User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Ngồi trong bếp vừa nghe Radio vừa lơ đãng lật mấy tờ Catalogue tuần này, thấy quảng cáo Father's Day special, mới nhớ Chủ Nhật sắp tới đây là ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9, tức là ngày của các ông bố ở Miệt Dưới mình. Cũng thật trùng hợp, radio đang cho phát bài You Raise Me Up của Secret Garden do Josh Groban hát lại.

Tôi nhớ MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có lần phàn nàn nhạc Việt có rất nhiều bài nói về lòng mẹ, nhưng lại có quá ít bài hát về bố. Còn hình ảnh người cha trong nhạc ngoại quốc thì sao? Google sơ qua về những bài tiếng Anh, tôi thấy có top 25, tức là ít nhất phải hơn 25 bài hát có hình ảnh người cha trong đó. Tôi có nghe thử, nhưng không bài hát nào làm tôi xúc động cho bằng You Raise Me Up. Chỉ với câu "I am tall when I am on your shoulder", tôi đã thấy chứa đựng đầy ắp thứ tình phụ tử rất đỗi thiêng liêng.

Con nít Miệt Dưới giờ này chắc đã vẽ và tô màu xong chiếc thiệp tặng cha. Quà Father's Day, có thể chỉ là cái khăn tay, một chiếc móc chìa khóa, một cây viết, chắc đã được gói lại đẹp đẽ và cất kín đâu đó cho ngày Chủ Nhật sắp tới. Cha mẹ chúng có lẽ cũng đã chuẩn bị xong xuôi quà cáp cho ông nội, ông ngoại lũ trẻ. Tôi chắc cũng có những người con bận rộn, ở ngay giây phút này đây đang lục lọi từng gian hàng trong mấy shopping mall để tìm kiếm món quà thích hợp mua tặng cha.

Tôi đã thôi không cần suy nghĩ, tìm kiếm quà tặng cho ngày Father's Day từ mười năm nay. Từ lúc ba tôi mất đi, tôi không còn cái thú đi lùng khắp mấy tiệm vải, tìm mua loại hàng cotton mềm mại may quần đùi cho ông, loại quần boxer đơn giản vừa với người Á Châu ba tôi quen mặc, mà ông bảo không thấy bán ở bên này. Món quà Father's Day cho ba tôi bây giờ chỉ còn gói ghém trong cây đèn cầy cháy 24 tiếng, là bó hoa tươi mua ngoài siêu thị, là những đóa hồng đầu mùa đẹp nhất hái trong vườn và bọc cát trắng, để thay mớ cát cũ đã nhuộm màu hồng trong bát nhang ngoài mộ, mấy nắm cát mà tôi đã đem về từ những vùng biển vắng trong những lần lái xe đi chơi xuyên tiểu bang.

Hình ảnh đứa bé trong bản nhạc, được công kênh sung sướng ngồi trên vai cha, tưởng tượng mình là Phù Đổng Thiên Vương cao nhất trần đời, lúc nào cũng làm tôi xúc động. Hình như chưa bao giờ tôi thấy ba tôi công kênh đứa con nào trên vai. Nhưng hai bàn tay già nua với thời gian, ngang dọc những vết sần sùi chai đá và có hai móng bị dập của ông, hậu quả của mười năm lao động khổ sai trong lao tù CS, đã âm thầm lặng lẽ thương yêu chăm sóc con cái, ngay cả khi các con đã khôn lớn.

Ba tôi là dân tác chiến nên hình ảnh ông mặc quân phục, đội nón sắt, giắt súng với chuỗi đạn bên hông, cùng chiếc máy truyền tin trên xe Jeep quân đội rất gần gũi quen thuộc. Binh lính dưới quyền gặp ông là chân chụm tay chào rất nghiêm chỉnh. Oai vệ là vậy, nhưng về nhà, đối với chúng tôi ông chỉ là một người cha rất đỗi quan tâm và thương yêu con cái như bao người cha khác. Ông rất tình cảm, nhưng ngoài mặt phải ra vẻ nghiêm khắc để dạy con.

Dường như số tôi hạp với cha nên khi còn bé ba tôi đi đâu cũng cho tôi theo, mặc dầu mỗi lần lên máy bay là tôi sợ ói mật vàng mật xanh. Bởi vậy tôi có rất nhiều kỷ niệm với ông. Ba tôi rất coi trọng việc học. Hồi nhỏ tôi không ngoan ngoãn siêng năng như anh chị tôi, ham chơi nhiều hơn học nên tôi bị ăn đòn lia chia. Bị chổi lông gà đét vô mông liên miên, nhưng có lẽ ba tôi xuống tay quá nhẹ nên tôi không ngán. Có một lần thành tích học của tôi bị xuống đến hạng 22/55 học sinh, ông lắc đầu chịu thua, không đánh, chỉ nói nhỏ nhẹ "đội tới 21 cái mông trên đầu không thấy nặng hả con?". Vậy đó, roi đòn không cảm hóa được đứa con ham chơi, thế mà câu nói khơi khơi biểu lộ sự chán nản đó lại làm tôi thấm đòn. Hè năm đó tôi ngoan ngoãn ôm sách vở đi học kèm Toán Lý Hóa với một anh sĩ quan dưới quyền ba tôi, hết còn lì lợm, trốn ngủ trưa đi phá phách như trước.

Đời quân nhân rày đây mai đó, ba tôi lại lãnh công tác ở những vùng được xem như địa đầu chiến tuyến, súng đạn ngày đêm rất nguy hiểm, cho nên ông đưa gia đình vào SG, chỉ một mình ở lại làm phận sự của một vị chỉ huy trong quân đội. Sống xa cha, cho nên mấy đứa em tôi thời thơ ấu không được may mắn có nhiều kỷ niệm với cha như bà chị. Như đứa em út lúc cha đi học tập cải tạo, nó mới có 5 tuổi. Trước đó nó cũng rất ít gặp bố, ba tôi chỉ được về thăm nhà khi có giấy phép. Như để bù đắp cho con, mỗi lần ba tôi về là mua đủ thứ quà. Tôi nhớ có lần ba tôi về trúng dịp gần Trung thu, ông ghé chợ mua bánh với hai chiếc lồng đèn dán giấy kiếng xanh đỏ rực rỡ, uốn hình con bướm và chiếc tàu thủy cho hai đứa con nhỏ nhất. Hai đứa bé châm đèn, ngồi hàng giờ say mê ngắm ánh nến chập chờn lấp lánh, mãi vẫn không chán.

Mỗi lần ba về là nhà vui như Tết, mẹ tôi nấu đủ thứ món ngon, còn tụi tôi thì đứa nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi. Thời đó mỗi đầu tháng, ba tôi được lãnh lương là tụi tôi cũng có phần. Ba tôi có lệ phát "lương" cho tụi tôi theo tuổi, thí dụ như anh tôi 14 tuổi thì được 14 đồng, tôi 8 tuổi thì được phát cho 8 đồng tiêu vặt. Tôi nói ví dụ vậy thôi chớ không nhớ chính xác là 8, 80, hay là 800 đồng. Tụi tôi còn có thêm "bonus" nếu tháng đó đem Bảng Danh Dự về trình cho ông, nhiều ít tuy vào thứ hạng cao thấp.


Ba tôi đi cải tạo mười năm, lúc ông về thì mấy đứa con lớn đã vượt biên, nhà chỉ còn mẹ tôi và hai đứa em út. Hai đứa em nhỏ chẳng còn nhớ mấy về cha, cho nên ba cha con lại phải làm quen với nhau. Ba tôi lúc đó chỉ biết dồn hết tình thương vào hai đứa con bé nhất. Em tôi đã lớn lên như những đứa bé mồ côi cha, mười mấy tuổi đầu mới được hưởng tình phụ tử, rất đỗi muộn màng.

Đến lúc qua Úc ba tôi lại phải làm quen với lũ cháu nội, ngoại, trước đó chưa bao giờ thấy mặt. Một ngày của ông rất bận rộn, đưa đón lũ cháu đi học, cuốc đất trồng cây, dựng giàn su su, loay hoay chấm nhụy cho bông bầu. Làm gì thì làm, nhưng cứ tới 6 giờ chiều là ba tôi ngưng hết để xem tin tức. Dường như ông ghiền tin tức thời sự, đài nào ông cũng xem, hết đài số 10 ông chuyển qua ABC, rồi SBS. Tôi may mắn có ba mẹ ở chung, bếp núc mẹ nấu tôi không phải lo. Con tôi đi học có ông ngoại đưa đón. Ba tôi thiếu tình mẫu tử lúc còn rất trẻ, ông nội tôi lại có hai dòng con, cho nên ba tôi hiểu rõ hơn ai hết nỗi tủi nhục của một đứa bé thiếu cha, thiếu mẹ. Gia đình tôi lại hiếm con trai, có lẽ vì vậy mà ông rất thương thằng cháu ngoại mồ côi cha từ bé. Mỗi bữa ăn ông đều tự tay xé thịt, tỉ mỉ gỡ xương cá bỏ vô chén cho cháu khỏi mắc nghẹn. Những năm đầu Tiểu Học, mỗi lần gần đến ngày Father's Day là con tôi hớn hở đem về tấm thiệp nó vẽ ở trường, nôn nóng chờ đúng ngày để tặng ông ngoại.

Thương con cháu như vậy, nhưng dường như chưa bao giờ tôi nghe ba mẹ nói ra. Kiểm điểm lại chính mình, tôi nhớ tôi chỉ nói thương ba một lần duy nhất lúc ba tôi đang hấp hối. Ở bên này tôi thấy cha mẹ con cái thường xuyên biểu lộ tình thương, nói "i love you" rất dễ dàng. Tôi đem chuyện nầy hỏi mẹ, bà chỉ cười "cha mẹ nào lại không thương con, nước mắt chảy xuôi con à". Quê nội tôi ngoài Huế, nghe mẹ kể gia đình ba tôi thuộc dòng dõi quan chức trong triều đình nên rất nghiêm khắc. Còn ông ngoại tôi là Đốc Học cho nên con cái cũng phải tuân theo đủ thứ lễ nghi, sợ cha còn hơn sợ cọp. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà ba mẹ tôi giống nhau ở chỗ thương để trong lòng chớ không quen nói ra. Cha mẹ không nói thì con cái lại càng khó nói hơn. Đến đời con cái chúng tôi thì... loạn, con tôi cứ hở một chút là "love you, mum". Đám cháu con anh chị tôi thì ôm hôn cha mẹ là chuyện rất bình thường.

Ba tôi mất đã mười năm, vậy mà mỗi lần bắt gặp một cụ già người Á Châu, mặc quần tây, đội mũ nỉ đen, khoác chiếc áo gió màu kem giống ba tôi đi trên đường phố tôi vẫn giật mình thảng thốt. Lần nào tôi cũng rảo bước để nhìn cho rõ, rồi buồn bã đứng nhìn theo bóng ông cụ chậm chạp bước đi. Tôi nhớ ba tôi đứt ruột.

Trong một lần họp mặt gia đình, ngẫu hứng tôi có ngâm nga hai câu:

Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha thác gót con lấm bùn

Đứa em út tôi trầm ngâm một hồi, chân lấm bùn thì không có, nhưng bàn tay con bé lấm lem, đen thui rõ ràng. Từ khi rời tổ ấm cha mẹ, nó mới biết tự mình đổ xăng, bơm bánh, thăm dầu nhớt cho xe cũ cà rịch cà tàng. Hồi xưa ở nhà ba tôi làm hết mọi việc, ông canh ngày xăng hạ giá tự động lái xe đi đổ, mỗi ngày ông dậy sớm đề máy, mở heater sẵn, em tôi chỉ việc ngồi vào xe rồi chạy. 

Mấy đứa cháu ngồi gần đó hóng chuyện. Sau khi tháo giày xem xét chân nhau, mấy đứa bé ngây thơ bàn tán cười ầm ĩ. Thằng con tôi dõng dạc tuyên bố:

- Ca dao tục ngữ không đúng, chân con còn sạch hơn mấy đứa kia. Ca dao nói "mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm". Con không những con được ăn cơm với cá, mà còn được ăn bún thang, phở bò, KFC đều đều.

Người ta nói sảy cha còn chú, con tôi không có chú nhưng may mắn có ông nên gót chân đỏ không lấm bùn, vẫn được hưởng một tuổi thơ vô lo vô nghĩ và một gia đình đầm ấm.

Đúng vậy, bóng người cha, người ông trong thi văn, âm nhạc VN rất mờ nhạt so với chiếc bóng hy sinh, gần gũi của người mẹ. Có những người đàn ông như ba tôi, cô đơn như chiếc bóng bên cuộc đời con cháu, đã âm thầm, lặng lẽ chăm sóc con cháu theo cách riêng của họ, mà con cái mặc nhiên đón nhận, vô tình không để ý tình thương vô bờ bến của đấng sinh thành. Cũng như tôi đã vô tình không để ý, chăm sóc đúng mức cho cha già, để rồi phải rưng rưng nước mắt ân hận, khi bắt gặp những chiếc quần giãn dây thun được túm lại bằng chiếc kim băng, những chiếc áo vá víu, vụng về đến tội nghiệp, khi dọn dẹp tủ áo của cha sau khi ông mất. Bánh xe thời gian không thể nào quay ngược lại cho tôi một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.

Con người ai cũng cần tình thương để sống. Nếu bạn chịu khó để ý nhìn kỹ những việc cha bạn làm mỗi ngày, tôi tin chắc bạn sẽ ngạc nhiên khám phá ra một kỳ quan bí ẩn mà bạn vô tình bỏ quên: trái tim mộc mạc của bố, đơn giản nhưng lại rất nồng ấm, vĩ đại không kém gì lòng mẹ bao la. Trái tim của người trụ cột gia đình đã bị lầm tưởng là cứng rắn, nhưng không phải. Trái tim nầy tuy nghiêm khắc, nhưng cũng cần được thương yêu chăm sóc các bạn ơi.

Nhân ngày lễ của bố, xin gởi đến những người cha Việt Nam: Happy Father's Day!

 


Hồ Thanh Nga

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com