User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

.

Tôi nhìn con bé  ngồi sau, khuôn mặt bầu bĩnh của nó dựa sát vào tấm lưng gầy còm của người phụ nữ  phía trước đang gò người trên chiếc xe đạp cọc cạch, cố gắng rướn đạp lên con dốc trong cơn gió ngược. Tôi giảm tốc chiếc xe ga đời mới, chạy chậm chậm song song với người phụ nữ, và hỏi:

- Con chị đấy à? Bé dễ thương nhỉ? Sáng nay chị đưa cháu đi  văn nghệ à?

Quay qua nhìn tôi, chị cười chào, trả lời trong hơi thở hổn hển:

- Dạ, sáng nay trường cháu bế giảng và phát thưởng, cháu có tiết mục múa giúp vui cho buổi lễ.

Tôi  nhìn hai bàn tay chị đang bấu chặt vào chiếc ghi đông để giữ vững thăng bằng vì dốc khá cao, không đi nhanh được. Đôi bàn tay gầy guộc, xám xịt. Đôi bàn tay ấy có lẽ quanh năm chỉ quần quật ở những nơi nước mặn đồng chua.. Hình như gần hết cuộc đời của các bà mẹ quê đều phải leo dốc cao gió ngược và trên lưng phải cõng cả bầy con. Tôi lại nhìn khuôn mặt đầy phấn trắng của con bé. Cặp mắt to tròn của nó được viền với những đường đen lem nhem chạy quanh. Đôi má được đánh hồng một cách quá mức cần thiết, và vành môi nho nhỏ tô đỏ hỏn với một loại son rẻ tiền nào đó. Tôi chạnh lòng. Có phải hình ảnh mẹ con chị là sự tái hiện quãng đời thơ ấu đầy kỉ niệm buồn của tôi chăng? Tôi nhớ mẹ tôi và một nỗi ân hận cứ âm ỉ như lớp than hồng dưới lớp tro tàn thời gian bỗng bùng cháy lên dữ dội.  

Ngày ấy, hơn bốn mươi năm trước... tôi học lớp bốn của một trường nhỏ ở một vùng quê nghèo xa xôi bên giòng sông Thu..

Dưới cái nắng gay gắt của một buổi sáng đầu hè, mẹ cõng tôi trên lưng vượt qua một đoạn đường làng khá dài, băng qua vài nổng cát nóng từ nhà đến trường. Ba tôi mất sớm nên mọi việc gì cũng chỉ một tay mẹ. Khi đặt tôi xuống trước cổng trường, mồ hôi đã nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ au vì mệt của mẹ. Nhưng dường như mẹ không mệt, cúi xuống hôn nhẹ vào trán tôi, mỉm cười nói nhỏ:

- Con vô lớp đi kẻo cô giáo trông. Múa cho đẹp nghe. Lát nữa mẹ đến đón.

Tôi vội vã bước vào sân trường, lòng hồi hộp sung sướng. Đây là lần đầu tiên tôi được lên múa trong buổi lễ. Ôi, đông thật là đông. Tôi vừa đến cửa lớp, các bạn tôi chạy ra, nhưng thay vì vui đón thì chúng nhìn tôi chằm chằm như nhìn một sinh vật lạ. Tôi còn chưa hiểu điều gì thì một đứa đã há mồm lè lưỡi dài ra rồi nói lớn:

- Trông kìa tụi bây ơi! Cái mặt bà Lan trông như con ma le, dễ... sợ!

Giọng nó đãi ra rồi kéo dài nghe chua lè như giấm.

Một đứa trai khác phụ họa:

- Mẹ hắn đánh phấn cho hắn như hát bội! Bùm bùm bùm !!!

- Còn cái miệng đỏ loét như... như.. cái...

Cả bọn nhao nhao, mỗi đứa một câu chế giễu khiến tôi đứng như trời trồng rồi bật khóc. Chung quanh tôi đứa bạn nào cũng áo quần mới đẹp, tóc tai, mặt mũi tươi tắn hơn ngày thường. Còn tôi, chiếc áo đầm đang mặc là của con một người cô họ ở thành phố thải ra, mẹ xin về để dành cho tôi mặc vào những dịp đặc biệt như hôm nay. Tôi thấy tủi thân, tự ái, và bỗng dưng... giận mẹ. Tôi khóc thật to. Những đứa bạn hoảng hốt chạy vào lớp cả. Qua làn nước mắt, tôi chợt thấy cô giáo từ xa bước đến. Cô xoa đầu tôi, hỏi:

- Việc gì vậy Lan? Sao em khóc?

Tôi tức tưởi nói không ra lời.

Một đứa bạn đứng gần lên tiếng:

- Thưa cô, mấy bạn chọc bạn Lan, nói mẹ bạn đánh phấn cho bạn như ma le...

Cô giáo bật cười, cầm tay tôi:

- Ồ, các bạn đùa đấy, cô sẽ phạt các bạn ấy. Mẹ em trang điểm cho em đấy à? Đẹp thế còn chê vào đâu được. Em khóc làm nhòe phấn rồi. Vào đây cô sửa lại một tí là  đẹp lại ngay.

Cô đưa tôi vào phòng, giặt khăn ướt lau sạch mặt tôi và  bắt đầu trang điểm lại. Một lát sau thì xong, cô vội lên văn phòng, dặn tôi ngồi chờ. Tôi lén nhìn vào chiếc gương soi trên tường, thấy mình đẹp như cô tiên trong truyện cổ tích. Tụi bạn đến gần nhìn. Tôi đọc được trong ánh mắt chúng sự thán phục. Tôi thấy hả dạ. Hôm ấy tôi được khen là xinh nhất và múa đẹp nhất.

Gần trưa, mẹ đến đón tôi về, hỏi tíu tít về buổi lễ và màn múa của tôi. Tự nhiên, khi nhìn thấy mẹ, tôi lại nhớ lời châm chọc của tụi bạn, và sự giận dỗi lại dâng lên. Tôi lầm lì không trả lời gì cả. Buổi chiều tôi lẫy không ăn cơm mặc cho mẹ dỗ dành. Mẹ không hiểu lí do  nên lo sợ tôi bị cảm nắng. Đêm ấy có mấy lần tôi mơ màng thấy bàn tay mẹ chốc chốc lại đặt lên trán tôi để xem tôi có bị sốt hay không. Tôi cảm giác bàn tay mẹ khô ráp, chai sạm. Tôi quay lưng xoay mặt vào tường. Mẹ cúi xuống hôn nhẹ lên má tôi rồi thì thầm: "May quá, con không sốt". Rồi mẹ nhè nhẹ  nằm xuống kế bên sợ  tôi nghe tiếng động thức giấc.

Thời gian qua nhanh, tôi đến tuổi trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp đại học tôi được tuyển vào một công ty nước ngoài với đồng lương rất khá. Nhưng dù đã thư thả hơn mẹ vẫn cứ ngày hai buổi ra đồng cấy lúa, trồng khoai, vẫn quần quật trên mưa dưới nắng. Nhiều lần tôi nói mẹ nghỉ ngơi, đừng làm nông nữa, nhưng mẹ bảo ở không buồn lắm. Tôi biết mẹ đã quen với nếp sống ấy, chỉ khuyên mẹ giảm bớt công việc thôi.

Ngày đám cưới của tôi, mẹ tất bật lo lắng. Buổi sáng rước dâu, khi tôi đang ngồi trang điểm trong phòng với nhiều loại mỹ phẩm đắt tiền, mẹ bước vào, nhìn tôi và nói:

- Con gái mẹ đẹp lắm, đẹp từ hồi nhỏ lận. Bình này là bình chi vậy con?

 Mẹ chỉ vào một cái lọ nhỏ.

 - Dạ đó là bình keo cuốn lông mi.

Mẹ chẳng biết thứ chi vô thứ chi cả. Mẹ cười đôn hậu.

Tôi chợt nhìn thấy bàn tay mẹ đặt trên bàn, đen đúa với làn da khô ráp. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng tôi. Trong chớp mắt cả một dĩ vãng hiện về. Chính đôi bàn tay này đã trang điểm cho tôi đi múa văn nghệ, bị chúng bạn chế giễu, và tôi đã giận dỗi mẹ suốt vài ngày sau đó. Bàn tay đã lo lắng đặt trên trán tôi suốt đêm để xem tôi có bị sốt hay không. Bàn tay quanh năm suốt tháng chỉ sục dưới bùn đen, nước phèn của đồng sâu để nuôi tôi ăn học thành người. Đôi bàn tay ấy  có bao giờ được cầm đến  nụ phấn, thỏi son thì làm sao có thể biết cách để trang điểm cho khuôn mặt con mình. Ôi, đôi bàn tay vụng về khi điểm phấn, tô son, nhưng lại tuyệt vời trong việc đem về cho con sự thành đạt và một cuộc đời hạnh phúc. Tôi run run cầm bàn tay mẹ, áp chặt vào ngực mình, cứ để mặc cho hai hàng nước mắt chảy dài. Có lẽ mẹ không hiểu vì sao tôi khóc, cũng như đã không hiểu vì sao tôi giận mẹ ngày xưa.

- Lan, sao thế con? Mẹ lo lắng hỏi

Tôi nói trong tiếng nghẹn:

- Đến ngày lấy chồng, con mới nhận ra được hạnh phúc của con là từ bàn tay của mẹ.

Tôi không thể nói tiếp, cầm chặt đôi bàn tay mẹ đưa lên môi hôn thật nhiều mà nghe mùi bùn đất, phèn chua ngấm vào hơi thở. Mẹ hiểu, cúi xuống hôn lên mái tóc tôi, rơm rớm nước mắt, rồi nói lớn để tránh bật thành tiếng khóc như tôi:

- Thôi con lo sửa soạn, nhà trai sắp tới rồi đó. Nước mắt làm nhòe phấn, không có cô giáo sửa lại đâu nghe!

- Chị đi đâu vậy?

Tiếng người phụ nữ lôi ngược tôi về với hiện tại.

- Dạ, tôi về thắp hương mộ mẹ tôi. Bà đã mất hơn ba năm nay.

Và tôi quay qua con bé:

- Chúc cháu múa đẹp nghe! Cháu dễ thương quá. Cháu yêu mẹ cháu nhiều không?

- Dạ nhiều. Con bé rụt rè đáp.

- Giỏi lắm. Cháu phải yêu mẹ cháu thật nhiều nhé.

Người phụ nữ phanh xe lại:

- Đến trường rồi, thôi chào chị!

Tôi tắt máy xe đến nhanh bên chị, bắt tay từ giã. Tôi muốn giữ bàn tay chị thật lâu trong tay tôi như chính đôi bàn tay khô ráp của mẹ tôi ngày xưa, để nghe ăm ắp hương vị của đất phèn. Tôi thầm gọi: "Mẹ ơi, làm sao con còn được ôm hôn bàn tay mẹ. Mẹ tha lỗi cho con.."

Ái Nghĩa

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com