn phiền vô biên có trong trời đất.
Niềm vui của lá xanh có thể đón nắng mai mà biếc xanh chia sẻ cùng nắng gió bằng những xôn xao ban mai. Nhưng nỗi buồn của chiếc lá vàng thì cam chịu và rơi lặng lẽ âm thầm mà thôi.
Trong cuộc đời. Khi ta vui có nhiều người cùng vui. Nhưng khi ta buồn ít ai quan tâm tới trừ phi có người kêu gào thống thiết.
Cũng giống khi giàu sang bà con thân hữu tự nhiên đông. Khi ta cơ hàn số người còn chịu qua lại đếm trên đầu ngón tay.
Vui và buồn, giàu và nghèo song hành nhau như lá xanh và lá vàng. Tất cả tới thời điểm đều phải buông bỏ hết để trở về với đất.
Chiếc lá thì buông xuống nhẹ nhàng. Nhưng còn con người có được mấy ai buông bỏ xuống mà ra đi nhẹ như chiếc lá. Những tham lam, hỉ nộ ái ố luôn đeo đẳng con người ta thành một hành lý nặng nề. Đó không phải là nỗi bi đát của con người hay sao.
Nhìn lá mai xanh phủ đầy mặt đất, tôi lại thấy thương quá. Lá mai già lặt bỏ chuyện đã đành. Sao nỡ bứt lìa từng chiếc lá mai xanh rời khỏi cành cây, xa thân cây mà có ai biết khi cuộc đời nó còn bao nhiêu ước mơ. Mỗi lần lặt chiếc lá mai còn xanh tôi có cảm giác như thân cây đang chịu từng nỗi đau đớn trên da thịt nó. Thân cây mai như người mẹ bất lực nhìn người ta bứt lìa từng đứa con mà mình nuôi nấng xinh tươi.
Tôi bỗng thấy mình thật ác. Chỉ vì muốn cây mai nở ngay Tết thôi mà phải làm cho cây lá đau đớn xót xa. Nếu không lặt mai thì tới hồi, mai vẫn tự mình rụng lá để khai hoa nở nhụy theo tiết trời mà nó thích không cần để ý xuân hạ thu đông.
Nhưng than ôi, Thượng Đế ban cho em cái tên mai đẹp đẽ là biểu tượng gắn liền với mùa xuân rồi. Không có em Tết đâu có gì vui. Hương sắc của em thành linh hồn của Tết ở Miền Nam rồi.
"Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa?
Mai chịu đau vài hôm thôi, rồi em sẽ được một nhan sắc tuyệt trần cho mùa xuân say đắm.
Ngồi lặt mai,tôi nhớ từng người trong gia đình tôi, bên gia đình anh. Từ những năm mọi người cùng lặt mai. Rồi lần lượt vắng từng người, từng người.
Lặt mai để tôi tự hiểu thời gian thắm thoát đã hết một năm. Hãy bỏ những cái cũ để đón cái mới.
Lặt mai tôi cũng ngộ đôi điều về cuộc đời. Dù hơn thua cho lắm ta cũng như chiếc lá có khác gì nhau _ Vui buồn gì rồi cũng sẽ quay về dưới cội xưa.
Có thể sau lớp tuổi của vợ chồng tôi thì chắc gì con cái chúng tôi sẽ tiếp nối công việc lặt mai hằng năm như này. Khi mà cuộc sống ngoài kia có quá nhiều điều lo toan làm chúng không có chút thời gian dành cho những điều cũ kỹ.
Vậy nên mỗi năm thấy mình còn được đứng lặt mai đợi Tết bạn và tôi hãy vui và hạnh phúc về điều đó. Và mỗi thời khắc mạnh khoẻ bình yên trong hiện tại của mỗi người, chúng ta hãy trân quý tận hưởng. Hãy sống đẹp như những chiếc lá xanh luôn vươn tới ánh sáng tốt đẹp của bình minh. Và cũng tự biết buông bỏ thật nhẹ nhàng như chiếc lá vàng khi cần thiết.
Phạm Thu Thảo
Chợ Lách 13/1/2025
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Phạm Thu Thảo