
Tranh: Thanh Châu
1.
Tháng Tư, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt từ biến cố lịch sử 30 tháng 04 năm 1975. Chuyện bầu trời tháng mấy trong vắt không một gợn mây hay trời nhiều mây và những cơn mưa bất chợt chưa hề có trong tôi trước đó. Nhưng khi nghe tiếng máy bay chiến đấu gầm rú trên bầu trời đến đinh tai nhức óc mà thành ký ức về vùng trời bình yên lúc hấp hối. Chiếc F5 đang truy đuổi chiếc Mig21. Bỗng đột ngột F chui vào đám mây như con gà đá bỏ chạy, nhưng con gà lì đòn và kinh nghiệm thì lại khác, nó sẽ tấn công bên sườn và lấy mạng đối thủ bất ngờ. Chiếc F đã làm chiếc Mig chới với, phải rời xa không phận Sài Gòn… Hai chiếc máy bay chiến đấu rượt đuổi nhau ở độ cao thấp mà lại tốc độ cao trên vùng trời ngoại ô không bị cản tầm nhìn bởi những toà nhà cao tầng thật đã mắt người xem. Nhưng tôi bỗng mất sự hứng thú, la hét ầm lên phấn khích. Thay vào đó là sự hụt hẫng, sự bất an trong lòng đã hiện thực.
Hiện thực mỗi ngày gần hơn khi những cây phượng trong Thảo Cầm Viên chưa trổ hoa mà học trò đã nghỉ hè sớm. Trường tôi đâu lưng với Phủ Thủ Tướng nên thấy lính gác phủ gài thêm mìn dọc theo bờ rào để ngăn chặn cộng quân tấn công phủ. Làm cho cảm giác bất an trong tôi thêm hoang mang với chiến tranh sắp diễn ra tại Sài Gòn trong nay mai chứ không phải chiến tranh trên mặt báo mà tôi thường đọc cho ông Bá Tòng trong xóm tôi nghe. Ông Bá có người con tên Tòng nên trong xóm quen gọi là ông Bá Tòng. Nhưng anh Tòng đi lính rồi, nhờ tôi đọc báo cho ba anh nghe vì mắt ông đã mờ không đọc được báo nữa, đeo kính vào thì ông bị nhức đầu… Không biết có ai nhớ quê với những chuyện nhỏ nhặt như thế, hay tôi là người chỉ biết nhặt những chuyện nhỏ cất trong lòng để nhớ về quê hương đã mất. Nhớ anh Tòng dặn sao tôi làm vậy nên mỗi lần anh về phép là tôi huy hoàng, lần được anh mua cho đôi giày đinh để đá banh làm tôi hãnh diện với bạn bè còn mang giày Bata, sút banh mà chiếc giày đi trước trái banh là chuyện thường ngày ngoài bãi đáp trực thăng của lính Mỹ đóng quân để bảo vệ Sài Gòn sau Tết Mậu Thân. Sướng nhất là anh đem về cho tôi cái đèn pin của lính để đi soi nhái những đêm mưa ngoài ruộng, không còn sợ gió mưa làm tắt cây đuốc. Tôi lại trở thành đứa nhỏ có đèn pin đầu tiên trong xóm.
Nhưng lần cuối anh về phép buồn, cứ đi ra đi vào rồi đi nhậu tới khuya lơ vì nghe đâu gia đình bạn gái của anh không chịu gả con gái cho lính. Nhớ lại thêm buồn khi xe nhà binh cứ chở quan tài lính tử trận về xóm làng để cả xóm khóc thương và âu lo vì hầu như nhà ai cũng có người đi lính. Nhưng anh Tòng trước hôm trở về đơn vị cũng nhớ đến tôi, anh lấy chiếc Honda ‘67 trùm mền của anh ra chở tôi đi xem phim rạp, gió mát hơn đi xe đạp nhiều. Anh chở tôi đi ăn bò viên vì món đó tôi chưa bao giờ biết ngán, nếu được uống nước xá xị khi ăn bò viên là đã đời. Hai anh em còn đi ăn kem tới no cành hông nhưng anh cứ nhắc, “Ăn thêm đi Mập, ăn cho đã đời vì lần này anh đi lâu lắm mới về…” Và anh đã đi qua cuộc chiến không về nữa, không biết anh lên bàn thờ hay phiêu bạt nơi đâu sau hoà bình khi tôi trở lại nhà mình đã cỏ hoang ngập lối, sang nhà anh hoang phế điêu tàn với cái bàn trà làm bằng dây mây bị giông gió thổi ra tới góc vườn, tờ Đại Dân Tộc ướt mưa, úa vàng với cái kính lão của ông Bá gãy gọng nằm chơ lơ ngoài hiên vắng của căn nhà đã bỏ hoang…
Tôi vẫn nhớ cảm giác tan học như chim xổ lồng ở Sài Gòn bỗng mất hứng thú khi lững thững đạp cái xe đạp về nhà, không ghé sân Hoa Lư đá banh được nữa vì bên kia đường là Đài Truyền Hình cũng trong tầm pháo kích của Việt cộng nên sân banh vắng. Làm gì cho hết buổi chiều của tuổi nhỏ bỗng bị cấm hết những trò vui, ra khúc sông chúng tôi thường bơi lội cũng bị cấm luôn vì lính từ đâu đổ về bảo vệ thủ đô có mặt khắp nơi, lính hạn chế sinh hoạt thường ngày của người dân vì lý do an ninh. Về nhà đích thực là chỉ ở trong nhà, ra ngoài với giao tiếp xa nhất là những nhà hàng xóm thì toàn nghe người lớn nói chuyện di tản từ vùng Một tới vùng Hai rồi thất thủ vùng Ba chiến thuật. Cộng sản bắc Việt sẽ vô Sài Gòn trong nay mai… Thời sự đã hất thằng bé vô tư lự ra khỏi vùng trời bình yên để ưu tư khi gia đình tôi dạt về căn nhà cũ ở ngoại ô Sài Gòn theo tính toán của cha tôi chiến tranh chỉ lướt qua những vùng ven, không nghiêm trọng như trong nội đô Sài Gòn…
Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà có hầm chống pháo kích. Làm sao tôi quên được biết bao kỷ niệm ở căn nhà chỉ có vui chơi và phá phách từ sau Tết Mậu Thân 1968. Cha tôi cho đào hầm chống pháo kích ngay dưới bộ ván rất dày, cửa hầm là cái dốc 45 độ để khi nghe tiếng pháo kích thì trẻ nhỏ chạy nhanh đến hầm trú ẩn và tuột xuống hầm sẽ nhanh hơn làm bậc thang đi xuống. Cái dốc mài đũng quần đó kể không bao giờ hết chuyện vì nó là cái dốc tuột tuổi thơ đi.
Căn hầm là xào huyệt của bọn thổ phỉ còn hôi sữa, chúng tôi đi thu hoạch được gì về cũng giấu dưới hầm từ trái bần, trái bình bát chưa chín ngoài bờ sông tới trái xoài, trái trứng gà hái trộm được ở nhà hàng xóm… đến mấy lóng mía, đậu phộng luộc cúng cô hồn đều được tích trữ dưới hầm chống pháo kích để kháng đói khi phải ngủ hầm vì cường độ pháo kích ngày càng tăng. Nhưng chuột ăn hết trơn, đến con dế không có đối thủ mới được đưa xuống hầm chống pháo kích cũng bị kiến xơi khi tôi về. Nỗi buồn không tả xiết dến bây giờ, chợt nghe tiếng dế đêm đông ở vạt rừng mỏng sau nhà là bần thần nhớ con dế chưa từng bỏ chạy trước đối thủ nào đã chết thảm trong hầm trú ẩn, kẻ chạy trốn quê hương còn vác mặt về làm gì?
Nhớ nhà, nhớ quê dần quen trong đời sống hải ngoại, nhưng nỗi nhớ mênh mông đến đâu cũng quay về với ba hòn gạch vụn vỡ nhặt về hầm để làm bếp luộc trứng vịt nhặt được ngoài đồng khi ông già chăn vịt và đàn vịt đã đi qua. Nhớ đi mót trứng ngoài đồng vui tới trong mơ trọn đời người vì niềm vui khó tả khi nhặt được cái trứng ngoài đồng như nhặt được thỏi vàng vì đâu có hoài. Sau gặt lúa chủ ruộng mới cho đàn vịt xuống mót lúa, trẻ con mót trứng vịt khi đàn vịt đi qua. Và ngày xưa, mỗi năm làm ruộng có một mùa nên mùa lúa đủ trò vui từ đi mót trứng tới đốt đồng bắt chuột. Khi trái mùa lượm trứng vịt ngoài đồng mà lên cơn ghiền thì mượn trứng gà quên hỏi của bà vú. Vú cứ nguyền rủa mấy con chuột ăn cắp trứng, vạ lây con mèo vô tích sự vì đứa nào cũng nghĩ mình trộm có một trứng thì ăn nhằm gì với cả ổ trứng gà nên cuối cùng không còn một cái để bà vú nguyền rủa lũ chuột oan. Và ai đã ăn thì không quên được trứng luộc trong cái lon đồ hộp của lính Mỹ ngon tuyệt, càng ngon nhờ nấu bằng đèn cầy mượn quên hỏi ở nhà thờ, chùa gần nhà, kẹt quá thì ra nghĩa địa mượn đèn cầy bị gió thổi tắt trên những ngôi mộ. Chỉ cần quỳ xuống, xá ba xá và xin thật lòng thì những linh hồn độ lượng luôn cho trẻ nhỏ ăn ngon miệng, không đứa nào bị đau bụng bao giờ. Tạ ơn những người đã khuất tốt bụng ở quê tôi. Xin thứ lỗi cho việc hành lễ xin nến do trẻ con nghĩ sao làm vậy…
Nhớ căn hầm tối om những đêm đông cúp điện ở hải ngoại, cái lạnh len lỏi vào từng ngón chân làm nhớ muỗi ơi là muỗi ở hầm chống pháo kích, nhưng khi đốt nến thì muỗi bay đi, trả lại hang ổ cho bọn thổ phỉ xà lỏn ở trần, quậy đến bà vú chịu không nổi, đánh đòn không sợ nên bà bỏ mặc cho chúng tôi muốn làm gì làm. Bà chỉ điểm danh đủ quân số đã xuống hầm khi có pháo kích là được, khi dư quân số đồn trú là quân tiếp viện phá phách từ hàng xóm ham vui với hầm trú ẩn có cầu tuột. Nhớ tiếng pháo kích rít qua bầu trời nghe lạnh xương sống thì chúng tôi ngồi dựa lưng vào vách hầm vật vờ sau hồi chọc phá nhau tới đánh lộn luôn trong hầm. Có đứa lấy cái áo choàng bằng lông cừu không rõ xuất xứ, không biết của ai nên luôn ở trong hầm làm áo chống đạn khi chơi bắn bì. Nó khoác lên người thay áo Thánh cha, làm lễ trừ tà cho hai đứa đánh nhau u đầu bầm mắt do quỷ ám vẫn không chịu hoà, cứ lao vào nhau như hai con dế lửa. Cuối cùng là răng nanh chúng dài ra, đầu chúng mọc sừng… theo tưởng tượng của đồng bọn nhưng hai đứa nó rất hoang mang vì trong hầm không có gương soi. Phải như đồng bọn nhịn được cười thì chúng đã không kết tội Thánh cha làm phép hại chúng mọc sừng, chính Thánh cha mới là quỷ nên chúng hiệp thông giộng Thánh cha ói cơm, la làng…
Nhưng nghe tiếng trực thăng là bừng dậy cả đám, la hét om xòm: Quân ta đã phản công, đuổi Việt cộng về rừng. Chúng tôi túa ra khỏi căn hầm mới xuống thì vui nhưng ở lâu trong đó như ở tù. Cả đám há hốc nhìn máy bay trực thăng bay thấp, lính nhảy xuống ruộng đồng, dàn trận tiến lên mê hoặc như phim Đệ Nhị Thế Chiến trên truyền hình. Lính hành quân đuổi Việt cộng về rừng xong thì trở về căn cứ ngoài mé sông. Những người lính trẻ la cà vô xóm dân chơi bầu cua cá cọp với chúng tôi. Các anh lính bị búng lỗ tai đỏ tía như tôm luộc, nhưng họ hành xử với trẻ nhỏ để chúng nhớ tới già khi các anh thua thì chịu bị quẹt lọ nồi lên mặt, chịu bị búng tai với hết sức bình sinh của mấy thằng nhóc tì. Nhưng khi các anh thắng thì cho chúng tôi nợ, nợ chồng chất những cái búng lỗ tai để lớn lên biết hành xử với trẻ nhỏ như những người lính Việt Nam Cộng Hoà trong ký ức.
2.
Rồi tất cả như trời sập khi không còn tiếng súng. Hồi chiến tranh, nhà nhà mở toang cửa trước cửa sau cho dễ chạy tránh pháo kích. Nhưng hoà bình thì nhà nhà khép cửa, người người chọt lỗ mọt vách nhà nhìn ra đường lạ lẫm với những người giải phóng quân, bộ đội chính quy ngoài Bắc vào lăm lăm tay súng. Họ có sự đáng sợ, ngộ nghĩnh và tội nghiệp trong mắt người dân miền Nam là điều lạ lùng. Sự đáng sợ vẻ mặt vô cảm của họ nên không đoán được tay súng của họ khi nào bóp cò như con thú rừng bị bắt về thành phố trông ngộ nghĩnh, nhưng phải coi chừng phản ứng khó đoán của nó. Rồi nhìn lâu lại thấy thương anh bộ đội sờ mó chiếc xe đạp của ai đó dựa gốc cây. Sự thích thú của anh khiến những con mắt nhìn qua lỗ mọt thấy thương hại, làm thương luôn người giải phóng quân chân đất, đội mũ tai bèo, quấn khăn rằn trên cổ, đeo băng đỏ trên tay súng lăm lăm không khoan nhượng nhưng đứng chết trân trước bảng tên đường vì không biết đọc chữ…
…
Và khi trời đã sập thì mặt đất tối đen, dâu bể khôn lường. Người dân trong xóm tôi đi bộ vì những chiếc xe đạp bây giờ thuộc về những anh bộ đội. Trẻ con chúng tôi được những trận cười không thấy tổ quốc vì cười híp mắt với những anh bộ đội tập chạy xe đạp kiểu ngoài Bắc, một chân đứng lên bàn đạp, một chân đẩy cái xe đi tới vã mồ hôi mà đâu dám trèo lên yên ngồi đạp cho tử tế như người ta. Nhưng hồi cười hết nổi, mở mắt ra nhìn lại tổ quốc đã đổi thay với những người đội nón cối, cột chùm hoa ny lon trước xe và đạp đi thu hoạch bất cứ thứ gì họ có thể đem về Bắc. Những người có xe đạp để dựa gốc cây vì không cần đem về nhà thì nay đi bộ thành đoàn người đi đắp đê thủy lợi, những căn nhà dân hiền hoà trong xóm bỗng trở thành nhà hoang cho trẻ trâu tụ tập phá phách vì cả nhà đã vượt biên, hoặc đã bị cưỡng bức đi kinh tế mới.
Những đứa trẻ thổ phỉ phá làng phá xóm chúng tôi đã lớn, đã bắt đầu cuộc mưu sinh tự túc khi gia đinh hết khả năng bảo bọc chúng tôi. Đến cái nhà cũng không còn để ở vì bị tịch thu sau những đợt đánh tư sản thì cuộc ra đi là không tránh khỏi. Tôi nhớ hình ảnh người Vệ quốc quân ra đi năm xưa, “người ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” là điềm gở, điềm báo một cuộc đời vứt đi từ khi người ta biết yêu thơ. Tôi cũng ra đi đầu không ngoảnh lại với chuyến ra Bắc lần đầu, mới lên tàu hoả đã ám ảnh với những người bộ đội tay xách nách mang bất cứ thứ gì họ góp nhặt được trong Nam. Một người bộ đội trong vài người bộ đội về Bắc chung nhau một chuyến tàu. Người bộ đội ấy lên cơn sốt rét, đồng đội anh đắp chăn (trùm mền) cho anh qua cơn rét, tới cơn sốt thì họ cởi áo bộ đội anh ra cho hạ nhiệt. Trong áo lót anh có bó đũa nhựa được bọc vải cẩn thận, cột vào người anh. Đồng đội anh nói với nhau chứ người trong Nam có việc ra Bắc chỉ biết nhìn. Tôi đã nghe được người này nói với người kia trong bọn họ, “Cái thằng dốt đến nát, tao đã bảo là đũa nhựa nhưng nó có dám bẻ thử một cây để xem đâu! Nó tin là đũa ngà voi nên trói chặt đem về…”
Thời mười năm bưng bít sau hoà bình như đồng ngập mặn, miền Nam chìm xuống tận cùng đói nghèo vì vơ vét nhưng phân biệt đối xử lên ngôi đến mức “cây cột đèn biết đi cũng vượt biên”. Quái kiệt Trần Văn Trạch đã khái quát được toàn cảnh xã hội miền Nam sau hòa bình qua câu nói ngắn gọn đã đi vào lịch sử nước mất nhà tan của miền nam. Tôi nhớ câu tục ngữ mẹ tôi thường nói, “giặc pha không bằng nhà cháy”. Nghĩa là cháy nhà mới không còn đôi đũa ăn cơm chứ giặc can qua chỉ cướp bóc vàng bạc châu báu, đâu thèm lấy tới đôi đũa ăn cơm như anh bộ đội…
…
Mười năm sau câu nói, “cây cột đèn biết đi cũng vượt biên” của Quái kiệt cũng là mười năm mà cố thi sĩ Tô Thùy Yên gọi là “mười năm chết dấp” trong trường thi “Ta Về” của ông. Hai nhân sĩ trí thức thật của miền nam nói câu nào đi vào lịch sử câu nấy thì phía bên kia của hai ông cũng có người được người trong Nam xem trọng qua câu nói về thành quả cách mạng giải phóng miền Nam là ông Võ Văn Kiệt, đã nói: “Nhiệt tình cách mạng cộng với sự ngu dốt tạo thành một sức phá hoại khủng khiếp” khi ông nhìn ra sự thật sau hoà bình của miền Nam Việt Nam vì ông là người miền Nam, đói nghèo và tuột hậu so với những nước thua xa Việt Nam trước năm 1975 ở châu Á như Thái Lan, Đại Hàn đã vươn lên thì cách mạng đã bần cùng hoá miền Nam tới cây cột đèn biết đi cũng vượt biên.
Ngoài Bắc có câu thơ của ông Trần Dần diễn tả thực trạng đất nước và con người chính xác nhất, “tôi đi giữa phố phường/ chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ…” Tôi đã thấy mưa Hà Nội đẹp nhưng buồn như tận thế với cái rét đầu đông trút lên áo tơi của người lao động nghèo, mưa lột xác ba mươi sáu phố phường đã già trơ xương và loang lổ trên từng góc phố, những mặt người buồn tênh như lá bàng rơi, họ vô cảm sau tháng năm dài dưới chế độ xã hội chủ nghĩa như những hồn ma trên phố cổ Hà thành.
Trở lại với ông Kiệt, sau khi làm Bí Thư thành ủy Sài Gòn, ông ra Hà Nội làm Thủ Tướng, chút hy vọng vào người cán bộ miền Nam đã nói lên sự thật, nhưng chỉ để xoa dịu thời cuộc rồi gió cuốn đi. Tiếc cho những người Việt hải ngoại một thời đã coi trọng ông hơn thực tế trong mắt người ở lại. Nếu nói thế hệ trước bị ném vào chiến tranh do bàn cờ chính trị thế giới thời bấy giờ. Nhưng dù sao họ cũng đã được sống như một con người trên đất nước đang chiến tranh, một công dân của miền Nam tự do. Họ tự chọn binh nghiệp hay bị bắt quân dịch, họ tàn phế hay hy sinh bởi chiến tranh thì cuộc đời họ vẫn được lịch sử công nhận, tôn vinh, tổ quốc ghi công những người lính Việt Nam Cộng Hoà dù tổ quốc ấy cũng không còn nhưng lòng dân vạn đại ở miền Nam không bao giờ quên những người lính Cộng Hòa dù họ còn đó hay đã ra thiên cổ.
Nhưng thế hệ sau họ thì khác, chúng tôi bị phân biệt đối xử từ trong mái trường xã hội chủ nghĩa ra ngoài xã hội lạnh lùng những Viện kiểm sát nhân dân khắp nơi, Tòa án nhân dân các cấp từ Bắc vô Nam, cái gì cũng của dân trừ cái ngân hàng là Ngân hàng nhà nước nên chúng tôi vô sản khi những người thắng cuộc đã trở nên giàu sụ với chức quyền cai trị lũ con em quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà. Thế hệ vô sản từ trong linh hồn ra đời từ Bắc vô Nam vì chiến tranh Tây Bắc với Trung cộng năm 1979, cuộc chiến Tây Nam bên Cam Bốt tạo ra tầng lớp thương binh bị bạc đãi trên cả nước chìm trong đói nghèo, mất phương hướng và vô vọng. Người dân khổ nạn với những chính sách thủy lợi phá hủy ruộng đồng tới không có cơm ăn, lớp người đi xây dựng vùng kinh tế mới sống không nổi phải trở về bám víu thành phố còn bị thương binh cướp chặn xe đò…
3.
Năm mươi năm đã qua từ biến cố lịch sử, nhìn tận mắt thay đổi ở quê hương dẫn đến hành vi bỏ nước ra đi của biết bao người. Nhưng năm mươi năm cuộc phiêu lưu đến miền đất hứa vẫn chưa dừng lại, những thế hệ tiếp nối vẫn tiếp tục cuộc chạy trốn xuyên thế kỷ, rời bỏ quê hương không suy tư hơn cả những thế hệ trước. Gốc rễ của một dân tộc có bề dày lịch sử bốn ngàn năm Văn Hiến, có văn hoá thần truyền con Rồng cháu Tiên sao mãi ra đi? Mỗi hiện tình đất nước có những tự hào và đau thương theo dòng lịch sử còn đó, nhưng bề dày lịch sử chỉ thêm thời gian không cứu nổi một dân tộc. Vấn đề của đất nước, dân tộc là phát triển như Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong ba trăm năm thành cường quốc đứng đầu thế giới. Những quốc gia có lịch sử ngàn năm vẫn nghèo nàn lạc hậu là bằng chứng lịch sử không quan trọng thời gian tính từ lập quốc mà then chốt là tổng thu nhập tính trên đầu người, là kinh tế, thương mại và quân sự, khoa học… Nhưng chúng ta mãi tự an ủi với lịch sử bốn ngàn năm thì cho dù Việt Nam tồn tại thêm bốn ngàn năm nữa, rồi bốn ngàn năm nữa thì thì người Việt vẫn là dân tộc được sinh ra để vượt biên, chạy trốn ra nước ngoài. Không biết có cách nào để thay đổi suy nghĩ trong mỗi người Việt Nam về lịch sử bốn ngàn năm ấy chỉ là thời gian, không phải sức mạnh kinh tế tài chính, khoa học kỹ thuật, văn minh… mới là những giá trị đáng tự hào cho một đất nước, một dân tộc.
Nhìn lại năm mươi năm đất nước thống nhất chính là năm mươi năm đoạn tuyệt với tiền đồ dân tộc, đất nước, quê hương, giang sơn mỹ từ vì người đi lớp trước đã mai một không về, những người đi sau không có lý do để trở về với đói nghèo và phân biệt đối xử. Thế hệ hiện tại là du học sinh càng không về khi đã tiếp xúc với văn minh và công bằng xã hội ở nước ngoài thì còn ai muốn trở về với thể chế độc tài đảng trị, kềm hãm tự do cá nhân thì xã hội cũng không phát triển, tiến bộ được khi mỗi người là một thành viên của xã hội, mỗi người không phát triển thì xã hội thụt lùi so với nhân loại phát triển. Nhưng làm người Việt nam trong chế độ vắt chanh bỏ vỏ, nhà cầm quyền xem người dân như công cụ xây dựng và bảo vệ độc đảng, thuận đảng thì sống chống đảng thì chết. Nhìn lại năm mươi năm hiếm hoi có thầy Tuệ Sỹ không rời bỏ quê hương thì bị kết án tử hình vì âm mưu chống phá nhà nước. Thầy tự mô tả mình thay cho bản cáo trạng tội ác của nhà cầm quyền, “người ở lại trong bàn tay bạo chúa/ cọng lau gày trĩu nặng bóng tà dương…” Người ở lại còn có ông Trịnh Công Sơn, cũng là một tên tuổi lớn của cả đôi bên, nhưng ông có “Nối Vòng Tay Lớn” được không? Hãy nhìn lại cuộc nội chiến xem chúng ta còn lại gì ngoài dòng nhạc Trịnh? Năm mươi năm người Việt hải ngoại được sống cuộc sống tự do sáng tạo ,nhưng có tác phẩm văn học nào đủ tầm, xứng đáng với cuộc chiến ấy không? Nhân năm mươi năm đã tròn, thiết nghĩ đôi dòng về ông không ngoài câu cổ ngữ ‘lực bất tòng tâm”. Mong cho linh hồn ông được siêu thoát khỏi “Vũng Lầy Của Chúng Ta” mà người ca nhạc sĩ cùng thời với ông đã viết.
Hãy thực tế nhìn lại năm mươi năm, một bên gọi là mất nước cũng chỉ đủ sống ở hải ngoại. Hiếm hoi một vài cá nhân tỵ nạn, di dân may mắn trở thành tên tuổi lớn thì bao nhiêu tên tuổi lớn của người Việt hải ngoại đã hóa nhỏ, tên tuổi nhỏ thành vô danh bên lề xã hội Mỹ và khắp nơi ở phương Tây? Bên thắng cuộc gọi là thống nhất đất nước thì sao toàn dân đều muốn ra đi sau năm mươi năm đã im tiếng súng, vậy hoà bình ở đâu? Có thể nói Việt Nam đã có năm mươi năm không chiến tranh nhưng chưa hề có hoà bình hay thống nhất đất nước vì hoà bình ở lòng dân, thống nhất ở lòng dân, không nhà cầm quyền hay chính phủ nào áp đặt được lòng dân. Vậy hãy nhìn vào hố phân cách quốc- cộng bây giờ, sự phân biệt người trong nước với người ngoài nước sẽ thấy hoà bình và thống nhất chỉ là những sáo từ mục ruỗng. Người dân hai miền đâu có hoà bình và thống nhất với nhau. Đến cộng đồng hải ngoại bên đây cũng phân biệt đối xử với du học sinh trong nước qua đây học tập thì hoà bình, thống nhất ở đâu?
Hệ quả, hậu quả của năm mươi năm bên gọi là thống nhất, hoà bình là không đúng. Bên gọi là mất nước, sao không về lấy lại? Nước mất thì nhà cũng không còn, ai chả biết điều căn bản ấy. Nhưng câu trả lời cho đôi bên sau năm mươi năm hết chiến tranh là Việt Nam đã hoàn thiện một dân tộc thờ ơ với quốc gia, dân tộc của chính mỗi người Việt. Đất nước có toàn dân chạy trốn không mệt mỏi khỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt nam. Dân tộc có căn bệnh chờ người khác bao trùm những cộng đồng người Việt hải ngoại nên tự do, dân chủ không bao giờ có cho người Việt trong nước và người Việt hải ngoại…
Phan
tháng Tư 2025