Khi tôi quen dần với giấc mơ cũ của mình, tôi nhớ không nhầm đó là năm tôi 13 tuổi, một giấc mơ khác bắt đầu xuất hiện. Tất nhiên có rất nhiều giấc mơ làm tôi mụ mị, nhưng đây là giấc mơ thường trực trở lại nhiều lần. Trong mơ, đó là buổi trưa chói chang đầy nắng, không gian lặng im. Con phố xa lạ hanh hao lặng ngắt, hai bên đường cửa đóng then cài. Duy nhất một cánh cửa mở hé, và tôi thấy chính mình lấp ló ở đó, tò mò nhìn ra ngoài . Tôi thích giấc mơ nầy bởi nó đã từng là những hình ảnh tưởng tượng về các thành phố phương nam mà tôi mong muốn được đến.
Thế rồi ngày tháng trôi đi, những đẩy đưa của số phận đã cho tôi một công việc phù hợp để có thể đến nhiều vùng đất lạ. Nhưng cũng như giấc chiêm bao thuở nhỏ, tôi vẫn hoài khao khát được đi, được thoát khỏi cái ao tù giam hãm cuộc sống gia cầm. Tuy vậy, chiến tranh và thời cuộc thay đổi đã lấy mất cơ hội. Được cái là những lo toan của cuộc sống khó khăn khiến hai giấc mơ kia không còn trở lại ám ảnh tôi. Rồi lặng lẽ từng ngày...từng ngày...
Đến năm 60 tuổi. Khi gánh nặng cơm áo không còn là nỗi ám ảnh, thì hai vai bắt đầu rã rời mang gánh nặng tuổi tác. Dấu hiệu đầu tiên là những cơn đau lưng, đau cổ mỗi sáng, ngày có ngày không. Con cái khuyên: Mẹ phải giữ gìn sức khoẻ, mẹ già rồi. Tôi vẫn ngoan cố với sức khoẻ của mình, nhưng khi nhìn qua gương, tóc bạc lơ phơ, kính lão thường trực trên mắt, tôi tự biết mình.
Mẹ của một người bạn, hơn 80 tuổi, mắc bệnh cột sống, chân yếu, chỉ loanh quanh trong nhà, trong một lần nói chuyện đã thở dài tiếc nuối: “ Cháu còn trẻ (thế đấy, với U90, U70 trẻ lắm...) hãy tìm cách thực hiện mơ ước của mình kẻo lại tiếc nuối như bác. Hồi trẻ, bác cố gắng làm việc cật lực, thắt lưng buộc bụng, lo cho gia đình, lúc kha khá vẫn cố gắng thêm để có chút dư dả lo cho tuổi già, khi ngưng tay thì sức khoẻ suy kiệt, muốn đi chơi cũng không thể, muốn ăn ngon, ăn nhiều cũng đành chịu. “
Tôi giật mình nhớ đến những ước muốn của mình một thời đau đáu. Thế giới, bầu trời còn rộng lớn lắm, sao mình cứ như con cóc quanh quẩn miệng giếng. Tôi nhìn ngang nhìn dọc, nhìn cả bầu trời sâu thẳm, khao khát được đi, được biết. Đòi hỏi thoả mãn theo chiều thẳng đứng là bất khả, cái đó phải chờ kết quả từ các nhà khoa học không gian, từ tầm nhìn của viễn vọng kính Hubble cùng các chuyến viễn du qua óc tưởng tượng của các nhà văn cùng mấy ông đạo diễn phim khoa học giả tưởng. Chỉ còn thế giới quanh ta, trên một mặt phẳng, giờ đây trở nên dễ dàng cho tất cả mọi người. Vậy là tìm cơ hội mở rộng tầm mắt, ngốn ngấu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời một thời bỏ lỡ.
Rồi cũng đến lúc gối mòn chân mỏi và cũng đến lúc ngộ ra rằng giấc mơ xưa chẳng phải là ước mơ duy nhất của một đời người. Và không hiểu sao, tóc càng bạc càng muốn sống gần, sống thực với những giai đoạn êm đềm nhất, muốn trở về chuỗi ngày vô ưu, muốn gần gủi những người có thể chia xẻ buồn vui, tuổi học trò... Chắc do chữ “muốn” luôn luôn có mặt trong mỗi con người để thôi thúc, để cầm giữ họ trên thế giới nhân sinh chăng? Tuy biết vậy là tham lam, nực cười và không đúng mực với người già nhưng cứ như mình bị sợi giây mềm mại đó quyến rũ đến tận đáy lòng. Những nhà tu hành gọi đích danh đấy là cái gốc, cái bến bờ của biển khổ và tội lỗi. Song biết sao được khi tội lỗi và thánh thiện đều là bản chất của con người kể từ lúc Adam và Eva ăn trái cấm ở vườn địa đàng.
Nhiều năm trước, những lần về quê viếng mộ ba má, tôi lười biếng không gặp ai, chôn mình trong khách sạn, ngày hôm sau nhanh chóng quay về nhà. Mấy năm gần đây, tôi nấn ná ở lại vài hôm. Hình như trong lòng tôi vẫn ẩn tàng chút lưu luyến không tên về một quê hương tuổi nhỏ. Tôi ghé phố, ghé chợ bâng khuâng tìm những nơi chốn đã mất dấu. Thỉnh thoảng khi chiều tắt nắng, rảo bước ra bờ sông Hàn, hướng về núi Sơn Chà, nhớ lại một thời tuổi thiếu niên, hoặc ngóng về phía ngọn Hải Vân, mỏi mắt chờ đợi hàng trăm chấm đèn rực rỡ, kéo thành giòng ngoằn ngoèo của những chuyến xe đổ dốc, leo đèo như ngày xưa. Cảnh tượng ngoạn mục ấy không còn nữa kể từ khi hầm Hải Vân thông xe. Bãi biển Thanh Bình bị xoá vĩnh viễn, hàng dương xanh, đồi cát thấp, sóng liếm bờ bao quanh đuổi gió được thay bằng con đường trải nhựa lạnh lùng...Quá khứ không trọn vẹn, lòng bồn chồn nuối tiếc. Tin về ngôi trường cũ đang bị phá dở để xây mới khiến tôi không còn can đảm trở lại đó. Tôi sợ nhìn thấy quang cảnh như giáo sư nhà thơ Trần Hoan Trinh đã đau lòng khi ngang qua trường cũ:
“Tim tưởng chừng như muốn hoá băng,
Khi nhìn trường cũ chỉ trơ sân
Hành lang, lớp học san bằng cả,
Lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng.”
Dù biết “vật đổi sao dời”, trên thế gian chẳng có gì bất biến, nhưng lòng tôi vẫn không chấp nhận. Mãi cho đến khi gặp được những bạn bè cùng lớp ngày xưa, cuộc tụ hội tình cờ khiến lòng tôi ấm áp. Thì ra vẫn còn nhiều dấu ấn mãi mãi không tan biến. Dù đã có người đã ra đi mãi mãi, có người quá khứ đã mù sương trong một thể xác hư hao, nhưng chẳng ai quên. Khi ngồi bên nhau, mọi thứ đều được khơi dậy sống động không ngờ, chi tiết không ngờ. Giờ đây tôi ngộ ra rằng giấc mơ yêu thích của mình vẫn chưa thể hiện đủ. Con bé học trò nhút nhát tự trói mình trong cô đơn nên những cánh cửa không thể mở ra và sẽ mãi mãi như vậy nếu chính cô bé không chịu mở rộng cánh cửa lòng mình, mạnh dạn bước ra con đường hanh hao đó.
Tôi đã bước ra khỏi cánh cửa. Tôi rong chơi cùng bạn bè, hoà nhập với họ trong giòng “Suối Hoa “ * mát lạnh của quê hương. Tôi khám phá nhiều điều tốt đẹp trong tính cách của từng người. Thân thiện, hài hước, và đặc biệt hầu như không ai đánh mất tuổi thơ của mình. Phải có một không gian khêu gợi những cảm xúc đã bị chôn sâu dưới hàng hàng lớp lớp thời gian và phải có sự may mắn vô cùng của cuộc sống mới còn giữ được nguyên vẹn tâm hồn tươi sáng cùng những cơ hội quá tuyệt vời như bạn bè chúng tôi đang có. Đến nỗi khi chia tay, trong tôi cứ ngân nga mãi câu hát chợt nhớ “ Ôi, ngày vui chóng tàn... Thời gian ơi ngừng đôi cánh...” **
Nhưng đâu phải những may mắn và niềm vui luôn kéo dài. Một người bạn bị bạo bệnh thình lình khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Anh ấy vui đến thế, khoẻ đến thế, yêu đời đến thế bỗng một ngày nằm trên giường bịnh xanh xao, đuối sức. Tôi chưa kịp chuyển đến vợ chồng anh những hình ảnh của chuyến đi, kể chuyện cho anh nghe rằng những ông bà tuổi “thất thập cổ lai hy” đã làm xao động cả giòng suối tươi trẻ, quyến rũ cả đám thanh niên đang tụ họp chơi cộng đồng. Các em ấy khi nhớ về chuyến dã ngoại của mình sẽ không quên đám cụ ông cụ bà nhảy nhót vui đùa bên cạnh. Anh sẽ lại cười to, nâng ly chúc mừng sảng khoái.
Vậy mà... Nhưng thôi, chả cần suy nghĩ dài lâu. Anh vẫn còn nằm đó với nụ cười yếu ớt, chị vẫn chưa thôi hy vọng. Và tôi, niềm vui của chuyến về quê vẫn còn nguyên cảm xúc nồng ấm. Thế thì xin được giữ chân thời gian một khoảng lặng, một khoảng lặng nhỏ nhoi thôi để có thể chia kịp cho nhau hơi ấm thân tình.
Xin cho “ thời gian đứng yên lắng đọng...” *** Cho những người còn ít thời gian như chúng tôi được đắm trong giấc mộng ngày xanh.
Kim Hài
* Tên của một khu du lịch sinh thái ở Đà Nẳng.
** Lời bài hát ”Tiếng sáo diều” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
*** Lời trong bài hát “Đường xa ướt mưa” của nhạc sĩ Đức Huy.