.
Không biết các bạn gái khác bắt dầu mặc áo dài từ khi nào? QC bắt đầu được mặc áo dài từ khi còn học tiểu học, vào khoảng năm lên tám tuổi. Mặc áo dài chỉ để chụp ảnh cả gia đình vào ngày Tết. Khi đó còn con nít, mặc áo kiểu gì cũng vui hết.
Nhưng khi thực sự đến tuổi dậy thì, nhằm lúc đang học trung học, hàng ngày phải mặc đồng phục áo dài trắng, thì có lúc rất xấu hổ. Là vì áo dài, nhất là áo dài may vải trắng, rất khó giấu những đường nét mà một cô gái mới lớn còn đang không muốn cho người khác biết những thay đổi đột ngột của thân hình. Khi đó QC than thở sao người Việt mình lại nghĩ ra kiểu áo dài bó sát người chi vậy không biết. Hông của chiếc áo dài thì hễ vô ý là bị hở áo lót ở trong.
Sau này khi làm việc chung với một số ký giả và nhiếp ảnh gia Nhật bản phụ trách làm phóng sự về Việt Nam, QC có được nghe họ than thở một đôi điều. Người Nhật vốn ưa chuộng sự kín đáo, thường không quen với lối ăn mặc bó sát để lộ các đường nét của thân hình. Hơn nữa, nhằm thời “hậu chiến” của mình, đang thiếu vải vóc, hình như hễ có miếng vải nào - dù dầy dù mỏng - các bà các cô cũng đưa may áo dài hết. Mấy ông Nhật đi VN làm phóng sự vào thời đó thường than với QC đại khái như sau: “Khổ cho tụi tôi hết sức. Ví dụ như khi vào trường tiểu học quay cảnh lớp học, mà cô giáo đứng trước bảng giảng bài lại mặc áo dài vừa mỏng vừa không có áo lót, tụi tôi có cảm tưởng như đang quay phim trên bờ biển! Hình ảnh đó mà đưa vào một phóng sự nghiêm túc dĩ nhiên là cũng không được. Mà không quay thì không có hình ảnh để làm phóng sự!”
Nhưng khi đã qua tuổi dậy thì e thẹn, khi thực sự trưởng thành (biết cách lựa vải lựa kiểu áo), QC bắt đầu thích áo dài. Khi đi ra xứ người, trong những dịp lễ hội của du học sinh, bộ áo dài mà các nữ sinh Việt nam mặc trong dịp này thường được trầm trồ khen ngợi, thực sự đã khiến QC cảm thấy rất hãnh diện về vẻ đẹp trang nhã của áo dài. Nhất là khi so sánh với các kiểu quốc phục khác, như áo xường xám của người Tàu vừa bó vừa xẻ sâu (khêu gợi quá), chiếc áo lụng thụng của các cô Đại hàn, bộ kimono tuy lộng lẫy nhưng quá nặng nề và cách mặc áo rất phức tạp khó khăn lại vô cùng tốn kém. Càng vui hơn khi đến một kỳ thi hoa hậu thế giới tổ chức ở Tokyo đã lâu rồi, hoa hậu Việt Nam khi đó (tên Mai) đã được ban giám khảo chọn là hoa hậu mặc trang phục dân tộc đẹp nhất (đẹp nhất thế giới!)
Hiện nay quan hệ và giao lưu Nhật Việt ngày càng phát triển, áo dài may sẵn nay được bày bán ở nhiều cửa hàng của Nhật. Ngay trong phố buôn quanh nhà ga gần nhà QC cũng có một hai hiệu bày bán áo dài. Giá trung bình khoảng 100 đô la một bộ gồm có cả quần lẫn áo. Nếu là áo vải nhung có thêu hoa thì giá đắt gấp đôi. Nhiều cô gái Nhật đi du lịch Việt Nam thường đặt may áo dài, dĩ nhiên họ thường chỉ dám đặt may hơi rộng một chút. Các nữ tài tử Nhật nổi tiếng có người cũng mặc áo dài trên sân khấu hay khi xuất hiện trên Tivi.
Các phụ nữ Nhật thường hỏi QC là phụ nữ Việt nam có bí quyết gì để có thể mặc được áo dài cho đẹp, và đẹp mãi dù ở tuổi nào. Họ cũng công nhận là có nguyên nhân về mặt nhân chủng khiến phụ nữ Nhật nói chung mặc áo dài khó đẹp: đó là tạng người của họ khác với tạng người Việt Nam, chân của họ tương đối ngắn, thân mình họ hơi dài và nhất là rất ít người có được chiếc lưng ong.
Vẻ đẹp của áo dài và của phụ nữ Việt Nam khi mặc áo dài hầu như là điều mà ít người phủ nhận.
Nhưng còn áo dài dành cho nam giới thì sao. Nếu không nhắc tới thì e rằng không công bằng.
Khi nói tới áo dài của đàn ông, hình ảnh người đàn ông (nhân vật có tên tuổi) trong thời của chúng ta còn mặc áo dài (mà nhiều người còn nhớ) có lẽ là vua Bảo đại và cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hoặc chúng ta nhớ tới hình ảnh thầy đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên, hình các ông Xã xệ và Lý Toét. Nhớ tới cả hình ông Nội ông Ngoại của mình trên bàn thờ. Những chiếc áo dài với chiếc khăn đóng tàn dư của một thời có sự phân chia giai cấp sĩ nông công thương, theo đó màu vàng dành cho vua, màu xanh dành cho quan lớn, thứ dân chỉ được mặc màu đen hay màu nâu.
Nam giới Việt nam ngày nay, nhất là người ở tỉnh thành, hầu như chẳng bao giờ thấy họ mặc áo dài, và chắc chắn là trong tủ áo của họ cũng không có áo dài – chứ không phải là có đó mà ít mặc -.
Tuy nhiên thực ra áo dài của đàn ông Việt Nam hình như vẫn chưa hẳn là đã bị “tuyệt diệt”.
Vào những thời đệ nhất Cộng Hòa của miền Nam, QC nhớ là có thấy có trên tạp chí hình ảnh các vị đại sứ Việt Nam ở nước ngoài có mặc quốc phục áo dài khăn đóng hẳn hoi. Ở quê chồng QC hiện nay, các cụ già vẫn còn mặc áo dài khi đi lễ ở nhà thờ của tộc họ vào dịp Tết.
Ở xứ người, thời còn đi học, hàng năm cứ sắp đến ngày lễ hội của du học sinh, là mấy anh sinh viên Việt Nam lại lo nhờ gửi khăn đóng áo dài từ Việt Nam qua. Có lẽ vì thấy những nam sinh các nước – như Mã Lai hay Nam Dương.. – mặc quốc phục đứng ở cửa hàng bán món ăn nước họ, hay khi trình diễn văn nghệ trong các điệu múa cổ truyền của nước họ, rốt cuộc mấy anh sinh viên Việt Nam cũng phải tìm tới khăn đóng áo dài để tỏ ra là ta cũng có y phục truyền thống.
Rồi sau 75, hiện nay trong các ngày lễ Tết của các cộng đồng người Việt ở các nước, thường thấy hình ảnh trẻ em cả trai lẫn gái, trong những chiếc áo dài gấm đỏ vàng xanh. Điều đó biểu hiện lòng mong mỏi của cha mẹ mong con cái biết giữ gìn truyền thống, mà một trong những cái gọi là truyền thống đó không thể không kể tới trang phục áo dài, của cả nam lẫn nữ. Trong các đám cưới Việt -Âu mà cô dâu chú rể là người bản xứ, người vợ hay chồng tương lai cũng có khi mặc áo dài để tỏ lòng tôn trọng nền văn hóa của người phối ngẫu của mình. Năm ngoái, trên trang web khoahoc.net đã có một bài giới thiệu một đám cưới Việt- Âu như thế (của tác giả Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ), chú rể đã về quê cô dâu ở miền lục tỉnh, thực hiện đủ mọi nghi thức cưới hỏi theo tục lệ Việt Nam, và cũng đã mặc áo dài trong ngày cưới.
Có người lại đặt vấn đề áo dài, của cả nam lẫn nữ, có thực sự là quốc phục của người Việt không?
Đi tìm nguồn gốc của quốc phục là một chuyện không đơn giản, vì phải bới tìm văn thư bia đá di tích khảo cổ v.v. và với điều kiện cũng có đâu đó để mà tìm.
Ví dụ chiếc áo Kimono của người Nhật, nó có thực sự là quốc phục của người Nhật từ ngàn xưa không?
Xin thưa là « không » ạ.
Kimono là kiểu áo mô phỏng theo y phục đời nhà Đường, sau khi Nhật bản đã cử các đoàn sứ bộ sang triều đình nhà Đường và học hỏi văn minh văn hóa của Trung quốc. Tranh ảnh còn lại cho thấy rõ trước đó y phục của người Nhật theo một kiểu cách khác. Thế nhưng ngày nay Kimono đã được coi như là y phục dân tộc của người Nhật.
(Chẳng nói chi đến quốc phục, cả đến chữ viết ghi chép lại cả lịch sử và tình tự dân tộc,thì chữ viết của Nhật bản cũng dùng hai mẫu tự Hiragana và Katakana, đều là dạng chữ mô phỏng dạng chữ Hán mà tạo ra.)
Trong đời sống hàng ngày, khi ra đường nam giới Nhật bản ít khi xuất hiện trong bộ áo Kimono hơn là nữ giới, có lẽ là vì sự tiện nghi và năng động của âu phục đã lấn lướt Kimono.
Nhưng thực ra họ vẫn mặc Kimono trong khá nhiều trường hợp.
Chúng ta có thể thấy họ mặc Kimono trong những dịp đặc biệt như trong ngày Tết, trong lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ hội v.v. . Họ cũng thích mặc Kimono mùa hè, gọi là Yukata, trong các lễ hội mùa hè, tiêu biểu như lễ hội múa Obon vào dịp lễ Vu Lan. Họ cũng hay mặc Kimono trong các buổi trà đạo, khi trình diễn các môn nghệ thuật cổ truyền như các loại nhạc khí cổ truyền (như koto (đàn tranh), shamisen (đàn ba dây) v.v.) hoặc khi hát dân ca, biểu diễn cung kiếm võ thuật cổ truyền nói chung.
Các nhà văn, các họa sĩ theo trường phái cổ điển, các nhà thư pháp, các nghệ sĩ tuồng kịch cổ điển cũng là những người rất hay mặc Kimono hàng ngày. Đàn ông Nhật khi có tuổi thường có khuynh hướng thích mặc Kimono khi ở nhà. Mỗi lần đến chúc Tết thầy học hay có việc đến nhà thầy, QC đều thấy thầy mặc Kimono, mặc dầu ông đã từng du học ở Anh. Hoặc ông chủ nhà nơi mà QC đã ở đó trong suốt một năm đầu tới Nhật, hễ đi làm về là ông thay ra áo Kimono.
Và một điều đặc biệt hơn cả, đó là QC đã tới một số nước và ở lại một số khách sạn của các nước đó, mà chưa từng gặp khách sạn nào có để sẵn áo ngủ kiểu quốc phục của nước họ, ngoại trừ các khách sạn của Nhật Bản: luôn luôn có để sẵn cho khách chiếc áo ngủ kiểu Yukata, một kiểu áo Kimono giản dị dành cho cả hai phái nam nữ. Điều đó cho thấy người Nhật và nhất là đàn ông Nhật vẫn quen mặc Kimono hàng ngày
Người Nhật thích mặc Kimono và Yutaka là vậy nhưng thật ra hai kiểu áo này rất bất tiện, nhất là Kimono của phụ nữ. QC đã nhiều lần mặc Kimono, hay Yukata dành cho mùa hè, thường bị áo bó chặt lấy người đến tức thở (Đai obi thắt chặt lấy bụng và các thứ khăn chèn phía trên obi thì ép chặt cả lồng ngực. Lại còn phải lót thêm khăn nơi bụng cho đủ to để dễ quấn đai obi, và như vậy tà áo Kimono mới thẳng thắn). Muốn tự mặc áo và thắt đai áo cũng phải học nhiều lần mới thuộc bài. Mặc Kimono thì khi đi đứng thì phải khép nép kẻo tà áo xô lệch sẽ rất vô duyên (Tiếng Nhật nói là khi đứng phải như dáng hoa thược dược, khi ngồi phải như dáng hoa mẫu đơn, khi đi phải như hoa chi đó..). Và nhất là không dám đi vào restroom cho tới khi cởi luôn bộ áo đó thay ra âu phục. Áo mặc khi tập võ Judo – đó cũng là một biến thể của Kimono – thì chao ôi là bất tiện hơn bất cứ bộ quần áo thể thao nào: chỉ làm vài động tác là áo bị xộc xệch, phải lo kéo cổ áo lại cho kín đáo và lo buộc lại dây đai lại.
Chiếc áo Yukata được dùng làm áo ngủ như vừa nói ở trên thì rất dễ bị hở cổ, hở tay chân. Mặc Yutaka nói chung khi đi đứng thì không sao, nhưng hễ mà ngồi xuống rồi đứng lên mà vô ý thì rất phiền, là vì tà áo Yutaka rất dễ xô lệch và vì áo Yutaka quá giản dị không có nhiều lớp lang kín đáo bằng Kimono.
Tóm lại truyền thống cũng có những cái không còn thích hợp lắm với cuộc sống mới; thế nhưng về mặt tình cảm thì người ta vẫn yêu thích và vẫn tìm thấy cái hay cái đẹp (hoặc có ý nghĩa) trong truyền thống.
Như mình vẫn thấy các nhà lãnh đạo Ả rập là những người hay xuất hiện trước công chúng với áo khăn trắng và lại còn đội thêm cái vành như chiếc.. rế chận lên khăn choàng trên đầu! Cố chủ tịch Arafat của người Palestin cũng là người thường hay quấn khăn rằn cho dù đang mặc âu phục.
Như đã viết ở trên, khi nhìn người đàn ông Việt Nam mặc áo dài, QC hay liên tưởng tới các ông trong tộc họ của mình hay hình ảnh các nhân vật trong lịch sử, cảm thấy đó là những nét gọi là truyền thống văn hóa, cũng như hương vị của các món ăn Việt Nam, màu gốm nét họa nước sơn trên đồ sành đồ sứ mỹ nghệ Việt Nam, những điệu hò hát, nhã nhạc, nghệ thuật tuồng chèo ... và ước ao đừng bao giờ bị mai một. Chẳng bao giờ QC cảm thấy hình ảnh đó xấu xí hay cổ hủ, mà trái lại rất hào hoa phong nhã là khác.
Mấy ngày gần đây, nhân sự kiện các vị khách nước ngoài đến Việt Nam được mời mặc áo dài, dư luận đang bàn tán xôn xao, mà ý kiến phản đối nhiều hơn là tán thành.
Nhân dịp này, nhiều ông Việt Nam ở bên trời Tây đã viện dẫn nhiều bằng cớ (ví dụ ảnh chụp ông Tôn Văn cũng mặc áo giống áo dài) để kể tội áo dài nào là chưa chắc đã là quốc phục, và nói là không bao giờ muốn khoác áo dài lên người.
Tóm lại là mấy ông đó muốn chê áo dài, không thích mặc áo dài.
Ông hoàng Charles của nước Anh thỉnh thoảng vẫn còn mặc cả kiểu váy cổ truyền của đàn ông xứ Scotland đó kìa, trong khi kiểu áo dài của mình đâu đã làm cho người mặc đến nỗi ”dị hợm“ như vậy đâu nào.
Và bộ âu phục hiện nay liệu có thực sự là thích hợp với nam giới không?
Nhân dịp nhìn ảnh thủ tướng của Nhật bản mặc áo dài Việt nam trong dịp vừa qua, QC có cảm tưởng là áo dài đã làm cho ông ta hình như trẻ hơn bình thường, lại có vẻ thanh nhã hơn (như chàng thư sinhTú Uyên!), khác hẳn với khi ông ta mặc âu phục.
Không biết có phải vì QC thương áo dài và có tính hoài cổ, nên đang bênh vực cho áo dài không nhỉ?
Quỳnh Chi