User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Mười lăm năm. Thời gian chưa đủ dài để quên. Chiều nay gặp lại anh. Vẫn đôi mắt nhìn đắm đuối, thẳm sâu. Gương mặt anh phong trần hơn. Anh đã để râu mép. Hình như anh hơi xúc động, giọng ngập ngừng “Hàm Yên…. vẫn khỏe?” và băn khoăn, chân thật “Yên đẹp hơn ngày ấy, sao thế?”.
Đêm. Trằn trọc. Khó ngủ. Quá khứ vụt về như những đoạn phim… Ngày ấy, trên xe đưa đón học sinh. Yên đón ở đoạn sau cùng nên lên xe thì đã chật. Anh đứng lên nhường  chỗ. Yên ngồi dưới vòm tay của anh. Một sự che chở vô tình. Yên có cảm giác ấm cúng. Hồi ấy, Yên mới học lớp Mười, anh đã Mười hai. Còn phải qua lớp Mười một, qua cái Tú tài bán gay go, mà tỉ lệ đậu thường chỉ 40%, rồi mới vào được lớp Mười hai. Những học sinh lớp dưới đều thấy các anh chị lớp Mười hai là những người giỏi giang ghê gớm lắm. Yên cũng vậy. Anh lại là học sinh giỏi nhất trường. Với Yên, anh là một  thần tượng, khoảng cách giữa hai người là vời vợi. Dù anh chưa nói gì, nhưng Yên linh cảm, và bạn bè cũng thấy qua ánh mắt anh đã rõ những sâu sắc anh dành cho Yên. Anh là một tượng thần, cách xa tầm với, lại những đồn đại quanh anh lắm mối tình – mà sau nầy Yên mới biết đó chỉ là những mối giao tình văn chương giữa những người hay làm thơ như anh.
Giữa năm học, sau khi thi đệ nhất lục cá nguyệt xong, anh và bè bạn lập một bút nhóm. Anh mời Yên tham gia dù Yên chi mới vỏ vẻ đôi bài thơ ngắn và ngô nghê. Anh bảo để có tính kế thừa. Mỗi tháng bút nhóm sinh hoạt một lần, đọc cho nhau nghe những bài thơ mới làm và nhiều lúc bàn những vấn đề người lớn mà bấy giờ Yên không hiểu hết. Không khí sinh hoạt có lúc vui tươi, trẻ trung nhưng có lúc cũng nghiêm trang, trầm trọng. Thơ tình của anh rất hay. Những bài thơ anh đọc nghe như là viết cho Yên mà có lúc nghe như viết cho ai đó. Yên đâm hoang mang.

Đầu buổi tổng kết phát thưởng năm học, anh tìm Yên: “Cuối buổi chờ anh”. Yên len lén hỏi lại “ Chờ làm gì thế anh?” “ Khi đó rồi biết. Chờ anh nhé!”. Buổi sáng ấy hoa phượng vỹ - hoa của mùa chia tay học trò, đẹp hơn mọi ngày, lung linh trong nắng. Yên không dám chờ anh ở sân trường, chờ ở quán nước nhà bên. Nhưng mà sao lâu quá anh không ra? Bận chia tay bạn bè? Chia tay những chị ấy?! Yên bỗng muốn về trước. Cành phượng vĩ trổ chi chít hoa màu đỏ chói, xốn xang. Nhưng rồi anh cũng xuất hiện với mồ hôi nhễ nhại và một nụ cười “Em chờ ngoài nầy làm anh tìm mãi”. Trên tay anh là hai phần thưởng, toàn là sách nặng trịch. Anh trao cho Yên một phần và dịu dàng: “Phần nầy của Yên”. Yên nhất quyết không nhận. Ánh mắt anh đắm đuối thẳm sâu, ngạc nhiên có pha một chút trách móc.

Từ ngày đó đến ngày thi Tú tài hai vừa một tháng, bận rộn lắm nhưng tuần nào anh cũng dành ba buổi đến nhà Yên. Và đều đặn như vậy cả sau kỳ thi. Anh đỗ và vào trường Sư phạm. Trong một lần lên nhà, nói chuyện với ba, ba chợt hỏi:
- Vì sao cậu chọn nghề dạy học?
- Dạ con trốn lính.
- Tôi không tin đó là lý do chính. Nghe nói cậu học giỏi, còn nhiều ngành để chọn kia mà.
- Nói thật con thích nghề dạy học, vì nó thanh cao, với xã hội nghề dạy học có công rất lớn. Con đọc sách thấy Lão Tử có nói rằng “Làm thầy thuốc mà sai thì hại một người, làm chính trị mà sai thì hại một thế hệ, làm giáo dục mà sai thì hại muôn đời”.
Nghiệt cái là những lần anh lên nhà, Yên không được tiếp, Yên còn nhỏ mà, chị Thu Yên giành tiếp hết, đôi lúc là ba. Chị Thu Yên cũng lớp Mười hai nhưng không đỗ Tú Tài hai năm đó. Hình như qua nói chuyện dần dần chị cũng yêu anh. Mỗi lần thế, mọi lần đều thế, gần một năm đều đặn như thế, anh vẫn kiên trì. Nỗi thất vọng ngập úa tiếng anh chào về. Yên thấy tội nghiệp anh.
Lần cuối anh lên, gởi lại cuốn Tâm tình hiến dâng của Tagore nhờ trao Hàm Yên, kèm một câu bóng gió “tuyệt vọng xói mòn lòng kiên nhẫn”. Anh  không xuất hiện ở nhà Yên lần nào nữa. Nghe nói mãi nhiều năm sau khi Yên có chồng anh mới lấy vợ. Quãng thời gian đó, anh đau khổ lắm, thơ anh toàn tuyệt vọng, chia tan. Có khi anh như điên dại, tình si. Có lần anh ngất trên giảng đường khi đương ngâm đoạn thơ đẫm đau thương:
       
        Kiều Thu hề Tố em ơi
        Ta đang lửa đốt tơi bời mái tây
        Hàm ca nhịp gõ khói bay
        Hồ xừ xang xế bàn tay điên cuồng
 
        Kiều Thu hề trọn kiếp thương
        Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
        Xừ xang xế xự xang hồ
        Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
(1)
 
Anh lấy vợ, chị ấy cùng học với anh. Chị đã dịu dàng dìu anh ra khỏi cơn mê đắm, dần đem lại cho anh sự cân bằng. Từ đó, không gặp được anh, nhưng những câu nói ngắn của anh về nghề dạy học hằn sâu trong Yên và Yên cũng đã trở thành một cô giáo.

Mười lăm năm, Hàm Yên đã cố lắm nhưng không thể nào quên. Dù rằng theo thời gian nỗi nhớ không còn xốn xang, cồn cào mà đã lắng đọng, ngủ im để rồi mỗi lần có việc qua trường cũ, kỷ niệm sống dậy, ùa về. Có lần họp mặt, ai đó nhắc đến anh. Đêm ấy một giấc chiêm bao lạ. Yên thấy một mình với chiếc thuyền con trên biển cả. Và đôi mắt anh. Sâu thẳm, đắm đuối nhìn Yên che chở, động viên. Như thế thôi, Yên thấy giữa trùng dương sóng dữ mà không chút sợ hãi. Sáng hôm sau, nhớ anh vô cùng.
Yên đã lấy chồng và tháng trước con gái của Yên vừa mừng sinh nhật tám tuổi . Chồng Yên là Điện, họa sĩ. Rất yêu Yên và chăm chút Yên tận tình. Lúc Điện ngỏ lời cầu hôn, cũng là lúc tuổi xuân đang dần qua hết, Yên gật đầu mà hồn ở tận đâu đâu, như đang trôi về phía cũ. Điều lạ là suốt mười năm qua Yên không một lần thấy nhớ chồng dù có những lúc Điện bận công việc phải đi xa dài ngày. Yên sống với hiện tại bằng tình thương và bổn phận làm vợ. Hình như Yên không còn yêu ai được nữa.
 Cho đến chiều nay, cuộc gặp tình cờ đã đánh thức trong Yên những điều tưởng thật ngủ im. Nghe một cái gì đó nao nao, ngún cháy, khát khao. Hàm Yên vội vàng quay vào vách, nhắm mắt…

Nằm ở bệnh viện đã hơn một tháng. Nỗi nhớ vây quanh. Hình như Yên sống để nhớ. Nhớ nhà. Nhớ xưa. Nhớ trường lớp, học trò. Học trò Yên đã hơn hai lần từng nhóm đến thăm. Chiều qua, nhóm học trò mà Yên thương nhất mang đến tặng cô một lẳng hoa. Đầy hoa pensée, một loài hoa Yên rất thích. Cùng với lời thỏ thẻ: “Cô mau bớt về với chúng em. Chúng em nhớ cô lắm”. Yên cảm động lắm, thấy khỏe ra. Yên muốn đứng lên đi về ngay, về với trường với lớp với các em.
Sáng hôm sau, qua cửa sổ phòng bệnh, Yên thấy nắng lên, hồng tươi, rực rỡ. Bầu trời trong vắt. Trời đẹp. Yên thấy yêu đời, bảo chồng:
- Mình xin xuất viện thôi ba (Yên gọi theo con). Em thấy khỏe rồi. Về nhà uống thuốc thêm cũng được…
- Về thế nào được, em còn yếu lắm, nằm thêm ít hôm nữa cho khỏe hẳn hãy về. Điện nói và quay mặt đi, ngậm ngùi. Căn bệnh ung thư của Yên đã đến giai đoạn cuối, bác sĩ bảo còn được ngày nào hay ngày ấy. Thời gian còn lại không lâu đâu.
Tuần sau, bệnh Yên trở nặng, rất nặng. Những cơn đau dồn dập kéo đến. Đau như có ai xé nát ngũ tạng. Đau khủng khiếp. Đau vượt sức chịu đựng của con người. Ở tư thế nào cũng đau, nằm nghiêng đau, nằm ngửa đau, đỡ ngồi dậy cũng đau. Đau cùng cực. Đau mụ người. Giữa hai cơn đau là lúc mê sảng. Được vài hôm như thế, Yên tiều tụy hẳn, không buồn uống sữa, chẳng nuốt được cháo, không cựa quậy nổi nữa. Buổi sáng, Yên ra hiệu Điện đến gần, thều thào: “Ba ở lại với con, em đi. Em mệt lắm rồi”. Nói xong Yên chìm vào hôn mê. Trong cơn mê, Yên thấy mình đang một mình giữa biển mênh mông mà tĩnh lặng lạ lùng, chung quanh chỉ có một đôi mắt. Đôi mắt ấy. Thẳm sâu, đắm đuối và đợi chờ. Yên hốt hoảng “Anh, anh, Tâm ơi….!”. Thốt xong, một dòng máu trào ra. Hàm Yên trút hơi thở cuối cùng.

Điện thoại reo vang:
- A lô…
- Hàm Yên mất rồi, mầy biết chưa Tâm?
- Hả, tại sao mất? mất hồi nào?
Chiếc điện thoại rơi xuống đất. Tâm không biết gì nữa cả. Rơi vào trạng thái vô tri giác.  Mấy phút sau cô nhân viên văn phòng nhặt hộ. Tâm mới hoàn hồn, điện hỏi lại người bạn:
- Tại sao Hàm Yên mất? mất khi nào?
- Không biết, chỉ biết một giờ chiều nay khâm liệm.

Tâm đến nơi thì đã trễ mất rồi. Người ta đã đặt Hàm Yên vào quan tài lúc mười một giờ trưa. Người bạn nghe nhầm mười một giờ thành một giờ. Tâm đau đớn, chết lặng. Bó hoa pensée rời khỏi tay Tâm. Tâm cũng không biết. Người bạn nhặt hộ và bày trước di ảnh. Khi đau khổ đến cùng cực người ta không thể khóc, không thể nói được gì. Tâm cũng vậy, anh chỉ ngơ ngác, lặng lẽ nhìn. Đôi mắt ấy, ngày xưa…. Bây giờ đang nhìn anh đấy!

Ngoài trời nắng trưa hè gay gắt, đâu đó màu phượng vỹ chói chang, đỏ rực như máu. Ve sầu trỗi những khúc buồn thiên thu./.
 
 
 
(1)    Mười hai tháng sáu – thơ Vũ Hoàng Chương
 
 
Lương Hoàng Hạc

 


 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com