User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.l

Bây giờ là cuối tháng 10 ở miền đông bắc Hoa Kỳ. Mùa thu với những tàn cây nhuộm sắc vàng lẫn đỏ, với những chiếc lá bay lượn trong gió, với thời tiết lành lạnh và da trời nhàn nhạt là mùa tôi yêu thích nhất kể từ khi đặt chân lên mảnh đất hợp chủng nầy vào đầu năm 2002. Nắng thu trải nhẹ trên cảnh vật hai bên đường tỉnh lộ 213 của tiểu bang New Jersey. Tôi lái chầm chậm chiếc Ferrari 2007 (một loại xe thể thao mui trần của Ý, giá 160 ngàn Mỹ kim) mới mua, còn trong thời kỳ chạy rô-đai, trên đường đi đến Round Valley dự định ngắm cảnh đồi rừng tuyệt sắc trong ban ngày và buổi tối ngắm ánh trăng rằm phản chiếu trên mặt hồ. Ngoại cảnh thật thơ mộng, thanh bình, nhưng lòng tôi ngổn ngang hơn cuộn tơ vò, nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của mình.

Tôi, không muốn quý độc giả biết tên thật, xin chỉ tạm biết tên hiệu của tôi là Mỹ Nhân (không có nghĩa tôi có nhan sắc tuyệt vời mà tên hiệu của tôi có liên quan đến lý tưởng hạnh phúc của tôi), là một người đàn bà sống cô đơn trên xứ người: thằng chồng sĩ quan phế binh Mỹ, già hơn tôi hai chục tuổi, bụng phệ, nặng 150 ký, cao 1m95, tên David của tôi mới chết. Dù tôi không yêu thằng chồng bất đắc dĩ khi hắn chỉ là phương tiện để tôi được đi Mỹ, dù trước đây tôi vẫn thường cầu mong hắn mau về bên kia thế giới bởi vì bệnh tật liên miên khiến tôi vất vả chăm sóc (không tốn kém bởi chính phủ Mỹ lo hết, nhưng tôi cũng phải tốn thời giờ và công sức thăm nuôi hàng tuần hay đôi ba ngày một lần). Dẫu tuổi tác và thân xác của hắn quá chênh lệch với tôi (nặng 50 ký, cao 1m55), nhưng tôi đâu phải là cục đá. Với thời gian, rồi cái gì cũng quen đi. Tôi đâm ra thích nằm co trong lòng hắn vào mùa đông; hơi nóng từ cái bụng và ngực đầy lông của hắn phà vào người tôi như lò sưởi âm ấm được điều chỉnh đúng mức để tôi ngủ ngon giấc mỗi đêm. Tuy nhiên, phải thú thực tôi cảm thấy áy náy mỗi khi bị người Việt đâu đó nhìn vợ chồng tôi với cặp mắt tò mò, lạ lùng. May mắn thay! Nhà của chúng tôi ở hướng tây bắc của tiểu bang, láng giềng toàn người Mỹ da trắng nên hiếm khi gặp đồng hương ưa dòm ngó.

Thằng chồng già chết đi đem đến cho tôi bao nhiêu vui buồn lẫn lộn. Vui là được hưởng gia tài và tiền bảo hiểm nhân thọ cả triệu đô-la và không phải hầu hạ, chăm sóc ai nữa. Nhưng buồn là căn nhà quá rộng cho một mình tôi và không còn ai để thảo luận, tán dóc, coi phim, kể chuyện tiếu lâm và thỉnh thoảng hú hí bên nhau trên giường. Tôi không còn trẻ nữa. Tóc tôi đã bạc hoa râm; mỗi tháng phải nhuộm một lần. Biết tìm đâu một người tình hay một người chồng chân thực yêu tôi trên đất nước đầy giả dối, nhứt là ở trong tiểu bang vắng vẻ người Việt nầy. Tôi vừa sợ đàn ông ngoại quốc đến với tôi chỉ vì căn nhà và số tiền kếch sù trong các trương mục ngân hàng của tôi, vừa có mặc cảm đàn ông Việt Nam không còn thực sự muốn kết nghĩa tóc tơ với một người đàn bà đã có chồng Mỹ to tướng, nặng nề gấp ba lần.
Một tháng nay, tôi rối trí chưa biết phải làm gì. Nhưng quyết định đầu tiên của tôi là đi mua trả tiền mặt chiếc xe Ferrari cao giá nầy như một đền bù cho nỗi trống vắng và cũng là một niềm vui sướng, một bóng mát hạnh phúc mà tôi ẩn núp trong đó. Nhắc đến hai chữ “hạnh phúc” khiến tâm tư tôi miên man trở về quá khứ...

Kể về gia thế, cha mẹ tôi làm chủ một tiệm cầm đồ ở Thị Nghè và một phòng trà khiêu vũ trên xa lộ nằm giữa ngã tư Hàng Xanh và cầu Phan Thanh Giản cũ. Tôi vai út và là con gái duy nhứt trong gia đình nên được cha mẹ cưng chiều và bốn anh trai thương tôi vô cùng. Trước 1975, tôi chẳng phải phụ giúp công việc gì cả, mà chỉ lo học tập, tiệc tùng, vui chơi với các bạn gái, chứ chẳng quan tâm đến lời tán tỉnh của các thanh thiếu niên đồng lứa tuổi. Có điều đáng nói là tôi chuyên cần đèn sách nên cả hai kỳ thi tú tài ban C (văn chương và sinh ngữ) tôi đều đậu hạng Bình ngay khóa đầu. Và sau bốn năm tôi đậu cử nhân Anh văn không khó khăn. Rồi tôi tiếp tục ghi danh ban cao học (tức thạc sĩ bây giờ) trong khi đi dạy bán thời ở Hội Việt Mỹ.

Hạnh phúc đối với tôi bao gồm hai mục tiêu: đậu được bằng cử nhân để cảm thấy không hổ thẹn về trình độ giáo dục và đi Mỹ để được sống thật tự do, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán cổ lỗ khiến tôi cảm thấy khó chịu, và thêm nữa có nhiều hy vọng trở thành triệu hay tỉ phú như bao nhiêu gương ngoại kiều di dân qua đất Mỹ sau 1945. Bởi thế mà tôi học ban Anh văn và tìm cách có thế đứng ở Hội Việt Mỹ.

Từ 30 tháng 4 năm1975, tôi tin tưởng câu “Họa vô đơn chí” (tai họa không đến đơn độc) bởi vì biết bao nhiêu đau khổ, đắng cay dồn dập vào gia đình tôi. Hai người anh kế tôi biệt tích trên chiến trường cao nguyên. Tiệm cầm đồ và vũ trường bị đóng cửa. Cha mẹ tôi tốn hơn phân nửa vàng vòng giấu giếm để lo cho anh Ba và vợ con vượt biên; nhưng họ mãi mãi bặt tin. Rồi anh Hai bị tai nạn giao thông trở thành phế nhân ngồi xe lăn.   

Còn tôi, tôi cũng chẳng may mắn gì. Hội Việt Mỹ đóng cửa. Xe Honda 70 mới sắm và vòng vàng cá nhân cũng từ từ ra đi không hẹn ngày tái ngộ. Cuối năm 1975, cả gia đình tôi dọn về Đà Lạt, sống cạnh gia đình bên vợ của anh Hai ở Thái Phiên. Trong một năm trời, tôi—đã từng sống như tiểu thư trước 1975—và cha mẹ già tôi phải đổ mồ hôi, phồng tay cuốc đất trồng trọt để có củ khoai, hạt đậu, bắp cải, rau trái, mà sống qua ngày. Trời ơi! Cực ơi là cực! Không chịu nổi nữa nên cha mẹ tôi tom góp hết gia sản và mở cho tôi một cửa tiệm tạp hóa thật nhỏ ngay ở hàng ba và gian trước căn nhà ngói cũ kỹ, thấp lè tè của chúng tôi.   

Một năm sau thì tôi phải lấy chồng để làm vui lòng cha mẹ. Chồng tôi là con một của đại gia trước kia, bây giờ suy sụp. Và tôi sanh năm một, nhưng chỉ là hai con gái. Chồng và cha mẹ chồng rất thất vọng. Thế là chồng tôi bắt đầu có nhân tình với hy vọng kiếm đứa con trai nối dòng. Và chồng tôi đạt được ý nguyện trong nỗi chua chát và ganh tị của tôi. Rồi chúng tôi chính thức ly dị. Tôi nhận nuôi hai con gái.

Năm năm sau cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Anh Hai tôi cũng nối gót theo họ vì bệnh tật. Thương yêu và niềm vui lớn nhất còn lại của tôi là hai đứa con. Thế mà hai con tôi, không giống như tôi, chạy theo tiếng gọi tình yêu và theo chồng, một đứa ở Sài Gòn, một đứa ở Mỹ Tho, bỏ tôi về sống cô quạnh.

Không đủ sức cáng đáng tiệm tạp hóa, tôi bán tất cả hàng hóa còn lại và mở dịch vụ vi tính nho nhỏ. Tuy khổ cực trăm bề, nhưng trời thương và có lẽ khí hậu Đà Lạt không tàn phá nhan sắc của tôi nên dù đã non năm mươi tôi vẫn còn nhiều đàn ông theo đuổi. Tuy nhiên tôi sợ đàn ông ở Việt Nam lắm rồi—không nhậu nhẹt thì cũng cờ bạc hay đĩ điếm, không ghiền thuốc lá hay chích ma túy thì cũng khoái nhân tình dù đã có vợ con đùm đề, nhiều người có thói quen nạt nộ hay đánh đập người bạn đời. Bởi vậy, tôi bắt đầu đăng ký hồ sơ trên hai mạng lưới Vietfun và Romance. Chỉ trong một tháng, hằng chục Việt kiều ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc xin làm bạn. Mỗi ngày tôi “chat” với một ông; ông nào cũng than cô đơn, bị bỏ rơi hay chết vợ.

Bấy giờ, lý tưởng hạnh phúc được đi Mỹ của tôi như sống lại sau hơn hai mươi lăm năm. Tôi chọn một Việt kiều Mỹ, ly dị vợ, muốn về Việt Nam sống ở Đà Lạt. Nhưng rồi sau ba tháng về thăm tôi, dẫn tôi du lịch Thái Lan, Singapore, Sapa, Vịnh Hạ Long, Huế, v.v., cuộc tình chúng tôi tan rã khi người nầy khám phá mộng ước qua Mỹ của tôi. Cuối cùng tôi đành phải vớ một tên Mỹ già phế binh, đem tôi qua Mỹ rất mau trong vòng một năm.

Tôi ngồi dựa tảng đá, dọc bờ hồ. Sau lưng tôi là đồi lá rì rào; trước mắt tôi là hồ nước trong xanh. Mắt tôi hướng về cánh buồm sặc sỡ lướt gió, nhưng hồn tôi nhớ lại những gì có liên quan đến hai chữ “hạnh phúc” ....
Trước 1970 tôi có cô bạn học khá thân qua ba lớp ban văn chương và sinh ngữ ở trường nữ trung học Trưng Vương tên Minh Ngọc, vốn là con gái của một đầu bếp ở cô nhi viện nhỏ thuộc tỉnh Gia Định cũ. Sau khi đậu bằng Tú Tài 2, Minh Ngọc quyết định không đeo đuổi con đường học vấn như tôi hay hầu hết bạn cùng lớp mà cộng tác với ban giám đốc để phục vụ cho các trẻ mồ côi.   

Bấy giờ, khi được tin ấy tôi vội vàng chạy chiếc Honda 50 mới mua như một phần thưởng của cha mẹ tôi đến tận nhà Minh Ngọc ở Hạnh Thông Tây để hỏi lý do và với mục đích khuyến khích cô ta cùng tôi ghi danh ở Đại Học Văn Khoa. Minh Ngọc hân hoan đón chào tôi với tư cách một người bạn học thân thiết. Chỉ có thế! Và cô ta không những từ chối tấm chân tình của tôi về việc tiếp tục lên đại học để có tương lai rực rỡ, để sống sung sướng như đại đa số người có bằng cấp cử nhân trở lên, mà còn quấn lên cổ tôi một chuỗi châm ngôn, nào là “Một hành động tốt vốn là một hành động của hạnh phúc”, “Chỉ kiếm hạnh phúc bạn sẽ không bao giờ gặp; hãy tìm phận sự, rồi hạnh phúc sẽ theo sau như bóng mát đến đi chung với ánh nắng”, “Hạnh phúc tùy thuộc vào khả năng nhận thức, chứ không phải vào sự vật, nghĩa là có những gì ưa thích khiến chúng ta sung sướng, chứ không phải có những gì mà người khác mong muốn”, “Hạnh phúc chân chính khiến con người trở nên tử tế và biết điều; và hạnh phúc đó luôn luôn được san sẻ với những người khác”, vân vân và vân vân, khiến tôi như ngộp thở và tiếc công, tiếc thời giờ. Từ đó, tôi không còn muốn gặp Minh Ngọc nữa. Ba năm sau, Minh Ngọc chết vì bịnh thương hàn, có lẽ quá tận tụy với công việc từ thiện mà không ngó ngàng đến sức khỏe của chính mình. Tôi cũng có đến phúng điếu vì các bạn học cũ thông báo, nhưng thầm hỏi trước quan tài của nàng: “Mầy đã đạt được con đường hạnh phúc hay đã tự mua cái chết trong tuổi thanh xuân cho đám nhóc con?”

Và cuộc đối thoại giữa tôi và anh Hai của tôi, cựu giáo sư triết ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, trong nhà hàng Thủy Tạ trên Đà Lạt vào cuối mùa hè 1974 như sống lại trong tôi....
Buổi chiều, khách ăn uống lưa thưa, và bên ngoài trời bắt đầu đổ mưa nặng hột trên hồ Xuân Hương. Nhận thấy chắc còn lâu mới có thể về nhà và cũng là dịp tốt để học hỏi và giải đáp các thắc mắc bấy lâu, tôi mở đầu:
- Anh Hai! Hôm nay em muốn tham khảo với anh về đề tài hạnh phúc. Đầu tiên, em xin hỏi hạnh phúc có thực hay chỉ là một ảo giác?

Anh tôi chưng hửng nhìn tôi giả như không ngờ một con người như tôi bấy lâu chỉ biết học hành và vui chơi mà hôm nay muốn dấn thân vào thế giới suy tư xa vời. Nhưng rồi anh cũng ôn tồn trả lời:
- Em ơi, hạnh phúc có thực khi người ta tin tưởng nó và kiên quyết thực hiện mà cũng là ảo giác khi người ta nhận định nó một cách sai lầm, thiếu chín chắn hay không quyết chí.
- Hãy cho em vài thí dụ đi anh Hai!

Qua một phút trầm ngâm, anh tôi nói:
- Thí dụ các nhà từ thiện, tu hành, đạo đức chân chính tin tưởng rằng “quên mình là sung sướng, hạnh phúc” theo R. L. Stevenson hoặc “Để được hạnh phúc người ta phải tốt” theo Kirke White.
- Thí dụ về ảo giác?
Anh tôi nhíu mày trong giây phút rồi tiếp tục:
- Hầu hết hạnh phúc được xây dựng trên căn bản vật chất như tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, đồ đạc, vân vân, đều là ảo giác.
Tim tôi nhói lên, mặt tôi nóng bừng lên khi anh tôi chạm mạnh vào con đường hạnh phúc của tôi. Tôi ấp úng:
- Sao anh nói vậy?    

Anh tôi dư biết đã chạm tự ái cô em gái cưng, nhưng vẫn bình tĩnh đối đáp:
- Nầy em! Hãy nhớ lại lịch sử, hãy quan sát chung quanh em, thế giới con người đầy những triệu phú, những người quyền cao chức rộng chỉ tạm hưởng sung sướng hay hạnh phúc một thời gian ngắn ngủi rồi rốt cuộc sống trong đau khổ, bất hạnh hay mất mạng chỉ vì coi tiền bạc, danh vọng, quyền lực là cứu cánh của cuộc đời hay hạnh phúc. Ngay cả những nhà cách mạng, những người sống có lý tưởng tốt đẹp phục vụ quê hương hay xã hội, nhưng không giữ vững niềm tin, gặp cảnh lao tù hay khốn khó, nghe lời dư luận, cảm thấy đau khổ hay chán nản thì hạnh phúc cũng chỉ là ảo ảnh.
Bấy giờ tôi hầu như không tin lời anh tôi nói, nhưng bên ngoài trời xám xịt, mưa vẫn xối xả, nên tôi đưa ý kiến:
- Anh có nghĩ rằng hạnh phúc chính ở lòng ta: Cái gì mình cho là hạnh phúc thì đó là hạnh phúc?
- Em nói đúng năm mươi phần trăm: người nông dân với ruộng rẫy miền quê xa xôi, đồng bào thiểu số sống đơn giản, thanh bình trong rừng núi vẫn nghĩ rằng mình sống trong hạnh phúc. Nhưng một khi họ đặt chân xuống thị thành hay nền văn minh khoa học kỹ thuật lan tràn đến nơi họ sống thì lúc đó hầu hết họ cảm thấy đau khổ vì so sánh với tất cả những gì người khác có hay thụ hưởng mà họ không có.

Uống một hớp cà phê sữa đá để thấm giọng, anh tôi nói tiếp:
- Bọn cướp của giết người, tên tham nhũng sống trên mồ hôi nước mắt của đám dân lành, lũ ghiền xì ke ma túy, kẻ suốt đời chỉ sống và đặt lý tưởng cho cái tôi của mình chỉ có ảo giác hạnh phúc cho chính họ. Một ngày nào đó, ảo giác sẽ biến mất và họ sẽ cảm thấy mình đã tự lừa dối mình.
Tôi không ngờ mình dại dột tự nằm lên bàn mổ mà anh Hai yêu quý nhứt của tôi làm bác sĩ giải phẫu mặc tình cắt thẻo may vá từng thớ da, thịt, gân, sụn của tôi. Chuyện đã lỡ, tới đâu thì tới vì bên ngoài mưa vẫn rì rào. Tôi đè bẹp tự ái, góp ý:
- Như vậy nghèo cũng đau khổ, mà giàu cũng
vậy? Có phải như thế không anh Hai?
Anh tôi nheo mắt, mỉm cười:
- Không hoàn toàn như thế em ạ! Nghèo thì khổ nhiều hơn nhưng vẫn có cái vui đạm bạc và giàu thì chắc chắn có nhiều điều vui hơn khổ, nhưng chưa chắc là họ có hạnh phúc. Hạnh phúc không thể căn cứ vào giàu hay nghèo.

Trong khi anh tôi ngả lưng vào thành ghế, tôi chất vấn:
- Như vậy xin anh cho biết cái gì có thể đem lại hạnh phúc?
Anh tôi chớp mắt hai cái, tư lự trong giây phút rồi trả lời:
- Thật sự, rất khó nói cái gì đem lại hạnh phúc, nhưng anh có thể quả quyết với em bốn điều. Một, là hạnh phúc có thể được xây dựng bằng đức hạnh. Hai, chúng ta không có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không sản xuất nó cũng như xài tiền mà không làm ra tiền. Ba, hạnh phúc được chia sẻ với kẻ khác thì mới là hạnh phúc trọn vẹn, chẳng hạn như cộng đồng người Amish ở Hoa Kỳ, đi bộ hay xe ngựa, không xài bất cứ vật gì dùng điện, sống thương yêu tương trợ lẫn nhau, được coi là những người hạnh phúc nhất ở Mỹ. Bốn, sống hạnh phúc là biết chấp nhận và quý trọng những gì mình đang có, có thể có theo như câu “Biết đủ thời đủ, không biết đủ thì đến bao giờ mới đủ”… Nầy em, anh không thể xác định con đường hạnh phúc mà em nên theo. Hãy suy ngẫm những gì anh đã nói và tự vạch cho mình một lối đi cho chính mình em ạ!
Tôi im lặng, lắng hồn theo tiếng nhạc chết trong nhà hàng, không còn kiên nhẫn để tìm hiểu hay tiếp tục thỉnh giáo lý thuyết cao siêu nữa. Anh tôi cũng thấm mệt hay không muốn tạt nước lạnh vào mặt tôi nữa (bởi vì anh hiểu quá nhiều về cá nhân tôi) nên châm điếu thuốc Kool và ngả đầu vào tường, mắt theo dõi làn khói nhẹ bay lên trần.

Minh Ngọc không còn nữa và anh Hai của tôi cũng thế, giờ đây nghĩ lại tôi tin rằng cả hai đã sống trong hạnh phúc dù chết sớm dù tàn tật và đau ốm triền miên trong năm cuối cùng. Tôi cảm thấy tự hổ thẹn cho mưu cầu hạnh phúc của mình. Đã đậu bằng cử nhân và được đi Mỹ, nhưng tôi vẫn không thấy mình hạnh phúc như tôi mơ tưởng khi còn trẻ tuổi. Thêm nữa, trong tay bây giờ tôi đã có bạc triệu, có nhà, có xe đắc tiền, nhưng quanh tôi, không con, không chồng, không người yêu, không bạn bè thân thiết, không bà con xa gần.
Nắng hoàng hôn le lói xa xa. Tôi suy nghĩ đi tìm lý do tại sao tôi lâm vào hoàn cảnh kể trên. Tôi nghiền ngẫm những gì Minh Ngọc và anh Hai của tôi đã nói với tôi về hạnh phúc…
A! Tôi nhận thức được rồi. Thì ra, tất cả chỉ vì tôi sống quá ích kỷ. Trước 1975, chẳng phụ giúp gia đình, tôi chỉ lo học và vui chơi, không hoạt động xã hội, đoàn thể sinh viên hay từ thiện nào, ngay cả khi dạy học tôi chỉ coi đó là phương tiện kiếm tiền và có cơ hội bắt liên lạc đi Mỹ. Sau 1975, dù tôi đã thay đổi nhiều vì hoàn cảnh cơ cực và có chồng con, nhưng tôi vẫn là con người vị kỷ, nghĩ đến mình trước mọi người khác và sau đó chỉ nghĩ làm sao được đi Mỹ, bất chấp ý kiến bà con thân hữu hay dư luận.

Tôi cười một mình trong bóng đêm dịu dàng phủ xuống cảnh vật. Và ánh trăng như bắt đầu ló dạng khi tôi xếp đặt chương trình hành động: bán nhà, dọn qua khu Sài Gòn Nhỏ ở Ca Li, tham gia đoàn thể xã hội, dạy Anh văn miễn phí cho người Việt mới qua và quyên góp giúp thương phế binh, người mù, người cùi, cô nhi viện, nạn nhân bão lụt, v.v.. Tôi phải chịu đựng hoàn cảnh hiện tại một thời gian nữa và tin chắc rằng tôi sẽ không còn cô đơn với những gì đã quyết chí thực hiện. Chắc chắn sẽ có người thương tôi hay yêu tôi. Mà dù, không có đi nữa, thì tôi vẫn nhứt định tiến hành những gì đã dự tính.
Tôi không cảm thấy lạnh nữa. Hồn tôi, thân thể tôi nhẹ nhàng như quyện theo gió mùa thu, như tung tăng trên con đường hạnh phúc mới được vẽ hoa, tô màu muôn sắc và đầy hy vọng kết trái ngon, trái ngọt trong tương lai. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự cảm thấy mình biết sống hạnh phúc bởi vì con người tôi đã thay đổi: chấp nhận những gì mình đang có và biết san sẻ niềm vui hay hạnh phúc với những ai đáng cần nó.

Quý độc giả nghĩ sao? Xin cho biết ý kiến!

Vương Đằng

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com