.
Chỉ cần một chút tình quê, pha chút lãng mạn, cộng thêm chút yêu thương thế là chúng ta đã có cả một phiên chợ quê ngay trong lòng nỗi nhớ…Nếu có dịp nào đó bạn rong ruổi, lang thang về một vùng quê, hãy dành một chút thời gian để lắng nghe âm thanh cuộc sống. Nơi đó, biết bao nhiêu cảm xúc khiến lòng ta bâng khuâng, có bao điều lặng lẽ mà ta chưa từng biết. Đó chính là cái "hồn quê" còn ẩn khuất sau lũy tre làng.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về lại có biết bao điều để nhớ! nhớ chiều 30 Tết xuống phố cùng Xuân, nhớ đêm giao thừa rền vang tiếng pháo, chẳng ai hẹn ai mà nhất loạt đì đùng đì đẹt, nhớ tiếng tí tách nơi bếp lửa bập bùng, ấm áp giữa đêm khuya khi ngồi canh nồi bánh chưng mong trời mau sáng, và có lẽ nhớ nhất là tiền mừng tuổi…cái không khí rộn ràng ngày ấy đã theo tôi suốt thời thơ ấu đến mãi tận bây giờ.
Mùa xuân theo em đi chợ Tết
Tết là những ngày vui được chờ đợi nhiều nhất trong năm Chắc chắn mỗi chúng ta, ai cũng có những hoài niệm về cái Tết của riêng mình, cái Tết của thời thơ ấu đầy êm đềm, ngọt ngào không có những toan tính, hơn thua như bây giờ. Ngày đó, Tết thực sự là một ngày nắng ấm xuân nồng, tuy không giàu có về vật chất nhưng được quây quần cùng gia đình, người thân bên bếp lửa, bên mâm cơm chiều ba mươi Tết và cùng bạn bè vui vầy bên ly rượu "chúc mừng năm mới".
Đi chợ Tết là điều thú vị nhất với riêng tôi. Nhớ ngày xưa còn bé, có lần được mẹ cho đi chợ Tết, thế là cả đêm nằm thao thức chẳng ngủ được, cứ mong trời mau sáng, chỉ sợ mẹ bỏ quên …. Tôi lẽo đẽo chạy theo sau quang gánh của mẹ ra chợ, nhìn mọi người vội vã, các cô, các bà tay xách nách mang, hối hả xuôi ngược cho kịp buổi chợ sớm bỗng thấy làng quê như náo nức, rộn ràng hơn khi mùa Xuân đang về. Nhiều đứa trẻ miền quê nào mà chẳng có nỗi nhớ mênh mông về những buổi sớm mùa Xuân được theo bà, theo mẹ đi chợ Tết, nhất là hình ảnh người mẹ gánh gồng kẽo kẹt nhiều thứ quà từ vườn ra chợ. Đó cũng là chuyến hành trình đầu tiên ra khỏi lũy tre làng của những đứa trẻ nơi miền quê nghèo.
Lần đầu tiên theo mẹ đi chợ Tết, thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng thích…khi mẹ ghé vào hàng bán trầu cau có bà cụ phúc hậu răng đen hạt huyền. Tôi mải mê ngắm nghía những miếng trầu têm hình cánh phượng được xếp ngay ngắn trên một chiếc đĩa tráng men tròn, đôi bàn tay nhăn nheo nhưng thoăn thoắt của bà cụ làm tôi lạ lẫm nên cứ đứng ngây người đến nỗi bà cụ phải lên tiếng giục: "Thôi đi đi không mẹ anh đợi kìa, lớn lên lấy vợ tôi sẽ têm trầu và biếu không anh cả buồng cau!".
Ngày xưa còn bé chẳng hiểu vì sao người ta cứ cần phải có buồng cau, miếng trầu mỗi khi cưới vợ, mãi đến khi học gần hết bậc tiểu học, nghe cô giáo kể chuyện : "sự tích trầu cau" mới vỡ lẽ, thì ra trầu cau chính là biểu tượng của lòng son sắt thủy chung …rồi khi khôn lớn, lại ước có được cái buồng cau ngày ấy để đem sang nhà…em! Còn bà cụ phúc hậu răng đen hạt huyền ngày xưa giờ cũng đã khuất núi, về nơi vĩnh hằng. Cái ngày tôi đem buồng cau cơi trầu đi hỏi vợ bỗng nghe có chút chạnh lòng, rồi thấy nhớ thấy thương câu nói của bà cụ ngày xưa đến ngậm ngùi, thế mới lạ!!!
Mẹ tôi người đã qua đời
Nhưng tôi vẫn nhớ những lời mẹ ru
"Bướm vàng đậu nhánh mù u
Lấy chồng chi sớm lời ru thêm buồn
Đã bao năm tháng lặng lẽ trôi qua, vậy mà như vẫn còn thoảng đâu đây ánh mắt hiền từ và mùi trầu cay của bà cụ, chiếc lá trầu ngày xưa đã chuyên chở những ước mơ của bao nhiêu chàng trai cô gái nơi miền quê nghèo.
Chợ Tết Việt Nam mang nhiều giá trị nhân văn, nó gắn liền với cộng đồng làng xã mà thiếu nó như mất đi niềm vui ngày Tết, thiếu vắng một sự giao hòa giữa trời đất. Chợ Tết còn là nơi gặp gỡ của nhiều người, từ làng trên xóm dưới, khắp nơi đổ về. Chợ Tết, nơi người ta bày bán đủ mọi thứ sản phẩm, từ những loại hoa quả cây trái miệt vườn đến con cá còn tươi nguyên vừa lưới bắt dưới ao được chở đến chợ rất sớm bằng những chiếc xe ngựa lọc cọc gõ nhịp trên đường phố từ rất khuya nơi ngoại thành.
Chợ Tết xưa và nay
Những hình ảnh quen thuộc như lũy tre, cây đa, bến nước, mái đình …là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Thế nhưng, cái bóng dáng "hồn quê" lại chính là phiên chợ. Nhất là phiên chợ vào ngày 30 Tết thường kéo dài và đông vui nhất, nhiều hàng hóa nhất. Một phiên chợ cuối cùng trong năm, vì thế, ai cũng tất bật mua sắm, sửa soạn, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Cả năm đầu tắt mặt tối "đi cày" cũng chỉ để lo cho mấy ngày Tết được no đủ, đầm ấm. Đó là phong tục của người Việt Nam, dù làng quê bây giờ có nhiều đổi thay, những phiên chợ quê không còn cái "nếp" của ngày xưa nữa. Đến chợ Tết miền quê cho vơi bớt nỗi nhớ, nỗi buồn chứ cái hồn Việt thì đã phôi phai tự bao giờ.
Khoảng chục năm trở lại đây, các thành phố lớn đã có "siêu thị". Thực ra, đó là những cái chợ hiện đại có đủ các loại hàng hóa cần thiết, sang trọng, đắt giá bày trong những căn nhà thật lớn, có máy điều hòa nhiệt độ, có máy tính tiền, có các cô gái xinh xắn sẵn sàng phục vụ khách hàng… Nhưng còn trăm nẻo đường quê từ xuôi lên ngược, vẫn còn những phiên chợ quê họp hàng ngày, họp mỗi tháng trong những túp lều mà phải cúi rạp xuống mới chui ra được, phía sau che bằng mảnh cót cái nong, manh chiếu, nắm rơm trên bãi đất trống, nơi bến sông …nên có câu ca rằng:
Anh về bến nước đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em
Chưa ai tìm hiểu xem những phiên chợ quê ấy có từ bao giờ, ở đâu? Chỉ biết rằng chợ quê nào cũng có nhiều điểm giống nhau.Trước hết là những người đi chợ, lúc nào cũng vội vàng, hối hả, chân đi đất, áo quần lam lũ, đầu đội nón mê, áo vá vai, sẵn sàng mặc cả để có thể mua rẻ được từng xu, từng cắc…
Các bà, các cô đi chợ, chẳng ai mà không ăn quà, ít cũng miếng bánh đa kê, dăm cái bánh rán mật, vui chị vui em thì thêm dĩa bánh đúc, bát bún riêu cua, … Chợ quê nào cũng có hẳn một khu bán đủ loại quà, không cao lương mỹ vị, không quá đắt đỏ, ai cũng có thể vào đấy mà không phải lo lắng, tính toán nhiều đến cái “hầu bao” rủng rỉnh hay lép xẹp. Ngay cạnh đó là khu bán hàng khô, hàng tấm rất gọn gàng, sạch sẽ, riêng khu hàng xén có nhiều cô gái đẹp rất chân quê, tuy mộc mạc mà đằm thắm…nói như nhà thơ Hoàng Cầm:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chẳng thế mà dân gian còn có câu: "Trai khôn tìm vợ chợ đông" để vừa dạy con gái phải trau dồi nết na, tập làm ăn, vừa mách nước cho con trai một nơi để kén vợ đảm đang... Ngày mùa, đông đồng vắng chợ, khu hàng đan lát mây tre càng chộn rộn hơn. Nào rổ, rá, nong nia, giần sàng, thừng chão, nhưng chỉ loáng một cái đã mua xong bán xong, từng bó đòn gánh dựng bên những đống chiếu cao ngồn ngộn … có thứ đã thành câu đố rằng:
Đang đông buổi chợ
Anh vỗ lưng tôi
Anh lôi tôi về
Anh thắp đèn lên
Anh ngủ với tôi
Nếu xem xét ý tứ từng câu thì đây đúng là chiếc chiếu chứ còn là gì nữa. Ngang qua khu vực này, có khi còn ngửi thấy cả mùi bồ hóng thoang thoảng đã ám vào cái rổ, chiếc đòn gánh, đôi quang tre…
Chẳng có chợ quê nào thiếu được cụ già ngồi bán trầu cau, vỏ rễ chay nơi gần cổng chợ. Bà có chiếc vồ dùng để đập dập vỏ rễ chay, chiếc vồ theo thời gian cũng đã già nua như chủ nhân của nó vậy. Bà cụ bán trầu cau ngồi đây đã bao lâu, không ai biết, có khi bà già như tuổi cây đa phía cuối chợ, tỏa bóng xuống ngôi miếu cổ, rêu phong với thời gian.
Các siêu thị chắc chắn không thể có bà cụ bán trầu cau lâu đời, thân tình và gần gũi như thế được. Vẫn còn răng đen, khăn vuông, khăn vấn, còn thắt lưng bao, còn nhai trầu bỏm bẻm. Đó chính là vẻ đẹp thuần khiết của người Việt, Siêu thị cũng không thể có hàng bánh đúc, bún riêu cua, hay bánh đa kê, bánh rán mật…dù siêu thị không bao giờ thiếu phấn son thơm lừng, nước hoa hảo hạng, đồ hộp, trà gói, áo quần nhung lụa, giày dép tân thời…
Khoảng lặng làng quê
Chợ Tết miền quê còn nghèo, hàng hóa mua bán, trao đổi ở các phiên chợ quê ngày Tết cũng chỉ là thứ nông sản thô mộc, dân dã do người dân nuôi trồng, đánh bắt nên giá trị sản vật nhiều khi chẳng đáng là bao, nhưng nó mang một ý nghĩa linh thiêng… mấy bà già móm mém nhai trầu đến chợ có khi chỉ để bán một vài nải chuối chín còn ương, mớ trầu cau, vài con gà mái tơ, dăm ba cái rổ rá bằng tre, có người đến bày bán vài cân bánh in, bánh oản được bọc trong giấy kính xanh, đỏ trông cũng hấp dẫn lũ trẻ con lắm. Đồng tiền kiếm được thực chẳng là bao song đó là niềm vui đựợc tham gia chợ Tết.
Chợt trông bà cụ gánh hàng rong
Nhớ mẹ ngày xưa đến chạnh lòng
Thấp thoáng vai gầy khi đêm xuống
Liêu xiêu dáng nhỏ lúc chiều đông
Những món quà chợ quê giản dị nhưng hương vị của nó chính là hương vị của tuổi thơ, của ký ức quê nhà. Chợ quê không nhiều lời đon đả, mời chào, cũng không hề đôi co níu kéo như ở chốn thị thành. Tết về ai nỡ cãi nhau làm gì, cả năm chỉ đợi có ngày này để đối đãi với nhau lịch sự tử tế. Chợ quê luôn thiệt thà và trọn tình làng nghĩa xóm.
Thế nhưng, bao nhiêu bụi bặm thời gian đã phủ lên mái chợ quê nghèo những rong rêu qua bao mùa lá rụng, lá bàng, lá xoan rơi đầy từng lớp rã mục trên mái ngói xô nghiêng của những phiên chợ quê dãi dầu mưa nắng. Có lẽ chỉ những phiên chợ Tết làng quê mới phải rùng mình trong từng đợt gió mùa đông lạnh giá. Tranh Đông Hồ lớp căng lên vách, lớp bày la liệt trên mặt đất, được chặn bằng hòn gạch vỡ, chiếc dép đứt quai. Hàng chuối, hàng bưởi cũng ngồn ngộn trên mặt đất, chúng được lót dưới bằng nắm rơm nắm rạ cho êm ấm trước khi đi đến từng mái nhà để đón tết mừng xuân.
Chợ Tết là nơi hội tụ đủ mọi sắc màu, mọi thành phần xã hội, đi chợ tết quả là một cái thú vui xuân, vì ở đó đầy tiếng cười, tiếng chào hỏi thân tình và niềm vui như kéo dài mãi. Vì thế, chợ quê là nỗi nhớ của bao tâm hồn xa quê khi không thể về thăm, còn nếu Tết về quê được thì chợ đã tàn, đã vãn phiên,… chỉ để lại những quán lều trống rỗng, tuềnh toàng hoang vắng, làm xao xuyến cả cơn gió thổi từ phương trời xa lạ đến đây rồi luẩn quẩn chẳng biết về đâu. Để nghe lòng trĩu nặng một nỗi buồn miên man.
Buồn như một dấu chấm than
Buồn như lều vắng khi tan chợ chiều
Tết nay không còn như ngày xưa, vì công việc, vì cuộc sống chẳng ai còn thời gian nghĩ đến việc đi chợ tết, tất cả đã được bày bán sẵn trong các siêu thị quanh năm, từ củ hành, củ kiệu đến những hộp bánh tây, những thùng bia rượu, rồi thịt cá đóng hộp, gà đóng gói, ninh, nem, giò chả… chẳng còn thiếu thứ gì, rất đầy đủ.
Nếu đi chợ không mua, không bán gì ấy cũng là đi chợ Tết, đôi khi người ta đến chợ không hẳn chỉ mua bán, trao đổi, mà còn là dịp để gặp gỡ, chia sẻ với người quen, trò chuyện tâm tình cùng bạn bè, hỏi thăm nhau chuyện gia đình nhà cửa "Năm nay ăn tết lớn không chị Năm? Tết này xôm tụ không anh Sáu...?" rồi mời nhau điếu thuốc, ly nước ríu rít kể cho nhau nghe chuyện cũ bao ngày qua. Thế rồi lại chia tay, chóng vánh như lúc đầu gặp gỡ. Những kỷ niệm nho nhỏ ấy đôi khi lại trở thành nỗi nhớ khó quên trong cuộc đời của mỗi người.
Siêu thị thì không như thế. Siêu thị là lạnh lùng, vô cảm, là mua bán xong thì thôi, ra đến cửa, trả tiền là xong, là chấm dứt. Chẳng ai trong người mua kẻ bán biết tên nhau, hỏi thăm xem lứa lợn nái nay ra sao, vườn cải nở hết hoa chưa, cây mai nơi góc vườn năm nay thế nào?...cũng chẳng ai vào siêu thị để tìm chợ tình, để tâm sự, hoặc để lắng sâu kỷ niệm.
Trong sâu thẳm tâm thức của người Việt, hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình, ngôi chùa làng luôn ở vào cung bậc nhạy cảm và có sức gợi nhớ mãnh liệt nhất. Chợ quê vẫn là một phần của cái nghèo muôn thuở, không nước hoa son phấn, có chăng chỉ là hương thơm từ bông hoa bưởi, hoa nhài, hoa sen, hoa ngâu, bồ kết hoặc mùi thơm từ ngọn rau húng quế rau tía tô trong hàng quà nơi góc chợ, mà người ăn cứ tha hồ xì xụp, thoải mái chẳng phải ngượng ngùng. Chính vì thế mà các bà các cô hiếm khi vắng mặt ở những buổi chợ.
Tháng tám chiếu chỉ vua ra
Cấm quần không đáy người ta ngại ngùng
Không đi thì chợ chẳng đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang!
Chợ quê ngày Tết là nơi san sẻ cái tình làng nghĩa xóm, gửi tặng chút hồn quê mênh mang đến mọi người, mọi ngả đường về nơi thôn xa, mùi hương đồng cỏ nội như còn vương vấn trên lối mòn, trên những ngọn đồi, trên con đường đê, lũy tre và tới tận bến sông …chợ quê trở thành nỗi nhớ không ai có thể xóa nhòa hay quên lãng… nó trở thành miền ký ức thiêng liêng của bao người Việt từ xa xưa cho đến tận hôm nay, nhất là những người may mắn đã một lần được tham gia phiên chợ quê ngày Tết.
Đến với chợ quê, ta tìm thấy sự bình yên thanh thản. Người nhà quê luôn thắm đượm nghĩa tình cho dù cuộc sống còn đạm bạc, còn nhiều vất vả, khó khăn.Vì thế mà nhiều người thành phố ngày Tết thường rủ nhau về quê, phải chăng để tìm lại những hoài ức đẹp, những yên bình thời thơ ấu, để sống lại với bao cảm xúc êm đềm, chân thật thấm đẫm tình người, tình quê hương.
Riêng tôi, cứ mỗi độ xuân về, lại thấy nhớ tiếng gà gáy râm ran trong xóm, tiếng gà nhà này nối tiếp nhà kia cứ vang xa mãi tận cuối xóm, cuối làng.
Mùa xuân tha hương xứ người
Tôi cũng đã mấy lần đón Tết xa nhà, xa quê nên phần nào hiểu được nỗi nhớ nhung canh cánh bên lòng của những người tha hương viễn xứ khi Tết đến Xuân về. Dù cho ở bất cứ nơi đâu, thì tiếng chuông ngân vang trong đêm trừ tịch vẫn cứ buồn man mác một nỗi nhớ quê hương da diết đến cháy dạ, cháy lòng.
Tết xưa bếp lửa mẹ ngồi
Bên con mẹ kể chuyện đời con vui
Xuân nay xa cách ngậm ngùi
Bánh chưng như vẫn thiếu mùi quê hương
Những khoảnh khắc linh thiêng, huyền diệu lúc đất trời giao hòa như vẫn còn nặng trĩu trong tâm hồn mỗi người con xa xứ. Phút giao thừa, mùi hương trầm thơm ngát tỏa ra từ bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình, từ cửa đình, cửa chùa cổ kính trầm mặc bên dòng thời gian, hòa quyện cùng làn gió nhè nhẹ lan tỏa khắp mọi góc phố, làng quê… khiến không gian trở nên thanh khiết, ấm cúng lạ thường.
Còn chốn nào đẹp hơn quê hương mình, còn nơi nào yêu thương hơn nơi mình đã sinh ra và lớn lên từ câu hát của bà, lời ru của mẹ bên cánh võng đong đưa kẽo kẹt mỗi trưa hè. Ôi! Lời ru nhẹ nhàng đằm thắm. Mẹ âu yếm mỉm cười vỗ nhẹ lưng tôi, phe phẩy chiếc quạt đưa tuổi thơ tôi chìm vào giấc ngủ bao dung. Những ngày đi xa, bất chợt nghe được lời ru, câu hát thảo hiền ầu ơ, cánh cò, cánh vạc lòng tôi lại bâng khuâng thuở ấu thơ, những ngày sống hồn nhiên chân trần đạp gió, hái hoa bắt bướm, cùng nỗi nhớ làng quê da diết, nơi có bà, có mẹ đang ngày đêm mòn mỏi, ngóng trông …
Ai về làng cũ hôm nay
Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi
Con đi miệt, mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương...
Trong cái ráng chiều, những giọt nắng hanh vàng còn sót lại bên hiên nhà như lặng lẽ tiễn đưa ngày vào tối. Xa xa ngoài kia nơi cánh đồng, trên con đê, đám trẻ mục đồng cùng đàn trâu cũng rục mõ về làng… tiếng trống múa lân ngoài sân đình càng lúc càng rộn ràng, giục giã báo tin mùa xuân đang về trên khắp đất trời quê hương.
Phan Văn Thanh