User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Hôm nay là ngày thứ 4 trong chuyến du ngoạn Ai Cập 12 ngày. Chúng tôi rời  Alexandria lúc 10 giờ sáng đến phi trường Cairo vào 3 giờ chiều. Khoảng 5 pm phi cơ cất cánh đi Aswan để viếng đền Abu Simbel. Chiếc phi cơ nhỏ chở chúng tôi chỉ có 1 cô tiếp viên hàng không. Khoảng 2 tiếng sau cả nhóm có mặt Aswan và dùng cơm tối ở khách sạn rộng lớn Old Cataract trước kia là lâu đài của vua Ai Cập Farouk.

Ngày 5: Sa Mạc Sahara

Hôm sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi đi bách bộ trong khuôn viên rộng rãi khách sạn. Mặt sau khách sạn hoa cỏ trang trí đẹp mắt đến tận bờ sông Nile, con sông tuy nổi tiếng trên thế giới nhưng chiều ngang nhỏ hơn sông Cửu Long Việt Nam. Từ khách sạn nhìn qua phía bên kia sông có nơi là bờ đá, có chỗ là nhà gạch hay phố phường. Thuyền buồm, thuyền máy, tàu nhỏ chở khách du lịch đi lại trên giòng sông êm đềm, trông ngoạn mục và thơ mộng. Bờ sông phía khách sạn có đường lát gạch uốn lượn sạch sẽ và mỹ thuật. Hoa kiểng xinh xắn trồng dọc theo lối đi khá dài. Có nhà thủy tạ, bàn ghế tươm tất cầu kỳ cho khách nghỉ chân hay trò chuyện. Du khách thả bộ theo con đường lát gạch sạch sẽ ấy dẫn đến vườn hoa bên  hông và phía trước khách sạn. Vườn hoa rộng, quy mô. Các loài hoa trồng theo cách thức, thứ tự của người chuyên môn nên có hàng lối, màu sắc rất đẹp, hoa lá xanh tốt, khỏe mạnh.
 

Sở dĩ chúng tôi có thì giờ xem hoa ngắm cảnh vì phải chờ đoàn xe đông đủ để cùng đi viếng đền Abu Simbel. Muốn đi thăm đền xe phải đi qua sa mạc khoảng 2 tiếng 30 phút. Các xe du lich, xe bus đều đi chung một lượt thành từng đoàn, xe hộ tống đi trưóc và sau đoàn convoy. Mahomed, anh hướng dẫn viên cho biết sa mạc không nhà cửa, không cây cối, chỉ có cát, nếu hành khách hay xe bị tai nạn rất nguy hiểm nếu không được cứu trợ kịp thời nên phải đi chung một lượt để giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Xe hộ tống có 2 chuyến một ngày, vào lúc 6g30 và 10g30 sáng từ đền du khách phải trở về thành phố vào 4g30 chiều là chuyến chót, không thể trễ hơn nữa.
 
Chúng tôi rời khách sạn đến nơi tập trung chờ xe hộ tống đến kiểm điểm xong cả đoàn xe tuần tự lên đường. Xe rời thành phố khoảng 20 phút, chúng tôi thấy các núi đá rộng lớn nhưng không cao lắm, cách đường đi độ 5, 3 chục thước. Anh Mahomed cho biết người Ai Cập thời xưa lấy đá từ các núi này để xây Kim tự tháp. Họ chờ mùa nước nổi chở những tảng đá nặng hàng tấn từ Aswan về Giza (Cairo) bằng thuyền.

Đoàn xe lăn bánh trên đường tráng nhựa bằng phẳng, trời nắng nhưng không nóng nực. Nhìn hai bên đường thấy toàn là cát và cát, mênh mông, vô tận, mút mắt, không có bóng cây hay nhà cửa chi cả. Xe đang đi qua sa mạc Sahara. Thỉnh thoảng  tôi nhìn trên mặt cát thấy loang loáng như  nước hồ phản chiếu  nhưng người hướng dẫn bảo đó là ảo giác (mirage). Sự thật không co ao hồ nào trên quãng đường này tôi thầm nghĩ nếu lái xe một mình trên đường này thật nguy hiểm nếu xe bị nổ lốp vì không thấy trạm xăng hay nơi nghỉ ngơi (rest area) nào cả. Mahomed bảo Sahara tiếng Ai Cập có nghĩa là sa mạc, nếu gọi sa mạc Sahara như là gọi sa mạc, sa mạc? Xe tiếp tục lăn bánh, không ngừng nghỉ. Tôi nhìn ra bên ngoài, trời nắng chói chang. Tuy thế nhưng bên trong xe bus vẫn mát mẻ vì có máy lạnh và màn cửa  khép kín. Tưởng là đường dài sẽ làm du khách mệt mỏi nhưng có người kể chuyện khôi hài làm ai cũng cười thoải mái.  Trong đoàn có vị bác sĩ  hưu trí, từng là thầy của nhiều bác sĩ trẻ. Ông vốn ít nói nhưng bị mời mọc mãi, ông cũng kể một truyện vui trong lúc còn dạy học. Chị dược sĩ My Hảo hát các bài hát quen thuộc, ngâm thơ giúp vui. Tuy không phải ca sĩ chuyên nghiệp, không đàn, không trống nhưng các chị hát ngọt ngào, truyền cảm. Anh chị trưởng đoàn  cũng kể lai các  cuộc hành trình  ở Âu châu do anh  hướng dẫn tuy vắn tắt nhưng hấp dẫn thính giả. Ngoài ra Mahomed cho biết tổng quát về ngôi đền Abu Simbel  sắp viếng thăm nên thì giờ qua  nhanh.

 
Đền Abu Simbel

Chúng tôi đến bãi đậu xe khu vực  Abu Simbel vào khoảng hơn 1 giờ chiều xong đi thêm một quãng ngắn đến nhà bán các loại  giải khát, tranh ảnh, các quà lưu niệm nghỉ ngơi độ 15, 20 phút, xong tiếp tục đi theo con đường nhỏ trải nhựa. Đi thêm độ 15 phút nữa thấy sừng sững núi cát rất cao. Đấy là mặt sau của đền Abu Simbel. Trên đường đi thấy các băng gỗ đặt rải rác dưới những bóng cây vệ đường. Trong đoàn du lịch có vài cụ già chống gậy lộc cộc, đi một khoảng cụ tìm chỗ ngồi nghỉ giây lát xong đứng dậy đi tiếp tục. Chúng tôi đến trước, các cụ đến sau nhưng cũng đến nơi. Có vài ba người ngồi xe lăn được thân nhân vui vẻ đẩy đi viếng đền. Sân đền rộng rãi, có nhiều dãy băng gỗ để du khách ngồi nghe hướng dẫn viên thuyết minh hay để xem trình diễn các tiết mục vui lạ. Khi chúng tôi đến nắng đã lên cao nên cả nhóm đứng chung một chỗ có bóng mát  nghe anh Mahomed tóm tắt lịch sử, huyền thoại của đền. Nhìn lại mặt trước  toàn bằng đá và theo anh Mahomed, toàn thể ngôi đền là đá, núi cát  nhân tạo mặt sau  đền  mới có gần đây, khi  ngôi đền được mang lên mặt  đất từ dưới nước sâu.

Theo sách Abu Simbel của Dr Atia Radwan chuyễn ngữ, trang 1 cho biết  khu vực giữa đập nước lớn (high dam) và Nubia gồm có 45 làng và một số ngôi đền. Những nơi này thường hay bị ngập lụt do nước sông Nile dâng lên. Các vua Ai Cập đã nâng cao hơn 14 ngôi đền qua nhiều triều đại. Ngôi đền to lớn và quan trọng hơn cả là Abu Simbel do vua Ramses II xây khi ông trị vì Ai Cập từ 1290-1224 trước Thiên chúa. Vua xây ngôi đền lớn cho chính vua và các vị thần linh. Ngôi đền nhỏ hơn gần đó Vua xây cho người vợ yêu quý, Hoàng hậu Nefertari.  Đền lớn (great temple) cao 33m, rộng 38 met, sâu 56 mét nằm trong lòng núi. Mặt tiền đền có 4 pho tượng vua Ramses ngồi, to khổng lồ, mỗi tượng cao 20m. Dưới chân vua là tượng gia đình Vua gồm Hoàng hậu và các con. Tượng Hoàng hậu Nefertari chỉ cao đến đầu gối Vua và tượng các con cao đến bắp chân Vua. Đền có nhiều phòng.  Các tường đá phía trước và trong  đền, các phòng và trần nhà tạc chi chít các hình tượng, các cổ tự Ai Cập. Có nơi các hình tượng, cổ tự còn giữ được màu sắc gần như nguyên thủy: vàng, xanh, đỏ... ghi lại các sinh hoạt của Vua, giáo sĩ hoặc  các nghi lễ, cúng tế Thần linh, cảnh đi săn, ngồi  chiến xa tù binh bị trói, cảnh dân chúng tụ họp cưới xin…. vân, vân... Ai cập ngày xưa thờ đa thần, thần chim, thần cá, thần tình yêu, thần mặt trời mọc, thần mặt trời lặn.. và bao giờ cũng có tạc  hình hoa Lotus khi cúng lễ.  Lotus của Aicập không giống hoa sen, trông na ná như hoa loa kèn ở Mỹ. Anh Mahomed bảo hoa lotus là biểu tượng của Ai Cập như hoa dogwood là loài hoa tượng trưng cho tiểu bang Virginia

Ánh Sáng Trong Đền Abu Simbel

Từ mặt tiền đường Abu Simbel chúng tôi nhìn thẳng vào phia bên trong hành lang (Hypostyle Hall) rộng rãi, dài 18 met, ngang 16m 50. Có hai hàng người đá to đứng ngay ngắn trên bục đá thấp, khoanh hai tay, theo khoảng cách thứ tự  dài đến tận cuối hành lang. Các tượng này có vẻ mặt nghiêm trang, đội mũ như các vua, quan. Cuối hành lang có 4 tượng thật to, tạc khắc từ trong núi đá. Các vị này đội mũ, mão khác nhau. Tính từ trái qua mặt là thần Ptah, thần Amun-Ra, vua Ramses II và Ra. Anh hướng dẫn viên bảo vua Ramses II tự cho mình là thần, là trời nên đứng ngang hàng vớí các vị thần khác ở vị trí cao quý nhất trong đền.  Màu sắc  các hình  tượng chạm khắc trên tường đá, trần nhà còn  tốt,  gần như  nguyên vẹn dù có thời gian bị ngâm  dưới nước hồ Nasser  như màu xanh đậm, màu đen…., vàng v. v... Mỗi hình  ảnh là một sự  tích. Vô số hình ảnh, khắp nơi, trên những cột đá, bệ thờ, vách đá, trần nhà.. Căn cứ theo các hình tượng, văn bản khắc trên đá. Ai Cập là kho huyền thoại vô tận, nhiều tích cổ xưa như chuyện ngàn lẻ một đêm, liên miên nghe mãi không hết. Ngoài hành lang kể trên, đền còn các hành lang và nhiêu phòng khác: The Great Pillared Hall, The North, The South Hall.. v. v.
 

Về ánh sáng của ngôi đền đặc biệt là một năm hai lần vào ngày 22 Tháng Hai và 22 Tháng 10, tia nắng buổi sáng chiếu thẳng từ tiền đường rọi vào 4 pho tượng kéo dài được 24 phút (sách Abu Simbel của Dr Atia Radwan  chuyển ngữ, trang 27). Ánh nắng này rọi nửa thân tượng của RA và Amun – Ra, toàn thân tượng vua Ramses II.  Sự việc kể trên làm cho người Ai Cập hãnh diện về sự tính toán kỳ diệu của người xếp đặt vị trí các pho tượng. Căn cứ theo  các hình tượng trên đá, các văn bản, anh Mahomed cho là trước Thiên chúa cả ngàn năm, người Ai Cập đã có nền văn minh, toán học  và kỹ thuật cao hơn các nước trên thế giới thời bấy giờ.

Hoàng Hậu Nefe
tari và Đền Nhỏ

Nefertari là vợ yêu quý và xinh đẹp của vua Ramses II. Vua và bà có tất cả 12 người con vừa trai vừa gái. Mahomed kể bà là người phụ nữ yêu kiều, nhu hòa và khiếu về âm nhạc. Thực vậy, trong tất cả phụ nữ  trong hoàng tộc Ai cập cách đây cả 1000 năm ở bảo tàng viện Cairo, hình  ảnh, y phục và nhan sắc của Nefertari trội hơn cả. Vua Ramses  xây cho đền Abou Simbel cho bà cách Đền Lớn (Great Temple) 120 mét về phía Bắc. Vua Ramses II tặng  bà danh hiệu là thần của âm nhạc, sắc đẹp và tình yêu.
 

Đền nhỏ  của hoàng hậu cao 12m, rộng 28m, dài 17m. Mặt tiền đền có 6 tượng đá, mỗi tượng cao 10 mét. Bốn tượng đá tượng trưng cho Vua Ramses II, 2 tượng trưng  Hoàng hậu Nefertari. Bên chân phải và trái của mỗi tượng có tượng đá nhỏ cao hơn đầu gối  là những con trai và gái của Vua và Hoàng hậu. Bức tường chính giữa đền, đục hẳn trong tường đá là tượng vị thần ở tư thế đứng, đội mão có hình đầu bò. Bên trong có các hành lang, các phòng nọ phòng kia với nhiều hình tượng và cổ tự Ai Cập khắc trong đá. Các hình tượng này phần nhiều phụ nữ hay cung nữ, mệnh phụ, ghi các nghi lễ, sinh hoạt hoàng cung, thờ phượng thần linh. Nhìn các mão mũ trên đầu họ là biết chức phận, điạ vị của họ. Các cảnh thường thấy như dâng hoa (lotus), dâng ruợu, trang điểm, chúc tụng. Mỗi cảnh đều có bản chú thích kèm theo với ngày tháng bằng chữ Ai Cập trong thời gian ấy (hình vuông tròn hay hình chim thú v.v.) Có nơi màu sắc còn tốt, có nơi chỉ còn hình tượng trên mặt đá, màu phai nhạt hết.
 
Phục Hồi Đền Abu Simbel

Năm 1960 Unesco kêu gọi các quốc gia trên thế giới cứu giúp di dời đền Abu Simbel, một di tích lịch sử bị chìm trong nước hồ Nasser (Lake Nasser).  Có 51 quốc gia hưởng ứng, UNESCO thu được 36 triệu mỹ kim cho công trình cứu vãn, phục hồi (rescue) ngôi đền. Các nhà khoa học, kiến trúc, kỹ sư, v. v..  các công ty xây cất của 5 quốc gia: Đức, Ai Cập, Pháp, Ý, Thụy Điển  đảm nhiệm trực tiếp công tác di dời. Họ làm ra núi nhân tạo có vòm (dome) bằng bê tông cốt sắt xong mang đền từ dưới nước đặt vào. Nóc vòm dày 120 cm, chân vòm dày 210 cm, trên phủ cát và đá (600.000 mét khối, sách Abu Simbel, trang 45 của Dr Atia Radwan). Núi, tượng đá ngập trong nước được cưa xẻ ra thành tảng 2m x3m, trục lên gần điạ điểm mới, cất giữ ở đấy Khi núi nhân tạo hoàn thành họ đem nhưng tảng đá được gìn giữ, đặt vào vị trí thích hợp. Khoảng 1600 tảng đá to được đem  khỏi mặt nước.
 

Theo sách Abu Simbel, trang 48, cho biết chỉ riêng công trình xẻ núi, cưa cắt tượng, cột đá và đem từ dưới nước lên mặt đất đã mất hơn 1 năm. Các tượng to quá phải cắt làm nhiều phần như thân thể bị cắt làm 4, 5 mảnh mới có thể dùng máy trục lên bờ.  Công trình dời 2 đền Abu Simbel hoàn thành tháng 9 năm1968, tốn 42 triệu mỹ kim. Hai đền ngày nay cao hơn mặt nước sông Nile 60 mét.

Sau  khi thăm viếng Abu Simbel chúng tôi trở ra bãi đậu xe bằng lối khác. Lối đi này có nhiều cửa hàng bán các vật dụng thủ công nghệ, quần áo, vật lưu niệm, sách báo …v. v. các đồ vật chỉ thấy bán ở Aswan.

Đến chiều đoàn về khách sạn và khoảng 8 giờ tối. Trưởng đoàn đưa mọi người xuống thuyền qua bên kia sông Nile dùng cơm ở nhà hàng Nubian (Nubian Restaurant) có trình diễn văn nghệ. Nhà hàng đầy du khách, ánh nến lung linh, tiếp viên đi lại dưới ánh nến mờ ảo giống như chuyện liêu trai. Được cái là gần đến cửa và ngoài sân, ngoài vườn đèn điện chăng ngang dọc đến tận bờ sông, làm cảnh trí sáng sủa nhộn nhịp, vui hẳn lên. Cách phòng ăn một quãng ngắn có nơi bán quà lưu niệm, đồ thủ công nghệ, du khách mua sắm nhiệt tình. Về y phục  của nhân viên, khác với các hầu bàn  nhà hàng ở khách sạn Old Cataract, hầu bàn ở  nhà hàng Nubian nam và nữ mặc áo dài trắng rộng thùng thình, không thấy ai quàng khăn, đội nón chi cả. Lúc xuống thuyền về khách sạn phần lớn các chị tươi cười, tay xách thêm túi nylon nhỏ đựng các món quà mới mua. Riêng anh trưởng đoàn trước khi chia tay về phòng, nhắc mọi người sẵn sàng hành lý để sáng hôm sau rời khách sạn, lên đường tiếp tục  viếng thăm  các nơi  khác. Đến đây tôi chợt nhớ lời ru em của các bà mẹ thôn quê Việt Nam ngày xưa:

“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn...”


và cảm thấy  ngưỡng mộ cô gái con bà cụ 84 tuổi đã không ngại khó nhọc đưa mẹ đi viếng thăm quốc gia xa xôi, cách  ngôi nhà thân yêu hơn 10 giờ bay. Tôi cũng thán phục vị du khách vừa đi vừa chống gậy lộc cộc trong cuộc hành trình.  Tuy tuổi cao nhưng cụ tham dự đầy đủ các buổi thăm viếng, vui vẻ, tươi cười nếu ai thăm hỏi, chuyện trò như các du khách  khác trong đoàn du lịch.

                                        

Ngọc Hạnh



Trích trong quyền DU LỊCH ĐÓ ĐÂY

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com