User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Chiều nay hơ hải trên đường
Sầu bi, ta chỉ sầu thương Sài Gòn
Dưới chân đỉnh núi chon von
Trên đầu đáy biển, ta còn mình ta.
 
Còn ta Lục tỉnh la đà
Sáu câu vọng cổ quê nhà nghe mưa
Còn ta nhớ lắm làng xưa
Cây đa ngoài Bắc, ngọn dừa trong Nam.
 
Mênh mộng một dải cơ hàn
Ngược xuôi những bóng điêu tàn hoài mong.
Chiều nay tàn tạ chân dung
Cái thân di trú, cái giòng trăm con.
 
Phân ly – lịch sử vàng son
Hợp tan – truyền thuyết lên non xuống nguồn
Thạch sơn đó mẹ tiên nương
Thân cha kìa nước trùng dương dáng người.
 
Còn chi nữa cố hương ơi
Đầu xanh vừa bạc một đời lưu vong
Văn chương một góc trong lòng
Thân ta mòng sáo ba vòng lượn bay.
 
Anh em đầu phố chia tay
Trăm con trăm ngả bánh dày bánh chưng
Cái vuông muốn chứa cái tròn
Cái xanh cái trắng cái còn cái không.
 
Cái chìm trong biển mênh mông
Luân lưu viễn xứ cái trông cái chờ
Cái nông nấm mộ sờ sờ
Cái sâu âm phủ cái mờ cái trong.
 
Trước gương nhan sắc như ròng
Đằng sau mặt thủy cõi lòng như dao
Cõi làm chi, cõi thế nào
Cõi khôn cõi vụng ra sao Thần Phù.
 
Chiều nay như một chiều xưa
Ngược xuôi đôi ngả sầu chưa Sài Gòn?
Phố nào cây nhỏ chon von
Vàng khô lá rụng ai còn tóc xanh.
 
Ta xanh thi thể trên ghềnh
Rong rêu ngoài biển Thái Bình giạt trôi
Bạn ta lưu lạc mấy người
Con ta trôi nổi cuối trời xa xăm.
 
Tình ta, một mối tình câm
Nói ra im lặng, âm thầm tiếng vang
Thôi quên đi nhé mộng vàng
Mùa đông tuyết phủ tâm tang trắng ngời.
 
Trắng hai tay lúc đổi dời
Quê hương trắng lạnh dưới trời bầm đen
Đảo xa lầm lũi An Tiêm
Kiếp sau mù mịt, nhãn tiền vô dung.
 
Coi tay đường nét xổ tung
Nhìn nhan đoán mệnh trùng trùng sóng kêu
Thuyền con một chiếc như diều
Mang về sâu thẳm những điều đau thương.
 
Chiều nay hơ hải trên đường
Sầu bi, ta lại sầu thương quê nhà.
Sầu quê một dải sông xa
Lơ thơ bến cũ hồn ma gọi đò.
 
Gọi từ văng vẳng cơn mưa
Ầm vang Bảy Núi mơ hồ Cửu Long
Tiếng đau quằn quại thân rồng
Tiếng hờn thủy quái trong lòng đại dương.
 
Tiếng quen ai khóc bên đường
Âm âm tiếng lạ quanh giường than van
Yêu thương những tiếng cơ hàn
Tiếng ly tiếng bát hân hoan tiếng người.
 
Nước reo trong lửa tiếng cười
Áp tai cửa ngục tiếng đời tự do
Nhìn nhau những tiếng hỏi dò
Ngựa ô con sáo tiếng hò chia ly.
 
Tiếng thơ sáu tám thầm thì
Nguyễn đi sao chẳng Nguyễn về Nguyễn ơi
Bạch Vân Am quán giữa trời
Truyền nhau câu sấm như lời hẹn vui.
 
Sầu quê một bếp lửa vùi
Thân yêu im lạnh rạc rời tro than
Thôi quên đi nhé mộng vàng
Trong sương ta thấy hồn oan đã về.
 
Ngồi đây đi bạn hôn mê
Đã xong cháo lú đã về cửa quên
Đã qua những chuyện trăm miền
Đêm nay đèn nhỏ chăn mền rất thơm.
 
Đôi ta phá rạch xoi rừng
Sú chàm có mái sơn lâm có nhà
Cọp ngồi xem hát đồng hoa
Sấu về uống nước phù sa nghe tuồng.
 
Ngải thơm trên tóc tiên nương
Trăm năm Từ Thức nhớ đường lại đi
Trầm luân đó có ra gì
Tang thương, chút sóng trong ly hải hồ.
 
Người về, kiếp mới thân xưa
Người đi phận cũ tân thư vào đời
Ngồi đây đi bạn chung đôi
Ma thiêng dưới đáy cũng người lân bang.
 
Chiếu yêu xem kính vẫn nàng
Mười ba cửa ngục vẫn chàng ngày xưa
Sông Văn vẫn một bến bờ
Tào Khê suối đạo lặng lờ vẫn trôi.
 
Ngồi đây đi bạn giữa đời
Chúng ta một lứa bên trời gặp nhau.
Bừng say
Ném chén
Tan sầu
Tỉnh ra
Quán Lú
trên đầu
chưa qua.
 
Viên Linh
(trích Những Bài Thơ Tâm Sử Ca, Khởi Hành xuất bản, 2013)
 
tamtang
 
Bài thơ khởi đi từ tiếng “sầu” cuối một buổi chiều hoang hơ hải, kết lại bằng cơn “say” nơi quán lú chưa qua — để làm gì, nếu không phải để dựng lại dáng hình của một linh hồn lưu lạc, nặng trĩu nỗi đau phân ly mà vẫn thiết tha gói tròn yêu thương trong mỗi hơi thở chữ nghĩa?
 
Tâm Tang không phải là một khúc ai ca cho riêng ai, mà là bài kinh siêu độ cho một thế kỷ trôi vùi trong biến loạn, nơi thi sĩ trở thành người lữ thứ cuối cùng, mang cả một dân tộc trên vai bằng âm vang của sáu tám, bằng những tiếng “quê”, tiếng “cơ hàn”, tiếng “bát”, tiếng “ly”, tiếng cười nghe lửa cháy trong lồng ngực.
 
Cái Tâm Tang này không chỉ là tang phục phủ lên trái tim, mà là trái tim đã biến thành khăn tang: trắng như tuyết mùa đông, lạnh như lòng biển Đông, run rẩy như tiếng hờn thủy quái trong lòng đại dương. Cái chết ở đây không đến từ đạn bom, mà từ từng nhát dao cắt lìa quá khứ với hiện tại, nơi “cái vuông muốn chứa cái tròn, cái xanh cái trắng, cái còn cái không.”
 
Nhưng giữa bể dâu đó, Viên Linh không chọn thù hận làm ngôn ngữ. Ông viết bằng nỗi đau của một kẻ biết rõ “cái chìm trong biển mênh mông” là chính mình, là chính chúng ta — những thân phận mòng sáo lượn quanh ba vòng đất lạ trời xa, nhưng vẫn cố hát lên vọng cổ giữa cơn mưa, vẫn nhớ từng “cây đa ngoài Bắc, ngọn dừa trong Nam”.
 
Bài thơ là một khúc tráng ca rách mướp, mà mỗi chữ là một mảnh áo tang may bằng tro than, từng câu là một bước chân người di dân ngập ngừng trên phố lạ. Ở đó, Nguyễn đi mà chẳng Nguyễn về, ở đó “ngồi đây đi bạn giữa đời, chúng ta một lứa bên trời gặp nhau” — như một thệ ngôn lặng lẽ cho những linh hồn đã mất nhau trên bản đồ, nhưng còn nhau trong thơ.
 
“Phân ly – lịch sử vàng son / Hợp tan – truyền thuyết lên non xuống nguồn.”
 
Hai câu thơ như một bia ký cho toàn thể thế kỷ lưu đày: phân ly không phải là vết đứt, mà là gân máu của lịch sử; hợp tan không phải ngẫu nhiên, mà là định mệnh của những giấc mơ không được làm người tự do ngay trên chính quê hương mình.
 
Tâm Tang không chỉ là khúc cuối của một thi sĩ. Đó là hồi chuông gọi hồn quê, là ánh đèn mờ trong đêm chờ đò, là bài văn tế không dành riêng cho người chết, mà dành cho những kẻ còn sống mà hồn đã khuất, lòng đã trắng.
 
Hãy ngồi đây đi bạn, như Viên Linh đã gọi. Để lắng tiếng thơ đã rụng xuống như tro, và để thấy rõ hơn: thi ca không cứu được một dân tộc — nhưng nếu còn thơ, thì còn một nơi để khóc, còn một ánh sáng để đi tìm, còn một bàn tay để nắm lại nhau khi không còn đất để về.
 
Uyên Nguyên
16.04.2025
 
 

Tìm các bài THƠ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com