User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Quê chị ở miền Tây mà sao chị luôn nhắc đến Tây Nguyên? Những địa danh xa lạ, tôi chưa từng nghe và chưa từng đặt chân tới… Những con người nghèo khổ, sống đời du canh du cư. Lại thêm những người rời xa gia đình, người thân, từ bỏ tiện nghi vật chất đến đó cùng sống đời kham khổ, thiếu thốn mọi bề với người dân tộc thiểu số. Họ hồn nhiên sống bên nhau giữa núi đồi bạt ngàn. Chị cũng nằm trong số người bỏ phố lên rừng nhưng thêm một tình tiết ly kỳ hơn. Chị bỏ nhà trốn đi!... Dù gọi là chị nhưng chị nhìn thấy mặt trời trước tôi những 17 năm. Khoảng cách ấy không ngăn cản tình thân giữa chị và tôi. Thời tiểu học chị học trường của các Soeur. Phân vân, lưỡng lự giữa con đường đạo và đời, cuối cùng chị tiếp tục học và lấy bằng Tú tài toàn phần khá dễ dàng. Caritas cấp học bổng cho chị du học. Chị sung sướng tự vẽ ra kế hoạch cho tương lai. Chị háo hức chờ đợi ngày lên máy bay. Chị mường tượng ngày đến thăm khu vườn Luxembourg, lang thang nhìn từng chiếc lá khẽ khàng rơi trên bức tượng trắng xóa.

Vật cản đầu tiên mà chị không ngờ chính là gia đình chị. Ba má chị thấy không cần thiết để con gái đi học xa. Con gái có thể học Sư phạm Sài Gòn, đi dạy gần gia đình cũng tốt. Má chị là thầy thuốc Đông y có tiếng của làng. Bà chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tận tình, người bệnh có thể ở lại nhà của bà cho đến khi hết bệnh. Vì điều này mà con cái bà có người bị lây bệnh đậu mùa và sốt bại liệt thời đó. Chị buồn nhưng không bộc bạch với ai. Chị muốn đi xa để mở rộng kiến thức và tầm nhìn. Chị cảm thấy đời mình bó hẹp trong khuôn khổ gia đình. Chị thấy cuộc sống bức bối với suy nghĩ áp đặt của người lớn. Cha mẹ luôn có những lý do để bảo vệ con mình. Họ quên rằng chị có cuộc đời của riêng chị, chị có mơ ước cháy bỏng cho riêng mình. Và chị trốn gia đình ra đi…

Người chị tìm đến đầu tiên là vị Linh mục- người mà chị chỉ biết và liên lạc qua thư từ. Chị quyết định đi và ở lại núi đồi Kala. Kala- một địa danh xa lạ với dân miền Tây- cách trại phong Di Linh (trước đó người ta thường gọi là làng cùi) một ngọn đồi khoảng 7km. Thời đó chỉ có đi bộ là phương tiện duy nhất, thỉnh thoảng mới có xe Jeep vào buôn làng. Mãi vài tháng sau gia đình mới nhận được tin về chị. Kala tập trung nhiều người dân tộc K’Ho. Như những miền cao nguyên đất đỏ, đất Kala có màu đỏ bazan rất đẹp, như thể màu son pha chút bụi mờ. Nhà thờ gỗ nhỏ xinh kiến trúc đơn sơ như nhà rông, chênh vênh trên ngọn đồi. Chị và một ít người tình nguyện đến đó giúp đỡ bà con dân tộc. Chị dạy người dân tộc học chữ quốc ngữ. Các chị khác chăm lo sức khỏe, giúp đỡ họ ổn định đời sống. Ở đó như một cộng đoàn nhỏ, mọi người yêu thương quay quần bên nhau trong tình yêu Chúa… Kala là mối tình đầu nồng nàn, say đắm của chị.

Thời gian sau chị rời Kala đi đến nơi xa hơn Pleikly, cuối cùng là Pleichuet. Pleichuet cách Pleiku hơn 5km, là buôn làng của người Gia Rai, Ba Na… Chị vẫn tiếp tục công việc như trước. Chị cảm thấy công việc thật thoải mái, thật dễ dàng ngay cả việc cho người bệnh uống thuốc dù chị không biết nhiều về thuốc! Bảy năm lướt qua như cơn gió thoảng, chị chưa định hình được  tương lai mình, cứ sống vô tư như cây cỏ núi rừng. Nhân một lần trao đổi, trò chuyện với cậu- vị Linh mục thân quen, chị thấm thía nhận ra rằng  muốn phục vụ mọi người nhiều hơn nữa, chỉ có tình thương thôi chưa đủ mà cần phải có cả kiến thức và chuyên môn. Chị âm thầm ôn luyện lại bài vở sau bao năm lãng quên đèn sách. 27 tuổi chị vào học Y khoa Huế. Mỗi mùa hè-như lời hẹn ước, chị hối hả trở về thăm núi đồi, bản làng thân quen. Tốt nghiệp y khoa chị về lại quê nhà làm việc. Và tôi, chân ướt chân ráo mới ra trường tình cờ về làm việc và ở cùng phòng với chị. Nói là tình cờ vì lúc đó Khoa chị đang thiếu BS, 200 giường bệnh chỉ có vỏn vẹn 02 BS, tôi đành tình nguyện khăn gói qua Khoa Nhi… có lẽ chị và tôi có duyên gặp nhau. Chị ít khi nhắc đến Huế. Có chăng là chị kể thời điểm người dân kinh hoàng tản cư, chạy loạn… Chị hiền lành, giản dị, sống rất nguyên tắc và luôn hướng về người nghèo trong mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm.

Tôi nhớ ngày theo chị đi Kala, trời chiều nhá nhem, mưa lắc rắc, đường trơn trợt, đi tắt từ dốc cao xuống nhà thờ, mấy chị em suýt té nhào. Hôm sau tôi không tin vào mắt mình mới 5g sáng bà con đã tề tựu đông đủ trước nhà Cha. Nói là đi chơi, thực tế chị và tôi gom góp được mớ thuốc tây, nhín chút thời gian khám bệnh cho bà con. Đa số là sốt rét rừng, da tái, mắt vàng nhẹ. Run cầm cập nhưng không hề có viên thuốc nào để uống… chỉ biết nằm trùm mền rên rỉ. Nặng hơn nữa là sốt rét ác tính, họ chỉ biết nhai lá rừng chịu đựng… Đó là lần đầu tiên tôi sống với người dân tộc, tôi đã khóc. Họ nghèo quá, nhà không có một thứ gì… cũng giống những căn chòi xiêu vẹo, trống hoác ở miền Tây quê tôi. Sự giàu sang thể hiện nhiều khác biệt tùy theo đẳng cấp nhưng cái nghèo thì hoàn toàn như nhau. Người lớn lên nương rẫy từ sáng sớm đến chiều mới về. Trẻ con đen nhẻm, tóc khét mùi nắng, đứa lớn địu đứa bé lê la chơi đùa.

Đến Pleichuet vào giờ lễ chiều. Nhà thờ  nhỏ kiểu nhà sàn ọp ẹp. Mỗi giáo dân tay cầm một ngọn nến. Nhà thờ lung linh ánh nến huyền ảo. Sương mù bảng lảng núi rừng, không khí lành lạnh. Thời đó chưa có điện, nước sinh hoạt cả buôn làng hầu như chỉ nhờ vào giếng nước ngọt nhà cậu. Hôm sau tôi thấy rải rác người dân mang những túi nylon nhỏ đựng gạo đến nhà cha. Có người mang theo giỏ cua (giống cua đồng), vài ba con cá bắt được ở suối. “Người ta cho cậu hả cậu? rồi họ ăn gì?” tôi hỏi cậu vì ngạc nhiên. “Không, dân làng cho các con. Đó là tập tục, họ mang những gì có được biếu khách.” Tôi ngạc nhiên xúc động vì lòng hiếu khách của họ. Tôi theo họ đi thăm buôn làng, thăm nhà sàn, nhà rông của họ. Họ thật thà, thẳng đuột như cây rừng, mạnh mẽ như giòng thác. Đời sống họ cũng không khác gì mấy so với bản làng Kala. Tôi cứ thấy lòng mình chùng xuống, nặng trĩu… Chị vui vẻ bảo giờ là khá hơn nhiều so với ngày chị mới đến (người dân biết chữ nhiều hơn, bệnh tật biết đến trạm y tế, biết định cư xây nhà, làm rẫy, biết người Kinh gạt mình...). Chị hỏi thăm không sót một người nào chị quen biết. Dường như chị trẻ lại, sống lại thời tươi đẹp nhất của đời mình. Con sóc nhỏ cứ ngấu nghiến, hai chân trước nhanh thoăn thoắt lặt từng trái cà phê chín bên hiên nhà. Tiếc rằng thời đó tôi chẳng có nổi một máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ, hiếm hoi, dễ thương đến không ngờ. Sau này tôi trở lại Kala, Pleichuet. Nhà thờ đã xây lại. Cậu tuy có tuổi nhưng vẫn tươi vui, dí dỏm đang trông coi việc xây cất nhà thờ. Ngày cậu mất, nhà thờ  còn dở dang, đám tang cậu theo phong tục người Gia Rai. Mọi người dành đêm cuối cùng “đêm Gia Rai“ tiễn biệt cậu. Giáo dân đội khăn tang trắng xóa. Một dải khăn sô cho người gắn bó cả đời mình với buôn làng. Dẫu biết sẽ có ngày ai rồi cũng sẽ rời thế gian này nhưng sao tôi vẫn thầm ao ước thời gian chầm chậm lại để những người tôi thương yêu nán lại bên tôi lâu thêm chút nữa.

Tôi hớn hở thay chị vừa khám bệnh, vừa “trông coi” Khoa -theo cách nói của chị. Chị đưa anh bạn về thăm quê nhà. Tôi mừng cho chị. Vài cuộc tình thoáng qua để lại trong chị ít nhiều nỗi buồn sâu đậm nhưng dù sao chị cũng hạnh phúc vì đã từng được yêu, yêu rất thật lòng. Người chị yêu, yêu chị nhưng cả hai đều tự biết mình không thể đến được với nhau. Họ vẫn biết tin nhau, vẫn thăm nhau khi còn có thể… Anh bạn mới thiếu tế nhị, không khéo đáp trả khi các em trong khoa ý tứ dò hỏi. Vậy là tan vỡ. Anh ta đi không một lời từ biệt… Chị khép kín chuyện lòng mình, sống an nhiên bên các em và bệnh nhân. Các em- cũng chẳng phải họ hàng ruột thịt, có thể là cô bé từ Pleiku, Kontum hay từ quê chị vừa hoàn tất bậc Trung học phổ thông, chị đón về chỗ mình nuôi mấy năm học điều dưỡng. Các em sẽ trở lại quê nhà phục vụ tại trạm xá, BV huyện. Gắn bó lâu dài với chị nhất vẫn là cô bạn điều dưỡng trạc tuổi tôi, từng chung phòng thời tôi ở nhà tập thể của BV. Chẳng phải chị em mà chúng tôi như chị em tự lúc nào. Tình bạn tri kỷ, đồng nghiệp 30 năm. Ngần ấy thời gian, chị và tôi có biết bao kỷ niệm nhớ về nhau. Từ thuở hàn vi chia nhau từng miếng ăn, tấm bánh, thức với nhau suốt đêm khi gặp cas bệnh khó… cùng vui, cùng khóc với nhau chuyện mình, chuyện đời… Bây giờ nhìn lại đã 30 năm! 30 năm thoáng qua như giấc mộng. Tôi vẫn không quên hình ảnh chị ngày đầu gặp gỡ. Tôi vẫn không quên những ngày về quê chị. Từ những chuyến xe đò vất vả đợi chờ đến ngày hai chị em ung dung chở nhau trên chiếc Honda. Những đêm sáng trăng, hai chị em ngồi bên thềm trước hiên nhà thì thầm trò chuyện, mùi hương hoa sứ bảng lảng trong sương. Không gian tĩnh mịch đôi lúc gợi cho tôi nỗi nhớ. Tôi nhớ da diết mấy bậc thềm nhà thờ phủ đầy ánh trăng. Ánh trăng mỏng manh quá không giấu nổi nét thoáng buồn của N….

Đến thăm chị, chị mừng vui như trẻ nhỏ, ríu rít cả ngày. Hình như chị ngỡ tôi hãy còn bé như ngày mới ra trường! Chị bận bịu khám bệnh cả buổi chiều, thỉnh thoảng lại chạy vào nói vài câu thăm tôi. Ngồi suốt buổi chiều có khi đến chạng vạng, tiền thu được là những tờ giấy hai ngàn, năm ngàn đồng nhàu nhỉ. Thời buổi này 3 ngày thuốc uống chị lấy 9.000đ -12.000đ, tiền công khám xem như miễn phí. Mỗi ngày khoảng 50- 60 bệnh nhân, đa số là trẻ em. Những đồng tiền lẻ ít ỏi đó chị gom góp lại khi thì giúp nơi bão lụt khi thì giúp các em học sinh nghèo. Chị chẳng giữ lại gì cho riêng mình…

Tặng chị D.Ngọc Lệ-người bạn lớn, người chị, đồng nghiệp của tôi với lòng yêu thương và quý trọng….


Tháng 7/ 2015
Thanh Thủy

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com