User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Với những người đã từng lớn lên tại quê nhà thập niên 60, chắc hẳn không ai mà chưa từng đón Tết Trung Thu hằng năm. Chắc không cần nhắc thì hình ảnh đó vẫn còn in hoài trong trí nhớ của chúng ta. Những chiếc lồng đèn có khung làm bằng tre và được dán giấy bóng kính (cello paper) với đủ màu sắc và hình dáng ngôi sao, cá chép, con bướm… như câu hát “đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm…. đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng…. các em nhỏ tung tăng rước đèn trên phố với nụ cười rạng rỡ, sáng ngời, còn người lớn ngồi quanh bàn trong sân để ăn bánh dẻo, bánh nướng, uống trà nói chuyện đời hay tháp tùng cùng con cái hòa chung niềm vui… Rồi mỗi năm Tết Trung Thu ngày một phong phú với các kiểu lồng đèn tinh xảo, với những loại bánh ngon lành chất lượng hơn, các em ngập tràn niềm vui tuổi nhỏ… Cuộc sống an lành và không khí thanh bình đó đã không kéo dài mà từ từ vắng lặng dần khi cuộc sống mưu sinh bắt đầu khó khăn, khi không khí chiến tranh lan tràn trên khắp chốn, tuy các em vẫn còn đón tết Trung Thu nhưng đơn giản hơn bằng những chiếc đèn sản xuất hàng loạt hay những đèn giấy xếp cho gọn nhẹ và rẻ tiền hơn, lời hát ngây thơ vẫn còn cất lên nơi các em nhỏ qua buổi rước đèn quanh phố nhưng ánh mắt đã hằn nét ưu tư… Rồi dần dần khi Tết Trung Thu chỉ còn là phương tiện để người lớn mưu cầu cho mục đích tiến thân của mình thì ý nghĩa đón tết Trung Thu đã vượt xa tầm tay, đã trở thành xa xí phẩm cho các trẻ em ở cả nông thôn lẫn thành thị…

Tình cờ dạo trên Youtube, nhìn thấy cảnh tổ chức đón Tết Trung Thu thật rầm rộ ở quê nhà năm nay mà ngỡ ngàng vì cảnh xa hoa phung phí đó. Những xe hoa lộng lẫy, đèn đuốc sáng trưng trên các xe gắn máy chạy kèm, các em học sinh mặc áo quần đồng phục đi học cầm hàng loạt một loại lồng đèn, cứ như là đi diễn hành tập thể trên đường phố theo chỉ thị của người lớn chứ không thấy được nét hân hoan vui thú của các em đang đón tết của mình. Chắc hẳn các em phải thực tập nhiều lần, phải tập họp từ sớm theo đội ngũ để có thể đi dài dài khắp thành phố.Tôi không dám phê bình nhưng trộm nghĩ là Tết của các em thì có cần phải tốn nhiều ngân sách chi tiêu, tốn thì giờ tập luyện, phải mặc đồng phục đi học hàng loạt và xếp hàng ngay ngắn đi rước đèn như thế không? Hình như người lớn đã bỏ mất ý nghĩa của ngày Tết nhi đồng mà chỉ là hình thức để phô trương? Ước chi bớt được một phần những đồng tiền bỏ ra cho việc tổ chức Tết long trọng rực rỡ như thế để giúp đỡ phần nào cho các em, cho gia đình đang gặp cảnh khó khăn trong cuộc sống thì có ý nghĩa biết bao!

 

Tôi không rõ tại quê tôi còn được bao nhiêu khu phố tổ chức lễ rước đèn theo truyền thống cho các em, nhưng những người xa quê hương ở Mỹ, Úc, Canada, Âu châu… cũng đã nỗ lực gìn giữ truyền thống cổ truyền này từ lúc bắt đầu ổn định cuộc sống nơi xứ người và cho đến năm nay thì hầu như lễ hội nhi đồng đã quen thuộc với người bản xứ và các sắc dân khác. Nhìn các em Việt Nam cầm lồng đèn cùng chung với các trẻ em của các sắc dân khác rước đèn trong khu phố được hội đổng địa phương tổ chức. Các em  nét mặt rạng rỡ, nhẩm hát theo bài “tết Trung Thu rước đèn đi chơi” bằng tiếng Việt và đã được dịch nghĩa sang tiếng Anh mà lòng tôi tràn đầy cảm xúc. Các em nơi xứ này hạnh phúc quá, đầy đủ quá khi những món quà gồm bánh kẹo được phát ra các em chỉ ơ hờ cầm trên tay. Chạnh nghĩ lại mà thương cho các em bên nhà. Cũng có nhiều tổ chức hội đoàn quyên góp và gửi quà về Việt nam phân phát cho các em ở những vùng xâu xa, ở trại mồ côi… trong ngày mừng tết Trung Thu dù chỉ là giọt nước trong đại dương hay hạt cát trên bãi biển nhưng ít ra cũng tạo được một chút niềm vui cho những em bất hạnh. Nhìn những tấm hình được gửi qua, nghe những câu chuyện thật xúc động mà ngậm ngùi. Biết đến bao giờ các em mới có được nụ cười ngây thơ, trong sáng như tuổi thơ tôi ngày ấy? Dù khó khăn thế nào, gian truân ra sao, tranh đua giành sống từng ngày nhưng tôi vẫn tin là trong tâm khảm của các em nhỏ quê tôi vẫn còn cái Tình Người.

Tại sao tôi nghĩ thế? Tại một khu trại mồ côi ở Kontum mới đây, các em được gọi ra đứng xếp hàng chờ nhận quà, một em bé nhận xong phần của mình lại ngập ngừng xin thêm phần nữa, giải thích trước cặp mắt ngạc nhiên của người phát quà “vì em có người bạn đang bệnh nằm trong phòng không thể ra nhận quà được”. Rồi tiếng xôn xao từ xa, một em bé khác cõng một bạn mệt lã trên lưng, bên cạnh là các bạn khác đang lăng xăng giúp sửa cánh tay đang thõng xuống, kéo vạt áo cho thẳng khi bạn cõng làm lòi sống lưng v.v… Khi được hỏi sao không để bạn nằm trong phòng, em ngây thơ trả lời “sợ bạn mất phần” Nghe mà cảm động với tình bạn của các em. Hãy tin rằng với cách sống không ích kỷ, biết nghĩ đến người như thế trong một hoàn cảnh còn rất nhiều thiếu thốn khó khăn về vật chất lẫn tinh thần thì các em không thể nào là những người xấu trong xã hội được. Hơn thế nữa, các em vẫn còn đầy đủ nhân cách, biết tự trọng khi ngồi dưới đất ôm món quà vào lòng một cách trân trọng, chậm rãi ngắm nhìn từng món rồi từ từ đưa lên mũi ngửi mùi thơm của bánh, của kẹo, của áo quần mới, rồi nhắm mắt như tận hưởng thêm cái hạnh phúc ấy lâu hơn… Sau đó các em mới từ từ mở tấm bánh, cái kẹo ra để nhâm nhi, gặm nhấm, để thưởng thức hương vị của nó. Thế đấy, tư cách này không phải ai cũng có được, làm được mà chính là nhờ sự dạy dỗ vô cùng kỹ lưỡng, chu đáo của các nữ tu trại mồ côi đó mà tôi tin là chỉ có những thương yêu đùm bọc, những nhân từ bác ái độ lượng, những gương sáng hy sinh của các vị mới cải hóa được các em thành con người  xứng đáng như thế.

Tôi không được chứng kiến tận mắt nhưng với những lời kể từ các bạn đi chuyến ấy làm tôi ứa lệ… Cảm phục thay  tấm lòng quảng đại, hy sinh phục vụ tha nhân của các vị. Mong làm sao có một ngày nụ cười ngây thơ hạnh phúc sẽ nở trên môi những trẻ em bất hạnh nơi quê nhà khi cầm chiếc lồng đèn hát to “bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già , ôm một mối mơ…”“tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”

Hãy là một giấc mơ có thể thực hiện được em nhé!

Hồ Diệu Thảo

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com