.
Chiều ơi hãy xuống thăm ta với
Thiên hạ lìa xa đời trống không
Nắng xế ngậm ngùi trên mái cũ
Đìu hiu bên phố nhớ bên lòng
Huy Cận
Tôi đùa với chàng:
- Em chưa biết được cái cảm giác ngoại tình nó ra làm sao.
Chàng ngó tôi một hồi rồi nói, giọng lành lạnh:
- Mai mốt lấy anh, xong đi kiếm một thằng khác yêu đương ra rít là biết liền chứ khó khăn gì.
Tôi không dám nói với chàng, làm sao mà lấy anh được. Vì nói ra là chàng giận ngay. Hôm nọ chàng tới nhà, tôi đón chàng ở ngưỡng cửa bằng câu:
- May quá, hôm nay có cô Kiều ở nhà.
Thế là chàng bỗng biến thành Tắc dăng:
- Bộ nhỏ nghĩ anh cà chớn lắm sao mà nói may quá có cô Kiều ở nhà?
Chàng rất dễ nổi giận. Có lẽ vì mặc dầu lớn tuổi hơn tôi, nhưng chàng vẫn còn bị kể là "trai tân" bên cạnh một người chẳng những đã qua nhiều đời... bồ mà còn có một đời chồng, và thảm hơn, đang phải nuôi một đứa con. Nếu tôi đoán không bậy, thì chắc chàng... mặc cảm!
Thật khó mà tưởng tượng là chàng yêu tôi. Bởi ngoài cuộc đời tình ái đành phải chịu... lép vé thua tôi, từ công danh cho đến sự nghiệp của chàng, cái gì cũng lộng lẫy ngon lành cả. Chàng cao lớn đẹp trai như dân bản xứ. Là con trai trưởng của một gia đình vọng tộc ngày xưa ở Nha Trang. Bản thân hiện có một phần tư tiền hùn trong cái tiệm bánh ngọt của gia đình ở cuối phố. Quá khứ, hiện tại, tương lai gần, tương lai xa, simple past, present perfect, continous hay future... gì gì đó, cũng đều xán lạn, rỡ ràng cả. Chàng đang đi học lại, sinh viên trường thuốc. Tôi hay đùa với Kiều, cô bạn "share" phòng, là hôm nào đó tôi phải kiểm tra lại để xem chàng có được bình thường hay không, bởi vì nếu chàng không... điên, thì đời nào lại đi chọn tôi, một người, trời ơi, đã nghèo lại còn tầm thường giữa một cái thế giới đầy dẫy những người hay ho, danh phận như thế.
Có lần nhờ chàng điền giùm cái đơn xin trợ cấp của bộ giáo dục, tôi bảo chàng:
- Ngoài tên tuổi và địa chỉ của em ra, thì mục nào cũng chỉ cần ghi chữ "nil" là đủ rồi.
Ở bên này, tôi "nil", tôi "vô sản". Tôi tay trắng từ gia tài, tiền bạc, cho đến quyến thuộc, bạn bè. Chàng rủ tôi:
- Đi coi phim không nhỏ? Demi Moore đóng với Patrick Swayze.
- "Ghost" phải không?
- Ừ.
Phim ma tây phương nhưng cốt truyện cảm động như truyện Á châu, nhân vật nam tình cờ khám phá ra đường dây ăn bẩn của đồng nghiệp, mà bị ám sát. Chàng chết trong uất ức nên linh hồn cứ vất vưởng ở trần gian, một hôm chàng nhập được vào một xác đồng nên đã tìm cách để về thăm người yêu và thanh toán kẻ đã hãm hại mình. Ân oán trả xong, chàng theo thiên thần lên thiên đường, người yêu chàng giọt ngắn giọt dài tiễn đưa chàng trong tiếng hát u buồn, xa vắng, "Oh, may love, my darling, I hunger for your touch..."
Tôi cũng giọt vắn giọt dài nắm lưng bàn tay chàng mềm mại đặt trên thành ghế bên cạnh. Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ trong rạp ciné, chàng chỉ "touch" vai tôi có một lần. Mai mốt xa chàng, hay chàng chết trước, thế nào cũng sẽ phải khóc lóc thảm thiết gào lên, "I hunger for your touch"...
Chàng hay đưa tôi ra biển ngồi nhìn nước thủy triều lên. Những con seagull dạn dĩ nhảy nhót chung quanh chỗ chúng tôi ngồi. Có một đôi rỉa cánh cho nhau âu yếm làm tôi nhớ lần đầu tiên tỏ tình với tôi, chàng cũng âu yếm nhổ cho tôi sợi tóc bạc trước khi quàng vai và ôm hôn tôi thắm thiết.
Tôi hỏi chàng:
- Giáng sinh này anh làm gì?
Chàng dịu dàng:
- Đi lễ, rồi về nhà ăn tối với gia đình. Và sau đó là về phòng nằm gác tay lên trán nhớ nhỏ.
Tôi cảm động siết bàn tay chàng, mường tượng được cùng chàng quỳ trong góc nhà nguyện, hân hoan nghe lời chúc "emmanuel", Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và khi tan lễ, được lang thang với chàng đây đó, nhắc nhở chuyện Giáng Sinh quê nhà.
Tôi hỏi chàng:
- Giáng Sinh này dám đi lễ bên nhà thờ em không?
Chàng nhìn lại tôi. Đôi mắt chàng thật buồn sau làn kính lấp lánh nắng. Cả tôi lẫn chàng đều cận thị. Lúc hôn nhau chàng hay bỏ kính của cả hai đứa xuống, bảo để nhìn nhau bằng mộng mị và chiêm bao. Giờ này còn nhìn nhau. Nhìn đắm đuối như suối bền. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai không còn nhìn thấy nhau. (*). Chàng nghiêm giọng nói:
- Hình như nhỏ có thói quen hay nói những câu mâu thuẫn. Đi ra đường vời nhau, lúc nào nhỏ cũng dáo dác, hết lo người này thấy, lại không muốn để người kia nhìn, lòng thì không khi nào yên vì cứ thấp thỏm sợ người ta dị nghị. Nhỏ sợ, vậy mà anh để ý thấy nhỏ lại hay muốn thách đố anh cái nọ cái kia lắm cơ!
Có lẽ trong bụng tôi có tận mấy ngàn đạo quân lộn xộn, lúc nào cũng hăm hở chiến đấu, lúc nào cũng sẵn sàng xáp lá cà, đánh đấm nhau tưng bừng. Chàng nhận xét về tôi y thể đang dạo chơi trong ruột gan tôi. Nhớ lần đầu tiên đi uống cà phê với chàng, tôi đã làm chàng chưng hửng, sượng cứng người khi đang định đưa tay quàng vai tôi. Mặt mày chàng đỏ ửng như say nắng lúc nhìn thấy tôi giật bắn người lùi lại phía sau đến bốn năm bậc cầu thang. Sau này chàng bảo là không thể tin nổi một người đàn bà đã được kể là "free" mà lại có những phản ứng kỳ quặc như vậy. Hôm ấy chàng đã tra gạn tôi:
- Nhỏ nói thật đi, hai người đã ly dị nhau chưa vậy?
Về nhà kể cho cô bạn nhỏ nghe, cô nhỏ thở dài:
- Nói chị đừng buồn, chứ em là anh ấy, chắc em de chị ra lâu rồi. Anh ấy không sợ dị nghị thì thôi chứ mắc mớ gì chị lại sợ?
Thật tình thì chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có những ứng xử kỳ quặc như vậy. Một con nòng nọc khi nhảy từ nước lên cạn là đã biết đổi sang thở bằng phổi, còn tôi, tôi chẳng tài nào làm quen được với môi trường mới chung quanh mới kỳ lạ. Tôi hay để mình bị phân tâm giữa quá khứ và hiện tại, lẫn lộn giữa tình yêu với bổn phận, và chẳng có sự nhạy bén nào để phân biệt được những điều nên và không nên làm. Tôi sợ thiên hạ cho tôi tầm thường, vừa ly dị xong là đã hối hả, cuống cuồng đi tìm con đực khác thế chỗ. Tôi thèm sống một đời sống tiết hạnh khả phong của người đàn bà không còn chồng bên cạnh, chẳng khác gì người ta thèm khát công danh và tiền bạc trên đời, nhưng đồng thời cũng ao ước có được một mối tình nên thơ, một đời sống yêu thương mật ngọt. Tôi hoàn toàn chẳng biết sống như thế nào cho phải, nên cứ vụng về, quẩn quanh như con kiến leo cành đào.
Và bao giờ cũng vậy, tôi lại làm chàng bực mình vì những rụt rè không đúng chỗ của mình. Cái biên giới của người đàn bà đã có chồng hay hiện ra trước mặt tôi khi tôi đối diện chàng, khiến nhiều lúc chàng phải nghi ngờ, thắc mắc. Chàng hay trêu tôi... phòng thủ kiên cố như dinh Saddam Hussein, mặc dầu trên phương diện pháp lý lẫn tình cảm, chẳng còn ai có thể ngăn trở được tôi.
****
Tâm tư tôi bất ổn đã đành, nhưng chàng đâu biết còn một lý do khác nữa khiến tôi không dám nghĩ đến chuyện tái hôn. Nhất là tái hôn với chàng. Chàng bảo tôi:
- Mình về Sydney sống nghe nhỏ.
Tôi ngần ngừ. Chàng bảo:
- Nếu nhỏ sợ, thì mình sẽ sống thử như de-facto một thời gian.
Information của bộ xã hội cho biết, de-facto là vợ chồng không có hôn thú, không bị ràng buộc bởi giấy tờ và sản nghiệp. Lúc chia tay, nếu đã sống chung với nhau trên hai năm thì có thể được phép chia chác chút đỉnh quyền lợi và chút đỉnh trách nhiệm nếu có con. Tôi nhỏ nhẹ:
- Em thuộc tầng lớp cổ điển như cô Kiều Nguyệt Nga. Dưng không dẫn nhau đi chung sống khơi khơi, thấy làm sao ấy.
Chàng hỏi lại:
- Làm sao là thế nào?
Tôi cũng không biết là thế nào. Chàng ngó tôi, buông một tiếng thở dài:
- Thảo nào mà nhỏ đã không dám ngoại tình!
Tôi hèn, tôi không dám ngoại tình lúc còn sống với chồng. Nhưng tôi tự hỏi, chàng, một người hơn tôi đủ mọi điều kiện trên đời, không biết có dám vượt qua khuôn phép của gia đình để lấy tôi hay không. Chàng hay anh dũng tuyên bố chàng không sợ gì hết, khi cần thiết chàng sẽ gạt sạch sẽ mọi cái rào chắn của ba mẹ, em út trong nhà. Chàng họ Phạm. Cả họ tên đọc lên nghe na ná như tên anh hùng Phạm Phú Quốc, tuy nhiên tôi không nghĩ chàng đủ can đảm như Phạm Phú Quốc, dám xé rách cái lề giấy trắng thơm tho, tinh khiết của nhà chàng để trở thành một thân tùng cho tôi nương tựa. Chàng rủ rê tôi đi Sydney, chắc là muốn tránh cái "hiểm họa" bị ba má hay em út thình lình bắt gặp quả tang chàng đang "dan díu" với một người đàn bà đã qua "một lần dang dở".
Tôi nói với chàng:
- Em quê mùa cũ kỹ. Em xưa như trái đất. Mỗi ngày em đọc một đoạn kinh thánh, đọc đến đoạn thánh Paul khuyên, "vợ chồng không nên lìa bỏ nhau. Ví bằng đã phân rẽ nhau, thì nên ở vậy đừng lấy chồng khác, hoặc là phải lại hòa thuận với chồng mình", em buồn vô cùng.
Chàng cầm tay tôi:
- Muốn về sống lại với anh ấy hả nhỏ?
Tôi lắc dầu. Chàng cười:
- Vậy là sợ Chúa phạt?
Tôi sũng nước mắt, dỗi:
- Chắc vậy.
Chàng đùa dai:
- Đừng sợ. Mai mốt anh sẽ đi học võ, kiếm vài ba cái đai đen, đai đỏ. Sau này dẫn nhỏ lên "trên kia", ông Pièrre mà không chịu cho mình vào trình diện Chúa, anh sẽ dùng võ thuật đoạt chìa khóa cổng thiên đường, y như Triệu Tử Long múa đao đoạt ấu chúa vậy.
Tôi ôm bàn tay chàng bằng cả hai bàn tay tôi:
- Đường đời lê thê trắc trở mà sức em yếu đuối, bàn chân em nghiêng ngả, em sợ đi không được đến đích. Chỉ cần nhìn thấy cỏ dại, chông gai ở hai bên đường, là em đã chùn chân mất rồi.
Chàng đưa tôi về nhà. Căn nhà tôi đang ở nằm trên một ngọn đồi xoai xoải, đứng trong cửa sổ nhìn ra, có thể thấy những ngọn sóng biển nhấp nhô ngoài khơi xa. Chàng thích khung cửa sổ ấy lắm và bảo tôi, chàng yêu tôi như yêu biển, như yêu Nha Trang của chàng. Tôi tựa vào vai chàng. Nắng chiều nhạt nhòa trải trên hiên nhà tôi thơ mộng. Chúng tôi đứng lặng yên nghe tiếng chim hót ríu rít trên những nhánh cam trĩu trái vàng óng. Chàng ân cần nắm lấy tay tôi thì thầm:
- Nhỏ phải tránh xa anh bảy bước như người đàn bà theo đạo Hồi tránh xa đàn ông bảy bước, chứ không anh sẽ sa vào chước cám dỗ nhỏ ạ.
Tôi áp mặt vào vai chàng, lắng nghe mùi hương nước hoa đàn ông thoang thoảng lẫn mùi mồ hôi quen thuộc của chàng dịu dàng tỏa ra. Chàng kéo rèm cửa sổ xuống, ôm mặt tôi bằng cả hai bàn tay và hôn tôi nồng nàn. Sau đó chàng lại kéo rèm cửa lên. Chàng cười, giễu tôi bằng một câu trong kinh thánh:
- Hỡi quỷ sa tăng, hãy lui ra khỏi ta!
Rồi chàng lại thêm:
- Không gian như có dây tơ. Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan...
****
Người đàn ông yêu tôi. Người đàn ông yêu một sương phụ mà lại giữ gìn và nâng niu như thể nàng vẫn còn là con gái, thì có lẽ chỉ có chàng. Tôi đã ứa nước mắt sung sướng khi đặt bàn tay mình lên ngực chàng hỏi nhỏ:
- Em có mặt ở đấy chưa?
Chàng trả lời:
- Đã, và vĩnh viễn.
Chàng nói với tôi:
- Năm, mười, hay hai mươi năm sau, tình yêu của anh có lẽ sẽ bị không gian và thời gian làm biến dạng đi đôi chút, nhưng anh chắc chắn nhỏ vẫn mãi hoài là nhỏ trong anh.
Suốt đời tôi, tôi chỉ ao ước có người nào đó yêu tôi bằng một thứ tình yêu chân thành và vĩnh hằng như chàng nói. Thời gian và không gian dẫu có làm... đui què mẻ sứt hay méo mó dị dạng thế nào đi nữa, miễn tình yêu ấy vẫn còn tồn tại là cũng đủ cho tôi hoan hỉ và sung sướng lắm rồi.
Nhưng cuộc đời có lẽ đã không muốn cho tôi nắm giữ chàng đến năm, mười, hay hai mươi năm, để được có cái cơ hội ngoảnh lại xem tình yêu của chàng sẽ biến dạng ra sao, hình ảnh tôi sẽ ở trong chàng như thế nào. Bây giờ, mỗi bận nhớ đến chàng, tôi vẫn hay cười một mình, nghĩ thầm người ta "bỉ sắc" mới "tư phong", chứ tôi thế này mà Thượng Đế cũng bắt tôi truân chuyên thì quả là oan ức cho tôi quá.
Cái truân chuyên đến với tôi vào một chiều chàng bị tôi từ chối lời mời ăn tối, khi đưa tôi về đến nhà, thì bắt gặp chiếc xe của chồng cũ tôi đậu chình ình ngay trước cửa. Chiếc Toyota màu cổ đồng cặp sát lề trái, đậu ở một vị trí thật thong thả và... tỉnh như ruồi đã đập chan chát vào mắt chàng, chẳng khác nào một lời cáo trạng dành cho tôi. Sự ngẫu nhiên trùng hợp ám sát tôi. Tôi bị đâm một phát vào tim oằn oại như nhân vật nam bị giết chết trong cuốn phim tôi đi xem với chàng.
- À ra thế.
Chàng nói. Và chàng lặng lẽ cười. Tôi hoảng hốt lắp bắp:
- Em không hề biết anh ấy về nhà.
Bà Thị Kính năm xưa có lẽ chỉ cần một cái chết là đủ để giải oan được cho mình, tôi dẫu có ba đầu sáu tay, và dẫu có được Thượng Đế cho phép chết đến hàng chục lần trước mặt chàng chắc cũng khó làm cho chàng tin được. Ông quan tòa ân cần nắm lấy tay tôi:
- Vậy hả nhỏ?
Và có lẽ ông đang nuốt cục căm hờn xuống cổ, nên âm thanh phát ra nghe muốn lạnh gáy:
- Thôi, chúc nhỏ có buổi tối vui vẻ nhé!
Tôi uất lặng cả người, mà không biết làm sao minh oan nên nhất định ngồi im không chịu xuống xe. Chàng lại cười, nụ cười thật hiền hậu nhưng cái giọng thì rất... sát nhân:
- Để anh về ăn cơm. Lúc nãy đói bụng mới rủ nhỏ đi ăn đấy.
Tôi thừ ra. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi gặp phải một trường hợp cà chớn đến vậy. Chiều nay tôi đã từ chối đi ăn với chàng chỉ vì tôi không muốn vắng nhà mà không nói trước với con tôi. Tôi từng bảo với chàng tính tôi sòng phẳng và rất ghét cái trò bắt cá hai tay, nhưng chỉ có trời mới biết được là chàng tin tôi hay không. Tôi khổ sở nói:
- Hay anh vào nhà một lát nhé?
Chàng nhìn tôi cười cười, lát sau chàng đáp, giọng sắc lạnh tựa hai lưỡi gươm đang chạm vào nhau chan chát:
- Sắp tết đến nơi rồi, bộ nhỏ muốn anh đóng vai ông táo hả?
Tôi ứa nước mắt. Bây giờ thì tôi đã hiểu thà bị bắn một phát đạn hay bị đâm một lưỡi lê vào cổ chắc cũng không đau đớn cho bằng phải nghe những lời lẽ cay độc như chàng mới thốt ra. Tôi kêu lên:
- Anh ác lắm.
Chàng làm thinh không trả lời. Nước mắt tôi rớt xuống nóng hổi trên đôi bàn tay đang loay hoay gỡ khóa sợi dây an toàn. Tôi vừa khóc vừa nói:
- Nếu em lừa anh là một sự sỉ nhục cho anh, thì anh không tin em cũng là sự sỉ nhục cho em vậy.
Rồi tôi bỏ vào nhà. Sáng hôm sau, trên đường từ cổng trường vào lớp, tôi bỗng giật mình vì tiếng xe chạy phía sau lưng, và tiếng còi gióng một quen thuộc của chàng mỗi khi gọi tôi. Tôi quay lại. Chàng ngang ngược đậu xe ngay trên đường đi, đang quay cửa kính xuống và thò đầu ra ngoài gọi tôi:
- Nhỏ, chờ anh ở coffee corner nhé! Cất xe xong anh xuống ngay.
Tôi sửng sốt không tin nổi ở tai mình vừa nghe chàng "nhỏ nhỏ anh anh". Cả đêm hôm qua tôi đã nằm trăn trở giữa những bối rối và buồn tủi, đã mường tượng chắc chẳng bao giờ chàng còn muốn gặp lại tôi. Tôi nghĩ khi người ta yêu một cô gái còn trinh nguyên, dẫu có nhọc nhằn hay khổ sở đến đâu đi nữa, cũng khó lòng than oán. Nhưng chàng yêu một sương phụ như tôi, mà còn phải chịu nhọc nhằn thì chắc chắn là chàng chán tôi lắm rồi...
Tôi đứng lặng lẽ trên sân một lúc thật lâu rồi mới rẽ về phía căng tin của trường. Chàng đã chạy xuống đến quán cà phê của trường và đang lóng ngóng nhìn quanh. Thấy tôi, chàng chạy đến chận tôi lại ở ngưỡng cửa, nắm tay tôi, và vội vã nói:
- I'm sorry. Really sorry. I didn't mean to hurt you.
Chàng ít khi xổ tiếng Anh với tôi, chỉ trừ những trường hợp... như vậy! Tôi nhắc lại một mình. I didn't mean to hurt you. Tôi không cố ý làm đau lòng em. Tôi rụt rè ngó chàng, lòng ngơ ngác và bàng hoàng tự hỏi, ở đâu mà chàng có được sự độ lượng ấy vậy.
****
Người đàn ông khoe với tôi, vợ chồng anh đang chuẩn bị chồng tiền sang lại một tiệm bánh ngọt. Dưng không nghe đến tiệm bánh ngọt, tôi giật mình hỏi lại:
- Thật sao?
Người đàn ông hãnh diện gật đầu:
- Thật chứ!
Tôi hỏi tiếp:
- Ở đâu vậy? Sydney hả?
Người đàn ông lắc đầu:
- Ngay đấy ấy chứ! Cái tiệm nằm ngay trên phố chính, đường Crown, gần nhà băng Commonwealth, chắc chị biết?
Tôi vội vã lắc đầu. Tôi nhớ có người nói với tôi, anh ghét ồn ào, ghét cuộc sống náo nhiệt của thành phố mà bây giờ lại phải ở ngay phố chính, lúc nào cũng nghe xôn xao bên tai tiếng xe cộ, tiếng người. Ở đây chỉ cần vài phút đi bộ là ra tới biển, nhưng vừa xuống đến lề đường, chỉ cần nhìn thấy mấy cái tiệm Ý ở bên cạnh, mắt chạm phải cái nhà băng nằm trước mặt, bãi đậu xe nằm bên hông.., là anh đã thấy chán ngán lắm rồi. Nhiều hôm ở nhà, buồn, lại nhớ tới cái khung cửa sổ nhìn ra biển của nhỏ. Mai mốt bình yên, mình về Nha Trang, hay đi xa thêm một chút, về Thành, về Tu Bông, về Dốc Lết dựng một căn nhà gỗ sống ở đó, để suốt ngày chỉ nghe mỗi tiếng thầm thì hay giận dữ của sóng, tiếng vi vu của gió, tiếng xào xạc của những hàng dương...
Người đàn ông đang nói chuyện với tôi có vẻ hơi thất vọng vì không hiểu tại sao tôi lại không biết cái nơi vợ chồng anh ta đã chọn. Nhưng trông chừng anh ta vẫn chưa hết vẻ hớn hở, nên gấp gáp nói:
- Thế thì hôm nào chị phải theo tụi này đến xem qua cho biết vậy. Trông được lắm, địa thế thuận lợi, sầm uất. Người ta đang buôn bán khấm khá, nhưng vì mấy đứa con học đại học ở Sydney cả, nên phải dọn đi thôi. Gia đình người ta ngày xưa có tiếng tăm lắm chị ạ...
Ngưng một lát, người đàn ông tiếp:
- Theo hợp đồng thì đến cuối tháng tụi này được chính thức nhận tiệm đấy...
That's enough! As much as required! Hai lỗ tai tôi đầy những âm thanh lùng bùng chồng chéo lên nhau. Tôi muốn la lên. Thôi đủ rồi. Nhưng vẫn cứ ư hử như mình chỉ là một con robot đang phát ra những tín hiệu, những dữ kiện đã được nạp sẵn trong bộ nhớ. Nếu người bạn tôi mà không trong cơn "say men chiến thắng" vì sắp được làm chủ tiệm, có lẽ họ sẽ nhận ra ngay họ đang nói chuyện với một người khật khùng, đãng trí.
Khi hai vợ chồng người bạn về rồi, tôi ngồi lặng trên ghế nhìn ra ngoài. Cái khung cửa sổ hơi cao so với chỗ tôi ngồi nên tôi không thể nhìn thấy biển. Tôi chợt nhớ ra là dường như lâu lắm rồi, chẳng còn ai đứng ở nơi đó với tôi để ngắm những con sóng nhấp nhô ngoài khơi xa. Và dường như cũng lâu lắm rồi, chẳng có ai nâng niu tôi bằng cả hai bàn tay để hôn tôi thắm thiết, cũng như để nói với tôi những lời ân cần, yêu thương...
Buổi chiều tôi xuống phố, ghé lại tiệm bánh ngọt mà bạn tôi sắp sang. Trời nắng và nóng hừng hực nên tiệm bánh vắng ngắt, buồn tẻ. Người con trai đứng trong quầy hàng nhìn tôi:
- Chị phải là chị N. không?
Tôi hơi giật mình, bối rối cười:
- Sao biết?
Người con trai cười lại:
- Nhìn thấy hình chị trong album của anh Th.
Giọng người con trai có vẻ thân thiện, dễ thương. Chúa ưu đãi anh em nhà cậu quá, người nào cũng đẹp như nhau. Nhưng hình như cậu điệu hơn ông anh của cậu, vì cậu xỏ lỗ tai và đeo dây chuyền thời trang nữa. Tôi nhớ ông anh cậu cũng có một sợi dây chuyền vàng với tượng Chúa bị đóng đinh, bảo của mẹ mua cho, phòng hờ đi đâu xa mà quên không mang theo tiền thì có thể... thế mạng. Anh em nhà cậu có phước có phần thật. Có được bà mẹ biết lo lắng, chăm sóc đến từng ly từng tí một. Đến độ tôi đành phải lùi về cái vị trí nhỏ nhoi của mình ở phía bên này cuộc đời để khỏi quấy rầy bà...
Tôi ngước mắt nhìn bào đệ của chàng công tử người yêu tôi, hỏi:
- Anh ấy nói tên tôi hả?
Người con trai gật đầu. Tôi muốn hỏi thêm câu, "anh ấy nói về tôi như thế nào" nhưng không dám. Người con trai chớp mắt:
- Chị tìm anh Th.?
Tôi lại giật mình:
- Không, tôi đi mua bánh ngọt.
Từ nhà tôi đến đây có hằng trăm cái tiệm bánh ngọt. Chúa có phán với dân sự Ngài, do not accuse anyone falsely, ngươi chớ làm chứng dối cho kẻ lân cận mình. Không biết Chúa có phạt tôi vì tội làm chứng dối cho... chính mình hay không? Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay! Tôi ngước mặt nhìn lên như đang nhìn một khoảng không trước mặt. Nhớ nàng? Không, quyết là không nhớ nàng! Người con trai chớp mắt:
- Mà anh ấy cũng không có nhà.
Trước khi vào đây, tôi đã nhìn thấy chiếc Commmando màu gạch nung của chàng đậu bên hông nhà. Tôi biết chàng còn có thêm một chiếc Toyota màu trắng để đi lấy hàng phụ cho gia đình. Hai chiếc xe đang thân ái nằm cạnh nhau ở ngoài kia. Tôi cố gắng làm một con robot thông minh, hỏi:
- Anh ấy đi Sydney lấy hàng phải không?
Người con trái "dạ". Tôi nói:
- Cho tôi gửi lời thăm anh ấy nhé!
Lẽ ra, tôi phải nói "cho tôi gửi lời vĩnh biệt". Nhưng như vậy thì cải lương quá. Chàng đâu có thích cải lương. Và tôi cũng không phải người nam chính cống, nên hát cải lương càng dở vậy.
Tôi mua mấy miếng cheese cake, loại bánh tôi thích nhất. Lần nào đến nhà, chàng cũng mang theo cho tôi. Ra đến đường, ngang qua thùng rác công cộng, tôi thảy tất cả xuống. Tôi biết chắc là mình chẳng thể nào nuốt trôi nổi một miếng chứ nói gì đến cả mấy miếng. Cổ tôi nghèn nghẹn. Dưng không tôi tự hỏi chẳng biết đến bao giờ tôi mới có thể ăn lại thứ bánh này.
Ông Nguyên Sa viết, "không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích. Không ai cấm được anh làm cả bài thơ. Với một chữ N. Một chữ G. Và với một chữ A. Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba. Người ta có thể không thích. (Thì người ta không thích một mình). Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh". Đoạn trước đó ông viết, "vì người ta không cấm được chúng mình yêu nhau".
Chàng đã đọc cả bài thơ này với tôi trong một buổi chiều đến nhà tôi ngắm biển qua khung cửa nhỏ. Và tôi nhớ đinh ninh chàng có bảo, không ai cấm được chàng yêu tôi. Cũng như chẳng có ai cấm được tôi yêu chàng.
Nhưng có lẽ, tôi cần phải điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa một điều nữa là, chẳng ai cấm được chàng lìa xa tôi.
Hoàng Nga
(*) Nhạc Lê Uyên Phương