.
Người ta nhớ đến ông dưới bút hiệu Nguyên Sa, một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng hồi cuối thập niên ’50. Thơ ông với những bài Áo lụa Hà đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Tháng sáu trời mưa … đã làm xao động nhiều con tim ở tuổi học trò và về sau khi được chấp cánh bằng những dòng nhạc đồng cảm của Ngô Thụy Miên thì phải nói sự phổ biến của nó đã là những nét sinh hoạt thi ca làm nhẹ đi tính ác liệt của chiến tranh vào đầu những năm ‘70 và đọng lại phần nào chất trữ tình lãng mạn của những tâm hồn vốn coi thơ và nhạc là những nhu cầu cần có trong bối cảnh một xã hội và đất nước đang đi vào mạt vận.
Thi sĩ Nguyên Sa (1932-1998)
Nhân vật này giới học sinh quen gọi là thầy Trần Bích Lan, một ông thầy chuyên dạy Triết năm cuối cùng của bậc trung học dưới chế độ giáo dục của miền Nam. Một môn học mà đa phần học sinh đều ‘xanh mặt’ vì tính trừu tượng khô khan của nó và nhất là những thí sinh vừa hoàn tất bằng Tú tài 1 lại càng lo lắng vì sự cho điểm nhỏ giọt của các giám khảo môn Triết mà nếu đạt được điểm trung bình trong kỳ thi toàn phần thì cũng là một thành quả đáng khen cho các cậu tú cô chiêu.
Cho nên đa phần các thí sinh muốn chắc ăn cho đủ điểm đậu, không gì hiệu quả bằng ghi danh vào các lớp luyện thi, tại tư gia hoặc tư thục khi người đứng kèm có tên Trần Bích Lan, một giáo sư trẻ vừa từ Pháp về, lại có sách giáo khoa do chính ông ta soạn cho hai môn Lý luận học và Tâm lý học, được coi như cẩm nang cho môn Triết lớp 12 mà hồi đó còn gọi là năm Đệ Nhất.
Tôi được học thầy do một sự tình cờ nhờ thằng bạn học Chu văn An cho biết niên khóa 58-59 thầy Bích Lan sẽ về dạy môn Triết. Số lớp rất hạn chế vì chủ yếu dành cho học sinh của trường, chỉ còn hai lớp mở thêm để nhận ai có tú tài 1 và từ trường công chuyển sang. Tư thục thì vô phương. Tôi trong số những người chót được nhận vào Lớp A6 đều là dân ‘tứ xứ’ nghe tiếng thầy đổ về ghi danh. Tôi thở phào vì không đủ tiền học lớp dạy kèm của thầy, nhưng cũng buồn vì xa trường cũ gắn bó từ hồi lớp 6, cũng là trường trung học nổi tiếng nằm sát bên hông.
Học hành thời buổi này như đánh đu với tử thần, rớt tú tài anh đi trung sĩ/em ở nhà lấy Mỹ nuôi con, nên chúng tôi bảo nhau cố mà đậu nếu phải đi lính thì vắt vai cũng có một trung đội phòng thân. Tôi nhớ niên khóa ấy cả lớp đều đậu, chỉ có một người rớt nhưng anh ta thi lại kỳ 2, đậu. Cho nên quả không ngoa khi có ai nói học thầy ‘Big’ Lan (để phân biệt với thầy giám thị trùng tên vốn nhỏ con) thì chỉ một năm là đủ, không cần gặp lại thầy năm thứ hai. Cuối năm ấy tôi xa thầy, sau đi lính, đi tù và tình cờ gặp lại thầy ở quận Cam khoảng giữa thập niên ’90, trước khi thầy qua đời vài ba năm sau đó.
Chỉ một năm được gần ông giáo có người yêu tên Nga, một nữ sinh viên cùng học ở Pháp, vừa ca ngợi bằng những vần thơ bóng bẩy mượt mà người về sau là vợ mình bằng các ngôn từ đầy mầu và sắc,
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
(Tháng Sáu Trời Mưa)
nhưng cũng là nhà thơ gây sửng sốt một thời về những câu thơ phá thể, những hình tượng ví von ít ai đưa vào thơ, nhất là người ấy là Nguyên Sa và khuôn mặt mà tên gọi được ghép (theo tôi duy diễn) từ hai âm đầu và cuối bút hiệu của ông,
Hôm nay Nga buồn
như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ…
…
Nhớ Thầy không dám lạm bàn về Thơ, chỉ biết thơ ông phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là các nữ sinh mà nhiều cô không được học thầy và biết dung nhan thầy đơn giản vì rơi rớt ở cấp tú tài 1. Tôi vốn mê và hay chép tay các bài thơ tiền chiến, lúc này lại có vụ Nhân văn giai phẩm nên hay đọc Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần.
Nhưng từ khi có hiện tượng Nguyên Sa xuất hiện trong thi ca miền Nam thì phải nói tự nó đã dấy lên một luồng gió tươi mát và những hình tượng trong thơ từ đây có thêm áo lụa Hà đông, mưa nắng Sài gòn, tuổi teen, Paris/sông Seine, trùng hợp với thi sĩ họ Cung cũng từ Pháp về mang theo dòng nhạc đượm chất thơ đã làm đám học trò chúng tôi vừa mê thơ vừa tò mò đi tìm tác giả, nam sinh không nói làm gì nhưng các tiểu thư tuổi ô mai trở lên rất thần tượng thi nhân.
Thầy Bích Lan cũng là một hiện tượng trong giới mô phạm, có thể vì thầy là một nhà thơ và dạy môn hiếm người đi vào chuyên nghiệp. Chưa hẳn, thi nhân họ Vũ cũng niên học này đang dạy bên lớp đệ nhị C (ban văn chương), nhưng học trò vẫn trọng và yêu thầy vì thơ chứ không vì tay nghề sư phạm. Trong khi ở Sài gòn tên tuổi những ông thầy, Việt văn (Lưu Trung Khảo), Triết (Trần Bích Lan), Anh văn (Nguyễn Ngọc Linh), Pháp văn (Bùi Hữu Sủng), Toán (Nguyễn Văn Phú)… thì phải nói như những tên cúng cơm trong giới học trò khi cần phải luyện thi để lấy cái ‘bằng lái’ đầu đời.
Với thơ tôi trộm nghĩ thầy làm thơ là do động cơ thúc đẩy từ mối tình viễn xứ với người yêu cũng là bạn học mà tôi quen nhiều cặp yêu nhau trong cảnh này bền duyên đến ngày về cõi (khác hẳn bây giờ sao họ chia tay quá nhanh), nhưng đưa đẩy thế nào dạy học mới là nghề kiếm sống và người ta nhắc khá nhiều về thầy trong môi trường giáo dục, dù thầy có làm chủ biên một tạp chí văn học và sáng tác thêm những bài thơ mới sau giai đoạn Paris có gì lạ không em.
Thầy có lối dạy rất lạ dù chẳng tốt nghiệp trường sư phạm nào (mà về sau có thời đi ngành này tôi cố bắt chước để câu học trò nhưng vẫn không thể). Vào lớp Thầy chỉ có viên phấn và bảng đen, cái cặp da tôi biết chắc vì tôi ngồi đầu bàn chỉ có tập giấy (có thể bản thảo) chứ không đựng sách giáo khoa, giáo án, trong khi cái cặp của thầy Vũ thì gần bằng sức nặng của tác giả Thơ Say.
Với thầy phấn phải nguyên cục, bảng phải lau sạch, viên phấn chỉ xài nửa cục rồi cầm viên khác, cầm phấn như cầm cọ, tấm bảng như pa-nô, thầy minh họa lời bằng chữ viết, nét chữ thầy không bay bướm nhưng rất rõ nét chân phương, thầy có tài vẽ vòng tròn bằng chỉ một nét, tròn hơn cả com-pa, chính vậy các từ ngữ về triết trừu tượng khó hiểu cách mấy thầy vẫn làm thành đơn giản, dễ hiểu, nhập tâm. Môn học có khô khan nhờ thầy trời cho có óc hài hước khá tinh tế pha lẫn các mẩu giai thoại dí dỏm về thơ và những ngày ở Paris, lớp A6 chúng tôi dần đầu về sĩ số tham dự cao cả năm.
Dù mới về nước sau khi ở Paris cả 7 năm trời nhưng ngôn ngữ của thầy vẫn thuần Việt, ông ít khi pha tiếng Pháp để diễn giải thêm những thuật ngữ triết học. Nếu cho thầy dạy Việt văn chắc cũng hay. Tôi vẫn nhớ mấy mẫu tự in A,B thầy gọi A lớn B lớn, nhưng abcd dùng cho các tiểu mục thầy hay gọi a (nhỏ), b (bé), c (con), d (non) để học trò chúng tôi dễ phân biệt cho vui.
Giọng thầy người Hà-nội, âm lượng vừa đủ, vang nhưng ấm, những chỗ thầy nhấn phải chú ý, key notes, key words ở những chỗ này, về sau lên đại học tôi mới quen lối giảng của thầy. Thầy không cho bài tập, về nhà đọc thêm sách thầy in, tất cả đã nằm trên bảng, tiếp thụ những điều thầy nói trong lớp là đủ, anh nào ngủ gật thì ráng chịu. Nói vậy chứ chả ai dám, ngược lại sức hấp dẫn của lối giảng và sự tiếp cận với Triết học nhập môn nhờ thầy mà anh em chúng tôi yên tâm đi vào kỳ thi cuối năm.
Trong lớp thì như vậy, nhưng đặc biệt là Thầy Lan rất gần gũi với học sinh, có dịp ông hay đá banh chung với chúng tôi vào giờ ra chơi, hoặc sau buổi học, thậm chí ăn cả món khoái khẩu thịt bò khô cạnh sân trường cùng đám học trò. Ông rất phóng khoáng, không ngại phải giữ khoảng cách giữa thầy và trò cần có trong một xã hội hãy còn tôn sư trọng đạo, nhưng với một nhà thơ tuổi đời còn trẻ ông không giấu giếm ‘cuộc đời thuở ấy thật đẹp đối với một người từ hải ngoại về’ và không cảm thấy mếch lòng khi gặp cụ Vũ Ngô Xán (Hiệu trưởng) hay gọi lên phê bình cảnh cáo.
Năm học ấy qua đi. Những ngày xưa thân ái đi dần vào dĩ vãng. Không chờ đến tháng sáu, thầy mất vào một ngày của tháng tư đen 40 năm sau trên đất Cali. Tôi vẫn nhớ hình bóng của thầy như một người quen chơi gôn, mà chiếc mũ trên đầu thầy hay đội. Trắng tay sau khi vốn liếng đầu tư mở hai trường tư thục (Văn Học và Văn Khôi), ra hải ngoại thầy quay qua làm tờ báo Đời để sống. Nhớ lại lần gặp ở quận Cam, tôi đang ngồi với mấy bạn tù trong quán cà phê khu Phước Lộc Thọ, một người chỉ tay ông Nguyên Sa vừa đi qua.
Tôi vội vã theo dấu chân thầy, tự giới thiệu là người học trò cũ. Nói trường Chu Văn An thầy nhớ ra ngay. Thầy hỏi sang lâu chưa, tôi đáp mới sang, hỏi tiếp chắc đi tù, dạ phải, mấy năm, hơn 12 năm, thầy lắc đầu không hỏi gì thêm.Thầy vốn kiệm lời khi nói về chính trị, hồi tôi học thầy cũng ít nhắc đến các loại chủ nghĩa. Đi lính đủ điều kiện về ngành tôi, chắc ngại làm thơ tâm lý chiến (dù có viết một bài Sân Bắn khi vào Thủ Đức), thầy đi ngành… tẩm liệm tử sĩ (đơn vị Chung sự vụ, thầy có viết một truyện dài). Thầy móc bóp tưởng lấy danh thiếp, thầy dúi vào túi tôi chút tiền mặt, thầy mắc bận phải đi, cầm chút tiền uống cà phê, cần gặp cứ bảo người ta chỉ cho. Tôi hơi đỏ mặt, thầy đi, cái dáng như một người có bệnh, mà thầy bệnh thật, ít năm sau thầy mất.
Tôi quay lại chỗ bạn khoe ông thầy vừa cho tiền, hồi xưa nhận tiền kiểu này dễ mặc cảm bị coi thường nhưng sau 75, hiểu theo nghĩa cho nhau là quí dù nhà thơ như thầy lãng mạn đến đâu cũng biết tập quán này. Số tiền nhỏ vậy mà được việc, bốn tờ hai chục (ví thầy chỉ có thế với ít tiền lẻ), tôi chi một nửa đãi chầu cà phê, còn lại mua vài cuốn thơ và băng đĩa tiểu bang tôi ở kiếm hoài không ra.
Cá nhân tôi còn một món nợ với thầy khi làm một bài thơ để nhắc nhớ ngày ‘tháng sáu 13’ sĩ quan chúng tôi đi trình diện học tập (tù) cải tạo, lúc này là mùa mưa, bài thơ mang tên Tháng sáu trời mưa, không ngờ cái tựa vô tình trùng với bài thơ nổi tiếng của Thầy. Để tạ lỗi tôi có làm tiếp Mưa Sài gòn, Nắng hạ Cali cả hai bài đều được post trên vài trang mạng văn học, trong đó có mấy câu,
Giờ này
Sài gòn đang mưa
Lại nhớ tháng sáu
Tháng sáu trời mưa
Mưa của Nguyên Sa
Một thời áo lụa
Đẹp. Buồn. Ấp ôm kỷ niệm.
Nhớ Thầy, viết về Thầy, Thầy Bích Lan là như thế. Ông đi vào văn học sử như một nhà thơ lớn, và với đám học trò chúng tôi vẫn coi ông như một nhà giáo dục nhân bản, một người thầy giản dị dễ mến, yêu nghề và không gì vui hơn là thấy học trò của mình thành đạt, phục vụ tốt cho đời cho xã hội bất kể nơi đâu.
Đỗ Xuân Tê
Nhân 83 năm ngày sanh Nguyên Sa
Chú thích: Thi sĩ Nguyên Sa (tên thật Trần Bích Lan) sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998 tại Mỹ. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”.